MALAYSIA - Dường như bây giờ người ta có thể mua được - và bán được - bất kỳ thứ gì ở trên mạng. Một người ở Malaysia đã vừa bán “những cái tát ảo”, để khách có thể đặt mua và gửi cho những ai mà khách không ưa! Thật thú vị là người này đã bán được hàng trăm “cái tát ảo”, đến mức bây giờ đã… hết hàng!

 

 

Trong cuộc đời, ai mà chẳng có người nào đó mà mình không ưa. Hoặc ít ra là người nào đó mà mình muốn trêu chọc một chút. Nhưng tất nhiên, nếu có hành động bạo lực nhằm vào những người đó thì hậu quả có thể sẽ rất nặng nề. Cho nên, một “cái tát ảo” hẳn là thứ hợp lý hơn để gửi cho những người như vậy.

 

 

Mà hóa ra trên mạng có bán “cái tát ảo” thật, thậm chí còn có “cái tát ảo chất lượng tốt” nữa.

 

 

Một người Malaysia đã đăng bán “những cái tát ảo” trên Shopee. Thực tế thì đó chỉ là ảnh chụp bàn tay của cậu ta (tượng trưng cho… một cái tát), kèm theo một lời nhắn “đặc biệt” mà bạn muốn gửi cho “đối thủ”, hoặc ai đó mà bạn ghét.

 

"Cái tát ảo" được bán trên Shopee ở Malaysia. Ảnh: Shopee.

 

 

 

 

Người bán sáng tạo này bán mỗi “cái tát ảo” với giá 0,37 hoặc 0,47 ringgit (2.000 hoặc 2.500 đồng), tùy theo kiểu “cái tát” mà bạn chọn. Với “cái tát ảo loại thường” giá 2.000 đồng, người bán sẽ gửi ảnh chụp bàn tay cậu ta qua WhatsApp đến số điện thoại mà bạn chọn, kèm theo một lời nhắn.

 

 

Còn với “cái tát ảo bất ngờ, chất lượng tốt” có giá 2.500 đồng, người bán sẽ gửi ảnh có độ phân giải cao (vẫn chụp bàn tay cậu ta) thành một tập tin (file) đính kèm, có thể tới số điện thoại hoặc địa chỉ e-mail mà bạn chọn, khiến người nhận bất ngờ khi mở file.

 

 

 

Một khách hàng đăng tải ảnh sản phẩm đã được giao và chấm 5 sao cho chủ Shop. Ảnh: Shopee.

 

 

 

 

 

Điều bất ngờ nữa là đã có hơn 210 người đặt mua “cái tát ảo” và có đến 114 người chấm 5 sao cho người bán này. Đến mức bây giờ, người bán ghi là “Hết hàng” (chắc vì đã hết hứng chứ có mỗi cái ảnh thì làm sao mà “hết hàng” được).

 

 

Đã hết hàng rồi. Ảnh: Shopee.

 

 

 

Cư dân mạng Malaysia thấy việc bán “cái tát ảo” này là rất thú vị bởi nó chứng tỏ 2 điều. Thứ nhất là chỉ cần có cách tiếp thị và giá cả phù hợp thì có lẽ người ta có thể bán được bất kỳ cái gì trên mạng. Thứ hai là hóa ra, có không ít người muốn gửi “một cái tát” đến ai đó, dù là thật hay đùa.