(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Nicholas Eberstadt, “The Age of Depopulation,” Foreign Affairs, 10/10/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuucuquocte.org)
Làm sao để sống sót trong một thế giới già hóa?
Dù vẫn chưa có nhiều người nhận ra điều này, nhưng loài người sắp bước vào một kỷ nguyên mới của lịch sử. Hãy gọi đó là “kỷ nguyên suy giảm dân số.” Lần đầu tiên kể từ Cái chết Đen (Black Death) vào những năm 1300, dân số hành tinh sẽ suy giảm. Nhưng, trong khi lần sụt giảm dân số thời trung cổ là do một căn bệnh chết người do bọ chét gây ra, thì lần sụt giảm dân số sắp tới hoàn toàn là do những lựa chọn của con người.
Với tỷ lệ sinh giảm mạnh, ngày càng nhiều xã hội đang tiến vào kỷ nguyên suy giảm dân số lan rộng và vô thời hạn, một kỷ nguyên cuối cùng sẽ bao trùm toàn bộ hành tinh. Tương lai của chúng ta là một thế giới được tạo thành từ các xã hội đang thu hẹp và già hóa. Tỷ lệ tử vong ròng – khi một xã hội có số ca tử vong nhiều hơn ca sinh – cũng sẽ trở thành chuẩn mực mới. Được thúc đẩy bởi tỷ lệ sinh ngày càng thấp, các cấu trúc gia đình và các cách sống trước đây chỉ có trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng sẽ trở thành những đặc điểm bình thường, không đáng quan tâm của cuộc sống hàng ngày.
Loài người chúng ta không có ký ức tập thể về sự suy giảm dân số. Tổng số dân toàn cầu đã giảm lần cuối cách đây khoảng 700 năm, sau trận dịch hạch đã tàn phá phần lớn lục địa Á Âu. Trong bảy thế kỷ tiếp theo, dân số thế giới đã tăng gần gấp 20 lần. Và chỉ trong thế kỷ vừa qua, dân số loài người đã tăng gấp bốn lần.
Lần suy giảm dân số toàn cầu gần đây nhất đã được đảo ngược nhờ khả năng sinh sản sau khi Cái chết Đen kết thúc. Nhưng lần này, sức sinh này là nguyên nhân khiến dân số loài người giảm sút, lần đầu tiên trong lịch sử. Một “lực lượng cách mạng” đang thúc đẩy sự suy giảm dân số sắp xảy ra: sự suy giảm mong muốn có con trên toàn thế giới.
Cho đến nay, các nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích sinh con đã không thể đưa tỷ lệ sinh trở lại mức thay thế. Các chính sách tương lai của chính phủ, bất kể tham vọng của họ là gì, sẽ không thể ngăn chặn được tình trạng suy giảm dân số. Sự suy giảm dân số thế giới là điều không thể tránh khỏi. Các xã hội sẽ có ít hơn người lao động, doanh nhân, và chuyên gia sáng tạo – trong khi có nhiều người phụ thuộc hơn vào dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ. Tuy nhiên, những vấn đề mà tình trạng này gây ra không nhất thiết phải tương đương với một thảm họa. Suy giảm dân số không phải là một bản án nghiêm trọng; đúng hơn, nó là một bối cảnh mới với nhiều khó khăn, nhưng các quốc gia vẫn có thể tìm ra cách để phát triển thịnh vượng. Các chính phủ phải chuẩn bị cho xã hội của họ ngay bây giờ để ứng phó với những thách thức về mặt xã hội và kinh tế của một thế giới già hóa và suy giảm dân số.
Ở Mỹ và nhiều nơi khác, các tư tưởng gia và cơ quan hoạch định chính sách vẫn chưa sẵn sàng cho trật tự nhân khẩu học mới này. Hầu hết mọi người không thể hiểu được những thay đổi sắp tới hoặc hình dung cách mà tình trạng suy giảm dân số kéo dài sẽ định hình lại xã hội, nền kinh tế, và chính trị quyền lực. Nhưng vẫn chưa quá muộn để các nhà lãnh đạo tính đến sức mạnh không thể ngăn cản của suy giảm dân số và giúp đất nước của họ thành công trong một thế giới già hóa.
VÒNG QUAY ĐỊA CẦU
Tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm mạnh kể từ giai đoạn bùng nổ dân số vào những năm 1960. Trong hơn hai thế hệ, mức sinh trung bình của thế giới liên tục giảm mạnh, khi lần lượt từng quốc gia phải chứng kiến sự suy giảm này. Theo Ban Dân số Liên Hiệp Quốc (UNPD), tỷ lệ sinh tổng thể của toàn hành tinh vào năm 2015 chỉ bằng một nửa so với năm 1965. Theo tính toán của UNPD, tỷ lệ sinh của mọi quốc gia đều giảm trong giai đoạn đó.
Và sự suy giảm tỷ lệ sinh vẫn tiếp diễn. Ngày nay, phần lớn dân số thế giới sống ở những quốc gia có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế, với những mô hình vốn không có khả năng duy trì sự ổn định dân số lâu dài. (Theo nguyên tắc chung, tỷ lệ sinh là 2,1 ca sinh trên một phụ nữ sẽ xấp xỉ mức thay thế ở các quốc gia giàu có với tuổi thọ cao – nhưng mức thay thế này cần cao hơn một chút ở các quốc gia có tuổi thọ thấp, hoặc có sự mất cân bằng rõ rệt về tỷ lệ bé trai so với bé gái.)
