Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 119.276 trường hợp mắc COVID-19 và 3.227 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh vượt ngưỡng 8 triệu người. Nguy cơ làn sóng dịch thứ hai đang hiện rõ khi virus lây lan trở lại ở một số nước đã kiểm soát thành công dịch.

 

 

Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 được chuyển tới bệnh viện ở Breves, Brazil, ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP.

 

 

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/6 (giờ GMT+7), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 8.103.343 ca, trong đó có 438.408 người thiệt mạng.

 

Các nước trên thế giới cũng ghi nhận 4.186.916 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện ở mức 54.555 và 3.477.442 ca đang điều trị tích cực.

 

Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu ghi nhận một số tín hiệu tích cực thì nhiều quốc gia khác lại nhận thấy lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai ngày càng có cơ sở khi số ca mắc mới sau thời gian nới lỏng phong tỏa tăng trở lại.

 

 

 

Lực lượng phòng vệ bang Texas, Mỹ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại El Paso. Ảnh: AFP

 

 

 

Mỹ ngừng sử dụng thuốc chữa sốt rét điều trị COVID-19, lùi giải Oscar

 

Ngày 15/6, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo rút lại cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp đối với các loại thuốc chữa sốt rét trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không có hiệu quả trong điều trị, ngược lại có thể có những tác dụng phụ gây chết người. Đây là thuốc mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần ca ngợi trong điều trị bệnh COVID-19, thậm chí khẳng định ông đã sử dụng thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine mỗi ngày một viên trong khoảng một tuần rưỡi để phòng ngừa COVID-19.

 

Cùng ngày, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ thông báo lễ trao giải Oscars, lẽ ra phải được trao vào ngày 28/2/2020, sẽ được lùi đến ngày 25/4/2021.  Đây là lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua, lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh bị hoãn.

 

Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 403 ca tử vong vì COVID-19 và 19.614 ca nhiễm virus, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.181.842 người, trong đó có 118.267 ca tử vong và 879.981 bệnh nhân đã hồi phục. Thời gian gần đây số ca tử vong do COVID-19 Mỹ đã giảm đáng kể, tuy nhiên số ca nhiễm virus mới vẫn liên tục ở mức 5 con số, làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ 2 khi các bang chuẩn bị mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. 

 

 

 

Người vô gia cư trên một đường phố ở Bogota, Colombia, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP.

 

 

 

Mỹ Latinh có thể đang trong đỉnh dịch

Trong khi đó, Mexico được cho là đang trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 với 146.837 ca mắc bệnh (tăng 4.147 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 17.141 ca tử vong. Bộ Y tế nước này dự báo số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người đồng thời nhận định làn sóng dịch thứ nhất sẽ kéo dài tới tháng 10 và dự kiến làn sóng dịch thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.

 

Còn tại Colombia, số ca mắc COVID-19 đã ở mức 53.063 ca, trong khi số ca tử vong là 1.726 người. Tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh khi ghi nhận thêm 1.629 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 44.067 ca, trong đó có 1.198 ca tử vong.

 

Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số ca nhiễm virus được xác nhận trong 24 giờ qua đã vượt qua cả Mỹ, lên tới 20.389 trường hợp. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 Brazil hiện là 888.271 ca, bao gồm 43.959 ca tử vong, vượt qua Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai thế giới.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Santa Tecla, El Salvador ngày 11/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại châu Âu, nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới. Từ Iceland đến Hy Lạp, nhiều biện pháp hạn chế đối với du khách đến EU và Schengen đã được nới lỏng từ ngày 15/6.

 

Đức dỡ cảnh báo đi lại với 27 nước châu Âu

Từ ngày 15/6 Đức đã dỡ bỏ cảnh báo đi lại với 27 quốc gia châu Âu, nhưng trong danh sách này không bao gồm Tây Ban Nha, và chỉ có một ngoại lệ tới hòn đảo Mallorca của nước này.

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Peter Altmaier tuyên bố Đức sẽ chi 300 triệu eoro để mua 23% cổ phần của công ty công nghệ sinh học CureVac, trong bối cảnh một số nguồn tin cho thấy Mỹ đang để mắt tới công ty này. CureVac là một trong nhiều công ty trên thế giới đang chạy đua phát triển vaccine phòng COVID-19.

