Nguồn: Katsuji Nakazawa, “For 17 years, Xi closely watched Taiwan-governed islets,” Nikkei Asia, 06/07/2023

 

(nghiencuuquocte.org; Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng)

 

 

Gắn kết kinh tế có còn nằm trong chiến lược của nhà lãnh đạo?

 

Năm 1985, Tập Cận Bình, 32 tuổi, được cử đến thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, để giữ chức phó thị trưởng.

 

Trong vòng 17 năm tiếp theo, ông đã trở thành quan chức cấp cao ở Phúc Kiến, sau cùng leo lên chức tỉnh trưởng, trước khi chuyển đến tỉnh Chiết Giang để làm Bí thư Tỉnh uỷ vào năm 2002.

 

Chính trong thời gian ở Hạ Môn, Tập đã kết hôn với ca sĩ ngôi sao Bành Lệ Viện. Hiện ông là Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là nhà lãnh đạo cao nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nguồn gốc sự nghiệp chính trị của Tập nằm ở Phúc Kiến.

 

Nằm cách bờ biển Hạ Môn vài ki-lô-mét là Quần đảo Kim Môn. Mặc dù chỉ cách Trung Quốc đại lục một quãng ngắn, nhưng quần đảo này lại được quản lý bởi Đài Loan, nằm cách đó tận 200 km. Quần đảo với vị trí đặc biệt này đã có tác động đáng kể đến Tập.

 

Kể từ thời Tập ở Phúc Kiến, đã có hai khẩu hiệu tuyên truyền lớn nằm đối diện nhau trên vùng nước hẹp.

 

Về phía Hạ Môn, có một bảng hiệu tiếng Trung cỡ lớn, màu đỏ, viết rằng “Một quốc gia, hai chế độ, thống nhất Trung Quốc,” phù hợp với công thức được cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình ủng hộ.

 

Người dân đạp xe đi ngang qua bảng hiệu khổng lồ có nội dung “Một quốc gia, hai chế độ, thống nhất Trung Quốc” ở Hạ Môn, đối diện với đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát. © Reuters

 

 

Trong khi đó, trên đảo Đại Đảm, một trong những hòn đảo nhỏ của Kim Môn, là một tấm biển màu trắng kêu gọi “thống nhất Trung Quốc” theo “thuyết Tam Dân” của Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng Trung Quốc thường được gọi là “cha đẻ của Trung Hoa hiện đại.”

 

Từ Hạ Môn, người ta cũng có thể nhìn thấy tấm biển ở Đại Đảm.

 

Thuyết Tam Dân bao gồm ba khía cạnh – dân tộc, dân quyền, và dân sinh.

 

Do vị trí đặc biệt của quần đảo, cuộc sống ở Kim Môn thường xuyên căng thẳng. Ngày 01/09/2022, quân đội Đài Loan tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái dân sự có camera đã đi vào không phận Đài Loan, nằm gần nhóm đảo nhỏ này.

 

 

Tấm biển tuyên truyền có nội dung “thống nhất Trung Quốc theo chủ nghĩa Tam Dân” trên đảo Đại Đảm, một phần của Quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát. Hòn đảo nằm ngay ngoài khơi thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. © Reuters

 

 

 

Chiếc máy bay không người lái được cho là đến từ Trung Quốc, và các vụ xâm nhập tương tự vào không phận Đài Loan bằng máy bay không người lái không rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục sau đó.

 

Xâm nhập bằng máy bay không người lái có thể là việc tương đối mới, nhưng đối đầu đã có từ nhiều thập niên trước. Năm 1949, Trận Kim Môn đã nổ ra trong Nội chiến Trung Quốc.

 

Năm 1958, khoảng 480.000 quả đạn pháo đã từ Phúc Kiến bắn vào Kim Môn, trong Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ hai.

 

Trung Quốc vẫn tiếp tục pháo kích quần đảo cho đến tận năm 1978. Ngày nay, Kim Môn trở nên nổi tiếng nhờ sản xuất “dao Kim Môn,” loại dụng cụ nhà bếp làm từ một nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng không hẳn là tự nhiên – vỏ đạn pháo Trung Quốc.