Trong những năm gần đây, sự sụt giảm tỷ lệ sinh không chỉ tiếp diễn mà còn có vẻ đang tăng tốc. Theo UNPD, ít nhất hai phần ba dân số thế giới sống ở các quốc gia có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế vào năm 2019, ngay trước đại dịch COVID-19. Kinh tế gia Jesús Fernández-Villaverde cho rằng tỷ lệ sinh toàn cầu nói chung có thể đã giảm xuống dưới mức thay thế kể từ đó. Các nước giàu lẫn các nước nghèo đều đang chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ sinh ở mức kỷ lục. Một khảo sát khắp địa cầu cho thấy một bức tranh đáng kinh ngạc.
Hãy bắt đầu với Đông Á. UNPD đã báo cáo rằng toàn bộ khu vực này đã rơi vào tình trạng suy giảm dân số kể từ năm 2021. Đến năm 2022, mọi nhóm dân số chính ở đó – Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan – đều giảm. Đến năm 2023, tỷ lệ sinh đã thấp hơn 40% so với mức thay thế ở Nhật Bản, thấp hơn 50% so với mức thay thế ở Trung Quốc, thấp hơn gần 60% so với mức thay thế ở Đài Loan, và thấp hơn đến 65% so với mức thay thế ở Nam Hàn.
Biểu đồ Sự suy giảm tỷ lệ sinh. Tổng tỷ lệ sinh ở một số vùng được chọn, 1950-2022. Nguồn: Liên Hiệp Quốc, Vụ Kinh tế và Xã hội, Ban Dân số.
Đối với Đông Nam Á, UNPD ước tính rằng tỷ lệ sinh toàn khu vực đã giảm xuống dưới mức thay thế vào khoảng năm 2018. Brunei, Malaysia, Singapore, và Việt Nam hiện là những quốc gia có mức sinh thay thế thấp trong nhiều năm. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, đã gia nhập câu lạc bộ mức sinh thay thế thấp vào năm 2022, theo số liệu chính thức. Philippines hiện chỉ báo cáo 1,9 ca sinh trên một phụ nữ. Tỷ lệ sinh ở Myanmar nghèo đói và đang có chiến tranh cũng thấp hơn mức thay thế. Còn ở Thái Lan, số ca tử vong hiện đã vượt quá số ca sinh và dân số đang trên đà giảm.
Ở Nam Á, tỷ lệ sinh dưới mức thay thế không chỉ phổ biến ở Ấn Độ – quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay – mà còn ở Nepal và Sri Lanka; cả ba đều có tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế từ trước đại dịch. (Bangladesh cũng đang trên bờ vực giảm xuống dưới mức thay thế.) Ở Ấn Độ, mức sinh ở thành thị đã giảm đáng kể. Ví dụ, tại thành phố lớn Kolkata, các viên chức y tế nhà nước báo cáo vào năm 2021 rằng tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức đáng kinh ngạc là một ca sinh trên một phụ nữ, ít hơn một nửa mức thay thế, và thấp hơn bất kỳ thành phố lớn nào ở Đức hoặc Ý.
Sự suy giảm tỷ lệ sinh nghiêm trọng cũng đang lan rộng khắp Mỹ Latinh và Caribe. UNPD tính toán tỷ lệ sinh của toàn khu vực này vào năm 2024 là 1,8 ca sinh trên một phụ nữ – thấp hơn 14% so với mức thay thế. Nhưng dự báo đó có thể đánh giá thấp mức suy giảm trên thực tế, xét đến những gì chuyên gia về nhân khẩu học người Costa Rica Luis Rosero-Bixby mô tả là mức giảm “chóng mặt” về tỷ lệ sinh trong khu vực kể từ năm 2015. Tại quốc gia của ông, tỷ lệ sinh tổng thể hiện đã giảm xuống còn 1,2 ca sinh trên một phụ nữ. Cuba báo cáo tỷ lệ sinh năm 2023 chỉ hơn 1,1 – bằng một nửa mức thay thế, và kể từ năm 2019, số ca tử vong ở nước này đã vượt quá số ca sinh. Tỷ lệ của Uruguay gần bằng 1,3 vào năm 2023 và giống như ở Cuba, số ca tử vong đã vượt quá số ca sinh. Tại Chile, con số vào năm 2023 chỉ hơn 1,1 ca sinh trên một phụ nữ. Các thành phố lớn của Mỹ Latinh, bao gồm Bogota và Thành phố Mexico, hiện báo cáo tỷ lệ dưới một ca sinh trên một phụ nữ.
Tỷ lệ sinh thấp hơn mức thay thế thậm chí đã xuất hiện ở Bắc Phi và Trung Đông nói chung, nơi các chuyên gia về nhân khẩu học từ lâu cho rằng đức tin Hồi giáo đóng vai trò là bức tường thành chống lại tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh đột ngột. Bất chấp triết lý ủng hộ sinh đẻ của những người cai trị theo chế độ thần quyền, Iran vẫn là một xã hội có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế trong khoảng một phần tư thế kỷ qua. Tunisia cũng đã giảm xuống dưới mức thay thế. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ sinh năm 2023 của Istanbul chỉ là 1,2 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ – thấp hơn cả Berlin.
