Trung Quốc đang triển khai chương trình này tại tỉnh Hà Bắc, yêu cầu người dân phải xin phê duyệt nếu họ có kế hoạch gửi hoặc rút một lượng lớn tiền mặt tại các ngân hàng thương mại. Kế hoạch tương tự sẽ được mở rộng ra tỉnh Triết Giang và tỉnh Thẩm Quyến.

 

 

 

(Ảnh: Shutterstock)

 

 

 

Quy định này được đưa ra sau khi nhiều người đổ xô đi rút tiền tại các ngân hàng cho vay nhỏ đang mắc nợ vào năm ngoái, cũng như lo ngại về tác động của suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch.  

 

Từ ngày 1/7, cư dân trong tỉnh Hà Bắc sẽ cần cung cấp thông tin về nguồn tiền gửi hoặc mục đích của việc rút tiền cho các giao dịch trên 100.000 NDT (14.162 USD) đối với cá nhân và 500.000 NDT đối với công ty, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc.

 

Người gửi tiền sẽ phải gửi thông báo cho ngân hàng trước một ngày nếu muốn rút số tiền bằng hoặc lớn hơn mức quy định, và phải nhận được sự chấp thuận của chi nhánh ngân hàng, bài báo cho biết.

 

Từ ngày 1/10, chương trình thí điểm này sẽ mở rộng đến tỉnh Triết Giang và thành phố Thẩm Quyến tại tỉnh Quảng Đông, với mức quy định đối với các giao dịch cá nhân lần lượt là 300.000 NDT (tại Triết Giang) và 200.000 NDT (tại Thẩm Quyến).

 

Các biện pháp này được cho là để hạn chế nhu cầu tiền mặt “không hợp lý” nhằm tránh rủi ro cho hệ thống kinh tế và ngân hàng của Trung Quốc.

“Việc thực hiện thường xuyên các giao dịch tiền mặt lớn có thể xem là rửa tiền hoặc trốn thuế, do đó quy định về giao dịch tiền mặt này có thể giúp hạn chế các hành vi bất hợp pháp đó,” ông Pan Helin, trưởng khoa của Viện Nghiên cứu kinh tế Kỹ thuật số thuộc Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam, cho biết.

 

Theo tờ Journal, quy định này chủ yếu nhắm đến các giao dịch thực hiện bằng tiền mặt thông qua thiết bị rút và gửi tiền tự động nhằm tránh việc giám sát.

 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nhanh chóng thông báo rằng quy định này sẽ chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến các giao dịch kinh doanh của người dân.

 

Hệ thống ngân hàng trị giá 40 ngàn tỷ USD của Trung Quốc đang có dấu hiệu rơi vào khủng hoảng sau khi khách hàng đổ xô tới hai ngân hàng cho vay nhỏ tại địa phương vào tháng trước để rút tiền tiết kiệm trước lo ngại về sức khỏe của các tổ chức tài chính này.

 

Chính quyền địa phương và cảnh sát ở cả Baoding tại tỉnh Hà Bắc và Yangquan, một thị trấn khai thác than tại tỉnh Sơn Tây, đã phải năn nỉ khách hàng đừng rút tiền mặt.

 

Các chi nhánh địa phương của ngân hàng trung ương Trung Quốc và cơ quan quản lý ngân hàng quốc gia cũng đã phát hành các thông báo nhằm đảm bảo với công chúng rằng tiền tiết kiệm của họ vẫn an toàn.

 

Trung Quốc bảo đảm cho các khoản tiền gửi lên đến 500.000 NDT tại mỗi ngân hàng. Nhưng các khoản đầu tư vào ‘các sản phẩm quản lý tài sản’ và ‘các chương trình đầu tư ủy thác’ vốn rất phổ biến với những người gửi tiết kiệm Trung Quốc và thường được bán thông qua các chi nhánh ngân hàng, thì không được bảo vệ. 

 

Và mặc dù các cuộc đổ xô tới rút tiền ngân hàng thường nhanh chóng dịu xuống sau khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương, nhưng những sự cố này là lời nhắc nhở về các bản báo cân đối tài sản có vấn đề của các ngân hàng nhỏ Trung Quốc do các khoản nợ xấu và viễn cảnh tăng trưởng u ám, vốn đang đã bị virus corona làm trầm trọng thêm.

 

Nhiều ngân hàng cho vay nhỏ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề bao gồm sự gia tăng các khoản nợ xấu, không đủ vốn và quản trị kém.

 

Ngân hàng Cam Túc (Bank of Gansu) đã huy động được 6 tỷ đô la Hồng Kông (848.000 USD) thông qua đợt chào bán công khai lần đầu tại Hồng Kông trong tháng 1 năm 2018, đã gặp sự cố khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tháng 4, trong khi đó Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu (Yingkou Coastal Bank) đã nhận được một số lượng lớn yêu cầu rút tiền mặt tại quầy trong tháng 11.

 

Năm ngoái, chính phủ trung ương đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Baoshang, một ngân hàng cho vay tại Nội Mông từng là ngôi sao trong ngành ngân hàng nhưng đã không thể duy trì hoạt động. Ngân hàng này đã được tái cấu trúc và tái cấp vốn. Năm ngoái chính phủ cũng bị buộc phải giải cứu Ngân hàng Jinzhou và Ngân hàng Hengfeng.

(theo trithucvn.net)