 

 

Các loại xe cộ di chuyển qua cửa khẩu biên giới Ba Lan - Đức tại Lubieszyn, Tây Bắc Ba Lan ngày 13/6/2020. Ảnh: PAP.

 

 

 

Anh ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất

Chính phủ Anh thông báo ghi nhận thêm 36 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Anh kể từ ngày 21/3 vừa qua, 2 ngày trước khi nước này thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng 296.857 ca mắc bệnh, trong đó có 41.736 ca tử vong.

 

Ngày 15/6, nước Anh bắt đầu giai đoạn mới nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động, theo đó cho phép mở lại tất cả các cửa hàng bán lẻ được cho là không thiết yếu như các cửa hàng bán quần áo, đồ điện tử, hiệu sách, cũng như các vườn thú, công viên, rạp chiếu phim. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch. 

 

Italy, Đức, Hà Lan và Pháp góp tiền mua 300 triệu liều vaccine

Italy, Đức, Hà Lan và Pháp sẽ đóng góp 750 triệu euro (843,1 triệu USD) cho kế hoạch thu mua 300 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca cho các nước thành viên EU như một phần trong thỏa thuận của EU nhằm đảm bảo việc cung ứng mặt hàng dược phẩm này cho các nước thành viên. Theo đó, toàn bộ các nước thành viên EU sẽ có vaccine phòng COVID-19 ngay khi loại vaccine này sẵn sàng.

 

 

 

Người dân dùng bữa tại một nhà hàng ở Lille, miền bắc nước Pháp ngày 2/6/2020 trong bối cảnh các biện pháp hạn chế do COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: THX

 

 

 

Nga: Thủ đô Moskva chuyển sang giai đoạn nới lỏng tiếp theo

Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin cho biết thủ đô Moskva có thể chuyển sang giai đoạn dỡ bỏ hạn chế tiếp theo, dự kiến vào ngày 16/6. Theo đó, từ ngày này, các nhà hàng và quán cà phê ngoài trời được mở cửa trở lại, trong khi các phòng khám nha khoa cũng được nối lại hoạt động. Các bảo tàng, phòng triển lãm và vườn thú được phép mở cửa đón khách tham quan. Người dân được phép tham gia các sự kiện thể thao, với điều kiện khán đài lấp đầy không quá 10%. 

 

Trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 8.246 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh lên 537.210 người, với 7.091 ca tử vong, tăng 143 người.

 

Slovenia dỡ hàng rào biên giới với Italy

Hàng rào tại khu vực biên giới giữa Italy và Slovenia ngày 15/6 đã được dỡ bỏ sau nhiều tháng được dựng lên nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các thị trưởng thị trấn Gorizia nằm bên phía Italy và Nova Goria ở bên phía Slovenia, vốn bị hàng rào ngăn cách trước đó, đã cắt dải ruy băng, đánh dấu việc mở cửa trở lại biên giới.  

 

 

 

Hàng rào biên giới ngăn cách Slovenia và Italy. Ảnh: Getty Images

 

 

 

Italy đã ghi nhận gần 4.000 ca mắc/1 triệu dân cư, trong khi tỷ lệ này của Slovenia là trên 700 ca. Với dân số vào khoảng 2 triệu người, Slovenia đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 1.500 ca và có 109 ca tử vong, trong khi đã có hơn 34.000 người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này tại Italy. Hiện Slovenia cho phép tự do đi lại tới 19 nước châu Âu, mặc dù các biện pháp kiểm soát vẫn còn áp đặt đối với những người đi từ Anh và Thụy Điển.

 

Phần Lan xem xét hủy bỏ luật tình trạng khẩn cấp

Phần Lan sẽ hủy bỏ đạo luật khẩn cấp được Quốc hội áp đặt hồi tháng 3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm tại nước này đã chậm lại và các biện pháp đặc biệt hiện không còn cần thiết. Phát biểu ngày 15/6, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho rằng hiện không còn cơ sở pháp lý để chính phủ tiếp tục duy trì đạo luật khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp, dự kiến sẽ hết hiệu lực trong cùng ngày. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa mối đe dọa lây lan virus SARS-CoV-2 đã qua

 

 

 

Người dân dạo chơi trên một đường phố ở Brussels, Bỉ, ngày 4/5/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Tây Ban Nha thí điểm mở cửa biên giới cho 10.000 du khách Đức

Ngày 15/6, Tây Ban Nha đã mở cửa biên giới cho một nhóm du khách Đức trong một dự án thí điểm cho phép 10.000 du khách đi nghỉ tới quần đảo Balearic của nước này trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bớt căng thẳng.

