Bài viết trên mạng xã hội của Giáo sư Trương Bình (Zhang Ping), giáo sư chính thức tại Khoa Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Tel Aviv và là chuyên gia về Israel. (Ảnh chụp màn hình từ weibo)

 

THẾ GIỚI - Do ảnh hưởng của những thông tin sai lệch, khá nhiều người đã chỉ trích Israel “chiếm đóng” đất của người Palestine, khiến xung đột Palestine-Israel xảy ra. Về vấn đề đất đai của người Palestine, Giáo sư Trương Bình, Khoa Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Tel Aviv, và là chuyên gia về các vấn đề Israel, đã bác bỏ những sai lầm liên quan đến vấn đề này.

 

 

Quan điểm sai lầm 1

Trước khi phân chia, 93% (các phiên bản khác nhau, một số cho là 95%, một số cho là tuyệt đại đa số) đất đai thuộc về người Ả Rập, và người Do Thái chỉ sở hữu 6% đất đai. Quan điểm sai lầm này thường đi kèm với một bản đồ trong đó Palestine có màu xanh lá cây, chỉ để lại một vài chấm trắng tượng trưng cho vùng đất của người Do Thái.

 

GS Trương Bình phản biện.

Quan điểm này này nửa thật nửa dối: 6% đất đai của người Do Thái là đúng, còn 93% đất đai người Ả Rập là lời dối trá trắng trợn! Dù trong thời kỳ Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ hay thời kỳ uỷ trị của Anh, phần lớn đất đai ở Palestine đều thuộc sở hữu nhà nước (thuộc sở hữu công cộng hoặc thuộc sở hữu của nhà vua).

 

Ví dụ, sa mạc Negev có diện tích hơn 13.000 km2 (khoảng 50% tổng diện tích của Palestine), trước Thế chiến thứ nhất, nó là vùng đất của Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời kỳ ủy trị, là vùng đất hoàng gia, cũng là tài sản của Nữ hoàng Anh. Nó chưa bao giờ là đất đai tư nhân (ai mà ngu ngốc đến mức mua đất sa mạc vô dụng). Người Ả Rập muốn nói rằng đất đai lúc đó thuộc về họ, và họ không kiểm tra xem nó có căn cứ hay không.

 

Vậy người Ả Rập nắm giữ bao nhiêu đất ở Palestine?

 

Bất kỳ học giả có trách nhiệm nào cũng sẽ nói với bạn: Không ai biết cả! Tình trạng đất thuộc sở hữu của người Do Thái được đăng ký với cơ quan quản lý đất đai của Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, tuy chỉ là 6% nhưng mọi mục đều được ghi rõ ràng bằng giấy trắng mực đen. Cho dù người Ả Rập có tuyên bố sở hữu bao nhiêu đất đai thì họ cũng khó mà đưa ra được các tài liệu liên quan để chứng minh điều đó. Nếu tính dựa trên quyền sở hữu đất đai đã đăng ký thì dù tỷ lệ đất đai của người Ả Rập có thể vượt quá 6%, thì cũng không nhiều hơn bao nhiêu (người Thổ Nhĩ Kỳ đã che giấu một phần đáng kể tài liệu đăng ký đất đai, nên không thể nào xác nhận hoàn toàn được).

 

 

Quan điểm sai lầm 2

Người Palestine sở hữu đất Palestine theo quyền sở hữu Farah.

 

GS Trương Bình phản biện

Bởi vì họ không thể cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu đất đai, các học giả Ả Rập và những người ủng hộ đã phát minh ra cái gọi là quyền sở hữu Farah, cho rằng người Palestine sở hữu đất đai theo cách này.

 

Cái gọi là quyền sở hữu Farah đề cập đến cách phân bổ quyền sử dụng đất theo làng truyền thống của người Ả Rập, tức là mỗi làng giao đất cho mỗi hộ gia đình để canh tác hàng năm, gia đình nhận đất chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu, nó sẽ được chỉ định lại vào năm sau.

 

Ban đầu, đây là một hình thức sử dụng đất và không liên quan đến vấn đề quyền sở hữu. Các tài liệu nghiêm túc về hệ thống sở hữu đất đai của người Hồi giáo thường không coi Farah là một hình thức sở hữu đất đai. Tất cả các bài viết, thư tịch nói về hình thức sở hữu đất đai này, thường liên quan đến xung đột Israel-Palestine.

 

Thế nên, trong hệ thống Farah không xác định rõ chủ sở hữu mảnh đất là ai, vị trí, quy mô mảnh đất và tình trạng giao dịch của mảnh đất. Không thể đăng ký vùng đất như vậy theo bất kỳ hệ thống đăng ký tài sản nào, vì vậy cả Đế chế Ottoman lẫn Chính quyền ủy trị của Anh đều không công nhận nó là quyền sở hữu đất đai, và đương nhiên Nhà nước Israel cũng vậy.

