Du khách đứng trước một tác phẩm nghệ thuật có hình tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở công viên Livadia ở Yalta, Crimee, ngày 08/02/2025. REUTERS - Alexey Pavlishak

 

 

THẾ GIỚI - Liệu kịch bản về ba siêu cường Mỹ, Nga và Trung Quốc phân chia lại thế giới có khả thi? Bị Washington bỏ rơi, Âu châu nên tự thân vận động hay xoay sang Bắc Kinh như một cách “uống rượu độc giải khát”? Bầu cử tại Đức, cử tri có đang “trừng phạt” đảng của thủ tướng Olaf Scholz? Từ bao giờ Đông Nam Á trở thành thiên đường cho các nhóm lừa đảo và buôn người? Đây là những chủ đề chính được các báo Pháp số ra hôm nay, 21/02/2025 quan tâm.

 

 

 

Trật tự thế giới tam cực 

 

Sau cái bắt tay đầy bất ngờ giữa Washington và Moscow về hồ sơ Ukraine, nhiều tờ báo Pháp không ngừng đặt câu hỏi về ý đồ thực sự của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhật báo Le Monde trích dẫn phân tích của chuyên gia Benoît Vermander, giảng viên trường đại học Phúc Đán, Thượng Hải, về các kịch bản phân chia thế giới mới mà ông Trump có thể đang hướng tới. 

 

Kịch bản đầu tiên là giả thuyết về một liên minh tạm thời giữa Hoa Kỳ và Nga. Sở dĩ Hoa Kỳ chịu nhượng bộ Nga như vậy là vì ông Trump muốn tách Moscow khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, từ đó giúp Washington có thể nhắm chính xác mục tiêu vào đối thủ lớn nhất của mình : Trung Quốc. 

 

 

Kịch bản thứ hai là thay vì đối đầu, Mỹ sẽ lựa chọn bắt tay với cả Nga và Trung Quốc, nhằm thiết lập một “liên minh ba bên”. Liên minh này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian cần thiết, đủ để giúp mỗi nước đạt được những mục tiêu quan trọng của mình. Hoa Kỳ chiếm Groenland, Panama, và thậm chí là biến Canada thành bang thứ 51; Nga hoàn thành việc xâm lược Ukraine, tiến tới các quốc gia Baltic, kiểm soát Hungary và một số nước khác; còn Trung Quốc thì rảnh tay khai triển quân sang Đài Loan và bành trướng tại Biển Đông ... Và nếu như cuộc gặp giữa “ba vị hoàng đế” Trump, Putin và Tập diễn ra, như có lần tổng thống Mỹ từng đề nghị, thì nó sẽ đánh dấu sự ra đời của một trật tự thế giới mới : trật tự thế giới tam cực. 

 

 

Ông Vermander nhận định rằng ba nhà lãnh đạo này có nhiều điểm chung đến bất ngờ. Họ coi thường mô hình Nhà nước dân chủ, ám ảnh với tham vọng mở rộng lãnh thổ, đồng thời bên này lo sợ bên kia có thể một tay thay đổi trật tự chính trị. Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, sự hợp tác phân chia thế giới giữa “liên minh ba bên” này sẽ rất mong manh. Điều gì sẽ xảy ra sau khi họ bắt tay? Trung Quốc sau khi chiếm được Đài Loan sẽ nhanh chóng muốn thâu tóm cả Thái Bình Dương. Nga một khi chiếm được một phần của đế chế cũ sẽ lại càng muốn kiểm soát toàn bộ. Tương tự như vậy, tham vọng của Mỹ chắc chắn sẽ chẳng dừng lại ở Groenland hay Panama. Và điều xảy ra tiếp theo là các ông lớn sẽ xung đột lợi ích ở các vùng lãnh thổ còn sót lại trên địa cầu, như Trung Đông, Phi châu hay Mỹ Latinh. 

 

 

 

Mỹ phủi tay, Âu châu nên tự cứu lấy mình hay xoay chiều sang Trung Quốc?

 

Về phía Âu châu, sau khi bị gạt ra bên lề cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và người đồng cấp Putin, lục địa già ngày càng lo ngại cho tương lai của Ukraine và của chính bản thân mình. Le Monde chạy tựa : “Âu Châu nỗ lực tác động cuộc đàm phán sắp tới”. Tờ báo nhận định châu Âu đang cảm thấy bị thúc ép hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự gần gũi đột ngột giữa Mỹ và Nga. Không ít người coi đây là một hành động “phản bội” của Washington, hay một “sự thay đổi đồng minh”, như phát biểu của cựu ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, trên Franceinfo. Ông bày tỏ lo ngại : “Mỗi ngày, Putin lại giành được một chiến thắng (…) Việc Trump tấn công Zelensky cũng là một chiến thắng, vì nó nhằm mục đích làm suy yếu tính hợp pháp của tổng thống Ukraine, giống như cách mà Điện Kremlin đã làm kể từ đầu cuộc chiến”. 

