Cựu thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, cùng ngoại trưởng Úc, Penny Wong, và ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, trong cuộc gặp tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản ngày 29/07/2024.  AP - Shuji Kajiyama

 

 

THÁI BÌNH DƯƠNG - Mỹ, Úc và Nhật Bản thắt chặt hợp tác quân sự để đối phó với « mọi hành động đơn phương gây bất ổn và cưỡng ép » ở trong vùng. Ngày 17/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cho biết quân đội Nhật Bản sẽ được triển khai thường xuyên ở miền bắc nước Úc trong khuôn khổ hợp tác quân sự ba bên.

 

Trong buổi họp báo trực tuyến sau đối thoại ba bên lần thứ 14, bộ trưởng Quốc Phòng Richard Marles cho biết « Lữ đoàn triển khai nhanh đổ bộ của Nhật Bản sẽ đến Úc », cụ thể là cảng Darwin. Theo ông, « được huấn luyện với Nhật Bản và Hoa Kỳ nhiều hơn là một cơ hội thực sự tuyệt vời cho quốc phòng của Úc ».

 

Cảng Darwin, thủ phủ miền bắc nước Úc, đã đón khoảng 2.000 thủy quân lục chiến Mỹ mỗi năm. Theo Reuters, việc quân đội Nhật Bản khai triển ở cảng Darwin cũng có ý nghĩa đặc biệt vì Darwin là căn cứ chính của lực lượng đồng minh trong Thế Chiến II và đã bị quân Nhật ném bom dữ dội.

 

Về phía bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông Lloyd Austin, tin rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Úc các năng lực được nêu trong thỏa thuận AUKUS, trong đó có tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử. Ông cũng trấn an các đồng minh rằng bộ Quốc Phòng Mỹ đang tập trung « vào quá trình chuyển tiếp suôn sẻ và hiệu quả » cho chính quyền của tổng thống tân cử Donald Trump.

 

Cả ba nước lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hồi tháng Chín, quân đội Trung Quốc đã phóng một tên lửa liên lục địa ở Thái Bình Dương, khiến nhiều nước trong vùng quan ngại. Tại cuộc họp ba bên gần đây nhất ở Singapore vào tháng Sáu, Nhật Bản, Úc và Mỹ đều bày tỏ lo ngại về an ninh ở biển Hoa Đông và phản đối « mọi hành động đơn phương gây bất ổn và cưỡng ép », ý muốn nói đến Trung Quốc.

 

(Theo RFI Việt ngữ)