 

Một phụ nữ lớn tuổi đã sống ở đảo Kim Môn từ khi bà ra đời những năm 1950 đã kể cho con cháu nghe những câu chuyện đau lòng về việc sống sót sau trận pháo kích ác liệt.

 

Bà kể rằng mình đã rất sợ hãi vào ban đêm, khi những tiếng nổ lớn do đạn pháo từ Trung Quốc vang lên bên tai bà.

 

Đối với những người thuộc thế hệ của Tập Cận Bình, ký ức về các trận chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan vẫn còn sống động.

 

 

Bờ biển Kim Môn vẫn có một số biện pháp phòng thủ để ngăn quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

Những hàng cọc sắt kiên cố, được dựng lên để ngăn tàu Trung Quốc đổ bộ lên bãi cát nay vẫn còn hiện diện ở Kim Môn. Một dãy xe tăng cũ cũng đang xếp hàng dọc bờ biển.

 

Trong khi đó, ở bờ bên kia là những tòa nhà chọc trời của Hạ Môn. Từ các bãi biển của đảo Kim Môn, người ta có thể trải nghiệm cả những trận chiến quân sự hàng chục năm trước lẫn nền hòa bình theo sau đó.

 

Nhưng quần đảo này vào năm 1985, khi Tập, 32 tuổi, đến Hạ Môn để đảm nhận chức phó thị trưởng, trông như thế nào? Những đợt pháo kích của Trung Quốc vào hòn đảo chỉ mới kết thúc bảy năm trước đó. Và Trung Quốc cũng chỉ mới kết thúc chiến tranh với Việt Nam được sáu năm.

 

Những cuộc pháo kích vào Kim Môn đã bị dừng lại giữa lúc bối cảnh chính trị toàn cầu có sự thay đổi lớn. Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ để chống lại bá quyền Liên Xô. Đồng thời, Đặng Tiểu Bình đã phát động chính sách “cải cách mở cửa” để phục hồi nền kinh tế Trung Quốc vốn đã bị tàn hoại bởi chính sách Cách mạng Văn hóa của chính họ trong giai đoạn 1966-1976.

 

 

Một chiếc xe tăng cũ từng được sử dụng để bảo vệ Kim Môn hiện được trưng bày trên một bãi biển đối diện với Hạ Môn. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

Tuy nhiên, Hạ Môn vẫn sa lầy trong tình trạng ảm đạm đến tận thập niên 1980. Thách thức lớn nhất đối với các quan chức cấp cao của thành phố, bao gồm cả Phó Thị trưởng Tập, là thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

 

Không khó để hình dung Tập đã từng suy nghĩ nghiêm túc về quan hệ kinh tế và thương mại với Đài Loan mỗi ngày, trong khi nhìn về đảo Kim Môn ở phía đông. Đài Loan đã và đang phát triển kinh tế đáng kinh ngạc vào thời điểm đó.

 

Năm 1999, ngay sau khi được thăng chức quyền tỉnh trưởng Phúc Kiến, Tập tuyên bố lợi ích hợp pháp của các công ty Đài Loan sẽ được đảm bảo. Lúc đó, ông có bài phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức từ các công ty Đài Loan đầu tư vào tỉnh.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei ở Phúc Kiến vào tháng 9/1999, Tập để lại ấn tượng rằng ông đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ các khoản đầu tư của “Đài Thương” (Taishang), tức các doanh nhân Đài Loan kinh doanh ở Trung Quốc đại lục.

 

Lý Đăng Huy, Tổng thống Đài Loan vào thời điểm đó, đang ủng hộ thuyết “hai nhà nước” của mình, mô tả quan hệ xuyên eo biển là “quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với nhà nước,” theo đó dẫn đến phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh.