Trong nửa thế kỷ, tỷ lệ sinh chung của Âu châu liên tục ở dưới mức thay thế. Tỷ lệ sinh của Nga lần đầu tiên giảm xuống dưới mức thay thế vào những năm 1960, trong thời kỳ Brezhnev, và kể từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, nước Nga đã chứng kiến số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh là 17 triệu. Giống như Nga, 27 quốc gia thuộc Liên minh Âu châu hiện đang có tỷ lệ sinh thấp hơn khoảng 30% so với mức thay thế. Số ca sinh được báo cáo trên toàn EU là dưới 3,7 triệu ca vào năm 2023 – giảm so với mức 6,8 triệu ca vào năm 1964. Năm ngoái, Pháp ghi nhận ít ca sinh hơn so với năm 1806, năm Napoleon giành chiến thắng trong Trận Jena; Ý báo cáo ít ca sinh nhất kể từ khi thống nhất năm 1861; và Tây Ban Nha báo cáo ít ca sinh nhất kể từ năm 1859, khi nước này bắt đầu thu thập dữ liệu sinh đẻ thời hiện đại. Năm 2023, Ba Lan ghi nhận ít ca sinh nhất trong thời kỳ hậu chiến và Đức cũng vậy. EU đã là khu vực tử vong ròng kể từ năm 2012, và trong năm 2022, cứ ba ca sinh thì có bốn ca tử vong. UNPD đã xác định năm 2019 là năm đỉnh điểm của dân số Âu châu, và ước tính rằng vào năm 2020, lục địa này sẽ bước vào giai đoạn suy giảm dân số dài hạn.
Mỹ vẫn là quốc gia ngoại lệ chính trong nhóm các nước phát triển, chống lại xu hướng giảm dân số. Với mức sinh tương đối cao so với một quốc gia giàu có (dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức thay thế – chỉ hơn 1,6 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2023) và dòng người nhập cư ổn định, Mỹ đã thể hiện điều mà tôi gọi trong một báo cáo năm 2019 là “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ về mặt nhân khẩu học.” Nhưng ngay cả ở Mỹ, tình trạng suy giảm dân số cũng không còn là điều không thể tưởng tượng được. Năm ngoái, Cục Thống kê Dân số Mỹ dự đoán rằng dân số nước này sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2080 và sau đó sẽ liên tục suy giảm.
Thành trì lớn duy nhất còn chống lại làn sóng toàn cầu về tỷ lệ sinh dưới mức thay thế là Phi Châu hạ Sahara. Với khoảng 1,2 tỷ người và tỷ lệ sinh trung bình hiện tại, theo ước tính của UNPD, là 4,3 ca sinh trên một phụ nữ, khu vực này là thành trì cuối cùng của hành tinh có các mô hình sinh đẻ đặc trưng cho các quốc gia thu nhập thấp trong thời kỳ bùng nổ dân số vào khoảng giữa thế kỷ 20.
Nhưng ngay cả ở đó, tỷ lệ sinh cũng đang giảm. UNPD ước tính rằng tỷ lệ sinh ở Phi Châu hạ Sahara đã giảm hơn 35% kể từ cuối những năm 1970, khi tỷ lệ chung của tiểu lục địa này là 6,8 ca sinh trên một phụ nữ. Ở Nam Phi, tỷ lệ sinh dường như chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thay thế, và các quốc gia khác ở miền nam châu lục đang theo sát phía sau. Một số quốc đảo ngoài khơi bờ biển Phi Châu , bao gồm Cape Verde và Mauritius, tỷ lệ sinh đã ở mức thay thế.
UNPD ước tính rằng mức sinh thay thế cho toàn thế giới là khoảng 2,18 ca sinh trên một phụ nữ. Các dự báo biến thể trung bình mới nhất của tổ chức này cho năm 2024 – nghĩa là trung vị của các kết quả dự kiến – là tỷ lệ sinh toàn cầu chỉ cao hơn 3% so với mức thay thế, và các dự báo biến thể thấp của họ – mức thấp nhất của các kết quả dự kiến – ước tính rằng tỷ lệ sinh trên toàn hành tinh sẽ thấp hơn 8% so với mức thay thế. Nhiều khả năng, tỷ lệ sinh của loài người đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế ròng của hành tinh rồi. Tuy nhiên, điều chắc chắn là đối với một phần tư thế giới, tình trạng suy giảm dân số đã diễn ra, và phần còn lại của thế giới cũng đang trên đà đi theo những người tiên phong đó vào tình trạng suy giảm dân số.
SỨC MẠNH CỦA SỰ LỰA CHỌN
Sự sụt giảm tỷ lệ sinh trên toàn thế giới vẫn còn là một điều bí ẩn theo nhiều cách. Nhìn chung, người ta tin rằng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ vật chất – những gì các học giả thường gọi là “phát triển” hoặc “hiện đại hóa” – là nguyên nhân khiến thế giới trượt dốc xuống mức sinh cực thấp và dân số quốc gia suy giảm. Bởi vì tỷ lệ sinh giảm đã bắt đầu với sự trỗi dậy về kinh tế xã hội của phương Tây – và vì hành tinh này đang ngày càng trở nên giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, có trình độ học vấn cao hơn, và đô thị hóa hơn – nhiều nhân vật quan sát cho rằng mức sinh thấp hơn chỉ đơn giản là hậu quả trực tiếp của tiến bộ vật chất.
