Tàu chở hàng MV Bavaria tại Philippines tháng 5/2019 (AAP) Nguồn: AP/Aaron Favila/AP

 

Thế Giới - Một hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc tại London đã đưa ra một thỏa thuận không ràng buộc nhằm cắt giảm khí thải ròng trong ngành vận tải biển xuống mức 0 vào năm 2050. Một số quốc gia cho rằng thỏa thuận này không đạt được những gì cần thiết, trong khi Úc ủng hộ các mục tiêu tham vọng hơn.

 

Các quốc gia nhóm họp tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) của Liên Hợp Quốc ở London đã ký một thỏa thuận nhằm giảm lượng khí thải vận chuyển hàng hải bằng 0 vào khoảng năm 2050.

 

Thời hạn này có thể gia giảm, tùy theo những gì hội nghị thượng đỉnh gọi là hoàn cảnh khác nhau ở mỗi quốc gia.

 

Thỏa thuận mới nhất được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 5 ngày. Theo đó, các nước có thể cắt giảm theo nguyện vọng, thay vì bám sát các mục tiêu nhất định nhằm cắt giảm lượng khí thải từ 20% đến 30% vào năm 2030 và 70% đến 80% vào năm 2040, so với mức năm 2008.

 

 

Advertisement

Trước đó, mục tiêu được đặt ra là giữa thế kỷ 21 sẽ giảm 50% phát thải khí CO2 so với năm 2008.

 

Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Kitack Lim cho biết thỏa thuận này là một điểm khởi đầu của một loạt các nỗ lực nhằm cắt giảm khí thải vận chuyển.

 

Trong nhiều ngày đàm phán kín, các quốc gia Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Marshall, Vanuatu, Fiji, Kiribati và Tuvalu dẫn đầu các nỗ lực để đạt được thỏa thuận nhằm bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn hại nhất do biến đổi khí hậu.

 

Bộ trưởng Môi trường của Vanuatu, Ralph Regenvanu, cho biết đất nước của ông đã gánh chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng khí hậu và thế giới cần mau chóng vượt qua "cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch".

 

Ông Regenvanu nói rằng đất nước của ông muốn cắt giảm khí thải nhiều hơn, nhanh hơn.

"Chúng tôi đến đây với tham vọng rất cao mà chúng tôi muốn thấy được thể hiện trong văn kiện của hội nghị. Chúng tôi đã không đạt được mức độ tham vọng đó. Chúng tôi đã cố gắng tìm cách để giữ được mục tiêu, đó là giữ cho trái đất không nóng lên quá mức 1.5 độ C."

 

Phần lớn trong số 100,000 tàu chở hàng trên thế giới - chuyên chở 90% hàng hóa của thế giới - sử dụng nhiên liệu dầu diesel, vốn gây ô nhiễm cao. Điều này khiến vận tải hàng hải trở thành một trong số những ngành phát thải lớn nhất, gần bằng ngành hàng không.

 

Theo LHQ, lượng khí phát thải của ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, song ngành này vẫn chưa đủ nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

Nhân viên Chính sách Vận chuyển Cao cấp tại Seas at Risk, Tiến sĩ Lucy Gilliam, nói rằng thỏa thuận cho phép gia giảm thời hạn ở các nước là một tầm nhìn yếu kém và chẳng có gì ràng buộc đối với ngành vận tải biển.

"Chẳng có gì ràng buộc trong việc cắt giảm khí thảy này, tất cả sẽ phải đi đến những thỏa thuận của chúng ta trong các cuộc họp tiếp theo, với các biện pháp khác được đề ra, về cách chúng ta đáp ứng tầm nhìn này trên thực tế như thế nào. Nhưng nói chung, tầm nhìn được đặt ra lần này là còn yếu."

 

Tổ chức Hàng hải Quốc tế muốn có ít nhất 5% phương tiện vận chuyển chạy bằng nhiên liệu phát thải thấp, như hydro xanh và metanol, vào năm 2030.

 

Mô hình từ Hội đồng Giao thông sạch Quốc tế cho thấy thỏa thuận mới sẽ cắt giảm lượng khí thải, nhưng điều đó không đủ để giữ cho sự nóng lên toàn cầu không vượt quá mức 1.5 độ C.

 

Các quốc gia Thái Bình Dương lập luận rằng một khoản thuế carbon áp dụng cho các tàu gây ô nhiễm cao để mang lại nguồn tài trợ cho hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu là cách duy nhất để lĩnh vực này đạt được mục tiêu.

 

Nhưng thỏa thuận đã khiến cho mọi việc bị trì hoãn cho đến năm sau.

 

Chính phủ Úc cho biết hh ủng hộ các biện pháp kinh tế được đề xuất nhằm giúp đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải, nhưng lại không ủng hộ khoản thuế carbon.

 

Theo báo cáo khí thải hàng hải của Chính phủ Úc, hơn 99% khối lượng thương mại nước ngoài của Úc được vận chuyển bằng đường biển.

 

Catherine King, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng nói rằng chính phủ đã ban hành các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của tàu biển trên toàn cầu để giảm cường độ carbon của các tàu đến vùng biển Úc.

 

Bà nói rằng Úc sẽ tập trung vào sự hợp tác giữa các cảng và cơ quan vận tải các quốc gia Hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương APEC để thúc đẩy tham vọng về các hoạt động hàng hải ít khí thải và không phát thải.