Một bức ảnh chụp người dân tộc thiểu số ở thành phố Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc, được đăng trên Flickr.

 

 

Hãng tin AP hôm thứ Hai (29/6) đã công bố một báo cáo điều tra gây chấn động, trong đó cho biết chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp hà khắc để cắt giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác, dù Bắc Kinh hiện đang khuyến khích người Hán sinh thêm con.

 

Các biện pháp “hà khắc” được đề cập đến bao gồm việc ép buộc các phụ nữ dân tộc thiểu số phải đặt vòng tránh thai trong tử cung, phải bị triệt sản và thậm chí phải nạo phá thai đối với những người đang mang thai. Hãng tin AP cho biết các biện pháp này đã dẫn đến một “bầu không khí khủng bố xung quanh việc có con” tại khu vực Tân Cương, nơi có phần lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.

 

Báo cáo điều tra của AP cho biết công an Trung Quốc thường đột kích các ngôi nhà để lục soát xem có gia đình nào lén sinh con. Các phụ huynh bị phát hiện có từ 3 con trở lên thường bị bắt giữ vào các trại tập trung, trừ khi họ trả những khoản tiền phạt lớn.

 

Một số người Duy Ngô Nhĩ từng bị bắt giữ nói với AP rằng, bên trong các trại giam, những người phụ nữ sẽ bị ép buộc đặt vòng, bị tiêm các thuốc ngừa thai và phải tham dự các lớp học về việc họ nên có bao nhiêu con.

 

Ông Darren Byler, một chuyên gia người Duy Ngô Nhĩ tại Đại học Colorado, Mỹ, nói với AP: “Ý đồ này có thể không loại bỏ hoàn toàn dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nhưng nó sẽ làm giảm mạnh sức sống của họ. Nó sẽ khiến họ dễ bị đồng hóa hơn nữa vào dân số chủ đạo là người Hán”.

 

Bà Gulnar Omirzakh, một người Kazakh, là một trong số những người phụ nữ bị cưỡng ép đặt vòng. Bà cho biết chiếc vòng hiện đã thấm vào da thịt bà, gây viêm nhiễm và đau lưng, “giống như bị đâm bằng dao”.

 

“Họ muốn hủy diệt dân tộc chúng tôi”, bà khóc khi nói với AP. “Mọi người ở đó giờ sợ có con. Khi tôi nghĩ đến từ Tân Cương, tôi vẫn còn cảm thấy hãi hùng”.

 

AP thực hiện báo cáo này thông qua việc phân tích các số liệu thống kê của chính phủ, tài liệu của nhà nước và các cuộc phỏng vấn với hàng chục cựu tù nhân, các thành viên gia đình và một cựu quản giáo trại giam. AP cũng xem xét những phát hiện từ một cuộc nghiên cứu mới đây của học giả Trung Quốc Adrian Zenz, trong đó cho biết:

  • Khoảng 200.000 chiếc vòng tránh thai đã được đưa vào Tân Cương vào năm 2014. Con số này là gần 330.000 vào năm 2018 – tăng 60%. Trong khi đó, việc sử dụng vòng tránh thai lại giảm đáng kể ở các khu vực còn lại của Trung Quốc.
  • Tỷ lệ sinh ở Hotan và Kashgar, nơi cư trú chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ, đã giảm hơn 60% từ năm 2015 đến 2018. Trên toàn bộ khu vực Tân Cương, tỷ lệ sinh đã giảm 24% vào năm ngoái, trong khi tỷ lệ này chỉ giảm 4,2% trên cả nước.

 

Những phát hiện của báo cáo điều tra cho thấy chính quyền Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp được ví như “diệt chủng” đối với các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi. Bắc Kinh coi đức tin của người dân là một mối đe dọa đối với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn theo chủ nghĩa vô thần.

 

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố báo cáo của AP là “tin giả”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với AP: “Mọi người, bất kể họ là người dân tộc thiểu số hay người Hán, đều phải tuân thủ và hành động theo luật pháp”.

 

Báo cáo của AP đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạt động và các quốc gia phương Tây vốn đã quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Năm 2018, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Trung Quốc đã tống giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung ở Tân Cương.