Tiền giấy của Trung Quốc và của Mỹ chụp vào ngày 10/02/2020. (Ảnh: Dado Ruvic / Illustration / Reuters)

 

 

 

 

 

Nếu Trung Quốc “bán phá giá” toàn bộ nợ và trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ trong một ngày thì nước này sẽ mất rất nhiều tiền, từ đó làm suy yếu khả năng mua nguyên liệu thô của Bắc Kinh; đồng thời Fed lại nhận được vô số lợi ích bởi họ sẽ mua lại được tín phiếu kho bạc (treasury bill) với giá chiết khấu.

 

 

Năm loại tiền tệ quốc tế mà các ngân hàng trung ương trên thế giới thường nắm giữ là: đồng USD, EUR, CNY, JPY (yên Nhật), và GBP (bảng Anh). Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện ở mức 3,2 ngàn tỷ USD, bao gồm nhiều loại tiền tệ quốc tế, với đồng USD chiếm tỷ lệ lớn nhất.

 

 

Trung Quốc hiện nắm giữ 1,1 ngàn tỷ USD nợ công của chính phủ Mỹ, chiếm khoảng 4% trong tổng số 28 ngàn tỷ USD nợ quốc gia của Hoa Kỳ. Trong vòng 20 năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đều là những nước sở hữu nợ Hoa Kỳ nhiều nhất. Hiện tại, Nhật Bản nắm giữ nhiều hơn một chút so với Trung Quốc.

 

 

Theo Fed và Bộ Tài chính Mỹ, hơn 7 ngàn tỷ USD hiện đang nằm trong các kho dự trữ nước ngoài. Đồng USD chiếm 59,2% dự trữ ngoại tệ toàn cầu, trong khi đồng CNY chỉ chiếm 2,5%. Các quốc gia nắm giữ các khoản nợ của Mỹ và đồng USD nhằm mục đích hỗ trợ đồng tiền của chính họ, và để mua hàng hóa và nguyên liệu thô nhập khẩu.

 

 

Các mặt hàng được mua bán trên toàn cầu - chẳng hạn như thép, cobalt, magnesium, và thậm chí cả xăng - được định giá bằng đồng USD. Các giao dịch mua nguyên liệu thô này và các giao dịch toàn cầu khác phần lớn được thanh toán bằng các loại tiền tệ mạnh, thường là đồng USD. Đồng tiền dự trữ lớn thứ hai là đồng EUR. Tuy nhiên, đồng USD vẫn hữu ích hơn nhiều, được đánh giá là an toàn và ổn định, và được chấp nhận ở mọi nơi. Đồng EUR được dùng chủ yếu để đầu tư vào Liên minh châu Âu EU, nhưng lại chỉ được sử dụng ở một số khu vực của châu Phi, và thường không được sử dụng ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, và châu Á.

 

 

Tính hữu dụng khiến đồng USD trở thành loại tiền tệ phổ biến nhất trong các cặp tiền tệ, có nghĩa là hầu hết các loại tiền tệ khác đều được giao dịch bằng cách đổi ra từ đồng USD. Đồng USD chiếm khoảng 88% tất cả các giao dịch ngoại hối. Khoảng 5 ngàn tỷ USD tiền tệ được giao dịch mỗi ngày trên các sàn giao dịch ngoại tệ.

 

 

Các quốc gia thường đa dạng hóa dự trữ ngoại hối theo số lượng từng loại tiền tệ mà họ sẽ cần để thanh toán thương mại. Do đó, các ngân hàng trung ương sẽ nắm giữ một lượng nhỏ đồng CNY. Hầu hết giao dịch toàn cầu được thanh toán bằng đồng USD, trong khi chỉ khoảng 1,7% được thanh toán bằng CNY.