 

Các nước châu Âu ngày 15/6 đã nới lỏng kiểm soát biên giới, song Tây Ban Nha, một điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới, vẫn đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang chịu sức ép ngày càng tăng về mở cửa ngành du lịch vốn đóng góp 12% GDP. 

 

Hy Lạp mở cửa hàng không đón du khách nước ngoài

Hy Lạp đã mở cửa trở lại các sân bay lớn của nước này cho các chuyến bay quốc tế nhằm khởi động ngành du lịch sau 3 tháng nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

 

 

 

Người dân xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt tại nhà ga tàu hỏa ở Athens, Hy Lạp ngày 12/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX

 

 

 

Theo đó, các du khách đến từ các sân bay được xếp loại có nguy cơ cao theo đánh giá của Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EU) sẽ được tiến hành xét nghiệm đối với virus SARS-CoV-2 và được cách ly 14 ngày tùy theo kết quả xét nghiệm. Hy Lạp vẫn áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các hành khách đến từ các sân bay khác sẽ được tiến hành xét nghiệm bất chợt. 

 

Hy Lạp có khoảng 700.000 nhân viên làm việc trong ngành du lịch, chiếm 20% sản lượng kinh tế và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của nước này. Năm 2019, Hy Lạp đón khoảng 33 triệu lượt du khách, mang lại doanh thu 19 tỷ euro.

 

Các nước Nam Á: Dịch diễn biến căng thẳng

Số ca mắc COVID-19 tại Pakistan đã lên tới 144.478 người, trong đó  có 2.729 ca tử vong. Giới chức Pakistan cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại nước này có thể tăng lên gấp đôi vào cuối tháng này và có thể lên mức 1,2 triệu người vào cuối tháng sau nếu người dân tiếp tục phớt lờ các quy định như đeo khẩu trang. 

 

Cùng ngày, Bangladesh thông báo đã ghi nhận thêm 38 ca tử vong và 3.099 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tổng số người mắc bệnh tại quốc gia Nam Á này là 90.619 trong khi số ca tử vong là 1.209.

 

 

 

Trẻ em Ấn Độ chờ nhận thức ăn miễn phí ở Kolkata ngày 10/5/2020. Ảnh: IANS

 

 

 

Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, thông báo sẽ tái áp đặt biện pháp phong tỏa từ ngày 19/6 tới trong bối cảnh các ca nhiễm mới tăng mạnh trong khu vực. Thông báo mới của chính quyền bang Tamil Nadu nêu rõ biện pháp phong tỏa hoàn toàn sẽ được áp dụng tại thành phố Chenai, với 15 triệu dân, và các huyện lân cận. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 19/6 và kéo dài đến hết tháng. Ngày 15/6 Ấn Độ ghi nhận 10.243 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 343.026, bao gồm 9.915 ca tử vong (tăng 395 ca).

 

Nhật Bản xem xét nới lỏng hạn chế nhập cảnh với Việt Nam

Đài truyền hình NHK ngày 15/6 đưa tin Nhật Bản sắp sửa ra quyết định nới lỏng đi lại với Việt Nam sau thời gian hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tin cho biết Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận trong nội bộ, cũng như đàm phán việc nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với 4 nước là Việt Nam, Thái Lan, Australia và New Zealand. Trong đó, Việt Nam với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 cùng với yêu cầu mạnh mẽ từ giới kinh tế Nhật Bản sẽ được Tokyo nới lỏng đi lại trước tiên. Đối tượng được xem xét nhập cảnh vào Nhật Bản trước mắt chỉ giới hạn cho những người liên quan đến hoạt động thương mại, kinh tế và thực tập sinh lao động. Thời gian thực hiện có thể được thực hiện ngay trong cuối tháng 6/2020.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Hàn Quốc nguy cơ đối mặt làn sóng COVID-19 thứ hai

Hàn Quốc sẽ đối mặt với một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới với 800 ca nhiễm mới/ngày trong tháng sau nếu chính phủ không áp dụng các biện pháp giãn xã hội nghiêm ngặt. Đây là cảnh báo của một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc, Giáo sư Ki Moran làm việc tại Trung tâm Ung thư quốc gia, đưa ra ngày 15/6 trong một nghiên cứu được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. 