Nhưng sự thật là điều kiện vật chất để dẫn đến tỷ lệ sinh dưới mức thay thế đã giảm dần theo thời gian. Ngày nay, các quốc gia có thể có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế với thu nhập thấp, trình độ giáo dục hạn chế, ít đô thị hóa, và nghèo đói cùng cực. Myanmar và Nepal là những quốc gia nghèo được Liên Hiệp Quốc chỉ định là những nước kém phát triển nhất, nhưng hiện tại họ cũng là các xã hội có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế.
Trong thời kỳ hậu chiến, một loạt các nghiên cứu được chứng thực đã được công bố về các yếu tố có thể giúp giải thích sự suy giảm tỷ lệ sinh sản diễn ra nhanh chóng trong thế kỷ 20. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, khả năng tiếp cận biện pháp tránh thai hiện đại tốt hơn, tỷ lệ giáo dục và biết chữ cao hơn, sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và địa vị tăng cao của phụ nữ – tất cả những yếu tố quyết định tiềm năng này và nhiều yếu tố khác nữa đã được các học giả xem xét kỹ lưỡng. Nhưng những trường hợp ngoại lệ thực tế cứng đầu luôn ngăn cản việc hình thành một quan điểm khái quát kinh tế xã hội nào về sự suy giảm tỷ lệ sinh sản.
Cuối cùng, vào năm 1994, kinh tế gia Lant Pritchett đã phát hiện ra công cụ dự đoán khả năng sinh sản quốc gia mạnh nhất từng được phát hiện. Yếu tố quyết định đó hóa ra lại rất đơn giản: phụ nữ muốn gì. Bởi vì dữ liệu khảo sát thường tập trung vào mong muốn sinh sản của phụ nữ, không phải của chồng hoặc bạn đời của họ, nên các học giả biết nhiều hơn về mong muốn có con của phụ nữ so với nam giới. Pritchett xác nhận rằng có một tỷ lệ tương ứng gần bằng một-một trên toàn thế giới giữa mức sinh sản quốc gia và số lượng trẻ sơ sinh mà phụ nữ nói rằng họ muốn có. Phát hiện này nhấn mạnh vai trò trung tâm của ý chí – của tác nhân con người – trong các mô hình sinh sản.
Người già ngồi bên đường phố vào giờ cao điểm ở Bắc Kinh, tháng 11/2020. © Thomas Peter / Reuters
Nhưng nếu ý chí định hình tỷ lệ sinh, thì điều gì giải thích cho việc tỷ lệ sinh trên toàn thế giới đột ngột lao dốc xuống dưới mức thay thế? Tại sao, ở cả các nước giàu lẫn các nước nghèo, các gia đình chỉ có một con, hoặc không có con, đột nhiên trở nên phổ biến hơn nhiều? Các học giả vẫn chưa thể trả lời câu hỏi đó. Nhưng trong trường hợp không có câu trả lời chắc chắn, một vài quan sát và suy đoán là cần thiết.
Trước tiên, rõ ràng là một cuộc cách mạng trong gia đình – trong việc hình thành gia đình, không chỉ trong việc sinh con – đang diễn ra trong các xã hội trên khắp thế giới. Điều này đúng ở các nước giàu và các nước nghèo, ở khắp các truyền thống văn hóa và hệ thống giá trị. Các dấu hiệu của cuộc cách mạng này bao gồm cái mà các chuyên gia nghiên cứu gọi là “cuộc chạy trốn khỏi hôn nhân,” khi mọi người kết hôn ở độ tuổi muộn hơn hoặc thậm chí không kết hôn; sự lan rộng của tình trạng chung sống không hôn nhân và các cuộc hôn nhân tạm thời; và sự gia tăng các ngôi nhà chỉ có một người sống độc lập – nói cách khác là sống một mình. Những sắp xếp mới này phù hợp với sự xuất hiện của tỷ lệ sinh dưới mức thay thế trong các xã hội trên toàn cầu – một giả thuyết không hoàn hảo, nhưng đủ tốt.
Điều đáng chú ý là những mong muốn sinh sản đã nêu này đang nhanh chóng trở nên phổ biến ở hầu hết mọi châu lục. Mọi người trên khắp thế giới hiện nay đều nhận thức rằng: có những cách sống rất khác so với những cách sống đã hạn chế cha mẹ họ. Rõ ràng là niềm tin tôn giáo – thường khuyến khích hôn nhân và ca ngợi việc nuôi dạy con cái – đang suy yếu ở nhiều khu vực có tỷ lệ sinh đang giảm mạnh. Ngược lại, mọi người ngày càng coi trọng quyền tự chủ, quyền được thể hiện bản thân, và sự thuận tiện. Dù chúng mang lại nhiều niềm vui, trẻ em về cơ bản là bất tiện.
