Nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về quyết định của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh châu Âu, nhưng cũng có nhiều ý kiến bày tỏ hi vọng quyết định này sẽ được đảo ngược dưới thời chính quyền mới tại Mỹ.

 

 

Mỹ hôm qua (22/11) thông báo chính thức rút khỏi Hiệp ước quốc phòng Bầu trời Mở (Open Skies Treaty), cơ chế giúp không quân của 34 quốc gia thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau, đảm bảo sự ổn định, giảm nguy cơ hiểu lầm có thể xảy ra. Nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về quyết định của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh châu Âu, nhưng cũng có nhiều ý kiến bày tỏ hi vọng quyết định này sẽ được đảo ngược dưới thời chính quyền mới tại Mỹ.

 

 

 

 

(Ảnh minh họa: CFR)

 

 

 

 

Việc rút khỏi Hiệp ước là đòn mới nhất giáng vào hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, 6 tháng đã qua kể từ khi Mỹ thông báo rút khỏi Hiệp ước. Mỹ sẽ không còn là một bên của Hiệp ước Bầu trời mở.

 

 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, nhấn mạnh bất chấp lo ngại của đồng minh châu Âu, Mỹ đã lựa chọn bước đi cho riêng mình. Quyết định của Mỹ không có lợi cho cả an ninh châu Âu và chính nước Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ tìm kiếm những đảm bảo chắc chắn từ các quốc gia vẫn tham gia Hiệp ước để thực hiện nghĩa vụ của mình.

 

 

NATO ủng hộ duy trì hiệp ước này

 

Mặc dù không đồng tình với một số bước đi của Nga khi đưa ra giới hạn bay trên bầu trời Kaliningrad hay các khu vực biên giới giữa Nga và Grudia, nhưng các nước NATO vẫn khẳng định cam kết duy trì Hiệp ước. Rõ ràng trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng, Hiệp ước Bầu trời mở là một yếu tố then chốt trong khuôn khổ xây dựng lòng tin, nhằm tăng cường tính minh bạch và an ninh ở khu vực châu Âu- Đại Tây Dương, giảm những hiểu lầm có thể leo thang thành xung đột giữa các bên. Chính vì vậy bất chấp sự vận động của Mỹ thời gian qua, các nước NATO hiện vẫn khẳng định ưu tiên duy trì Hiệp ước.

 

 

Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO vẫn cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Hiệp ước: “Các đồng minh NATO đang hợp tác với Nga để yêu cầu nước này tuân thủ thỏa thuận sớm nhất có thể. Các nước NATO sẽ tiếp tục tuân thủ, ủng hộ và củng cố các thỏa thuận nhằm tăng cường kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí- những yếu tố quan trọng trong an ninh của NATO”.

 

 

Mỹ sẽ rời nốt khỏi Hiệp ước START mới?

 

Tuy nhiên, hiện có nhiều lo ngại việc rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở của Mỹ là bước đệm cho thấy nước này tiếp tục sẽ rời khỏi Hiệp ước vũ khí lớn còn lại với Nga: Hiệp ước START mới, dự kiến hết hạn vào tháng 2 tới.

 

 

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Stephan Dujaric, cảnh báo, với hàng loạt các Hiệp ước quan trọng bị xóa bỏ, có nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát:  “Chúng tôi lo ngại về cơ chế kiểm soát vũ khí giữa Nga và  Mỹ đang ngày càng xấu đi. Các cơ chế kiểm soát vũ khí này đã đảm bảo lợi ích an inh cho toàn cầu bằng cách kiểm soát các bên, tránh một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên chấm dứt các Hiệp ước này mà không có các thỏa thuận mới thay thế có thể tạo ra sự mất ổn định, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm dẫn đến các hậu quả khó lường”.

 

 

Tuy vậy vẫn có những hi vọng kết quả bầu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có thể làm đảo ngược mọi quyết định. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden nhiều lần thể hiện ủng hộ gia hạn Hiệp ước START mới và tiếp tục duy trì các Hiệp ước khác. Trong tuyên bố đưa ra vào tháng 5 vừa qua, ông Biden nhấn mạnh, thay vì xóa bỏ các Hiệp ước đang giúp các đồng minh an toàn hơn, Mỹ nên tiếp tục ở lại Hiệp ước bầu trời Mở, hợp tác với các đối tác để giải quyết những vấn đề liên quan đến những vi phạm của Nga. Đề cập khả năng Mỹ có thể quay trở lại Hiệp ước, Bộ ngoại giao Nga nhấn mạnh, Mỹ có quyền rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và quay trở lại hay không cũng là lựa chọn của Mỹ. Nga luôn để ngỏ cho mọi khả năng.