Ảnh minh họa: Shutterstock. (dkn.tv)
Trong sự kiện quan trọng giữa giới tinh hoa Mỹ và chính quyền Trung Quốc mới đây, CEO của Apple đã không xuất hiện. Theo số liệu kinh doanh của ông lớn công nghệ Mỹ này tại thị trường Trung Quốc, đã có những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Bắc Kinh và Apple đã ở giữa ngã tư đường. Thỏa thuận bí mật giữa 2 bên được kênh điều tra Hoa Kỳ tiết lộ có vẻ như đã chấm dứt.
Ngày 27 tháng 03, ông Tập Cận Bình đã tiếp xúc với đại diện từ giới kinh doanh và học thuật chiến lược của Mỹ, nhưng không có sự hiện diện của CEO của Apple, ông Tim Cook. Chính quyền Trung Quốc chưa có lời giải thích. Cần lưu ý rằng, trong vòng một năm gần đây, Tim Cook đã tới Trung Quốc ba lần, và chỉ vài ngày trước ông tham dự lễ khai trương cửa hàng bán lẻ Apple lớn nhất Trung Quốc. Ông còn phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024 (từ 24 đến 25 tháng 3) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lý Cương. Tại đây ông Cook đã nói rằng “rất vui được trở lại Trung Quốc và cảm nhận được sức sống và động lực của thị trường”, đồng thời tuyên bố tiếp tục tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc, đi ngược lại với sự rút vốn của các công ty nước ngoài.
Điều này không thể không gây ngạc nhiên. Có lẽ có hai khả năng. Thứ nhất, do Đảng Cộng sản Trung Quốc hủy bỏ một phần quan trọng nhất trong Diễn đàn Phát triển Trung Quốc – đó là cuộc họp riêng giữa Thủ tướng Trung Quốc và các nhà quản lý nước ngoài, ông Tim Cook và một số ông chủ lớn từ phương Tây đã rời đi trước, không kịp tham dự cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, mặc dù theo Bloomberg, các CEO Mỹ được mời gặp ông Tập trong phút chót, nhưng nếu vậy nó cho thấy mối quan hệ giữa Apple và Đảng Cộng sản Trung Quốc không thân thiết lắm, khi Apple không được biết một chút tin tức nào trước đó, đây có thể là do sự cẩn thận quá đáng của phía Trung Quốc (để giữ bí mật về hoạt động của ông Tập Cận Bình) hoặc do sự chậm chạp của phía Apple. Thứ hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự không có ý định mời ông Cook tham dự.
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hách (王赫) đã có bài viết, cho rằng khả năng thứ hai lớn hơn. Tại sao? Sau đây là bốn lý do.
Đầu tiên, có rất nhiều kẻ xu nịnh, và ĐCSTQ không đặc biệt coi trọng Apple
Ông Tập Cận Bình đã có những phát biểu một cách hùng hồn, và các nhà lãnh đạo Mỹ thuộc mọi tầng lớp tham dự cuộc họp cũng tỏ ra chăm chú lắng nghe, thậm chí có người còn ghi chép. Trong Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào tháng 11 năm ngoái, vé dự bữa tối nơi ông Tập phát biểu trước giới thượng lưu kinh doanh Mỹ, đã được bán với giá lên tới 2.000 USD mỗi vé. Một người trong cuộc tiết lộ với giới truyền thông rằng nếu một công ty sẵn sàng chi 40.000 USD, công ty đó có thể mua 8 ghế tại một bàn ăn chung và một ghế ngồi cùng bàn với ông Tập Cận Bình. Nhiều công ty lớn đến ủng hộ ông, và một trong những người ngồi cùng bàn với ông Tập chính là CEO Cook của Apple. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn giới tinh hoa Mỹ chỉ dừng lại ở việc tham gia sự kiện, họ muốn các công ty này đổ thật nhiều tiền đầu tư và công nghệ cao vào Trung Quốc. Mặc dù Apple luôn công khai cho rằng họ đánh giá cao thị trường Trung Quốc, nhưng trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều đó chỉ là lời nói hão huyền, nên họ muốn trừng phạt Apple.
