(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Francesca Regalado, “Old missteps haunt Thailand’s billionaire Shinawatras,” Nikkei Asia, 15/10/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Con đường của nhà Shinawatra đã làm nổi bật quan hệ căng thẳng giữa tiền bạc và quyền lực ở Thái Lan.
Sự sụp đổ và trỗi dậy của hai thủ tướng mới nhất của Thái Lan có thể được minh họa thông qua mức giá cổ phiếu của các công ty của gia đình họ trong tuần định mệnh tháng 8 khi Srettha Thavisin bị lật đổ và Paetongtarn Shinawatra được bầu làm người kế nhiệm.
Trước khi Tòa án Hiến pháp kịp đọc xong phán quyết chống lại Srettha, cổ phiếu của Sansiri, công ty phát triển bất động sản niêm yết tại Bangkok của ông, đã bắt đầu giảm và kết thúc ngày với mức giảm 3%. Nhưng giá cổ phiếu của một công ty phát triển bất động sản khác, SC Asset, đã tăng 7,8% vào cuối tuần.
SC Asset là công ty cuối cùng do gia tộc Shinawatra kiểm soát được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Bangkok, với vốn hóa thị trường là 13,2 tỷ baht (397 triệu đô-la). Tài sản của gia tộc này ước tính cao gấp năm lần con số đó, ở mức 2,2 tỷ đô-la, đưa họ lên vị trí thứ 11 trong danh sách những gia tộc giàu nhất Thái Lan của Forbes.
Ở một đất nước nơi các gia đình giàu có thống trị các đảng phái chính trị, những mối liên hệ kinh doanh của gia tộc Shinawatra chính là đại diện cho quan hệ căng thẳng giữa quyền lực và tiền bạc. Trước khi Đảng Move Forward bất ngờ giành chiến thắng vào năm ngoái, các cuộc tổng tuyển cử đều do các chính trị gia giàu có thắng – nhưng đôi khi tài sản lại là thứ hủy hoại họ.
Việc phớt lờ những lời cáo buộc tham nhũng trong quá khứ nhắm vào gia đình bà sẽ là một thách thức đối với thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan. Vấn đề càng phức tạp hơn khi cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, có ảnh hưởng lớn đến chính phủ của bà.
Cổ phiếu SC Asset được lợi khi Paetongtarn được bầu.
Paetongtarn, 38 tuổi, đã từ chức khỏi 20 công ty của gia đình mình vào ngày 15/08, một ngày trước khi bà được quốc hội bầu làm thủ tướng, đồng thời thoái vốn khỏi SC Asset, nơi bà là cổ đông lớn nhất – tiếp theo là chị gái, mẹ, anh trai, và cậu của bà.
Tuy nhiên, các bản kiến nghị nêu lý do xung đột lợi ích đã được đệ trình chống lại Paetongtarn ngay sau khi bà được bầu, như cách chúng từng được sử dụng để chống lại Thaksin khi ông còn là Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến năm 2006. Nhân vật hoạt động chính trị Sondhi Limthongkul tuyên bố rằng ông đang để mắt đến các hành vi sai trái đạo đức trong chính phủ Thaksin mới nhất này, gợi nhớ đến những cuộc biểu tình quần chúng do ông lãnh đạo vào năm 2006, vốn đã leo thang và dẫn đến việc Thaksin bị cách chức.
Thaksin đã xây dựng khối tài sản cá nhân từ việc bán và cho thuê máy tính trước khi mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Cho rằng các cơ quan quản lý viễn thông đang gây bất lợi cho doanh nghiệp của mình, Thaksin đã chuyển hướng sang chính trị vào những năm 1990. “Thaksin quyết định tham gia chính trường để bảo vệ doanh nghiệp viễn thông của mình,” Ukrist Pathmanand, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Chulalongkorn và là người ghi chép lại sự nghiệp kinh doanh và chính trị của Thaksin, nói.
“Ông ấy thực sự thông minh. Ông ấy đã mời các tập đoàn khác đầu tư vào Thai Rak Thai,” đảng đầu tiên do Thaksin thành lập và là tiền thân của Đảng Pheu Thai của Paetongtarn, Ukrist cho biết.