 

Lùi một vạn bước rồi nói, thì ngay cả khi chúng ta công nhận kiểu sở hữu đất đai này, thì người Ả Rập cũng sẽ không có nhiều đất đai.

 

Theo hai số liệu thống kê do chính quyền Anh tổng hợp vào những năm 1920 và 1930, diện tích đất canh tác ở Palestine là khoảng 33%.

 

Năm 1942, Hội Quốc liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) tiến hành đánh giá và kết luận, tỷ lệ sở hữu đất đai của người Ả Rập ở các khu vực tập trung dân cư là khoảng 68%. Theo ước tính này, số lượng đất thuộc sở hữu của người Ả Rập sẽ là 33% nhân 0,68, tức là khoảng 23%. Ngay cả khi chúng ta thêm 10% cho người Palestine (có tính đến người Palestine ở các thành phố và thị trấn), thì đó chỉ là khoảng 30%.

 

Nói cách khác, ngay cả khi chúng ta tính cả phần đất mà chúng ta không có bằng chứng, thì vẫn cách con số 93% mà người Ả Rập tuyên bố mười vạn tám nghìn dặm.

 

Tel Aviv ban đầu được thành lập vào năm 1909 với tư cách là một cộng đồng Do Thái. (Hình ảnh trên mạng)

 

 

 

Quan điểm sai lầm 3

Có hơn 1,2 triệu người Ả Rập ở Palestine, chiếm 2/3 tổng dân số. Tuy nhiên, lãnh thổ Ả Rập nằm trong Nghị quyết phân chia chỉ chiếm 43% tổng diện tích của Palestine. Mặc dù chỉ có 600.000 người Do Thái, chưa đến 1/3 tổng dân số nhưng lãnh thổ của họ lại chiếm tới 57% tổng diện tích Palestine. Vì vậy, việc phân chia phân vùng là không hợp lý.

 

GS Trương Bình phản biện

Việc phân chia Palestine ban đầu là sự thành lập của hai quốc gia dân tộc và không liên quan gì đến dân số! Cũng giống như quyền thừa kế, nó liên quan đến danh phận, và không liên quan gì đến nhân khẩu của mỗi gia đình.

 

Lùi một vạn bước rồi nói, cứ cho là có thể liên kết dân số với đất đai, thì quan điểm này vẫn là sự dối trá, vì nó che giấu vấn đề về chất lượng đất đai!

 

Đúng là người Do Thái có 57%, nhưng 50% là sa mạc Negev kể trên, ngoại trừ một số ốc đảo, hầu hết đều là những khu vực không thích hợp cho con người sinh sống, đặc biệt là vào cuối những năm 1940. Ngay cả ở Israel hiện đại, sau khi phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến, và sự phát triển của nền nông nghiệp sa mạc hàng đầu thế giới, phần lớn đất đai ở Negev vẫn không có người ở.

 

Nói cách khác, chỉ có 7% đất được giao cho người Do Thái là có thể ở được, cộng thêm các ốc đảo riêng lẻ trên vùng đất hoang, tổng diện tích có thể ở được sẽ không vượt quá 10%. Còn 43% đất đai mà người Ả Rập thu được, ngoại trừ một lượng nhỏ đất gần Biển Chết, tất cả đều là đất có thể ở được. (Xem chi tiết bên dưới).

 

 

Sơ đồ phân chia của Ủy ban Peel lúc đó, màu cam là nhà nước Do Thái, còn màu tím là nhà nước Ả Rập. (Hình ảnh trên mạng)

 

 

Việc phân chia đất đai của người Palestine không phải là một chủ đề mới, ngay từ năm 1936, Ủy ban Peel của Anh đã đề xuất một kế hoạch phân chia, vào thời điểm đó, khoảng 80% đất đai, bao gồm cả Negev, được phân chia cho người Ả Rập, và người Do Thái được phân khoảng 20% đất ở phía Bắc. Người Ả Rập thẳng thừng bác bỏ điều này.

 

Nghị định phân chia năm 1947, người Do Thái đã có được Negev mà người Ả Rập không muốn, diện tích đất đai của người Do Thái kém xa so với 80% mà người Ả Rập ban đầu có được, nhưng người Ả Rập vẫn không đồng ý.

 

Trên thực tế, từ hai cách phân chia này, chúng ta có thể thấy một nguyên tắc cơ bản của việc chia đất: Bên nào được đất tốt thì được ít, bên nào được đất xấu thì được nhiều.

 

Bất kể ai đưa ra phán xét, không ai có thể nói rằng đây không phải là một nguyên tắc công bằng. Vì vậy, việc người Ả Rập phàn nàn về việc phân chia đất đai không công bằng chỉ là một cái cớ, về cơ bản họ muốn tiến hành thanh lọc sắc tộc ở khu vực Palestine, bất kể phân chia như thế nào thì họ cũng sẽ không hài lòng.

