Các thành viên Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Nam Hàn, trong lễ kỷ niệm lần thứ 73 Trận chiến hồ Chosin, tại Seoul, Nam Hàn, ngày 12/10/2023. (Ảnh: Tyler Judd/Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ)

 

QUỐC TẾ - Nam Hàn đang lo ngại trước thông tin cho rằng Bắc Hàn đã cung cấp vũ khí để Hamas sử dụng trong cuộc tấn công đẫm máu vào Israel ngày 7/10. Hơn nữa, theo các chuyên gia, cuộc tấn công bất ngờ qua biên giới Israel vốn được canh gác nghiêm ngặt cũng khiến Nam Hàn không khỏi băn khoăn về an ninh biên giới phía bắc giáp Bắc Hàn.

 

Trước những lo ngại đó, cùng với mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng, mối quan hệ Mỹ - Hàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 73 năm Trận hồ Trường Tân (còn gọi là Trận chiến hồ Chosin) hôm 12/10, Tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol, cho biết liên minh Mỹ - Nam Hàn đã được “tôi luyện trong máu” trong Chiến tranh Triều Tiên (Korean War).

 

Trong những người tham dự buổi lễ có ông Phillip Goldberg - Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn, Thiếu tướng William E. Souza - Tư lệnh Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Nam Hàn, và Trung tướng Andrew Harrison - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc.

 

Ông Yoon nói trong bài phát biểu tại buổi lễ rằng liên minh Hoa Kỳ - Nam Hàn "đã trở thành liên minh thành công nhất trên thế giới trong 70 năm qua và ngày nay mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Tổng thống Nam Hàn cũng nói về tầm quan trọng của Trận hồ Trường Tân do Hoa Kỳ lãnh đạo. Khi đó, một lực lượng Liên Hợp Quốc do Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ chỉ huy đã chiến đấu chống lại đội quân đông đảo của Trung Quốc và giải cứu hàng nghìn dân thường Nam Hàn.

 

Chỉ 10 ngày sau, vào ngày 22/10, Hoa Kỳ, Nam Hàn, cùng với Nhật Bản, đã lần đầu tiên tập trận chung trên không gần Bán đảo Triều Tiên (Korean Pennisula), gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh và mục đích của mối quan hệ giữa họ.

 

Cuộc tắm máu kéo dài 2 tuần

Trận hồ Trường Tân là tên hoạt động quân sự của 30.000 binh sĩ Liên Hợp Quốc, do Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ chỉ huy, diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 11/12/1950.

 

Cuộc tắm máu kéo dài 2 tuần đã được một số nhà sử học đánh giá là sự kiện tàn bạo nhất trong chiến tranh hiện đại. Chịu đựng cái lạnh với nhiệt độ khoảng −40°C ở địa hình đồi núi hiểm trở, quân đội Mỹ đã chiến đấu với 120.000 quân Trung Quốc bao vây họ.

 

Trong quá trình này, họ đã giải cứu được lượng lớn dân thường. Ông Yoon nói: “Nhờ trận chiến này, khoảng 100.000 thường dân ở khu vực Heungnam (một cảng ở Bắc Hàn) được tự do”.

 

Hơn 7.000 binh sĩ và nhân viên Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc giao tranh. Có rất nhiều thương vong khác do nhiệt độ và địa hình khắc nghiệt gây ra. Trong khi đó, hơn 60.000 quân Trung Quốc đã thiệt mạng, trong đó có một lượng lớn người chết vì lạnh và đói.

 

Hồi tháng Tư, trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông Yoon từng phát biểu: “Những người con trai và con gái của nước Mỹ đã hy sinh mạng sống của họ để bảo vệ một đất nước mà họ chưa từng biết và một dân tộc mà họ chưa từng gặp”.

 

ĐCSTQ xuyên tạc lịch sử

Không có gì ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn không ngừng xuyên tạc về Trận hồ Trường Tân, giống như cách mà họ gọi Chiến tranh Triều Tiên (Korean War) 1950–1953 là cuộc chiến "kháng Mỹ viện Bắc Hàn” (chống lại cuộc xâm lược của Mỹ và trợ giúp Bắc Hàn).

 

Bộ phim "Trận hồ Trường Tân" năm 2021 là bộ phim đắt đỏ nhất từng được sản xuất ở Trung Quốc, với kinh phí lên tới 200 triệu USD. Bên ngoài Trung Quốc, các nhà phê bình lưu ý rằng bộ phim này đã không đề cập đến việc Chiến tranh Triều Tiên (Korean War) được châm ngòi bởi cuộc xâm lược của miền Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) vào miền Nam Triều Tiên (Nam Hàn). Tờ The Guardian đã gọi bộ phim là "đáng ngờ về mặt lịch sử".

 

Tấm áp phích phim “Trận hồ Trường Tân” ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 2/10/2021. (Ảnh: Getty Images)

 

 

Bên trong Trung Quốc, bộ phim do chính quyền tài trợ này đã được South China Morning Post tổng kết là "bộ phim thành công nhất về mặt thương mại năm 2021". Mọi câu hỏi mà thế hệ trẻ Trung Quốc đặt ra về bộ phim đều nhanh chóng bị kiểm duyệt.

 

Trong phim, những người Trung Quốc bị bắt đi lính (những “chí nguyện quân”, hay quân tình nguyện, theo cách gọi của ĐCSTQ) đã bị làm cho tin rằng họ đang chiến đấu để bảo vệ Trung Quốc khỏi cuộc xâm lược của Hoa Kỳ. Trong một bài phê bình về bộ phim đăng trên mạng xã hội, nhà báo Luo Changping gọi những người lính Trung Quốc này là "ngu ngốc". Ít lâu sau, ông Luo bị bỏ tù với tội danh “phỉ báng anh hùng liệt sĩ”.

 

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, bà Thái Hà (Cai Xia) - học giả về chính trị và nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc - đã gọi bộ phim tuyên truyền này là "sự 'khởi động' cho cuộc xâm lược Đài Loan của ông Tập Cận Bình".

 

Bộ phim đã ra mắt phần tiếp theo vào năm ngoái với tựa đề "Trận hồ Trường Tân II".

 

Lời cảnh báo cho thời đại chúng ta

Trước mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng cùng với liên minh của họ với Moscow, thêm vào đó là thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông, Seoul đang cảnh giác hơn bao giờ hết về an ninh quốc gia của Nam Hàn.

 

 

Binh sĩ thuộc Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 di chuyển qua phòng tuyến của quân Trung Quốc, trong cuộc đột phá thành công hồ Trường Tân (hồ Chosin) ở Bắc Hàn trong Chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh: Peter McDonald/Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ)

 

 

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) - nguyên Phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nhà sử học gốc Hoa hiện sống ở Úc - cho biết Chiến tranh Triều Tiên (Korean War) là lời cảnh báo cho hiện tại.

 

Ông Lý nói với The Epoch Times vào ngày 19/10 rằng “Chính phủ Yoon đã thừa nhận từ kinh nghiệm lịch sử trong quá khứ rằng mối đe dọa lớn nhất mà Nam Hàn phải đối mặt đến từ ĐCSTQ độc tài toàn trị và Bắc Hàn; và chỉ bằng cách liên minh với Mỹ và Nhật Bản của thế giới tự do mới có thể ngăn chặn mối đe dọa này một cách hiệu quả.”

 

(ntdvn.net, Theo The Epoch Times - Xuân Hoa biên dịch)