Ngay từ năm 2001, năm đầu tiên làm thủ tướng, Thaksin đã bị cơ quan chống tham nhũng của đất nước cáo buộc che giấu khối tài sản trị giá 2,37 tỷ baht trong các cổ phiếu chuyển nhượng cho nhân viên trong gia đình. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh viễn thông đã tăng từ 4 tỷ baht năm 2001 lên 18 tỷ baht năm 2003, trong lúc các đối thủ cạnh tranh bị tụt hậu.
Rắc rối của gia tộc Shinawatra bắt đầu từ việc bán 49% cổ phần của họ tại Shin Corp. cho Temasek của Singapore vào tháng 1/2006, trong một giao dịch cổ phiếu không phải chịu thuế thu nhập trị giá 2,2 tỷ đô-la. Giao dịch này kết thúc ba ngày sau khi một luật mới – giúp tăng giới hạn sở hữu của nước ngoài trong một liên doanh viễn thông Thái Lan lên 49% – có hiệu lực. Nhiều tháng biểu tình lớn đã nổ ra, kết thúc bằng một cuộc đảo chính của quân đội tám tháng sau đó.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đi cùng con trai Panthongtae Shinawatra và con gái Paetongtarn Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm, và Pintongta Kunakornwong tại sân bay Don Mueang ở Bangkok vào ngày 22/08/2023. (Ảnh của Ken Kobayashi)
Chính phủ lâm thời đã đóng băng 2 tỷ đô-la tài sản của gia đình Shinawatra ngay sau cuộc đảo chính. Khoảng một nửa số tài sản đã bị tòa án ra lệnh tịch thu vào năm 2010, khi tòa ra phán quyết rằng Thaksin đã kiếm được tiền từ tham nhũng và xung đột lợi ích, rồi che giấu tài sản của mình trong quyền sở hữu cổ phiếu Shin Corp.
Sau đó, Thaksin nói với một tờ báo Anh rằng ông vẫn còn 100 triệu đô-la bên ngoài Thái Lan, được giữ một phần trong các dự án bất động sản và khai khoáng. Ông mua lại Câu lạc bộ bóng đá Manchester City vào năm 2007, và một năm sau đó, ông được cho là đã kiếm được khoản lợi nhuận 20 triệu bảng Anh (26,1 triệu đô-la) khi bán đội bóng Ngoại hạng Anh cho Abu Dhabi United Group, chủ sở hữu hiện tại của đội.
Paetongtarn có thời gian đến tháng 12 để kê khai tài sản và nợ phải trả, nhưng bà không phải là chính trị gia Thái Lan nổi tiếng duy nhất có khối tài sản khổng lồ. Các bộ trưởng trong nội các của bà đều nằm trong số những thành viên giàu nhất của quốc hội.
Đứng đầu danh sách là Bộ trưởng Nội vụ và là người thừa kế ngành xây dựng Anutin Charnvirakul, lãnh đạo Đảng Bhumjaithai, đảng lớn thứ ba trong quốc hội. Gia đình ông kiểm soát Sino-Thai, một trong ba công ty xây dựng lớn được niêm yết tại Bangkok mà các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng đang chờ xúc tiến, chẳng hạn như cầu lục địa phía nam (qua eo Kra) và các khu phức hợp giải trí liên quan đến sòng bạc.
Thứ hai là Bộ trưởng Giao thông Suriya Juangroongruangkit. Cháu trai của ông là Thanathorn Juangroongruangkit, người đồng sáng lập đảng đối lập cấp tiến Future Forward.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul, lãnh đạo Đảng Bhumjaithai, là một trong những nghị sĩ giàu nhất đất nước. (Ảnh của Adryel Talamantes)
Trước khi bị cấm tham gia chính trường vào năm 2020, Thanathorn là nghị sĩ giàu nhất Thái Lan nhờ vị thế người thừa kế của công ty sản xuất phụ tùng xe hơi Thai Summit Group. Đảng Future Forward đã bị giải tán vì nhận khoản thanh toán 191,2 triệu baht từ Thanathorn, người tuyên bố đó là một khoản cho vay. Số tiền này vượt quá giới hạn 10 triệu baht do luật định đối với các khoản quyên góp cá nhân cho các đảng chính trị.
