Thương hiệu điện thoại thông minh Tecno của Trung Quốc bị cáo buộc không chỉ đánh cắp dữ liệu người dùng mà còn cài sẵn phần mềm độc hại trên điện thoại để đánh cắp tiền của người dùng. (Getty Images)
Điện thoại thông minh của Trung Quốc sản xuất với giá thành rẻ, trang bị nhiều chức năng đang được người tiêu dùng ở các nước đang phát triển đón nhận. Nhưng chúng ta nên lưu ý rằng "trên đời không có gì là miễn phí".
Ngày 25/8, báo Times of India đưa tin, nhà cung cấp dịch vụ bảo mật di động Secure-D và Buzzfeed sau khi điều tra đã phát hiện, thương hiệu điện thoại thông minh Tecno của Trung Quốc không chỉ ăn cắp dữ liệu người dùng mà còn cài sẵn phần mềm độc hại để đánh cắp tiền của người dùng.
Tecno là thương hiệu hàng đầu của nhà sản xuất điện thoại di động Transsion Holdings. Mặc dù Transsion Holdings gần như không được biết đến ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á và các quốc gia khác, nhưng công ty này đầu tư toàn bộ nguồn lực của mình vào thị trường Châu Phi. Nó cũng được ưa chuộng ở các nước như Indonesia và Ấn Độ.
Nhà cung cấp dịch vụ bảo mật di động đã phát hiện ra rằng phần mềm độc hại được cài đặt trong Tecno là xHelper và Triada. Phần mềm này sẽ bí mật tải xuống ứng dụng và đăng ký các dịch vụ trả phí mà người dùng không hề hay biết .
Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2019, Secure-D đã chặn 844.000 giao dịch gian lận liên quan đến phần mềm độc hại được cài đặt sẵn trên điện thoại Tecno.
Tuy nhiên, Tecno không phải là điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất đầu tiên thực hiện hành vi ăn cắp này.
Báo cáo của công ty bảo mật G Data của Đức cho biết, điện thoại di động Trung Quốc giả mạo điện thoại SamSung được bán với giá rẻ trên eBay cũng bị nhúng phần mềm độc hại có khả năng theo dõi và đánh cắp dữ liệu cá nhân trong điện thoại, đồng thời gửi đến máy chủ ẩn danh ở Trung Quốc. Phần mềm độc hại cũng có thể cài đặt các ứng dụng chứa virus mà người dùng không biết hoặc không kiểm soát được.
Năm 2016, một bài báo trên tờ New York Times đã tiết lộ rằng, trên smartphone của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc BLU có một cửa hậu, sẽ gửi tất cả tin nhắn văn bản, danh sách liên lạc, nhật ký cuộc gọi, thông tin vị trí và các thông tin khác của người dùng sau mỗi 72 giờ. Nội dung của dữ liệu được gửi đến Trung Quốc.
Lỗ hổng này được công ty an ninh mạng Kryptowire phát hiện. Phó chủ tịch của Kryptowire - ông Tom Karygiannis cho biết phần mềm độc hại này đã được cài sẵn trên điện thoại nhưng chức năng giám sát này không được tiết lộ cho người dùng.
Ngoài ra, điện thoại di động Xiaomi còn bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu từ người dùng Ấn Độ và gửi cho bên thứ 3. Có thông tin cho rằng Xiaomi có thể theo dõi mọi thứ mà người dùng thực hiện trên điện thoại, bất kể người dùng duyệt trên trình duyệt Mi hay tải xuống hoặc truy cập tệp văn bản trên Windows, đều sẽ bị theo dõi.
Cuối cùng, nhà cung cấp dịch vụ bảo mật di động nhắn nhủ tới người dùng khi lựa chọn điện thoại thông minh Trung Quốc rằng, chúng ta không nên bị hấp dẫn bởi các tính năng mạnh và giá thành rẻ, mà nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.
(Theo ntdvn.com)