Hàng hóa chờ được dỡ xuống từ các con tàu ở Cảng Long Beach, California, vào ngày 11/1/2022. (John Fredricks / The Epoch Times)

 

 

 

Các nước thúc đẩy mạnh hơn quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; không chỉ vì thương chiến mà còn vì COVID-19. Nhưng rốt ráo, việc chưa dịch chuyển kịp chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc khiến ‘Zero COVID’ vẫn là rủi ro địa chính trị hàng đầu của thế giới năm 2022.

 

 

Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với COVID-19 đã khiến các thành phố tiếp tục bị phong tỏa, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn sản xuất và vận chuyển trên toàn cầu. Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp cực đoan và cứng rắn của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn virus có thể là rủi ro lớn nhất mà thế giới phải đối mặt vào năm 2022.  

 

Trong một báo cáo vào tháng 1, công ty tư vấn và phân tích rủi ro chính trị của Mỹ Eurasia Group đã liệt chính sách zero-COVID của Trung Quốc vào dạng rủi ro hàng đầu trên thế giới vào năm 2022. 

 

Bản báo cáo (pdf) dự đoán rằng cách tiếp cận không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao cuối cùng sẽ thất bại, dẫn đến các đợt bùng phát lớn hơn, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt hơn; mặt trái của chính sách này là nó sẽ dẫn đến sự can thiệp nhiều hơn từ phía nhà nước và sự gián đoạn kinh tế lớn hơn.

 

Báo cáo cho biết các vấn đề của Trung Quốc làm gia tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng, điều này sẽ gây ra những rủi ro liên tục trên toàn thế giới. Các chính sách quét sạch COVID của nước này sẽ gây ra những hạn chế về vận chuyển, và thiếu hụt nhân viên, nguyên vật liệu và thiết bị, kéo theo đó là hàng hóa sẵn có trên toàn cầu giảm.

 

Katrina Ell, nhà kinh tế cấp cao về Châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics, nói với CNBC vào ngày 16/1 rằng chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc đã tác động đến hoạt động sản xuất và vận chuyển trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. 

 

Ell nói thêm rằng xu hướng đóng cửa các cảng và nhà máy thiết yếu của Bắc Kinh để quét sạch COVID sẽ khuếch đại và kéo dài cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

 

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2021, nước này xuất khẩu hơn 363 tỷ USD quần áo, giày dép và hàng dệt may, 255 tỷ USD thiết bị và bộ phận xử lý dữ liệu, 146 tỷ USD điện thoại di động, gần 100 tỷ USD đồ gia dụng, 81 tỷ USD thép, 75 tỷ USD phụ tùng ô tô, và gần 74 tỷ USD đồ nội thất và các sản phẩm khác.

 

Một nghiên cứu năm 2020 (pdf) của công ty dữ liệu Dun & Bradstreet của Mỹ cho thấy ít nhất 51.000 công ty trên toàn thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp Cấp 1 ở Trung Quốc và ít nhất 5 triệu công ty trên toàn thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp Cấp 2 ở Trung Quốc.

 

Nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng, Insight Solutions, xác định nhà cung cấp Cấp 1 là thành phần quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng. 

 

Nhà cung cấp Cấp 1 cung cấp những gì nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cần để tạo ra sản phẩm và thiết lập chuỗi. Các nhà cung cấp Cấp 1 thường cung cấp các thiết bị sản phẩm hầu như gần với sản phẩm cuối cùng mà các công ty khác có thể gắn nhãn hiệu là sản phẩm cuối cùng. Ví dụ, Foxconn là OEM để sản xuất iPhone trên quy mô lớn, nhưng Apple là thương hiệu của công ty.

 

Các nhà cung cấp Cấp 2 là nhà cung cấp chính cho các công ty Cấp 1 trong cùng một chuỗi cung ứng. Họ thường không liên hệ trực tiếp với các công ty OEM, nhưng họ rất quan trọng trong việc sản xuất các thành phần riêng lẻ đối với sản phẩm cuối cùng.

 

Với hàng triệu công ty trên toàn thế giới phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc, việc Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các chính sách Zero COVID nghiêm ngặt sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trên quy mô lớn. 

 

 

Phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, vào năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Ấn Độ cao hơn gấp 3 lần so với kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia này vào Trung Quốc cộng lại. Tương tự, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu và Canada cũng vượt xa giá trị thương mại Trung Quốc nhập khẩu từ họ. 

 

Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ năm 2021 vượt 576,1 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc chỉ đạt 179,5 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại 396,6 tỷ USD cho Trung Quốc.

 

Ngoài ra, giá cước vận chuyển cao đối với các tuyến Trung Quốc - Mỹ cũng phản ánh sự phụ thuộc mạnh mẽ của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc.

 

Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư tư nhân sống ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng giá cước vận chuyển container từ Thượng Hải, Ninh Ba, Thanh Đảo và các cảng phía đông khác của Trung Quốc đến Bắc Mỹ nói chung là từ 1.400 đến 2.000 USD trong những năm qua. Tuy nhiên, giá vận chuyển container từ Trung Quốc sang Mỹ hiện nay cao hơn gấp chục lần.