Thứ hai, cơ sở để ĐCSTQ không tin tưởng Apple là do Apple đã “phi Hán hóa”
Có một số dữ liệu để chứng minh điều này. Thứ nhất, báo cáo của TD Cowen, một ngân hàng đầu tư quốc tế, đã đề cập rằng từ năm 2018, rằng các nhà cung cấp của Apple, bao gồm Foxconn, đã chi khoảng 16 tỷ đô la Mỹ để phân tán tài sản sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Hoa Kỳ và Việt Nam. Theo dữ liệu từ công ty chứng khoán CEB Securities, vào năm 2018, trong số 200 nhà cung cấp lớn của Apple, có 150 công ty đã thành lập nhà máy tại Trung Quốc, trên tổng cộng 358 công ty (chiếm 46,4%), nhưng đến năm 2020, tổng số lượng nhà máy đã giảm xuống chỉ còn chiếm 42,5%. Trong khi cùng thời điểm, số lượng nhà máy tại Đông Nam Á đã tăng đáng kể. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã công khai cho biết vào năm 2023, rằng Apple muốn tăng tỷ lệ sản xuất iPhone tại Ấn Độ từ mức hiện tại 5%-7% lên 25%, và trong tương lai còn lắp ráp các dòng sản phẩm mới của Apple tại Ấn Độ. Báo cáo nghiên cứu của JPMorgan cho biết rằng Apple sẽ hoàn thành mục tiêu đạt tỷ lệ lắp ráp tại Ấn Độ lên 25% vào năm 2025. Chuyên gia chứng khoán nổi tiếng Đài Loan và được gọi là “nguồn tin về Apple”, Quách Minh Cơ (郭明錤), cho rằng mục tiêu trung và dài hạn của Apple là Foxconn sẽ sản xuất 40%-45% iPhone tại Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã nổi lên trong những năm gần đây và đã láp ráp MacBook, iPad và Apple Watch.
Thứ hai, vào tháng Mười năm ngoái, Nikkei đưa tin rằng Fomalhaut Techno Solutions, một công ty nghiên cứu về khả năng phân tích tháo rời điện thoại thông minh, đã tiến hành phân tích việc tháo rời 4 mẫu iPhone 15 của Apple và nhận thấy linh kiện trong mẫu iPhone 15 Pro Max có khoảng 33% tổng giá trị sản phẩm là của Mỹ, 29% của Hàn Quốc, 10% của Nhật Bản, đặc biệt tỷ lệ của Đài Loan tăng lên 9% và Trung Quốc giảm xuống còn 2%. Nhìn vào dữ liệu ngành dọc: trong dòng iPhone 12 (ra mắt tháng 10/2020), linh kiện Trung Quốc chiếm 4,7%; dòng iPhone 13 có 4,5%, dòng iPhone 14 chiếm 3,8% và dòng iPhone 15 chiếm 2%, đây là con số giảm dần theo các năm.
Thứ ba, thỏa thuận bí mật của Trung Quốc với Apple có thể đã kết thúc
Vào tháng 12 năm 2021, trang thông tin trả phí có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, mang tên “The Information” đã tiết lộ độc quyền rằng vào năm 2016, CEO của Apple, ông Tim Cook, đã ký kết một thỏa thuận đầu tư bí mật trị giá 275 tỷ đô-la với chính phủ Trung Quốc nhằm “điều chỉnh những đe dọa có thể cản trở hoạt động và dịch vụ của Apple tại Trung Quốc”.
Báo cáo này cho biết rằng vào năm đó, do áp lực từ chính phủ Trung Quốc, doanh số bán hàng của iPhone đã giảm mạnh (17%). Ông Cook đã thuyết phục chính phủ Trung Quốc rằng Apple sẽ thông qua đầu tư, giao dịch kinh doanh và đào tạo lao động, cố gắng hết sức để hỗ trợ phát triển kinh tế và năng lực công nghệ của Trung Quốc. Thỏa thuận này có thời hạn 5 năm và đã được ký kết trong chuyến thăm đầu tiên của Tim Cook vào năm đó. Nếu không có bất kỳ bên nào chấm dứt hợp đồng, vào tháng 5 năm 2021, thỏa thuận sẽ tự động gia hạn thêm một năm.
