Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Marco Rubio. Nguồn: AAP / AARON SCHWARTZ / POOL/EPA
Về những trò đùa, thì lần này quả thật đã gây chấn động dư luận. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang cảnh báo các nhà ngoại giao, về những nỗ lực mạo danh Ngoại trưởng Marco Rubio, cũng có thể là những viên chức cao cấp khác, thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo / trí thông minh nhân tạo A.I. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt những chiêu trò công nghệ cao, nhắm vào các nhân vật hàng đầu trong chính quyền Trump, bởi những kẻ giả danh tinh vi.
Các giọng nói do A.I tạo ra nay không còn nghe như robot, chúng đã được nghiên cứu kỹ đến mức ‘thật như người thật’.
“Xin chào, tôi tên là Charles. Nhưng nói thật với quý vị, tôi không phải là con người thật. Tôi là một trí tuệ nhân tạo đang đọc theo một bản văn. Tôi không nghĩ mình là giả, nhưng tôi chắc chắn cho rằng mình thông minh”.
Đó là giọng của ‘Charles’, do A.I tạo ra, với giọng nghe có hơi thở, âm sắc có chút ngập ngừng như người thật, nhưng ông hoàn toàn không tồn tại.
Giọng nói ấy được tạo từ một trong hàng chục trang web, cung cấp giọng đọc chuyên nghiệp với mức phí rất rẻ, không cần phòng thu, cũng như không cần diễn viên và chính nơi đây bắt đầu sự mờ ám.
Tháng rồi, một kẻ nặc danh đã sử dụng giọng nói giả mạo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, để gọi điện cho 3 Bộ trưởng ngoại giao nước ngoài và 2 viên chức Hoa Kỳ, giả dạng là ông Rubio thông qua ứng dụng Signal và hai người trong số đó còn nhận được tin nhắn.
Có thể mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết, ai cũng có thể làm điều đó.
Chỉ cần một đoạn ghi âm ngắn, tải lên một trang mạng chuyên về A.I giọng nói, và hệ thống sẽ sao chép giọng đó, khiến nó nói bất cứ điều gì người ta muốn.
Dĩ nhiên, trên giao diện luôn có dòng cảnh báo là ‘Bạn có quyền sử dụng giọng nói này không?’ nhưng không hề có cơ chế kiểm soát thực sự.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Tammy Bruce, mở đầu cuộc họp báo với một câu nói đùa.
Tammy Bruce nói, “Trước tiên xin được thông báo, đây là giọng thật của tôi. Không phải A.I”.
Nhưng ngay sau đó, bà nhấn mạnh chính quyền đang hết sức quan tâm với vụ việc này.
Bà Tammy Bruce “Bộ Ngoại giao đã ghi nhận và đang tích cực theo dõi tình hình. Chúng tôi luôn chủ động nâng cao năng lực an ninh mạng, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai”.
Khi được hỏi nội dung những thông điệp mạo danh, bà Bruce từ chối tiết lộ với lý do an ninh.
Nhưng sự thật đáng lo ngại là, việc sao chép giọng nói một nhân vật công chúng như Marco Rubio, là điều quá dễ dàng.
Trong khi đó bà Sinead Lovell, một chuyên gia tương lai học và người sáng lập tổ chức Waye Talks, nói với đài NBC rằng, “Marco Rubio là nhân vật công chúng có vô vàn video phỏng vấn, lưu trữ qua năm tháng. Một A.I được huấn luyện trên khối dữ liệu đó, có thể tạo ra giọng nói không khác gì ông ta thật”.
Được biết chỉ cần ba giây âm thanh, là đủ để A.I ‘bắt chước’ một giọng nói, một cách thật đến đáng sợ.
Thế nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Ông Imran Ahmed, Giám đốc Trung tâm Đối phó Thù địch Kỹ thuật số tức ‘Centre for Countering Digital Hate’ cho biết, A.I không chỉ được dùng để giả giọng, nó còn đang được dùng để tạo hình ảnh và video giả các nguyên thủ, khiến họ như đang thực hiện những hành vi chưa bao giờ tồn tại.
Imran Ahmed nói, “Một số đoạn đoạn phim ngắn (video) được kỹ thuật hóa để gây xói mòn lòng tin vào các thể chế, vào bầu cử, và vào sự thật. Đó chính là mục tiêu của những thế lực thù địch, như Tập Cận Bình, Vladimir Putin, hay Ayatollah Khamenei”.
Và lời cảnh báo cuối cùng đến từ bà Lovell.
“Chúng ta đã đi quá giới hạn nơi đôi mắt và đôi tai, có thể phân biệt giữa thực và giả. Lời khuyên an toàn nhất lúc này là, nếu không thể xác thực một thông tin có phải do con người tạo ra hay không, hãy giả định rằng nó là do A.I tạo, cho đến khi có bằng chứng rõ ràng”.