 

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Sofreight, một nền tảng hậu cần vận tải biển của Trung Quốc, giá cước hiện tại của một container 40 feet là từ 15,000 đến 23,000 USD từ các cảng phía đông Trung Quốc đến các cảng phía tây Hoa Kỳ.

 

Tháng 11/2021, Jason Chiang, giám đốc của Ocean Shipping Consultants có trụ sở tại Singapore, nói với Los Angeles Times rằng một số công ty vận tải biển đã kiếm đủ tiền trong năm qua để chi trả cho các khoản đầu tư của họ trong 10 năm qua. Một con tàu chở hàng lớn có thể thực hiện một chuyến đi duy nhất từ ​​Trung Quốc đến Hoa Kỳ để kiếm chi phí đóng toàn bộ con tàu.

 

Vận chuyển chiếm ít nhất 90% lượng hàng hóa toàn cầu. Chi phí vận tải bằng đường biển đã tăng vọt trong năm qua do tắc nghẽn cảng.

 

Do lợi nhuận kếch xù trong vận chuyển nên sau khi dỡ hàng tại các cảng ở Mỹ, nhiều tàu container không muốn tốn thời gian bốc hàng ở Mỹ để mang về Trung Quốc. Thay vào đó, họ nhanh chóng quay lại Trung Quốc với các container rỗng để thực hiện thêm một số chuyến đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hiện tượng này đã gây ra một số tắc nghẽn trong việc xuất khẩu hàng hóa của Mỹ.

 

Sun cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do Hoa Kỳ đã bỏ mặc việc sản xuất hàng hóa cấp thấp và trung bình từ rất sớm, dẫn đến nhiều ngành sản xuất chuyển sang Đông Nam Á, đặc biệt là sang Trung Quốc.

 

 

Tầm quan trọng của tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Hiện tại, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ rời xa Trung Quốc khi xét đến những rủi ro này.

 

Theo một nghiên cứu của Đại học Bang Michigan (MSU) hồi tháng 10 năm ngoái, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng nói với Fox Business rằng việc virus corona bùng phát ở Trung Quốc sẽ tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Ông Ross cho biết việc chính quyền Trung Quốc buộc đóng cửa các nhà máy do dịch bệnh bùng phát sẽ thúc đẩy các công ty nước ngoài xem xét lại chuỗi cung ứng của họ và giúp đẩy nhanh các công việc làm trở lại Bắc Mỹ.

 

Tương tự, một đối tác với công ty tư vấn Plante Moran, Daron Gifford, cho biết đại dịch có thể có ảnh hưởng lâu dài hơn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng qua đi, theo nghiên cứu của MSU trích dẫn Crain’s Detroit Business.

 

 “Sẽ rất thú vị, sau khi việc này xảy ra, bằng như nó bắt đầu thay đổi kế hoạch của một số nhà cung cấp của chúng tôi về cách họ cấu trúc chuỗi cung ứng của mình”, Gifford nói. “Những điều này càng kéo dài và càng có nhiều sự gián đoạn xảy ra trong chuỗi cung ứng, bạn bắt đầu chuyển hướng sản xuất của mình”.

 

Tuy nhiên, một số người tin rằng sự chuyển hướng dài hạn và sự “tách rời” hoàn toàn khỏi Trung Quốc là không khả thi, đặc biệt là đối với ngành công nghệ, theo nghiên cứu của MSU trích dẫn từ Forbes.

 

Razat Gaurav, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm chuỗi cung ứng LLamasoft, cho biết không có lựa chọn ngắn hạn nào khi đối mặt với việc đóng cửa một cơ sở phức hợp trên quy mô "Thành phố iPhone" ở Trịnh Châu hoặc di dời nhà máy sản xuất chất bán dẫn khi một cơ sở "cần chi phí 1 tỷ đô-la để mở cửa".

 

 

Hãng sản xuất chip quan trọng nhất thế giới gấp rút chuyển nhà máy sang Mỹ 

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã thông báo vào tháng 5/2020 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, dự kiến ​​bắt đầu sản xuất số lượng lớn vào năm 2024. Việc xây dựng dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào tháng Bảy.

 

Kể từ đó, TSMC đã lên kế hoạch cho nhà máy ở Arizona của mình để nhanh chóng nhân rộng các nhà máy của mình ở Đài Loan. Động thái này cho thấy ý định của TSMC nhằm làm cho giống một cách toàn diện chuỗi cung ứng của mình tại Đài Loan trong nhà máy ở Hoa Kỳ do lo ngại về cuộc xâm lược tiềm tàng của Bắc Kinh.

 

 

Một nhân viên bảo vệ đi ngang qua logo của công ty tại trụ sở của nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC ở Tân Trúc vào ngày 29/1/2021. (Ảnh của Sam Yeh / AFP) (Ảnh của SAM YEH / AFP qua Getty Images)

 

 

 

Tạp chí CommonWealth của Đài Loan gần đây đưa tin rằng nhà máy mới ở Arizona của TSMC đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền bang Arizona. Quá trình xây dựng của nó đang diễn ra hết công suất, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi trong những ngày lễ Giáng sinh và Năm mới.