Đảng kế nhiệm của Future Forward, Move Forward, tuyên bố rằng hơn một nửa thu nhập của họ đến từ các khoản quyên góp và mức đóng góp thuế thu nhập 500 baht từ các cá nhân. Nhưng các đảng phải trả lại hoặc quyên góp số tiền mà họ gây quỹ được nếu họ bị giải thể, và Move Forward đã bị giải thể vào tháng 8.
Đảng Nhân dân, kế nhiệm của Move Forward, và hiện là nhóm lớn nhất trong quốc hội, đã thua Đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử địa phương gần đây. Một nguồn tin thân cận với Pheu Thai cho biết đảng này đã chi khoảng 50 triệu baht trong một cuộc bầu cử bổ khuyết, vượt xa giới hạn pháp lý.
“Nếu bạn hiểu cách sử dụng tiền bạc trong chính trị, thì 50 triệu không là gì cả, vấn đề là bạn chơi trò chơi như thế nào,” nguồn tin cho biết. “Trong nhiều trường hợp chính trị cấp tỉnh, các doanh nhân sẽ vui vẻ đóng góp vài triệu baht để bảo đảm họ có đường dây liên lạc với chính quyền. Tôi không nghĩ Đảng Nhân dân ưu tiên điều này.”
Thanathorn Juangroongruangkit, đồng sáng lập Future Forward, đảng đối lập cấp tiến, là nghị sĩ Thái Lan giàu nhất cho đến khi ông bị cấm tham gia chính trường vào năm 2020. (Ảnh của Ken Kobayashi)
Dù Pheu Thai tuyên bố kết quả bầu cử địa phương là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với thủ tướng mới, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Các cuộc bỏ phiếu ngoài chu kỳ thông thường chỉ nhận được nguồn lực tập trung từ các đảng lớn như Pheu Thai và Bhumjaithai, nhưng cử tri ít quan tâm đến chúng và tỷ lệ thanh niên đi bầu thấp hơn so với các cuộc tổng tuyển cử.
Ukrist cho biết, “Các chính sách rõ ràng sẽ giúp các đảng giành chiến thắng trong tổng tuyển cử. Đảng Nhân dân đang chờ đợi cuộc tổng tuyển cử, thay vì thắng trong các cuộc bầu cử nhỏ vốn có thể bị các “tay to” chi phối.”
Thời gian sẽ nói lên nhiều hơn về tình hình kinh tế Thái Lan và liệu gia tộc Shinawatra có thể mang lại sự phục hồi mà công chúng đang chờ đợi hay không. Nhờ phản ứng với lũ lụt và việc khai triển gói kích thích tiền mặt, tỷ lệ ủng hộ Paetongtarn đã đạt 31%, trong cuộc thăm dò đầu tiên của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia kể từ khi bà lên nắm quyền thủ tướng. Lãnh đạo Đảng Nhân dân, Natthaphong Ruengpanyawut, hiện đứng thứ ba với 22,9% số phiếu, trong khi “không có ứng viên phù hợp” cho chức thủ tướng là lựa chọn đứng thứ hai.
Khi Thaksin phát biểu về tầm nhìn của mình đối với Thái Lan vào cuối tháng 8, các ông trùm tư bản đã ngồi vào bàn ăn tối cùng ông, gợi ý về một sự hòa hoãn với các đối thủ cũ của ông. Kể từ đó đến nay, ông đã hoạt động trong thầm lặng, cho phép con gái “nắm quyền” khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích không cho rằng ông có thể tránh xa tầm mắt công chúng trong dài hạn. Và nếu ông bắt đầu can thiệp công khai, điều này có khả năng đe dọa cả quyền lực của con gái ông và tài sản của gia đình ông – trừ phi họ có thể mang lại sự thịnh vượng cho những cử tri thất vọng đã từ bỏ các đảng truyền thống để ủng hộ những đảng cấp tiến mới nổi vào năm ngoái.
Duncan McCargo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định, “Nếu tình hình kinh tế không có sự cải thiện đáng kể, Thaksin sẽ thấy mình phải chịu áp lực ngày càng lớn. Tôi tin rằng gia tộc Shinawatra đang thận trọng hơn vào lúc này. Nhưng thực tế là không có giới hạn nào về số lượng và tính đa dạng của các thách thức pháp lý tiềm tàng, vì vậy, chỉ thận trọng thôi là không đủ.”
(nghiencuuquocte.org)