Ảnh trích từ video do Phòng Báo chí Phủ tổng thống Ukraine công bố ngày 11/01/2025: Quân Ukrainian bắt được hai lính Bắc Hàn chiến đấu với quân Nga tại vùng biên giới Kursk. AP
Hôm 28/04/2025, lần đầu tiên Bắc Hàn xác nhận đã điều quân sang Nga hỗ trợ Moscow giành lại quyền kiểm soát các khu vực ở vùng biên Kursk bị quân Ukraine chiếm đóng. Về phía Nga, theo AFP, tổng thống Vladimir Putin đã cảm ơn lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, về « chiến tích » này và hoan nghênh sự anh dũng của các binh sĩ Bắc Hàn. Đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Putin thừa nhận sự hiện diện của lính Bắc Hàn bên cạnh quân đội Nga.
Câu hỏi đặt ra là vì sao hai nhà lãnh đạo Nga - Bắc Hàn lại chọn thời điểm này để công khai sự việc?
Trước đây đã có lần lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng « úp mở » về sự hiện diện của lính Bắc Hàn bên cạnh quân Nga. Hồi cuối năm 2024, Kim Jong Un đã yêu cầu « những đội quân Bắc Hàn được khai triển ở nước ngoài thể hiện khả năng chiến đấu kiên cường ». Theo phân tích của Edward Howell, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Oxford của Anh, được trang mạng đài France 24 trích dẫn hôm 28/02, đây là cách ông Kim thừa nhận mà không cần nói thẳng ra là quân đội Bắc hàn đã có mặt tại chiến trường Nga - Ukraine, bởi vì trên thực tế, không có mặt trận nào khác trên thế giới mà quân đội Bắc Hàn có thể hiện diện.
Dĩ nhiên khi đó Moscow không thể chấp nhận lời thừa nhận như vậy, bởi vì theo giải thích của Jeff Hawn, một chuyên gia về Nga tại trường Kinh tế Luân Đôn, « Nga sẽ bị coi là yếu kém nếu thừa nhận họ cần sự trợ giúp từ một lực lượng nước ngoài để đánh bại quân Ukraine tại vùng Kursk ».
Tuy nhiên, tình hình hiện giờ đã thay đổi. Patrick Haasler, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga, thuộc Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (ITSS) Verona, phân tích: « Thông báo chính thức về sự hiện diện của quân đội Bắc Hànđược đưa ra ngay sau thông báo của Moscow về "chiến thắng" của Nga trước Ukraine ở vùng Kursk. Đây là thời điểm đặc biệt thuận lợi để Nga và Bắc Hàn nói tới vấn đề này, bởi vì như vậy họ có thể phô trương hợp tác quân sự đó như một thành công mang lại uy tín cho quân đội của cả hai nước ».
Riêng đối với điện Kremlin, đây là cách tuyên truyền để gây sức ép đối với cả tổng thống Mỹ Donald Trump và Ukraine.
Mặc dù Ukraine không thừa nhận đã bị Nga đẩy lui khỏi vùng Kursk, nhưng theo Alexander Lipke, chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu (ECFR), về tuyên truyền, điều quan trọng là Nga phải đưa ra hai thông báo này khớp nhau về thời điểm : « Những tuyên bố tương tự nhưng cách nay vài tháng, khi kết quả giao tranh ở vùng Kursk vẫn còn chưa chắc chắn » ẩn chứa nhiều « rủi ro », bởi nếu Ukraine đánh thắng các đội quân Nga - Bắc Hàn trên mặt trận Kursk thì đây sẽ là một thảm họa cho hình ảnh của Nga.
Về logic, theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, việc Vladimir Putin chọn thời điểm hiện giờ, khi các bên đang đàm phán ngoại giao về hòa bình, để thông báo là rất hợp lý. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang gây sức ép buộc Kyiv và Moscow phải đạt được lệnh ngừng bắn, bằng cách này, điện Kremlin muốn cho Mỹ biết rằng Nga không vội vàng chấm dứt giao tranh, bởi vì họ có thể dựa vào đội quân mà Bình Nhưỡng điều động.
Jenny Mathers, chuyên gia về Nga tại đại học Aberystwyth, xứ Wales, phân tích: « Vladimir Putin muốn đánh tín hiệu cho cộng đồng quốc tế rằng Nga có những đồng minh mà họ có thể tin cậy vào thời chiến ». Còn Patrick Haasler, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga, nhấn mạnh: « Đây là thực tế mà tổng thống Nga muốn phô trương trước Ukraine vào thời điểm Kyiv khó có được mọi sự bảo đảm từ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và Âu châu ».
Mặt khác, việc công nhận sự hỗ trợ quân sự của Bắc Hàn cũng có thể giúp trấn an dư luận Nga. Đối với chuyên gia Haasler, « Vladimir Putin luôn hứa với người Nga rằng cuộc xung đột này sẽ gây ít tác động đến cuộc sống hàng ngày của họ. Sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn, nay đã được công nhận chính thức, có thể trấn an một số người Nga rằng họ sẽ bớt nguy cơ bị điều động ra mặt trận ».
Thắng lợi chính trị của Bình Nhưỡng
Tuy nhiên, chuyên gia Jeff Hawn cho rằng Vladimir Putin « cũng có thể đã bị Bình Nhưỡng thúc đẩy phải thừa nhận sự hiện diện của các binh lính Bắc Hàn ». Tương tự, chuyên gia nghiên cứu Alexander Lipke của Âu châu nhấn mạnh bộ máy tuyên truyền của chế độ Kim Jong Un cần Vladimir Putin có lời tri ân chính thức, « để Bình Nhưỡng có thể tôn vinh những binh lính đi chiến đấu với các đồng minh Nga như những người hùng ».
Chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu (ECFR) cho biết thêm là Bắc Hàn « cũng coi sự công nhận này là cách để củng cố vị thế của họ đối với Nga » và để nhận được thêm nhiều « món quà » từ Moscow. Theo Edward Howell, những món quà đó là « công nghệ hỏa tiễn đạn đạo và quân sự » của Nga.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo Edward Howell, Vladimir Putin trên hết muốn tỏ cho thấy quan hệ giữa hai nước sẽ còn kéo dài và thậm chí cần được tăng cường sau cuộc chiến ở Ukraine. Điều tương tự cũng được nhiều chuyên gia mà France 24 trích dẫn hôm 28/04 cảnh báo. Jeff Hawn dự báo sẽ « ngày càng có nhiều công nhân Bắc Hàn làm việc tại các nhà máy sản xuất đạn dược của Nga ». Đáng lo ngại hơn là « nguy cơ các đội quân do Bình Nhưỡng điều động sang Nga sẽ được khai triển tới tận biên giới các nước Âu châu », theo cảnh báo của Alexander Lipke.
Trước mắt, theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, việc công khai chính thức sự hiện diện của đội quân Bắc Hàn tại Nga mang lại chiến thắng chính trị cho Bình Nhưỡng: Chế độ vốn chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự nay đã có thể chứng minh với thế giới rằng « quân đội của họ biết cách chiến đấu trong một cuộc chiến tranh hiện đại ».
(Theo RFI)