Hinh ảnh các lãnh đạo của Liên Âu tại cuộc họp về Quốc Phòng của toàn khối. Ảnh tại Bruxelles, ngày 20/05/2025. AP - Virginia Mayo
ÂU CHÂU - Các đồng minh Âu châu của Ukraine đang đe dọa sẽ thi hành "những lệnh trừng phạt to lớn" đối với Nga nếu nước này vẫn tiếp tục từ chối ngừng bắn. Nhưng thực sự các trừng phạt đó có tác dụng gì đối với Moscow?
Các trừng phạt đã ban hành
Kể từ khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, Liên Hiệp Âu Châu đã ban hành tổng cộng 17 lệnh trừng phạt đối với Nga. Khoảng 2.400 tổ chức và cá nhân đã bị trừng phạt, bao gồm cả tổng thống Putin. Tuy nhiên, những trừng phạt đó vẫn không ngăn chặn được cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin.
Gói trừng phạt mới nhất, được thông qua ngày 20/05/2025, chủ yếu nhắm vào đội tàu "ma" mà Nga sử dụng để lách các lệnh trừng phạt đối với hoạt động sản xuất và xuất cảng dầu thô của Nga. Cùng lúc đó, Anh Quốc cũng công bố một loạt trừng phạt nhắm vào 18 tàu trong "hạm đội ma" này. Khoảng 342 tàu "ma" hiện đang nằm trong tầm ngắm của Liên Âu. Nhưng theo ước tính của bộ trưởng Quốc Phòng Estonia Hanno Pevkur, tổng số tàu "ma" của Nga là khoảng 500 chiếc, tức là vẫn còn hơn 150 chiếc "ngoài vùng phủ sóng". Thế mà hơn 60% lượng dầu thô xuất cảng của Nga chính là được vận chuyển bằng đội tàu "ma" này.
Các trừng phạt đang được chuẩn bị
Một gói trừng phạt thứ 18 đang được chuẩn bị nhằm mục đích thắt chặt việc kiểm soát đội tàu "ma" của Nga. Liên Âu cũng đang tìm cách phòng chống tốt hơn những hành động lách lệnh trừng phạt và mỗi gói trừng phạt mới lại xác định thêm những thực thể hoặc cá nhân đang giúp Nga củng cố cỗ máy chiến tranh của mình. Các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với ngành tài chánh Nga cũng đang được xem xét.
Tuy nhiên, khả năng trừng phạt của Liên Âu lại tùy thuộc vào thiện chí của Hungary, quốc gia thân Nga nhất ở Âu châu. Cho đến nay, Hungary vẫn bật đèn xanh cho mỗi gói trừng phạt mới, nhưng các viên chức ngoại giao ở Bruxelles lo ngại về khả năng thủ tướng Viktor Orban sẽ đổi ý, trong khi mỗi lệnh trừng phạt mới đều phải có sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên Liên Âu.
Trừng phạt nào sẽ hiệu quả nhất?
Nguồn tài chánh phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine chủ yếu là từ việc bán dầu khí, mang lại hơn 600 triệu euro mỗi ngày, theo ước tính mới nhất vào tháng Tư của CREA, một viện chuyên về các vấn đề năng lượng của Phần Lan.
Torbjörn Becker, giám đốc Viện Kinh tế Chuyển đổi Stockholm (SITE), chuyên theo dõi nền kinh tế Nga, cho biết tại Bruxelles tuần trước: "Từ 60 đến 90% tăng trưởng kinh tế của Nga phụ thuộc vào những diễn biến trên thị trường dầu hỏa quốc tế".
Tuy đã ban hành các lệnh trừng phạt, Liên Âu vẫn là khách hàng chính của khí đốt Nga, đứng đầu là Pháp. Vốn đã chặn hoàn toàn xuất cảng dầu mỏ của Nga vào Liên Âu, 27 nước thành viên của khối này đã đề ra mục tiêu từ đây đến năm 2027 sẽ chấm dứt mua khí đốt của Nga. Trong thời gian từ đây đến đó, các nước Âu châu tìm cách tác động vào doanh thu của Nga từ dầu mỏ bằng cách áp dụng mức giá tối đa là 60 đô-la/thùng. Theo số liệu chánh thức, kể từ khi Liên Âu áp dụng mức giới hạn đó và lệnh trừng phạt đối với đội tàu "ma", doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 38 tỷ euro. Nhưng ngưỡng 60 đô-la này hiện là mức giá trung bình trên thị trường quốc tế, cho nên biện pháp này không còn hiệu quả như trước. Tại Bruxelles vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine, Andrii Sybiga, cho rằng mức giá "hợp lý" sẽ là 30 đô-la/thùng. Lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu, Kaja Kallas, cũng xác nhận rằng việc giảm ngưỡng giá dầu "sẽ có tác động rõ rệt đến nền kinh tế Nga". Nhưng quyết định như vậy tùy thuộc vào nhóm bảy nước công nghiệp phát triển nhất, tức nhóm G7, mà trong khối này thì không chắc Hoa Kỳ sẽ ủng hộ.
Hoa Kỳ có sẵn sàng?
Các viên chức lãnh đạo Âu châu gần đây khẳng định họ đang phối hợp với Hoa Kỳ để tăng cường sức ép lên Nga. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, hôm 21/05/2025, cũng nhấn mạnh là "mọi quyết định phải được phối hợp (với Mỹ) thì các lệnh trừng phạt mới có hiệu quả". Trong Quốc Hội Mỹ, hơn 80 thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ một dự luật ban hành những trừng phạt mới nhắm vào Nga. Các nghị sĩ này, thuộc cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, muốn gia tăng áp lực với tổng thống Vladimir Putin sau khi cuộc điện đàm giữa ông với tổng thống Donald Trump hôm 19/05 đã không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn như hy vọng của Ukraine và các đối tác Âu châu.
Dự luật trừng phạt Nga bao gồm mức thuế 500% đối với dầu nhập cảng từ Nga và mức thuế 500% đối với hàng nhập cảng từ các quốc gia hiện vẫn tiếp tục nhập cảng dầu khí từ Nga. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy tổng thống Donald Trump sẵn sàng thi hành biện pháp đó.
(Theo RFI)