Hình ảnh cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc được tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh vào ngày 11/3/2021. (NICOLAS ASFOURI / AFP / Getty Images)
HOA KỲ - Bộ trưởng Tài chính Mỹ gần đây đã tuyên bố rằng, sẽ đẩy mạnh nỗ lực điều tra số tiền tham ô hối lộ được các nhà lãnh đạo nước ngoài tham nhũng và cất giấu tại Hoa Kỳ. Bộ Tài chính sẽ thành lập một quỹ chống tham nhũng để trao thưởng cho những ai cung cấp manh mối. Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Hoa Kỳ là nhằm vào các quan chức tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Rất nhiều quan chức của chế độ này đã chuyển tiền và người nhà đến Hoa Kỳ.
Vào ngày 10/12 theo giờ miền Đông (ET), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Toàn cầu rằng, Bộ Tài chính phải đóng một vai trò quan trọng trong chống tham nhũng toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Tổng thống Mỹ Biden triệu tập trực tuyến và có sự tham dự của 111 quốc gia trên thế giới. Hội nghị có các chủ đề chính là: tăng cường dân chủ, chống chuyên chế độc tài, chống tham nhũng, và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. (Alex Wong / Getty Images)
Bà Yellen nói, thông thường mọi người cho rằng Thụy Sĩ hoặc quần đảo Cayman là trọng điểm để các cơ quan giám sát của các quốc gia điều tra về các khoản tiền tham ô hối lộ được che giấu; nhưng hiện nay có một quan điểm khác rằng, nơi tốt nhất để che giấu các khoản thu lợi bất hợp pháp và rửa tiền là nước Mỹ.
"Chúng tôi đã thành lập một quỹ chống tham nhũng để trao thưởng cho những ai có thể cung cấp manh mối về các nhà lãnh đạo nước ngoài tham nhũng và giấu tiền ở Hoa Kỳ". Bà nói, kế hoạch này sẽ xua đuổi bọn trộm ra khỏi Mỹ và truy bắt chúng ở nước ngoài; Bộ Tài chính sẽ làm việc với các đối tác từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Quốc hội Hoa Kỳ đã cho phép thành lập kế hoạch "Khen thưởng Thu hồi Tài sản". Nó sẽ là một phần của "Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng" cho năm tài chính 2021; sẽ giúp Hoa Kỳ trong nỗ lực xác định và thu hồi tài sản bị đánh cắp và trả lại cho các quốc gia liên quan.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ rằng, Hoa Kỳ sẽ có các bước đi mới để chống tham nhũng toàn cầu.
Ông nói "Chúng tôi sẽ tạo ra một vai trò mới, tức là Điều phối viên về các vấn đề chống tham nhũng toàn cầu (Coordinator on Global Anti-corruption Issues)". Quan chức cấp cao này sẽ điều chỉnh, hợp nhất và nâng cao năng lực chống tham nhũng trong tất cả các khía cạnh ngoại giao và viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ. Đây sẽ là người dẫn dắt Hoa Kỳ trong nỗ lực thực hiện chiến lược chống tham nhũng đầu tiên.
Chuyên gia: Việc Hoa Kỳ điều tra các quan chức tham nhũng nước ngoài là tin tốt cho người Trung Quốc
Việc Hoa Kỳ điều tra và truy bắt các nhà lãnh đạo nước ngoài giấu tiền bẩn ở Mỹ đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi. Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà bình luận người Hoa về các vấn đề thời sự, hiện đang sống ở Mỹ, cho rằng động thái này của Hoa Kỳ chắc chắn là chĩa mũi giáo về phía ĐCSTQ; đây tất nhiên là một tin tốt cho người Trung Quốc.
Ông nói trong chương trình bình luận cá nhân "Tần Bằng Quan sát Kinh tế và Chính trị" rằng, người Hoa nói chung đều biết rằng các quan chức ĐCSTQ, dù lớn hay nhỏ, không chỉ chuyển tiền đến Hoa Kỳ, Canada, Úc, Châu Âu và các nước khác, mà còn chuyển cả vợ, con, thậm chí là tình nhân đến những quốc gia này.
Ông Tần Bằng lấy ví dụ rằng, con trai và cháu trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, hay cháu trai của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đều có thẻ xanh của Mỹ.
Ông Giang Trạch Dân được cư dân mạng Trung Quốc mệnh danh là “Huấn luyện viên trưởng của tham nhũng” và “Quan tham số 1 Trung Quốc”. Điều đó có nghĩa là Giang Trạch Dân không chỉ “làm giàu” một mình mà còn dẫn dắt, dung túng cho quan chức các cấp trong đảng tham nhũng.
"Tham nhũng trong toàn chế độ thực sự bắt đầu sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền sau ngày 4/6 (sự kiện thảm sát Thiên An Môn năm 1989)", ông Bào Phác (Bao Pu), con trai của ông Bào Đồng (Bao Tong), cựu thư ký của Tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương cho biết. Ông Bào Phác cũng từng nói với The Epoch Times rằng, sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, cải cách hệ thống chính trị đã thụt lùi, dẫn đến việc tham nhũng cai trị đất nước. "Bởi vì tất cả việc xây dựng chính sách kinh tế đều hoạt động trong hộp đen, quyết định giao cho ai, hỗ trợ công ty nào, ai sẽ tiếp quản, hợp đồng đưa cho ai, lượng tiền đen rất lớn".