 

Theo báo cáo trích dẫn nội bộ của TSMC, TSMC đã đặt hàng tấm bán dẫn 5 nanomet quy trình tiên tiến ở Arizona để sao chép lại hoàn toàn nhà máy 5 nanomet của mình ở Nanke, Đài Loan.

 

TSMC lên kế hoạch xuất khẩu 26 nhà cung cấp chính từ Đài Loan sang Hoa Kỳ như một phần trong kế hoạch đưa nhà máy Arizona đi vào hoạt động nhanh nhất có thể. Chủ tịch Mark Liu đã mời các nhà cung cấp hóa chất bán dẫn, vật liệu bán dẫn và các nhà máy khí đốt đặc biệt quan trọng đến thành lập nhà máy tại Hoa Kỳ.

 

Ngoài việc xuất khẩu nhân tài từ Đài Loan, TSMC đã bố trí hơn 100 kỹ sư Mỹ sang các nhà máy của mình tại Đài Loan để đào tạo tại chỗ.

 

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy ở Arizona, TSMC sẽ tạo ra các bản sao mô-đun của thiết bị sản xuất tại các nhà máy ở Đài Loan và chuyển chúng đến Arizona theo lô để lắp ráp.

 

Theo Thời báo Đài Bắc, thế giới phụ thuộc 92% chip hàng đầu vào Đài Loan. Do đó, Hoa Kỳ tỏ ra lo ngại về những rủi ro địa chính trị do phụ thuộc quá nhiều vào chip do Đài Loan sản xuất. Trước mối đe dọa quân sự kiên định của Trung Quốc đối với hòn đảo tự trị này, Đài Loan phải che chắn công nghệ của mình khỏi chế độ Trung Quốc. 

 

Với việc an ninh đang bị đe dọa, TSMC đặt mục tiêu xuất khẩu nhà máy chế biến tấm bán dẫn 5 nanomet tiên tiến và chuỗi cung ứng phức hợp sang Hoa Kỳ càng nhanh càng tốt.

 

 

Các quốc gia bắt đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Tháng 11/2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua, một tổ chức tư vấn của Đài Loan, đã xuất bản một bài báo phân tích việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu và đại dịch virus ĐCSTQ bùng phát. Bài báo mô tả xu hướng rõ ràng của các công ty trong các ngành công nghiệp quan trọng chuyển dịch chuỗi cung ứng của họ về nước sở tại, đặc biệt là những công ty quan trọng đối với an ninh quốc gia.

 

Ví dụ, các quốc gia cam kết tăng cường nguồn cung cấp thuốc và thiết bị y tế độc lập. Liên minh châu Âu đang tăng cường năng lực sản xuất thuốc và thiết bị y tế tại địa phương. Hoa Kỳ đang tìm cách chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng y tế của mình về nước. Nhật Bản đang giảm bớt các nguyên liệu và thiết bị của các nhà máy địa phương sản xuất khẩu trang, chất khử trùng, quần áo bảo hộ, mặt nạ phòng độc và các sản phẩm y tế khác, bao gồm cả dược phẩm.

 

Bài báo cũng nhấn mạnh các quốc gia cần thiết phải làm việc với các đồng minh và các đối tác cùng chí hướng để xây dựng các chuỗi cung ứng có năng lực ứng phó trong bối cảnh có những khó khăn đối với một quốc gia khi đạt được an ninh chuỗi cung ứng một mình.

 

Tháng 6/2021, Nhà Trắng đã công bố một báo cáo (pdf) xem xét một số lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Có bốn sản phẩm chính bao gồm sản xuất chất bán dẫn và đóng gói bao bì tiên tiến; pin dung lượng lớn; khoáng chất và vật liệu quan trọng; dược phẩm và các thành phần dược hoạt tính (API).

 

Báo cáo này đưa ra nhiều khuyến nghị, bao gồm hợp tác với các đồng minh và đối tác để giảm thiểu các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và quan trọng nhất là xây dựng lại năng lực sản xuất và đổi mới trong nước của Mỹ.

 

Tháng 5/2021, Ủy ban Châu Âu đã phát hành một tài liệu tương tự (pdf) đề xuất các biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc một cách có chiến lược trong nhiều lĩnh vực chính, chẳng hạn như nguyên liệu thô, pin, thành phần dược phẩm hoạt tính, hydro, chất bán dẫn và công nghệ đám mây và công nghệ tiên tiến. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các thành viên của Liên minh Châu Âu trong việc tăng cường chuỗi cung ứng.

 

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản đang tích cực cung cấp vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc thành lập tại quê nhà hoặc chuyển đến các nước ASEAN, Ấn Độ hoặc các nước khác. Nước này cũng đang thảo luận về kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế với các nước ASEAN. Ấn Độ và Australia cũng ủng hộ mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

 

Quan điểm trong bài viết là của tác giả Anne Zhang và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NDTVN.

(Theo ntdvn.com)