 

 

Quan điểm sai lầm 4

Lãnh thổ của quốc gia của người Ả Rập (Palestine) bị chia cắt và mất sự nối liền.

 

GS Trương Bình phản biện

Một mảnh đất chia làm sáu mảnh, mỗi bên lấy ba mảnh, tự nhiên là không có sự nối liền với nhau. Các vùng đất của người Ả Rập (Palestine) không được sự nối liền với nhau, vậy làm sao các vùng đất của người Do Thái có thể được nối liền? Vấn đề hiển nhiên như vậy, nói một nửa, giấu một nửa, lừa gạt tất cả mọi người trên thế giới sao?

Đó là thiểu năng trí tuệ.

 

 

Quan điểm sai lầm 5

Phần lớn lãnh thổ của quốc gia của người Ả Rập (Palestine) là đồi núi và đất đai cằn cỗi. Điều này không xảy ra với nhà nước Do Thái, quốc gia chủ yếu nằm ven biển và có đất đai màu mỡ.

 

GS Trương Bình phản biện

Đọc đến đây, những độc giả thông minh có thể tự mình bác bỏ lời nói dối này.

 

Phần lớn đất đai của nhà nước Do Thái là vùng hoang dã Negev, không gần biển và cũng không màu mỡ. Những vùng đất màu mỡ nhất của người Do Thái là ở Thung lũng Jezreel, và đầm lầy Hura ở phía đông Galilee. Khi hai khu vực này nằm trong tay người Ả Rập, chúng là những vùng đầm lầy với đàn muỗi và bệnh sốt rét hoành hành. Chính người Do Thái đã mua những vùng đất này với số tiền khổng lồ, và biến chúng thành đất nông nghiệp màu mỡ bằng công nghệ hiện đại.

 

Mặc dù nhà nước Do Thái có một số đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng ven biển, nhưng đây chủ yếu là nơi tọa lạc của hai thành phố hiện đại Tel Aviv và Haifa. Cả hai thành phố đều do người Do Thái thành lập, và dân số Ả Rập của họ chủ yếu là người nhập cư phụ thuộc vào nền kinh tế Do Thái.

 

Ngay cả khi những vùng đất này được trao cho người Ả Rập, liệu người Ả Rập có sẵn lòng nhận lấy không?

 

Mặt khác, vùng đất do người Ả Rập nhận được, vùng ven biển phía tây Galilee ở phía bắc được nối với Lebanon, được mệnh danh là Thụy Sĩ của Trung Đông, có cây thông, cây bách xanh, cỏ xanh và nguồn nước, có nguồn tài nguyên dồi dào, là một trong những vùng đất tốt nhất trong khu vực. Dải Gaza ở bờ biển phía nam có đất nông nghiệp cực kỳ thích hợp cho việc trồng trọt. Khu vực đồi núi trung tâm có nguồn nước ngầm khan hiếm tại chỗ, tuy không màu mỡ nhưng chắc chắn là khu vực thích hợp cho con người sinh sống, cũng không khá hơn vùng hoang dã Negev là bao. Thung lũng Jordan ở phía đông là vùng canh tác màu mỡ. Điều kiện như vậy vẫn bị cho là cằn cỗi, có phải chỉ có trời mới thích hợp cho bọn họ sinh sống?

 

 

Quan điểm sai lầm 6

Israel phục quốc vì chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu, thì nên phục quốc ở châu Âu chứ không phải ở khu vực Palestine.

 

GS Trương Bình phản biện

Quyền tự quyết của dân tộc bao gồm quyền của một dân tộc xác định và lựa chọn vùng đất mà mình sở hữu. Tất nhiên, việc thực hiện quyền này cần được cộng đồng quốc tế công nhận. Vì vậy, dân tộc Do Thái cũng như bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, đều có quyền lựa chọn quê hương cho mình. Sau khi được cộng đồng quốc tế công nhận, quyền của người Do Thái đối với mảnh đất của họ cũng thiêng liêng và bất khả xâm phạm như mối quan hệ của bất kỳ quốc gia nào với mảnh đất của mình.

 

Về điểm này, nếu nhất định phải nhắc lại những câu chuyện lịch sử cũ, người Ả Rập càng không có quyền đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm. Nếu họ không xâm chiếm và chiếm đóng quê hương của người Do Thái, và nếu họ không ngăn chặn sự trở về của người Do Thái vào những năm 1930, thì Người Do Thái sẽ không bị buộc phải di dời đến mức đó, và ngay cả khi đối mặt với những vụ thảm sát, họ cũng không có nơi nào để đi.