 

Trung Quốc chỉ trích Lý vì kêu gọi độc lập cho Đài Loan và khẳng định lập trường rằng họ sẽ không ngần ngại thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Loan. Tập cũng chỉ trích nhận xét của Lý, nhưng nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc hiểu tầm quan trọng của quan hệ kinh tế với Đài Loan.

 

Vào thời điểm đó, các khoản đầu tư của Đài Loan đã trở thành trụ cột cho nền kinh tế Phúc Kiến. Chính quyền tỉnh đã cố gắng hết sức để ngăn các công ty Đài Loan giảm hoặc rút đầu tư do căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển.

 

 

Dòng chữ “ba liên kết nhỏ” – nghĩa là liên kết thông qua giao thông vận tải, thương mại, và liên lạc – xuất hiện tại sân bay trên Quần đảo Kim Môn. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

 

Đã có sự linh hoạt từ phía Tập và các quan chức cấp cao khác của Phúc Kiến. Một trong những trách nhiệm của Tập là thu hút các công ty lớn của Đài Loan đến Hạ Môn.

 

Bước sang thế kỷ 21, các liên kết giữa Trung Quốc và Đài Loan trong giao thông vận tải, thương mại, và liên lạc bắt đầu hoạt động.

 

Đối với Trung Quốc, Kim Môn trở thành cửa ngõ quan trọng vào Đài Loan. Các chuyến đi ngắn từ Hạ Môn và Tuyền Châu ở Phúc Kiến đến Kim Môn cũng trở nên phổ biến.

 

Tuy nhiên, gần đây, việc di chuyển qua lại giữa Kim Môn và Hạ Môn đã bị hạn chế do đại dịch COVID-19 và chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào mùa hè năm ngoái.

 

Chủ một nhà nghỉ nhỏ gần Bến Thủy Đầu trên đảo Kim Môn cho biết một nửa số khách của bà từng là người đến từ đại lục. Nhưng giờ thì toàn bộ khách đều từ Đài Bắc và Đài Trung, hòn đảo chính của Đài Loan. Nhà nghỉ của bà vẫn bận rộn nhờ sự bùng nổ du lịch nội địa và du lịch hè ở Đài Loan. Bà nói, “Anh thấy đó, chúng tôi không còn phòng trống.”

 

Kể từ Tết Nguyên đán hồi tháng 2, Trung Quốc đã nối lại tuyến đường vận chuyển từ Kim Môn đến Phúc Kiến. Mục tiêu chính là thu hút đầu tư từ các chủ doanh nghiệp Đài Loan, nhằm thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc.

 

 

Một con tàu từ Hạ Môn đến cảng Kim Môn. Các nhà hàng và nhà nghỉ trên đảo nói rằng hiện tại họ có ít khách đến từ đại lục hơn trước. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

 

Tuy nhiên, không rõ liệu gắn kết kinh tế có còn là yếu tố trung tâm trong chính sách Đài Loan của Tập Cận Bình hay không.

 

Ngày 1/7 vừa qua, ĐCSTQ đánh dấu kỷ niệm 102 năm ngày thành lập. Các chiến dịch chính trị do Đảng lãnh đạo đã được tổ chức trên khắp Trung Quốc trong dịp kỷ niệm này.

 

ĐCSTQ đã theo đuổi việc thống nhất Đài Loan kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Giờ đây trong thời đại của Tập Cận Bình, Trung Quốc một lần nữa tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu.

 

Liệu Tập có tiếp tục linh hoạt như thời còn ở Phúc Kiến không? Hay khi đã nắm trong tay quyền lực tối cao, ông sẽ vội vàng thực hiện việc thống nhất Đài Loan, kể cả nếu phải dùng vũ lực?

 

Câu trả lời sẽ có tác động đáng kể đến tương lai chính trị và kinh tế của không chỉ của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn của toàn thế giới.

 

Chẳng thể biết được tâm tư thực sự của Tập. Nhưng chúng ta có thể sẽ biết được một phần suy nghĩ của ông sau khi một nhân vật mới lên lãnh đạo Đài Loan, kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến, sau cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 1 năm tới.

 

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.