Xu hướng dân số hiện nay đặt ra những câu hỏi nghiêm túc đối với những quan niệm cũ, cho rằng con người có bản năng sinh tồn để duy trì nòi giống. Thật vậy, những gì đang xảy ra có thể được giải thích tốt hơn bằng lý thuyết bắt chước. Lĩnh vực này thừa nhận rằng sự bắt chước có thể thúc đẩy các quyết định, nhấn mạnh vai trò của ý chí và học tập xã hội trong các sắp xếp của con người. Nhiều phụ nữ (và cả đàn ông) có thể ít muốn sinh con vì rất nhiều người khác đang sinh ít con hơn. Việc các gia đình đông con trở nên ngày càng hiếm có thể khiến người ta khó lựa chọn quay lại sinh con hơn – do những gì các học giả gọi là mất “học tập xã hội” – và theo đó duy trì tỷ lệ sinh thấp. Ý chí là lý do tại sao, ngay cả trong một thế giới ngày càng khỏe mạnh và thịnh vượng với hơn tám tỷ người, sự tuyệt chủng của mọi dòng họ vẫn có thể xảy ra chỉ sau một thế hệ.
CÁC QUỐC GIA DÀNH CHO NGƯỜI GIÀ
Ngày nay, các cơ quan nhân khẩu học đồng thuận rằng dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối thế kỷ này và sau đó bắt đầu giảm. Một số ước tính cho rằng điều này có thể xảy ra sớm nhất là vào năm 2053, những ước tính khác cho rằng muộn nhất là vào những năm 2070 hoặc 2080.
Dù sự thay đổi này bắt đầu khi nào, thì tương lai dân số giảm cũng sẽ khác biệt rõ rệt so với hiện tại. Tỷ lệ sinh thấp có nghĩa là số ca tử vong hàng năm sẽ vượt quá số ca sinh hàng năm ở nhiều quốc gia hơn và với biên độ rộng hơn trong thế hệ tiếp theo. Theo một số dự đoán, đến năm 2050, hơn 130 quốc gia trên khắp hành tinh sẽ trở thành một phần của vùng tử vong ròng đang lớn dần – một khu vực bao gồm khoảng năm phần tám dân số dự kiến của thế giới. Các quốc gia có tỷ lệ tử vong ròng sẽ xuất hiện ở Phi Châu hạ Sahara vào năm 2050, bắt đầu từ Nam Phi. Khi một xã hội bước vào ngưỡng tử vong ròng, chỉ có nhập cư liên tục và ngày càng tăng mới có thể ngăn chặn được tình trạng suy giảm dân số lâu dài.
Lực lượng lao động tương lai cũng sẽ giảm trên toàn thế giới do tỷ lệ sinh dưới mức thay thế đang lan rộng hiện nay. Đến năm 2040, nhóm dân số trong độ tuổi từ 15 đến 49 sẽ giảm ít nhiều ở mọi nơi bên ngoài Phi Châu hạ Sahara. Nhóm này đã giảm ở phương Tây và Đông Á, và sẽ bắt đầu giảm ở Mỹ Latinh vào năm 2033 và sẽ giảm chỉ vài năm sau đó ở Đông Nam Á (năm 2034), Ấn Độ (năm 2036) và Bangladesh (năm 2043). Đến năm 2050, hai phần ba dân số thế giới có thể chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động (những người trong độ tuổi từ 20 đến 64) giảm ở đất nước họ – xu hướng này sẽ hạn chế tiềm năng kinh tế ở các nước đó, nếu không có các biện pháp điều chỉnh và đối phó mang tính sáng tạo.
Một thế giới suy giảm dân số cũng là một thế giới già hóa. Trên toàn cầu, quá trình chuyển sang tỷ lệ sinh thấp, và giờ là cực thấp, đang tạo ra các kim tự tháp dân số ngược, trong đó người già bắt đầu đông hơn người trẻ. Trong thế hệ sắp tới, các xã hội già hóa sẽ trở thành chuẩn mực.
Đến năm 2040 – một lần nữa, chỉ ngoại trừ ở Phi Châu hạ Sahara – số người dưới 50 tuổi sẽ giảm. Đến năm 2050, số người dưới 60 tuổi ở ngoài khu vực Phi Châu hạ Sahara sẽ ít hơn hàng trăm triệu người so với mức hiện nay – giảm khoảng 13% theo một số dự báo của UNPD. Đồng thời, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng vọt, do hậu quả của tỷ lệ sinh tương đối cao vào cuối thế kỷ 20 và tuổi thọ trung bình dài hơn.
Trong khi tốc độ tăng trưởng dân số chung giảm, số lượng người cao tuổi (được định nghĩa ở đây là những người từ 65 tuổi trở lên) sẽ tăng theo cấp số nhân – ở khắp mọi nơi. Bên ngoài châu Phi, nhóm này sẽ tăng gấp đôi lên 1,4 tỷ vào năm 2050. Tốc độ gia tăng của nhóm dân trên 80 tuổi – những người “siêu già” – sẽ còn nhanh hơn nữa. Nhóm này sẽ tăng gần gấp ba ở các khu vực ngoài châu Phi, tăng vọt lên khoảng 425 triệu vào năm 2050. Chỉ hơn 20 năm trước, có chưa đến 425 triệu người trên hành tinh này bước sang tuổi 65.
