Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 15/9/2022. (Ảnh: Alexandr Demyanchuk/Sputnik/AFP/Getty Images)
Theo các nhà phân tích, cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mục đích đẩy mạnh hơn nữa âm mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của ông Tập đến Moscow kéo dài 3 ngày, từ ngày 20/3 đến ngày 23/3, là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Chuyến thăm cũng diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh làm trung gian cho việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung đã tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác "không giới hạn" chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine. Kể từ đó trở đi, mối bang giao giữa hai nước ngày một keo sơn.
Hôm 15/3, truyền thông Nga và Trung Quốc đã công bố về cuộc gặp trên, chỉ vài ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin. Tòa án này cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Các chuyên gia nhận định rằng thời điểm diễn ra chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với nguyên thủ của cả hai quốc nga Nga - Trung.
Ông Brandon Weichert, một nhà phân tích địa chính trị tại Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách “Winning Space: How America Remains a Superpower” (tạm dịch: Giành chiến thắng trong không gian: Cách Mỹ duy trì vị thế siêu cường) cho biết: “Tôi cho rằng Bắc Kinh - giống như hầu hết phần còn lại của thế giới - lo ngại rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Điều đó sẽ gây tổn hại cho các kế hoạch của chính họ cũng như của các nước khác”.
Ông nói với The Epoch Times: “Đồng thời, Bắc Kinh không ngại nhìn hai đối thủ chính của họ là Nga và Mỹ gây tổn thất cho nhau ở châu Âu trong khi Trung Quốc có quyền tự do kiểm soát ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Quân nhân Ukraine bắn một khẩu lựu pháo M777 về phía Nga gần thị trấn Bakhmut, miền đông Ukraine, hôm 17/3/2023, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images)
Thời khắc then chốt
Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh Nga đang đạt được những tiến bộ trong chiến dịch kéo dài nhiều tháng nhằm chiếm trọn thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine. Trận chiến đẫm máu đã khiến cả hai bên hứng chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là cho quân Nga.
Theo ông Madhav Nalapat, một nhà phân tích các vấn đề chiến lược và là Tổ chức Nghiên cứu Tiến bộ Manipal có trụ sở tại Ấn Độ, ông Tập và ông Putin đã gặp nhau vào thời khắc then chốt. Đây chính là thời điểm mà cuộc xung đột Ukraine đứng trước hai ngã rẽ: hoặc là chấm dứt, hoặc là kéo dài vô thời hạn.
Trao đổi với The Epoch Times, ông Nalapat cho hay: “Ông Putin đang chịu áp lực từ các chỉ huy của mình về việc giải phóng toàn bộ sức mạnh vũ khí của Nga trên chiến trường Ukraine thay vì kéo dài chiến tranh. Ông Tập rõ ràng rất muốn biết liệu ông Putin sẽ dốc toàn lực hay tiếp tục với các chiến thuật hiện tại".
Đối với ông Frank Lehberger, một nhà Trung Quốc học ở Đức, “sự sắp xếp vội vã và cuộc gặp gỡ bí mật” của ông Tập và ông Putin là do quân đội Nga đang trên “bờ vực sụp đổ” trên chiến trường Ukraine.
Ông Lehberger nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng: “Ông Tập Cận Bình vừa trở thành bạo chúa duy nhất của Trung Quốc kể từ tuần trước nhưng đã rất lo ngại rằng một cuộc rút quân của binh lính Nga ở Ukraine sẽ là dấu chấm hết cho chế độ chuyên quyền và chống phương Tây của ông Putin ở Nga”.
Theo truyền thông phương Tây, quân đội Nga đã thiệt hại khoảng 200.000 binh sĩ trong trận chiến và ít nhất 500.000 người Nga đã rời bỏ đất nước kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi tháng 2/2022.
Theo ông Lehberger, giới tinh hoa Nga và những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn đã rất giận dữ với ông Putin và buộc ông phải chịu trách nhiệm về tình hình trên. Họ mong muốn chấm dứt tham vọng hồi sinh đế chế Nga ở châu Âu của ông Putin.
Ông Lehberger tuyên bố "Ông Putin rất muốn gặp ông Tập ngay lúc này cùng với cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ cho [nỗ lực chiến tranh của Nga]. [Nếu chậm trễ] thì giấc mơ về một đế chế độc tài của ông Putin sẽ [tan thành mây khói]”,
“Ông Tập nhận thức được tất cả những điều này, và ông ấy cũng rất cần Nga tiếp tục chiến đấu.... Cuộc chiến này không chỉ chống lại người Ukraine, mà còn chống lại toàn bộ phương Tây dân chủ cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây vốn là những đối thủ hiện hữu của ĐCSTQ”.
Ông Nalapat lập luận rằng, việc Nga thua trong cuộc chiến với Ukraine sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế và thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung đã phản ánh chính xác quan điểm này.
Vài tháng qua đã chứng kiến sự lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga. Tháng trước, Ngoại trưởng Anthony Blinken cho biết Trung Quốc đã cung cấp vũ khí “phi sát thương” cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine và đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Moscow. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc này.
Mặc dù ông Tập đã gây dựng được hình ảnh một Trung Quốc với tư cách là “nhà kiến tạo hòa bình” trong cuộc khủng hoảng, nhưng các chuyên gia cho rằng tất cả chỉ là một âm mưu. Họ lập luận rằng lý do là vì Bắc Kinh đã chuyển giao công nghệ "lưỡng dụng" cho Nga để nước này củng cố các nỗ lực quân sự trong cuộc chiến với Ukraine.
Ông Weichert nói rằng Trung Quốc từ lâu đã cung cấp “viện trợ thiết yếu và vật tư trọng yếu” cho Nga.