 

 

Quan điểm sai lầm 7

Israel chiếm đất của người Palestine để thành lập nhà nước của mình.

 

GS Trương Bình phản biện

Câu nói này chỉ có một vấn đề: Tại sao người Palestine lại nói những vùng đất này là của họ?

 

Việc xác định quyền sở hữu một mảnh đất có thể có một số hình thức: Quyền lịch sử, sự tồn tại thực tế, điều khoản hiệp ước quốc tế, và kết quả chiến tranh.

 

Người Palestine chưa bao giờ xác lập quyền lực chính trị của riêng mình trong lịch sử, và chưa bao giờ có bất kỳ quyền lịch sử nào đối với vùng đất này, quyền sở hữu đất đai tư nhân không rõ ràng, sự tồn tại thực tế cũng là một mớ lộn xộn.

 

Nghị quyết phân chia của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1947, thực chất là lần đầu tiên trong lịch sử người Palestine có được đất đai của mình một cách hợp pháp, tuy nhiên họ đã liên kết với các nước Ả Rập phát động chiến tranh tiêu diệt Israel, kết quả là hơn một nửa diện tích đất được giao đã bị chiếm đoạt. Trong thời gian ngừng bắn, người Palestine cũng bị mất đất, đường ranh giới này đã trao 80% đất đai cho người Do Thái, chỉ để lại 20% cho người Ả Rập, điều này hoàn toàn trái ngược với kế hoạch của Ủy ban Peel.

 

Cần lưu ý rằng, việc người Palestine đã đoàn kết các nước khác phát động cuộc chiến tranh xâm lược Israel, điều này cho thấy họ không công nhận vùng đất mà hiệp ước quốc tế này trao cho họ, và chọn cách sử dụng chiến tranh để giải quyết vấn đề. Do đó sự phân chia đất đai sẽ được quyết định bởi kết quả của cuộc chiến.

 

Người Ả Rập không thể dùng vũ lực khi họ cho rằng mình mạnh, rồi sau khi thua trong chiến tranh lại viện dẫn các nghị quyết của Liên hợp quốc, cho dù họ kiểm soát Liên hợp quốc bằng cách dựa vào quân số của mình, họ cũng không thể đạt được tất cả những điều tốt đẹp trên thế giới! Vì vậy, giải pháp của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề lãnh thổ Israel-Palestine dựa trên Đường Xanh chứ không dựa trên nghị quyết phân chia năm 1947. Kẻ xâm lược bại trận thường mất đất đai, đây là thông lệ quốc tế, và điều này đúng với các nước bại trận trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

 

 

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất, Thủ tướng sáng lập Israel Ben-Gurion và "anh hùng hòa bình" Yitzhak Rabin, người sau này giữ chức thủ tướng hai lần, đã ở vùng Negev. (Hình ảnh trên mạng)

 

 

 

Người Do Thái có quyền lịch sử không thể nghi ngờ là ba lần thiết lập quyền lực chính trị hiệu quả ở vùng đất này, và truyền thống chính thống của người Do Thái chưa bao giờ từ bỏ quyền này. Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái hiện đại đã nâng cao sự hiện diện thực tế của dân tộc Do Thái trên vùng đất này thông qua các biện pháp pháp lý.

 

Năm 1947, nhà nước Do Thái chấp nhận nghị quyết phân chia của Đại hội đồng Liên hợp quốc và nói rõ rằng họ sẵn sàng chung sống hòa bình với các quốc gia Ả Rập.

 

Năm 1948, nhà nước Do Thái giành chiến thắng trong cuộc chiến chống xâm lược, mở rộng lãnh thổ một cách hợp pháp và được quốc tế công nhận.

 

 

---

 

 

Do đó, dù nhìn từ góc độ nào, Israel xứng đáng có được từng tấc đất bên trong Đường Xanh, và Israel có thể trả lại phần đất nằm ngoài Đường Xanh bất cứ lúc nào (các khu định cư thực chất là những thứ có thể bị thu hồi ngay lập tức, bao gồm Bán đảo Sinai và Dải Gaza đều là tiền lệ), và không nằm trong quá trình thành lập Nhà nước Israel. Tóm lại, Israel chưa vượt ra ngoài thông lệ quốc tế trong việc chiếm đất chứ đừng nói đến việc thành lập đất nước trên đất Palestine!

 

 

Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm và tuyên bố của tác giả Trương Bình (Zhang Ping), không hẳn là của NTDVN.

Đăng lại từ trương mục Zhang PingX@pingzhang632 (twitter.com/pingzhang632)

(ntdvn.net; Trương Bình – NTD, Thanh Hà biên dịch)

 

Trương Bình

Tác giả Trương Bình (Zhang Ping) là giáo sư chính thức tại Khoa Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Tel Aviv và là chuyên gia về Israel.