Trong những năm sau đó kể từ khi có thỏa thuận bí mật, Apple đã lắp ráp gần như toàn bộ sản phẩm của mình tại Trung Quốc, với gần 1/5 doanh số bán hàng đến từ Trung Quốc. Đồng thời, Apple cũng thỏa hiệp với ĐCSTQ, cốt lõi là lưu trữ dữ liệu khách hàng trên máy chủ của chính quyền Trung Quốc, chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc và khiến hàng chục nghìn ứng dụng iPhone biến mất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diễn biến của tình hình quốc tế cũng như tình hình trong nước của Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đã gây khó khăn cho việc tiếp tục thỏa thuận bí mật giữa ĐCSTQ và Apple.
Thứ tư, ĐCSTQ ủng hộ Huawei và phải đàn áp Apple
Vào cuối thế kỷ trước, điện thoại di động trong nước của Trung Quốc từng bùng nổ nhưng nhanh chóng không còn được ưa chuộng. Sau khi Apple vào Trung Quốc, đóng góp lớn nhất của hãng là thiết lập chuỗi công nghiệp điện thoại thông minh, đó là lý do tại sao điện thoại di động Trung Quốc có được như ngày nay. Nhưng trong quá trình đó, ĐCSTQ đã hỗ trợ Huawei và khiến hãng này cạnh tranh với Apple.
Một điều ấn tượng là, trong bảng xếp hạng doanh số bán hàng tại thị trường nội địa Trung Quốc trong năm 2023, Apple lần đầu tiên lọt vào top đầu với thị phần tăng 0,5 điểm phần trăm lên 17,3%. Nhưng bước sang năm 2024, lô hàng của Apple tại Trung Quốc là 5,5 triệu chiếc trong tháng 1, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,4 triệu chiếc trong tháng 2, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số của Huawei tăng vọt, vượt iPhone, và trở thành điện thoại thông minh số một Trung Quốc.
Một trong những yếu tố chính đằng sau điều này là Bắc Kinh cố tình đàn áp Apple. Năm ngoái, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng ĐCSTQ yêu cầu các quan chức chính quyền trung ương không được sử dụng iPhone tại nơi làm việc hoặc mang iPhone vào văn phòng, và chính quyền địa phương cũng đã thực hiện các quy định tương tự.
Huawei cũng cố tình chọn ra mắt smartphone Mate 60 trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vào năm ngoái. Theo báo cáo phương tiện truyền thông, dữ liệu phân tích tách rời điện thoại của bên thứ ba cho thấy hầu hết các thành phần Mate 60 Pro đều được cung cấp tại địa phương, bao gồm chip lõi, màn hình và hệ thống, với tỷ lệ nội địa hóa hơn 90%. Rõ ràng, ĐCSTQ nghĩ rằng họ có thể công khai thách thức Apple.
Kết luận
Kể từ khi trở thành CEO của Apple, ông Cook đã đến thăm Trung Quốc hơn 20 lần. Ông dự đoán một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Apple, nhưng sau nhiều năm, thị trường Trung Quốc vẫn chỉ bằng 2/3 thị trường châu Âu và 40% thị trường Bắc Mỹ trong tổng doanh số của Apple. Trong quý tài chính đầu tiên của năm nay, doanh thu của Apple tại Trung Quốc đại lục đã giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là thị trường lớn duy nhất trong khu vực sụt giảm trong quý và và cũng là kết quả kinh doanh kém nhất trong quý đầu tiên kể từ đầu năm 2020.
Đánh giá từ tình hình hiện tại, doanh số bán hàng của Apple giảm ở Trung Quốc có thể là một xu hướng chung. Apple và ĐCSTQ đã ở ngã tư đường. Việc ông Cook không gặp ông Tập sau cánh cửa đóng kín là một tín hiệu. Apple phải tự quyết định hướng đi của mình.
(Theo dkn.tv)