Gia tộc Giang Trạch Dân được coi là gia tộc tham nhũng số 1 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh Giang Trạch Dân (trái) và con trai Giang Miên Hằng. (The Epoch Times tổng hợp)
Ông Quách Văn Quý (Miles Kwok), một doanh nhân giàu có sống lưu vong ở Mỹ, từng tiết lộ rằng, tài sản của quốc gia do gia đình Giang Trạch Dân kiểm soát ít nhất là 1 nghìn tỷ USD, và số tiền đã được rửa trắng lên tới 500 tỷ USD. Việc này khiến ông ta trở thành tỷ phú ẩn mình giàu nhất thế giới.
Nhà bình luận Tần Bằng cũng nói vui trong chương trình rằng, phần thưởng của Hoa Kỳ thường là 1% của số tài sản bị tịch thu, động một cái là có hàng triệu USD. Quý khán giả hãy chú ý nếu muốn dùng cách này để trừ hại cho dân và kiếm chút tài lộc.
Cư dân mạng Twitter cũng nói về điều này. Họ cho rằng động thái của Mỹ nhắm vào ĐCSTQ, "nhắm rất chuẩn, đánh trúng điểm yếu rồi". Tuy nhiên cũng có người nói rằng "ngày này đến hơi muộn, không biết có phải là đầu voi đuôi chuột không".
Ông Tần cho rằng, theo nguyên tắc hợp tác, cạnh tranh và đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch này đến mức nào, sẽ táo bạo trực tiếp thu giữ tài sản của các quan chức ĐCSTQ tới mức nào, thì vẫn cần phải quan sát. Nhưng chắc chắn, bây giờ là một khởi đầu tốt.
1,18 triệu người thân của các quan chức ĐCSTQ đã di cư ra nước ngoài.
Năm 2011, trang web của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho biết, kể từ giữa những năm 1990, tổng số quan chức ĐCSTQ chạy trốn cũng như những người bỏ trốn và mất tích từ các tổ chức do Trung Quốc tài trợ ở nước ngoài lên tới 18.000 người; khi đào thoát số người này mang theo khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là khoảng hơn 125 tỷ USD).
Hoa Kỳ là điểm đến số 1 của các quan chức ĐCSTQ tham nhũng. Một báo cáo năm 2011 của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tiết lộ: “Thống kê của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy, 74,5% con cái của các quan chức thuộc cấp bộ trở lên của ĐCSTQ (bao gồm cả những người đã thoái vị, từ chức) có thẻ xanh hoặc mang quốc tịch Hoa Kỳ; và tỷ lệ số cháu của họ có quyền công dân ở Hoa Kỳ là 91% hoặc thậm chí cao hơn".
Ví dụ: cháu của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành (quốc tịch Mỹ), con trai của cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Trần Vân là Trần Nguyên (quốc tịch Mỹ), con gái của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Lưu Hoa Thanh là Lưu Triều Anh (quốc tịch Mỹ); con trai của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai là Bạc Qua Qua (quốc tịch Canada); cháu gái của cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Ngô Quan Chính, con trai của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Vạn Niên, v.v. định cư ở Hoa Kỳ; Tăng Vĩ – con trai của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Tăng Khánh Hồng – định cư ở Úc.
Bức ảnh chụp ông Tập Cận Bình dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 5/3/2021. (Kevin Frayer / Getty Images)
Theo một bài viết trên tạp chí "Dong Xiang" của Hong Kong vào tháng 5/2012, ĐCSTQ từng mở một cuộc điều tra nội bộ. Hơn 90% thành viên gia đình trực hệ của Ủy ban Trung ương khóa 17 (nhiệm kỳ từ tháng 10/2007 đến tháng 11/2012) đã di cư ra nước ngoài, trong đó di cư tới Hoa Kỳ là nhiều nhất.
Thống kê cho thấy, trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 17, có 187 ủy viên, 142 ủy viên dự khuyết và 113 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có người nhà di dân ra nước ngoài; chiếm lần lượt 91 phần trăm, 85 phần trăm và 88 phần trăm.
Năm 2013, tạp chí "Dong Xiang" tiết lộ rằng, trong "Hai kỳ họp" của ĐCSTQ năm đó, có 179 đại biểu của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc có quyền cư trú nước ngoài, hộ chiếu nước ngoài và quốc tịch nước ngoài, chiếm 6 phần trăm tổng số đại biểu; tương tự, gần 450 ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cũng có quyền hoặc giấy tờ cư trú nước ngoài như trên, chiếm khoảng 20 phần trăm.
Theo bài báo, cuộc họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc bị người dân chế giễu là "hội nghị quốc tế"; trong khi Hội nghị Hiệp thương Chính trị bị chế giễu là "câu lạc bộ vạn quốc".
Vào tháng 9/2014, tờ Nhân dân (people.cn) của ĐCSTQ tiết lộ rằng có 1,18 triệu vợ/chồng và con cái của các quan chức đã định cư ở nước ngoài, đây là nhóm người có nguy cơ tham nhũng cao. Theo số liệu của Viện Kiểm sát thành phố Bắc Kinh, trong 30 năm qua, khoảng 4,000 quan chức tham nhũng đã cuỗm đi bình quân khoảng 100 triệu nhân dân tệ tiền tham ô và chạy ra nước ngoài.
(ntdvn.com - Theo NTD tiếng Trung)