Tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol, khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. (Ảnh: VOA)
Các chuyên gia phân tích cho biết chuyến công du các nước Đông Nam Á của Tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol, cho thấy Seoul tăng cường vai trò trong việc hỗ trợ an ninh khu vực, nhưng vẫn còn những giới hạn đối với những gì Seoul có thể làm để giúp khu vực đẩy lùi sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ông Yoon đã đưa ra một số cam kết hỗ trợ an ninh khu vực trong các chuyến thăm tới Philippines, Singapore và Lào, nơi ông tham dự lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào ngày 17/10.
Ông đã hứa rằng Nam Hàn sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Philippines, đồng ý để Nam Hàn tham gia tích cực vào các cuộc tập trận đa phương với các nước ASEAN và nâng cấp quan hệ với ASEAN lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Yoon cũng khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Các chuyên gia phân tích coi những cam kết này là một phần trong kế hoạch của ông Yoon nhằm biến Nam Hàn thành một quốc gia toàn cầu quan trọng bằng cách thể hiện cam kết lớn hơn đối với việc bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói với VOA hôm 15/10 rằng các bước đi của ông Yoon trong chuyến công du phản ánh “ý chí tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trên mọi phương diện” của đất nước này, bao gồm “thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng”.
Phát ngôn viên nói thêm rằng Nam Hàn sẽ tiếp tục giúp duy trì an ninh hàng hải trên cơ sở trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông trong lúc xây dựng lòng tin và tăng cường liên lạc chiến lược với Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố hầu hết Biển Đông là lãnh thổ hàng hải thuộc chủ quyền của mình và các tàu của nước này đã nhiều lần có hành động nguy hiểm chống lại tàu của các quốc gia — chẳng hạn như Philippines — có tranh chấp về tuyên bố đó.
Nam Hàn “có thể đóng một vai trò thích hợp trong việc đóng góp vào năng lực phòng thủ của các quốc gia trong khu vực để bảo vệ vùng biển của họ trước sự xâm nhập của Trung Quốc”, ông Rahman Yaacob, nghiên cứu viên của chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy nói.
“Các hệ thống vũ khí của Nam Hàn rẻ hơn của Hoa Kỳ và đang được một số quốc gia NATO sử dụng”, ông Yaacob cho biết. “Do đó, Seoul có thể là nước cung cấp vũ khí quan trọng cho các nước trong khu vực thay thế cho vũ khí của Hoa Kỳ.”
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sau cuộc gặp ngày 7 tháng Mười, ông Yoon tuyên bố Seoul sẽ ủng hộ kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Manila.
Philippines đang tìm cách mua máy bay chiến đấu, tàu ngầm và phi đạn tiên tiến trong giai đoạn thứ ba của kế hoạch hiện đại hóa kéo dài năm năm bắt đầu từ năm 2023.
Nam Hàn đã bán máy bay chiến đấu FA-50, phi đạn hành trình chống hạm, khinh hạm và tàu hộ tống cho Philippines trong thập niên qua.
Nam Hàn cũng dự kiến sẽ cung cấp máy bay chiến đấu FA-50 cho Malaysia vào năm 2026 sau khi một thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái.
Đối mặt với rào cản
Mặc dù những nỗ lực này đáng chú ý, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng chúng không đủ để đẩy lùi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Evan Laksmana, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng Nam Hàn “không có khả năng đóng vai trò có ý nghĩa về mặt hoạt động hoặc chiến lược ở Biển Đông ngoài các hoạt động hợp tác hàng hải chung được phối hợp thỉnh thoảng”.
Nam Hàn đã tham gia các cuộc tập trận đa phương với các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như cuộc tập trận Hổ mang vàng do Hoa Kỳ dẫn đầu được tổ chức tại Thái Lan vào tháng Ba và các cuộc tập trận Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á được tổ chức tại Singapore và các nước khác vào tháng Tám.
Trong bài phát biểu hôm ngày 9 tháng Mười, ông Yoon nói Nam Hàn sẽ tích cực tham gia các cuộc tập trận đa phương với các nước ASEAN trong khi mở rộng hợp tác với Trung Quốc để tìm kiếm lợi ích chung trên cơ sở trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông Terence Roehrig, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia và là chuyên gia về Nam Hàn tại Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho biết, “Ông Yoon sẵn sàng tăng cường hỗ trợ của Nam Hàn cho an ninh khu vực, nhưng ông ấy cũng nhận ra sự cần thiết phải kiềm chế khi chỉ trích trực tiếp Trung Quốc”.
“Nam Hàn có thể giúp đỡ ở một số khu vực”, nhưng “gần như không thể bù đắp được sức mạnh của Trung Quốc” trong khu vực, ông Roehrig nói.
VOA đã liên lạc với Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington để xin ý kiến về những nỗ lực của Nam Hàn nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các nước ASEAN và được yêu cầu liên lạc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi.
Reuters trích lời một quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết Trung Quốc và Nga hôm ngày 11/10 đã chặn một tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Lào. Các quốc gia tham gia bao gồm 10 nước ASEAN và tám đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga và Hoa Kỳ.
Bắc Kinh và Moscow phản đối một điều khoản nói rằng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển “đặt ra khuôn khổ pháp lý” để thực hiện mọi hoạt động hàng hải.
Một tòa án của Liên hiệp quốc đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng Trung Quốc đã vi phạm khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, một vùng biển trải dài 200 hải lý tính từ lãnh hải của một quốc gia.
(Theo VOA Việt ngữ)