Hôm 19/10 vừa qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đã trao hợp đồng có trị giá 14,1 triệu USD cho nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) để xây dựng mạng 4G đầu tiên trên Mặt Trăng. Đây là một trong số những công ty mà NASA đang hợp tác trong kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 của mình.

 

 

 

Ảnh minh họa trạm phát 4G trên Mặt Trăng. (Ảnh: BellLabs/Twitter)

 

 

 

Với mục tiêu tới năm 2028 sẽ hoàn thành khu căn cứ Mặt Trăng và đưa con người lên sống lâu dài, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chi 370 triệu USD để huy động hàng chục doanh nghiệp tư nhân (trong đó có Nokia) nhằm triển khai nhiều công nghệ mới trên bề mặt của vệ tinh này, như phát điện từ xa, ngủ đông, robot điều hành, hạ cánh an toàn, kết nối 4G.

 

 

Phòng thí nghiệm Bell Labs của Nokia đã nhận được hợp đồng trị giá 14,1 triệu USD để phục vụ cho mục đích thực hiện dự án. Bell Labs sẽ hợp tác với công ty kỹ thuật tàu vũ trụ Intuitive Machines (có trụ sở tại Texas, Mỹ) để xây dựng mạng 4G và đưa thiết bị lên Mặt Trăng trên tàu đổ bộ của Intuitive Machines. Thỏa thuận này được xem là một thắng lợi đối của Nokia, công ty đang cạnh tranh với Huawei (Trung Quốc) và Ericsson (Thụy Điển) về các hợp đồng 5G “khủng”.

 

 

NASA cho biết 4G có thể cung cấp phạm vi liên lạc trên Mặt Trăng xa hơn, đáng tin cậy hơn so với các tiêu chuẩn vô tuyến hiện tại. Giống như trên Trái đất, sau này, mạng 4G trên Mặt Trăng sẽ được nâng cấp lên 5G.

 

 

Diễn viên hài John Oliver của Mỹ đã bông đùa rằng mạng 4G của Mặt Trăng có lẽ sẽ hoạt động tốt hơn so với ở Trái Đất bởi trên đó không có cây cối, các tòa nhà hoặc tín hiệu truyền hình nào cản trở tín hiệu. Mạng di động Mặt Trăng cũng sẽ được thiết kế đặc biệt để chịu được các điều kiện khắc nghiệt, như nhiệt độ, bức xạ và chân không của không gian. Hệ thống này phải đảm bảo hoạt động tốt trong quá trình phóng và hạ cánh ngay cả khi tên lửa làm rung bề mặt của Mặt Trăng một cách đáng kể.

 

 

Bell Labs cho biết các phi hành gia sẽ sử dụng mạng không dây 4G để truyền dữ liệu, điều khiển các chuyến đi trên Mặt Trăng, tìm đường theo thời gian thực như Google Maps và truyền phát video với độ phân giải cao. Điều này có thể giúp đem lại nhiều cảnh quay rõ như xem bằng mắt thường về các phi hành gia đang làm việc trên bề mặt của Mặt Trăng.

 

 

 

Hình ảnh mô phỏng con người xây dựng các công trình nghiên cứu trên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)

 

 

 

Mạng 4G mà Nokia dự kiến sẽ cung cấp các tính năng vượt trội hơn rất nhiều so với hình thức liên lạc đã được dùng trước đó trong sứ mệnh lên Mặt Trăng. Khác với mạng 4G trên Trái Đất được hỗ trợ bởi các tháp di động khổng lồ với máy phát điện và radio công suất lớn, công nghệ 4G mà Nokia thiết kế sử dụng máy phát sóng cỡ nhỏ, dễ dàng vận chuyển khi được gói gọn vào tàu tên lửa, đồng thời tiêu hao rất ít năng lượng so với tháp di động truyền thống. Công nghệ mạng di động kích thước nhỏ này cũng đang được triển khai cho các mạng 5G trên thế giới.

 

 

Chi nhánh nghiên cứu công nghiệp Mỹ của công ty Bell Labs hiện đang cung cấp các thiết bị của mình cho NASA để giúp xây dựng mạng lưới Mặt Trăng, với mục đích phóng đi vào cuối năm 2022. Ngoài ra, NASA còn chọn SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Blue Origin và Dynetics của CEO Jeff Bezos để phát triển tàu đổ bộ đảm nhiệm vai trò hạ cánh phi hành gia trên Mặt Trăng.

 

 

Trên thực tế, đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Nokia trong việc triển khai mạng 4G trên Mặt Trăng. Trước đó, vào năm 2018, Nokia đã lên kế hoạch hợp tác với công ty vũ trụ PTScientists (Đức) và công ty viễn thông Vodafone (Vương quốc Anh) để triển khai mạng 4G tại địa điểm nơi tàu Apollo 17 hạ cánh nhưng kế hoạch này đã không thành công.

(Theo trithucvn.org)