 

 

Ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu - một hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, nói rằng các chuyên gia ở Trung Quốc đã thảo luận về việc ‘xử lý’ ngay lập tức toàn bộ lượng USD mà Trung Quốc đang nắm giữ. Một số phương tiện truyền thông đã gọi động thái này là “lựa chọn hạt nhân về tiền tệ của Trung Quốc”; ngụ ý rằng Trung Quốc có thể thanh lý các khoản nợ công của chính phủ Hoa Kỳ trong một ngày, làm sụp đổ đồng USD và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, lựa chọn này thực sự không phải là một sự lựa chọn. Nó chính là ‘đòn tự sát’ của Trung Quốc, và lại đến lợi ích cho Hoa Kỳ.

 

 

Trung Quốc cần giữ một lượng lớn USD để trả các khoản nợ của chính mình. Một lượng lớn USD nằm trong kho cũng tạo nên một hàng rào có tác dụng ngăn chặn gián đoạn tài chính trong tương lai, chẳng hạn như vụ vỡ nợ tiềm tàng của nhà phát triển bất động sản Evergrande, tập đoàn có khoản nợ bằng 2% GDP Trung Quốc. Một lý do khác khiến Trung Quốc cần nắm giữ USD và các đồng ngoại tệ mạnh là để ‘chống lưng’ cho đồng CNY.

 

 

Trong thế kỷ 19, các nước bảo vệ đồng tiền của họ bằng vàng. Sau Thế chiến thứ hai, chỉ Mỹ mới có đủ vàng để hỗ trợ đồng tiền của mình. Vì vậy, hệ thống Bretton Woods được thành lập, theo đó các quốc gia khác sẽ bảo vệ đồng tiền của họ bằng đồng USD. Hệ thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, ngay cả khi đồng USD không còn sử dụng vàng là tài sản bảo vệ kể từ năm 1971.

 

 

 

Cảnh sát tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 08/07/2015. (Ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)

 

 

 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sử dụng đồng USD để mua đồng CNY khi mà giá của đồng CNY giảm xuống quá một mức nhất định. Nếu PBOC thanh lý lượng USD đang nắm giữ của mình, họ sẽ không có cách nào để bảo vệ đồng CNY.

 

 

Khi Trung Quốc mua nợ của Hoa Kỳ, họ sẽ làm tăng lượng CNY trong lưu thông, khiến đồng CNY giảm giá; nhờ vậy mà hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Bằng cách bán khoản nợ bằng đồng USD, Trung Quốc sẽ giảm lượng CNY lưu thông, khiến đồng CNY tăng giá; hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bởi vậy sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

 

 

Cựu Tổng thống Donald Trump đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kiểm soát giá đồng CNY một cách cho chủ ý, nhằm mục đích tăng lượng hàng xuất khẩu của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc bán tháo nợ bằng đồng USD sẽ mang đến tác dụng ngược lại.

 

Nói tóm lại, ĐCSTQ khó mà có thể làm sụp đổ đồng USD bằng cách bán phá giá khoản nợ chính phủ Hoa Kỳ trị giá 1 ngàn tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ. Năm 2014, Trung Quốc đã bán khoảng 1 ngàn tỷ USD nợ của Mỹ; nhưng điều ấy đã không gây ra tác động đáng kể nào đến nền kinh tế Mỹ.

 

 

Nếu Bắc Kinh thanh lý cùng một lúc tất cả các khoản nợ của Hoa Kỳ, giá bán trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ sẽ giảm xuống. Trung Quốc sẽ mất tiền. Trong khi đó, Fed sẽ mua lại được khoản nợ của chính mình với giá chiết khấu. Đây chính xác là những gì Mỹ đã làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi các quốc gia khác thanh lý chứng khoán nợ của Mỹ để tài trợ cho các gói kích thích trong nước, Fed đã lên thị trường mở và mua chúng với giá chiết khấu. Kể từ tháng 06/2020, Fed đã mua 80 tỷ USD chứng khoán kho bạc mỗi tháng. Fed sẽ rất hạnh phúc khi mua chứng khoán kho bạc với giá 80 hoặc 90 xu trên 1 USD, nếu Trung Quốc bất ngờ làm chúng tràn ngập thị trường, khiến giá giảm mạnh.

 

 

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

 

 

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio hiện đang là Giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc) và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

 

(ntdvn.com - Theo The Epoch Times)