 

 

Trong khi thủ tướng Đức, Olaf Scholz, lên án những phát ngôn “sai lầm và nguy hiểm” của người đứng đầu Tòa Bạch Ốc có thể giúp đỡ Vladimir Putin, thì nguyên thủ Pháp tránh chỉ trích trực tiếp, để có thể duy trì liên lạc với tổng thống Mỹ. Emmanuel Macron sẽ đến Washington, có thể vào “thứ Hai tới”, thủ tướng Anh Keir Starmer cũng sẽ sang, với hy vọng làm thay đổi tiến trình các cuộc đàm phán sắp diễn ra, “nếu còn kịp”. Đồng tình với quan điểm Macron không vội phát biểu để tránh làm phật lòng nguyên thủ Mỹ, nhưng tờ báo cánh tả Libération cũng bày tỏ lo ngại khi đặt câu hỏi nếu chúng ta không phản đối những luận điệu sai trái đó thì điều gì sẽ xảy ra? Có thể chúng ta sẽ dần quen với những lời nói dối kia và dần chấp nhận một xã hội “thác loạn vô nhân tính mà Trump, Musk và các tay sai muốn áp đặt lên thế giới”.

 

 

Trước tình cảnh bị Mỹ bỏ rơi và nguy cơ bị Nga đe dọa an ninh, đâu là lối thoát cho Âu châu? Tờ Le Monde nhận định lục địa già cần xếp hạng các mối nguy hiểm, và mối nguy lớn nhất hiện nay là sự hình thành trục Washington – Moscow. So với Mỹ và Nga, Trung Quốc ở thời điểm hiện tại dường như là một mối nguy ít mang tính đe doạ hơn và cởi mở với đàm phán hơn. Mặc dù Trung Quốc vẫn thường xuyên cố gắng chia rẽ Âu châu, nhưng ít ra họ đã kiềm chế, chẳng hạn như không tiếp cận các đảng cực hữu, điều vốn trái ngược với các chính sách can thiệp của Nga và Hoa Kỳ. Âu Châu cũng đồng thời cần tái cấu trúc các chiến lược ngoại giao với các đối tác Ấn Độ, Phi châu, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. 

 

 

Trong khi đó, tờ Les Echos cho rằng Âu châu có thể tự thân vận động, dù biết rằng điều này sẽ không hề dễ dàng. Trong một thế giới nơi các đế quốc không ngừng muốn bành trướng, Âu châu nhỏ bé và cô độc, “suy yếu từ dân số, kinh tế, công nghệ đến quốc phòng”. Tuy nhiên, tờ báo lạc quan nhận định rằng khối 27 nước vẫn có thể ngăn cản được Nga tái xâm lược Ukraine, hay các nước vùng Baltic, bằng cách đoàn kết và quyết tâm làm điều đó cùng nhau. Les Echos cũng đưa ra kịch bản rằng Âu châu có thể tự phát triển nền công nghiệp quốc phòng và rời bỏ NATO, “vốn chỉ còn là một cái vỏ”.  

 

Nhưng điều này liệu có khả thi? Nhật báo thiên hữu Le Figaro trích một nguồn tin quân sự, cho rằng “Liên Âu có thể tự bảo vệ mình mà không cần tới Mỹ (…) Tuy nhiên vấn đề ở đây là một số quốc gia Âu châu không thể tưởng tượng nổi đến việc làm điều đó mà không có Mỹ.” Paris đã có lần đưa ra giả thuyết về việc khai triển một lực lượng để bảo vệ đằng sau Ukraine. Tuy nhiên, Berlin, Warszawa và Madrid đã bác bỏ ý tưởng đó. Và rồi hôm ngày 20/02, tổng thống Macron đã tuyên bố rằng : “Pháp không có ý định gửi quân đội tới chiến trường, tham chiến trong một cuộc xung đột”. Thay vào đó, ông đề cập khai triển “một chiến dịch gìn giữ hòa bình dọc theo tuyến mặt trận, dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc.” 