 

Có 36 ca nhiễm mới ngày 15/6, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 12.121, với 277 ca tử vong. Ngày 12/6 vừa qua, giới chức y tế Hàn Quốc đã gia hạn các biện pháp phòng ngừa để phòng COVID-19 cho đến khi số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống 1 con số.

 

Trung Quốc: Thủ đô Bắc Kinh tái áp đặt các biện pháp hạn chế 

Theo hãng tin Anh Reuters, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã buộc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nêu trên sau khi chỉ trong 4 ngày qua, cơ quan y tế sở tại đã ghi nhận 79 ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Đây là điều đáng quan ngại vì Bắc Kinh hiện là nơi tập trung nhiều trụ sở công ty lớn và cũng như nhiều thành phố khác, chính quyền thủ đô đang nỗ lực khôi phục cuộc sống thường nhật cũng như hoạt động kinh tế sau đại dịch COVID-19.  

 

 

 

Cảnh sát gác tại lối vào chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/6, sau khi chợ phải đóng cửa do phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới. Ảnh: AFP

 

 

Giới chức Bắc Kinh cho biết sau khi phát hiện ổ dịch tại chợ Tân Phát Địa - chợ đầu mối có quy mô lớn gấp 20 lần chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán- là nơi bùng phát dịch hồi tháng 12 năm ngoái, có tất cả 7.200 khu vực lân cận và gần 100.000 lực lượng nhân viên kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai tại đây. Ngoài ra, chính quyền cũng đã nối lại việc kiểm tra thân nhiệt tại lối ra/vào các trung tâm thương mại, siêu thị và văn phòng. 

 

Ngày 15/6, chính quyền Bắc Kinh thông báo đã tiến hành xét nghiệm nucleic acid cho 76.499 người, trong đó 59 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng số ca lây nhiễm cộng đồng tại thành phố này hiện là 499 ca.

 

 

 

Người dân sống gần chợ đầu mối Tân Phát Địa được lấy mẫu xét nghiệm ngày 14/6. Ảnh: AFP/Getty Images

 

 

 

Indonesia: Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Indonesia công bố ngày 15/6, trong 24h giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.017 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 64 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ đại dịch bùng phát. Bộ Y tế Indonesia cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới con số lần lượt là 39.294 ca và 2.198 ca. 

 

Singapore chuẩn bị nới lỏng giai đoạn hai 

Bắt đầu từ ngày 19/6 tới, Singapore sẽ bước vào giai đoạn hai của quá trình mở cửa nền kinh tế sau hơn 2 tuần thực hiện mở cửa giai đoạn 1 từ ngày 2/6. Trong giai đoạn 2 này, hầu hết các hoạt động xã hội và kinh doanh sẽ được nối lại như kinh doanh bán lẻ, cửa hàng ăn uống, các cuộc tập trung ngoài xã hội theo nhóm nhỏ từ 5 người trở xuống; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm thể dục thể thao sẽ được mở cửa trở lại; học sinh tất cả các cấp học sẽ đến trường hằng ngày… Tuy nhiên, một số hoạt động có số lượng lớn người tham gia như các dịch vụ tôn giáo, các địa điểm văn hóa lớn như thư viện và bảo tàng, các sự kiện quy mô lớn như hội nghị, triển lãm, hội trợ và các địa điểm giải trí như quán bar, rạp chiếu phim và câu lạc bộ đêm… vẫn bị đóng cửa.

 

 

 

Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Philippines, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 26.420 ca sau khi ghi nhận 490 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 15/6. Số người tử vong trong ngày là 10 người, nâng tổng số bệnh nhân không qua được tại nước này lên tới 1.098 ca. 

 

Cùng ngày, Thái Lan không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào, đánh dấu ngày thứ 21 không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.135 ca mắc bệnh, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Đây cũng là ngày đánh dấu Thái Lan bước vào giai đoạn 4 nới lỏng phong tỏa cùng với việc lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ và nhiều hoạt động trong danh mục nguy cơ cao nhất được nối lại, mặc dù Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.