“Chính quyền ông Biden hiểu rõ rằng có các ‘kỹ thuật viên’ Trung Quốc đang làm việc cùng với các đơn vị của Tập đoàn Wagner ở Bakhmut để giúp họ duy trì các phi đội máy bay không người lái mà các nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc đã bán cho người Nga", ông nói, đề cập đến nhóm lính đánh thuê tư nhân Wagner.
Tập đoàn Wagner đã mua hơn 2.500 máy bay không người lái của Trung Quốc trong một thỏa thuận giữa nhóm lính đánh thuê với tình báo Nga và Trung Quốc, hãng truyền thông Anh Daily Mirror đưa tin, trích dẫn một báo cáo tình báo của Anh.
Ông Nalapat cho hay, các chiến thuật đánh lừa (trong đó có ngụy trang và nghi binh) là một “quy trình hoạt động tiêu chuẩn” của ĐCSTQ, đồng thời lưu ý rằng chế độ này đang cung cấp vũ khí cho Nga thông qua các kênh riêng biệt.
Ông nói “Quý vị có tin rằng làn sóng vũ khí tinh vi đến Nga từ Triều Tiên và Iran đều được sản xuất ở hai quốc gia này không?”.
Theo một bài báo gần đây của tờ Politico dựa trên dữ liệu hải quan, các công ty Trung Quốc đã gửi 1.000 khẩu súng trường tấn công và các vật liệu khác tới Moscow để có thể sử dụng trong cuộc xung đột.
Hồi tháng 6/2022, công ty Tekhkrim của Nga đã nhập khẩu súng trường từ China North Industries Group Corporation Limited, một nhà thầu quốc phòng lớn thuộc sở hữu nhà nước. Theo dữ liệu, vào cuối năm 2022, các doanh nghiệp Nga đã nhận được 12 lô hàng phụ tùng máy bay không người lái và khoảng 12 tấn áo giáp từ Trung Quốc vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng trước bài báo này, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, ông John Kirby, nói với The Epoch Times rằng Washington không thể xác nhận về việc Trung Quốc đã cung cấp viện trợ sát thương cho Nga.
Ông Lehberger cho hay: “Tất cả những hoạt động này đều vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế hiện hành”, đồng thời nhấn mạnh rằng những nỗ lực này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo ông Lehberger, ngoài Iran và Triều Tiên, Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho Nga thông qua Miến Điện, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh châu Âu trung thành của Nga là Belarus.
Sau cuộc gặp với ông Putin, ông Tập sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy qua đường truyền vệ tinh lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Ông Lehberger gọi đây là "sứ mệnh hòa bình giả tạo" của ông Tập Cận Bình.
Theo nhà phân tích, ông Tập sẽ nhắm đến một lệnh ngừng bắn tạm thời để câu giờ, nhằm giúp quân Nga hồi sức. Sau đó lực lượng này sẽ đáp trả quân Ukraine quyết liệt hơn.
Theo ông Lehberger, ĐCSTQ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Nga trong ít nhất hai năm nữa, bởi vì ông tin rằng ông Tập Cận Bình có kế hoạch tiếp quản Đài Loan vào năm 2025. Chính vì thế nên Bắc Kinh muốn lợi dụng cuộc xung đột Nga - Ukraine để làm choáng váng hoặc làm suy yếu Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác.
Lợi ích kinh tế của Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có các chương trình nghị sự kinh tế dài hạn đối với cuộc chiến Nga - Ukraine và các mục tiêu kinh tế của nước này trong những thập kỷ tới gắn liền với việc Bắc Kinh thống trị nền kinh tế Nga.
“Nga giờ đây đã rơi vào lãnh thổ của tân đế chế Trung Quốc; vùng hoang dã rộng lớn của Nga sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng dồi dào mà con rồng Trung Quốc sẽ tiêu hóa khi nó trỗi dậy trong thập kỷ tới. Lúc đó ông Putin sẽ trở thành một hoàng tử chư hầu hùng mạnh dưới thời ông Tập Cận Bình", ông Weichert cho hay, đồng thời nói thêm rằng việc hợp nhất các nền kinh tế Trung Quốc và Nga sẽ mang lại chiến thắng vang dội cho ông Tập Cận Bình. Điều này sẽ khiến Nga lún sâu vào một cuộc xung đột kéo dài với Ukraine.
Theo ông Nalapat, Nga đã trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thô công nghiệp giá rẻ trọng yếu nhất của Trung Quốc. Hai quốc gia này đang tìm cách hợp tác với nhau để truất ngôi đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Ông nói “Từ quan điểm của Nga và Trung Quốc, sự suy yếu của đồng đô la Mỹ sẽ thúc đẩy đồng nội tệ của họ, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong một thời gian, phần lớn nguồn tài trợ cho thâm hụt của Hoa Kỳ đến từ việc tăng mua đô la Mỹ ở nước ngoài như một đồng tiền dự trữ, và sự phục hồi của đồng đô la sẽ làm giảm đáng kể sức mua của chính phủ Hoa Kỳ".
Ông Lehberger coi cuộc chiến ở Ukraine là một phần sống còn trong trò chơi kinh tế của Bắc Kinh chống lại Washington. Ông cho rằng ông Tập không chỉ muốn Mỹ suy yếu, mà còn muốn tước đoạt các đồng minh trung thành và trọng yếu của họ ở châu Âu.
Ông Lehberger kết luận: “Một Liên minh Châu Âu (EU) yếu kém sẽ trở thành chỗ dựa kinh tế của Trung Quốc”.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net - Thanh Hải biên dịch)