Việc Úc không ngừng tăng cường năng lực quốc phòng đã truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng, nước này sẽ sát cánh chứ không dựa dẫm vào Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

 

 

Giữa bối cảnh việc tăng cường quân sự của Trung Quốc gây ra mối lo ngại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các đồng minh của Mỹ cũng đang gia tăng những nỗ lực hiện đại hóa quân sự.

 

 

Trong khi Nhật Bản - nước láng giềng của Trung Quốc thu hút sự chú ý khi tiến hành hiện đại hóa quân đội thì Australia, mặc dù không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư vào các lực lượng vũ trang của mình.

 

              

 

 

 

Các binh lính Úc tiến hành chiến dịch đổ bộ trong cuộc tập trận với Mỹ ở đông bắc Úc ngày 13/7/2017. Ảnh: Reuters.

 

 

 

 

 

Tháng trước, chính phủ Úc đã thông báo về kế hoạch chi tiêu kinh tế, trong đó dành 212 tỷ đô-la cho chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ tới.

 

 

Khoản ngân sách này bao gồm việc nâng cấp các căn cứ, mua thêm vũ khí mới, trong đó có tên lửa tầm xa, tất cả đều nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và phòng vệ của Úc, cũng như giúp nước này tiến hành thuận lợi các chiến dịch với Mỹ.

 

 

Các kế hoạch mới của Úc được đưa ra giữa bối cảnh quan hệ Úc - Trung Quốc lao dốc nghiêm trọng sau khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động hiện đại hóa quân đội ở Biển Đông và những nước láng giềng của Úc ở khu vực Thái Bình Dương, cũng như tiến hành những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng và gia tăng sức ép với Úc về chính trị, ngoại giao và kinh tế.

 

 

Kế hoạch bổ sung chiến lược quốc phòng năm 2020 của Úc không chỉ phản ánh những thay đổi này mà còn cả tốc độ chúng diễn ra, Đại sứ Úc tại Mỹ Arthur Sinodinos đánh giá.

 

 

Ông Sinodinos nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Insider rằng "Mọi thứ đang diễn ra theo hướng đi mà chúng tôi dự đoán. Chúng chỉ xảy ra nhanh hơn so với chúng tôi nghĩ. Việc xem xét lại lập trường chiến lược quốc phòng và những biện pháp thực hiện có vai trò vô cùng quan trọng".

 

 

 

Úc tăng cường năng lực quốc phòng.

Úc đang tăng cường đầu tư vào quân đội khi dành 2,1% GDP cho quốc phòng năm 2020, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay. Động thái này khiến Úc trở thành nước chi cho quốc phòng lớn thứ năm ở châu Á.

 

 

Theo Business Insider, kho tên lửa và lực lượng hải quân của Trung Quốc, cả hai đều có khả năng tấn công tầm xa, có thể đe dọa các đồng minh của Mỹ trong khu vực và các căn cứ của Mỹ tại những nước này.

 

 

 

 

 

 

Tàu khu trục HMAS Hobar của Hải quân Úc phóng tên lửa SM-2 gần Hawaii trong một cuộc tập trận ngày 24/8/2020. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Úc Đại Lợi.

 

 

 

 

 

Điều đó đã dẫn đến những cuộc tranh luận nổ ra về 2 biện pháp phòng thủ: răn đe phủ nhận - đòi hỏi khả năng phá hủy tàu chiến, tàu ngầm và chiến đấu cơ của Trung Quốc và răn đe trừng phạt - yêu cầu khả năng tấn công Trung Quốc một cách trực tiếp.

 

 

Nhiều hệ thống mới mà Úc đang sở hữu thuộc loại răn đe phủ nhận. Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) có 33 chiến đấu cơ tàng hình F-35A đang hoạt động và có kế hoạch mua thêm 39 chiếc vào năm 2023. Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này sẽ thay thế những chiếc F/A-18 của Úc đã lỗi thời. RAAF cũng đang mua thêm một chiến đấu cơ không người lái.

 

 

 

Hải quân Hoàng gia Úc có kế hoạch tăng cường khả năng cho lực lượng tác chiến chính ở 3 tàu khu trục lớp Hobart bằng 9 tàu khu trục lớp Hunter mới. Các tàu Hunter dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối những năm 2020, và sau đó sẽ thay thế 8 tàu khu trục lớp Anzac của Hải quân.

 

 

 

Hải quân Úc hiện điều hành 6 tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Collin và có kế hoạch mua thêm ít nhất 12 tàu ngầm điện chạy bằng diesel lớp Attack mới. Các tàu ngầm lớp Attack có thể phóng ngư lôi và tên lửa, tương tự như các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Barracuda của Pháp mà các tàu này dựa vào để phát triển.

 

 

 

Dù vậy, chương trình phát triển lớp Attack đã gặp phải một số vấn đề và theo những báo cáo gần đây, các quan chức quốc phòng Úc có lẽ sẽ lựa chọn một thiết kế khác. Úc hy vọng sẽ có các tàu ngầm mới vào những năm 2030.

 

 

Úc cũng đang sở hữu 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Canberra. Ngoài các tàu tấn công đổ bộ và các chiến dịch chống tàu ngầm, Úc có thể phản ứng nhanh chóng trước những thảm họa tự nhiên và các cuộc khủng hoảng ở châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ xây dựng quan hệ với các nước láng giềng và đối phó trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng.

 

 

 

Sát cánh chứ không dựa dẫm vào Mỹ.

 

Mỹ và Úc có một lịch sử lâu dài hợp tác quân sự chặt chẽ. Một vị tướng của Úc từng là vị tướng không phải người Mỹ đầu tiên chỉ huy quân đội Mỹ và dẫn dắt họ trong cuộc chiến Hamel tháng 7/1918.

 

Kể từ đó, Úc đã chiến đấu cùng Mỹ trong mọi cuộc chiến tranh lớn của nước này. Mối quan hệ mạnh mẽ giữa Úc và Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Canberra có thể tập trung vào việc xây dựng kho vũ khí cho mục đích răn đe phủ nhận, trong khi phụ thuộc vào Washington về mặt răn đe trừng phạt.

 

 

Tuy nhiên, Úc đang nỗ lực phát triển khả năng tên lửa chống hạm tầm xa, tên lửa phòng không và tên lửa siêu thanh nhằm tấn công các mục tiêu tầm xa của Trung Quốc. Những hệ thống này có thể giúp Úc tăng cường khả năng răn đe, cũng như giảm phụ thuộc vào Mỹ nếu khủng hoảng xảy ra.

 

 

Patrick Cronin, chủ tịch nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson, đánh giá Úc là một trong số ít đồng minh có khả năng chiến đấu thực thụ của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Canberra cho rằng các vũ khí mới có vai trò quan trọng giữa bối cảnh khả năng quân sự của Bắc Kinh gây ra mối đe dọa đáng kể.

 

 

Michael Green, phó chủ tịch phụ trách châu Á và Nhật Bản tại Trung tâm Chiến lược Quốc tế, nói với Insider: "Quân đội Mỹ và Úc đang tiến hành những cuộc thảo luận nghiêm túc về những viễn cảnh thực sự ở châu Á mà họ cho rằng chưa từng xảy ra cách đây 20 năm".

 

Ông Sinodinos cho hay "Chúng tôi đang tăng chi tiêu cho những vũ khí công nghệ cao, tên lửa dẫn đường chính xác cùng một số loại vũ khí khác. Tôi cho rằng điều đó đã cho thấy sự đáng tin cậy của chúng tôi, rằng chúng tôi không phải là một đồng minh chỉ dựa dẫm vào người khác".

(Theo Business Insider)