Tương lai của chúng ta đang được gợi ý bởi những dự đoán khó tin dành cho các quốc gia đi đầu trong quá trình suy giảm dân số: những nơi có tỷ lệ sinh thấp liên tục trong hơn nửa thế kỷ và xu hướng tuổi thọ tăng cao. Nam Hàn chính là viễn cảnh đáng kinh ngạc nhất về một xã hội suy giảm dân số chỉ sau một thế hệ. Các dự đoán hiện tại cho thấy rằng Nam Hàn sẽ ghi nhận tỷ lệ ba ca tử vong trên mỗi ca sinh vào năm 2050. Theo một số dự đoán của UNPD, độ tuổi trung bình ở Nam Hàn sẽ lên tới 60. Hơn 40% dân số nước này sẽ là người cao tuổi; cứ sáu người Nam Hàn thì sẽ có hơn một người ở độ tuổi trên 80. Số trẻ sơ sinh ở Nam Hàn vào năm 2050 sẽ chỉ bằng một phần năm so với năm 1961. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trên người cao tuổi sẽ chỉ là 1,2.
Nếu xu hướng sinh đẻ hiện tại của Nam Hàn vẫn tiếp diễn, dân số nước này sẽ tiếp tục giảm hơn 3% mỗi năm – nghĩa là giảm 95% trong suốt một thế kỷ. Những gì đang diễn ra ở Nam Hàn báo trước những gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của thế giới.
LÀN SÓNG GIÀ HÓA
Sự suy giảm dân số sẽ làm đảo lộn nhịp điệu kinh tế và xã hội quen thuộc. Các xã hội sẽ phải điều chỉnh kỳ vọng của mình cho phù hợp với thực tế mới về số lượng người lao động, người tiết kiệm, người nộp thuế, người thuê nhà, người mua nhà, doanh nhân, chuyên gia sáng tạo, chuyên gia phát minh, và cuối cùng là người tiêu dùng và cử tri ít hơn. Tình trạng già hóa dân số lan rộng và suy giảm dân số kéo dài sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và làm tê liệt hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước giàu, đe dọa triển vọng thịnh vượng liên tục của họ. Nếu không có những thay đổi toàn diện về cơ cấu khuyến khích, mô hình thu nhập và tiêu dùng theo vòng đời, chính sách của chính phủ về thuế và chi tiêu xã hội, thì lực lượng lao động giảm, tiết kiệm và đầu tư giảm, chi tiêu xã hội không bền vững, và thâm hụt ngân sách đều sẽ nằm trong kịch bản tương lai của các nước phát triển ngày nay.
Tính đến thế kỷ này, chỉ có các xã hội giàu có ở phương Tây và Đông Á mới chuyển sang già hóa. Nhưng trong tương lai gần, nhiều quốc gia nghèo hơn sẽ phải đối mặt với nhu cầu của một xã hội già hóa dù năng suất lao động của họ kém hơn nhiều so với những quốc gia giàu hơn.
Hãy xem xét Bangladesh: một nước nghèo ngày nay và một xã hội già hóa vào ngày mai, với hơn 13% dân số năm 2050 dự kiến là người cao tuổi. Xương sống của lực lượng lao động Bangladesh vào năm 2050 sẽ là các thanh niên ngày nay. Nhưng các bài kiểm tra chuẩn hóa cho thấy năm trên sáu thanh niên Bangladesh không đáp ứng được cả các tiêu chuẩn kỹ năng quốc tế thấp nhất được cho là cần thiết để tham gia vào nền kinh tế hiện đại: phần lớn nhóm người đang gia tăng này không thể “đọc và trả lời các câu hỏi cơ bản” hoặc “cộng, trừ, và làm tròn số nguyên và số thập phân.” Vào năm 2020, Ireland có dân số già gần bằng Bangladesh vào năm 2050 – nhưng ở Ireland ngày nay, chỉ có một trong sáu người trẻ thiếu các kỹ năng tối thiểu như vậy.
Các quốc gia nghèo và già của tương lai có thể sẽ phải chịu áp lực lớn để xây dựng các nhà nước phúc lợi trước cả khi họ thực sự có thể tài trợ cho chúng. Mức thu nhập có thể sẽ thấp hơn đáng kể vào năm 2050 đối với nhiều quốc gia Á Châu , Mỹ Latinh, Trung Đông, và Bắc Phi so với các quốc gia phương Tây ở cùng giai đoạn già hóa dân số – vậy thì làm sao các quốc gia này có thể có đầy đủ các phương tiện để hỗ trợ và chăm sóc cho dân số già hóa của họ?
Một thế giới già hóa. Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên ở một số khu vực và quốc gia được chọn, 1990-2050. Nguồn: Liên Hiệp Quốc, Vụ Kinh tế và Xã hội, Ban Dân số.
Ở cả các quốc gia giàu và nghèo, làn sóng già hóa sắp tới sẽ đặt ra những gánh nặng hoàn toàn mới lên nhiều xã hội. Dù những người ở độ tuổi 60 và 70 có thể vẫn tích cực hoạt động về mặt kinh tế và tự chủ về mặt tài chính trong tương lai gần, nhưng điều đó không còn đúng với những người ở độ tuổi 80 trở lên. Những người siêu già là nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đến năm 2050, số người siêu già sẽ cao hơn số trẻ em ở một số quốc gia. Gánh nặng chăm sóc những người mắc chứng mất trí sẽ khiến chi phí ngày càng tăng cao – về con người, xã hội, kinh tế – trong một thế giới ngày càng già đi và thu hẹp lại.