 

 

 

Đức : “Đất nước đang kiệt sức, xã hội đang kiệt sức"

 

Các báo Pháp cũng dành nhiều sự quan tâm đến cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ Nhật, 23/02 tới đây tại Đức, vốn được đánh giá là “cuộc bầu cử trọng yếu với Âu châu”. Trong bối cảnh trụ cột còn lại của Liên Âu là Pháp vẫn loay hoay trong cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ kể từ sau lần giải tán Quốc Hội, mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc bầu cử lập pháp ở Đức. Tờ Libération phân tích tình hình lần này thật sự khó khăn với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) của thủ tướng Olaf Scholz. Với khoảng cách 10 điểm trong các cuộc khảo sát gần đây so với đối thủ của mình, ứng cử viên của đảng này là ông Friedrich Merz có rất ít cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. 

 

 

Mặc dù chiến dịch vận động khá tốt, tập trung vào việc bảo vệ nhà nước phúc lợi và cảnh báo nguy cơ liên minh giữa đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và phe cực hữu, thất bại của ông vẫn là điều không tránh khỏi. Thậm chí đây còn có thể là một thất bại lịch sử khi SPD được dự đoán chỉ giành được khoảng 15 phần trăm số phiếu bầu, so với gần 26 phần trăm vào năm 2021. 

 

 

Cử tri Đức dường như đang “trừng phạt” chính phủ của thủ tướng Scholz, một liên minh giữa đảng Xã hội Dân chủ, đảng Xanh và đảng Tự Do, vì những tranh cãi và sự bất lực của họ trong việc thông qua các đạo luật. Chính phủ sắp mãn nhiệm đã không ngừng do dự trong các vấn đề về nguyên tử, Ukraine và cả ngân sách liên bang. Nước Đức đang sống trong nỗi lo sợ về sự suy giảm chính trị, kinh tế và xã hội. Ông Omid Nouripour, cựu chủ tịch của đảng Xanh cảnh báo : “Đất nước đang kiệt sức. Xã hội đang kiệt sức. Chúng ta đang phải trải qua quá nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc.

 

 

Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos tập trung phân tích những thách thức mà tân thủ tướng cần giải quyết khi lên nắm quyền. Ngoài việc phải đối mặt với tình hình địa chính trị đang sôi sục, chính quyền mới còn cần nhanh chóng cải tổ nền kinh tế nước nhà. Kinh tế Đức vốn đã bị suy yếu rất nhiều bởi chi phí năng lượng tăng cao sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, cùng với đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Đức lại một lần nữa bị coi là “bệnh nhân của Âu châu” và cần phải thay đổi mô hình kinh tế của mình.

 

 

 

Tam Giác Vàng, thiên đường lừa đảo và buôn người

 

 

Về thời sự Á châu, nhật báo Công giáo La Croix có bài viết về nạn lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới. Theo Liên Hiệp Quốc, đây là “một trong những chiến dịch buôn người phối hợp lớn nhất trong lịch sử”, được hình thành sau khi các sòng bạc khổng lồ trở nên vắng khách du lịch trong đại dịch Covid-19. Kể từ đó, các trung tâm lừa đảo mọc lên như nấm ở khu vực Tam giác vàng, nơi giao nhau giữa Miến Điện, Thái Lan và Lào. Cuộc đảo chính ở Miến Điện đã biến nơi này thành sân chơi lý tưởng cho các mafia Trung Quốc. Theo Viện Hòa bình Hoa Kỳ, ngành kinh doanh này thu về khoảng 43 tỷ đô la mỗi năm, tương đương hơn 40 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ba nước Lào, Cam Bốt và Miến Điện cộng lại. 

 

 

Phần lớn lao động bị lừa tới đây vì tin vào viễn cảnh có được công việc với mức lương đáng mơ ước. Nhưng rồi họ bị giam giữ trong các trung tâm viễn thông khổng lồ, bị buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trên các mạng xã hội từ Á châu đến Âu châu. Các nạn nhân chủ yếu đến từ Đông Nam Á, nhưng cũng có cả từ khu vực hạ Sahara ở Phi châu. Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol đã thu thập lời khai của nạn nhân, cho thấy họ bị tra tấn, bạo lực tình dục “và thậm chí là buôn bán nội tạng”. Kể từ khi các vụ bắt cóc liên tiếp ở Thái Lan được công khai, quốc gia này đã mất gần 10 phần trăm khách du lịch. 

 

 

Ba nước Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc đang hợp tác để ngăn chặn mạng lưới lừa đảo trực tuyến rộng lớn này. Trung Quốc đã thực hiện một số vụ bắt giữ các nhân vật lớn trong giới mafia, có dính líu đến các vụ buôn người xuyên biên giới, trong khi Miến Điện cho biết từ giữa tháng 10/2023 cho tới tháng 01/2025, quân đội Miến Điện đã thả gần 55.000 nạn nhân, trong đó có 53.000 người Trung Quốc. 

 

 

 

(Theo RFI)