Gánh nặng đó sẽ còn nặng hơn khi liên kết gia đình bị suy yếu. Gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội và vẫn là thể chế không thể thiếu nhất của loài người. Cả quá trình già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh dưới mức thay thế đều gắn chặt với cuộc cách mạng đang diễn ra trong cấu trúc gia đình. Khi các đơn vị gia đình ngày càng nhỏ hơn và phân tán hơn, việc có ít người kết hôn hơn và tỷ lệ không có con tự nguyện cao hơn đã xuất hiện ở hết nước này đến nước khác. Kết quả là, các gia đình và dòng họ ngày càng ít có khả năng chịu đựng sức nặng hơn – ngay cả khi những đòi hỏi đặt ra cho họ ngày càng lớn.
Không ai biết được các xã hội đang suy giảm dân số sẽ ứng phó như thế nào trước sự rút lui của các gia đình. Những người xa lạ có thể bước vào để đảm nhận những vai trò mà theo truyền thống là do những người thân cùng huyết thống đảm nhiệm. Nhưng lời kêu gọi thực hiện nghĩa vụ và chấp nhận hy sinh cho những người không phải họ hàng sẽ không thể mạnh bằng những lời kêu gọi từ bên trong một gia đình. Các chính phủ có thể cố gắng lấp đầy khoảng trống, nhưng kinh nghiệm đáng buồn trong một thế kỷ rưỡi thực hiện chính sách xã hội cho thấy rằng nhà nước là một sự thay thế cực kỳ tốn kém cho gia đình – nhưng không phải là một sự thay thế tốt. Những tiến bộ công nghệ – người máy, trí thông minh nhân tạo, thiết bị chăm sóc giống con người, và “bạn bè” qua mạng – vẫn có thể tạo ra một số đóng góp mà chúng ta chưa thể hình dung được. Nhưng hiện tại, viễn cảnh đó thuộc về lĩnh vực khoa học viễn tưởng, và ngay cả ở đó, một kịch bản u tối vẫn có khả năng xảy ra cao hơn nhiều so với một kịch bản tươi sáng.
CÔNG THỨC THẦN KỲ
Chương lịch sử mới này có vẻ đáng ngại, thậm chí đáng sợ, đối với loài người. Nhưng ngay cả trong một thế giới già hóa và suy giảm dân số, mức sống được cải thiện đều đặn và những tiến bộ về vật chất và công nghệ vẫn là điều có thể thực hiện được.
Chỉ mới hai thế hệ trước, các chính phủ, chuyên gia, và các tổ chức toàn cầu đã hoảng loạn về sự bùng nổ dân số, lo sợ nạn đói hàng loạt và sự bần cùng hóa do sinh con ở các nước nghèo. Khi nhìn lại, sự hoảng loạn đó đã bị thổi phồng một cách kỳ lạ. Cái gọi là bùng nổ dân số thực chất là minh chứng cho sự gia tăng tuổi thọ do các biện pháp y tế công cộng tốt hơn và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bất chấp tăng trưởng dân số mạnh mẽ trong thế kỷ qua, hành tinh này vẫn giàu có và được nuôi dưỡng tốt hơn bao giờ hết – và tài nguyên thiên nhiên cũng dồi dào và rẻ hơn (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) so với trước đây.
Công thức đã giúp lan tỏa sự thịnh vượng trong thế kỷ 20 có thể bảo đảm những tiến bộ hơn nữa trong thế kỷ 21 và sau đó – ngay cả trong một thế giới đang bị suy giảm dân số. Bản chất của phát triển kinh tế hiện đại là sự gia tăng liên tục tiềm năng của con người và một môi trường kinh doanh thuận lợi, trong khuôn khổ các chính sách và thể chế giúp giải phóng giá trị bên trong con người. Ví dụ, với công thức đó, Ấn Độ đã xóa bỏ được tình trạng đói nghèo cùng cực trong nửa thế kỷ qua. Những cải thiện về y tế, giáo dục, khoa học, và công nghệ đã trở thành nhiên liệu cho động cơ tạo ra những tiến bộ về vật chất. Bất chấp dân số già hóa và thu hẹp, các xã hội vẫn có thể hưởng lợi từ sự tiến bộ trên mọi phương diện trong các lĩnh vực này. Thế giới chưa bao giờ được giáo dục toàn diện như ngày nay và không có lý do gì để nghĩ rằng sự gia tăng giáo dục đào tạo sẽ dừng lại, bất chấp dân số già hóa và thu hẹp, vì những lợi ích to lớn mà giáo dục mang lại cho cả xã hội và chính những người được đào tạo.
Những cải thiện đáng kể về sức khỏe và giáo dục trên toàn thế giới đã minh chứng cho việc ứng dụng kiến thức khoa học và xã hội – kho kiến thức này đã không ngừng phát triển, nhờ vào sự tìm tòi và đổi mới của con người. Động lực đó sẽ không dừng lại ngay bây giờ. Ngay cả một thế giới già nua, đang suy giảm dân số cũng có thể ngày càng giàu có.
Tuy nhiên, khi kim tự tháp dân số cũ bị đảo ngược và các xã hội tiếp nhận những cấu trúc mới trong bối cảnh suy giảm dân số dài hạn, mọi người sẽ cần phát triển những thói quen mới về tư duy, các quy ước, và mục tiêu hợp tác. Các cơ quan hoạch định chính sách sẽ phải học các quy tắc mới để phát triển thịnh vượng trong bối cảnh dân số giảm. Công thức cơ bản để đạt được tiến bộ vật chất – gặt hái thành quả từ nguồn nhân lực được tăng cường và đổi mới công nghệ thông qua môi trường kinh doanh thuận lợi – sẽ vẫn như vậy. Nhưng các rủi ro và cơ hội mà các xã hội và nền kinh tế phải đối mặt sẽ thay đổi khi dân số giảm. Và để ứng phó, các chính phủ sẽ phải điều chỉnh các chính sách của mình để tính đến các thực tế mới.
Ban đầu, quá trình chuyển đổi sang tình trạng suy giảm dân số chắc chắn sẽ kéo theo những thay đổi cực kỳ đau đớn. Trong các xã hội đang giảm dân số, các chương trình xã hội “trả tiền khi sử dụng” hiện được áp dụng cho lương hưu quốc gia và chăm sóc sức khỏe người già sẽ thất bại khi dân số lao động giảm và số lượng người cao tuổi yêu cầu trợ cấp tăng vọt. Nếu mô hình lao động và chi tiêu theo độ tuổi hiện nay được duy trì, các quốc gia đang già hóa và suy giảm dân số sẽ không có đủ tiền tiết kiệm để đầu tư cho tăng trưởng hoặc thậm chí để thay thế cơ sở hạ tầng và thiết bị cũ. Tóm lại, các động lực hiện tại hoàn toàn không phù hợp với sự xuất hiện của tình trạng suy giảm dân số. Nhưng các cải cách chính sách và phản ứng của khu vực tư nhân có thể đẩy nhanh các điều chỉnh cần thiết.
Để thích nghi thành công với một thế giới đang suy giảm dân số, các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân sẽ phải đặt trách nhiệm và tiết kiệm lên hàng đầu. Sẽ có ít chỗ hơn cho sai sót trong các dự án đầu tư, dù là công hay tư, và sẽ không có nhu cầu từ nhóm người tiêu dùng hoặc người nộp thuế ngày càng tăng để trông cậy vào.
Khi người ta sống lâu hơn và vẫn khỏe mạnh trong những năm tháng tuổi già, họ sẽ nghỉ hưu muộn hơn. Hoạt động kinh tế tự nguyện ở độ tuổi ngày càng cao sẽ khiến việc học tập suốt đời trở nên cấp thiết. Trí thông minh nhân tạo có thể là con dao hai lưỡi trong vấn đề này: dù AI có thể mang lại những cải thiện về năng suất mà các xã hội đang suy giảm dân số đang không thể đáp ứng, nhưng nó cũng có thể đẩy nhanh quá trình thải loại những người có kỹ năng bị thiếu hụt hoặc lỗi thời. Tỷ lệ thất nghiệp cao cũng có thể trở thành vấn đề trong các xã hội đang thu hẹp và thiếu lao động.
Các quốc gia và xã hội sẽ phải bảo đảm một thị trường lao động linh hoạt – giảm rào cản gia nhập, chào đón sự chuyển đổi và thay đổi việc làm vốn thúc đẩy động lực làm việc, xóa bỏ phân biệt tuổi tác, và hơn thế nữa – do tính cấp thiết của việc tăng năng suất của lực lượng lao động đang suy giảm. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các quốc gia sẽ cần những tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ lớn hơn nữa.
Một người mẹ đang bế đứa con mới sinh của mình ở Royal Oak, Michigan, tháng 2/2022. © Emily Elconin / Reuters
Sự thịnh vượng trong một thế giới đang suy giảm dân số cũng sẽ phụ thuộc vào một nền kinh tế mở: thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ, và tài chính để chống lại những hạn chế mà dân số suy giảm gây ra. Và khi nhu cầu đối với “tài năng khan hiếm” trở nên cấp thiết hơn, sự luân chuyển nhân lực sẽ có tầm quan trọng kinh tế mới. Trong bối cảnh suy giảm dân số, nhập cư sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với hiện nay.
Tuy nhiên, không phải tất cả các xã hội già hóa đều có khả năng đồng hóa những người nhập cư trẻ tuổi hoặc biến họ thành những công dân trung thành và có năng suất. Và không phải tất cả những người nhập cư đều có khả năng đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế tiếp nhận họ, đặc biệt là nếu những người nhập cư này thiếu hụt trầm trọng các kỹ năng cơ bản – vốn là đặc trưng của phần lớn khối dân đang tăng nhanh trên thế giới hiện nay.
Các chiến lược nhập cư thực dụng sẽ có lợi cho các xã hội đang suy giảm dân số trong các thế hệ tiếp theo – tăng cường lực lượng lao động, cơ sở thuế, và chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi cũng tưởng thưởng cho quê hương của những người nhập cư bằng các khoản kiều hối béo bở. Khi dân số giảm dần, các chính phủ sẽ phải cạnh tranh để thu hút người nhập cư, với ưu tiên lớn hơn cho việc thu hút tài năng từ nước ngoài. Việc khai triển các chính sách di cư cạnh tranh đúng đắn – và bảo đảm sự ủng hộ của công chúng đối với các chính sách này – sẽ là một nhiệm vụ lớn đối với các chính phủ trong tương lai, nhưng rất đáng để nỗ lực.