Hình ảnh một nhân viên y tế đang chuẩn bị một liều vắc-xin tại một trung tâm chủng ngừa ở Nam Phi. Nguồn: AAP

 

 

 

 

 

 

Các nhà lãnh đạo thuộc khối G7 cam kết hiến tặng vắc-xin chống COVID-19 cho các nước nghèo khi đại dịch tiếp tục làm suy sụp nền kinh tế tại các nước khác nhau trên khắp thế giới.

 

 

Cuộc họp thượng đỉnh G7 trong 3 ngày đã kết thúc vào chủ nhật hôm qua, với các nhà lãnh đạo cam kết hiến tặng thêm vắc xin chống COVID-19 cho các nước nghèo và thực thi các chương trình kích thích kinh tế.

 

 

Cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada, lần đầu tiên kể từ khi Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức.

 

 

Các nhà lãnh đạo đồng ý hiến tặng một tỷ liều vắc xin chống COVID-19 trong năm tới cho các nước nghèo.

 

 

Thế nhưng Liên Hiệp Quốc cho biết cần có thêm vắc xin nữa, trong khi các nhà vận động nói rằng những lời hứa hẹn cho thấy, G7 không ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng.

 

 

Thủ Tướng Anh Boris Johnson đưa ra lời loan báo rằng: “Tôi rất vui lòng loan báo là các nhà lãnh đạo đã hứa hẹn hiến tặng hơn một tỷ vắc xin hồi cuối tuần nầy, hoặc trực tiếp hay qua chương trình Covax".

 

"Số lượng đó bao gồm 100 triệu liều vắc xin chống COVID-19 của Vương quốc Anh đến các quốc gia nghèo nhất, vốn là một bước tiến nữa tiến đến việc chủng ngừa cho cả thế giới”.

 

 

 

Trong khi đó, các chuyên gia y tế công cộng và những nhóm nhân đạo hiện kêu gọi có thêm tiền bạc, gia tăng sản xuất và hỗ trợ việc vận chuyển, nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển, nơi virus hiện hoành hành.

 

 

Bà Lily Caprani, người đứng đầu ủy ban cố vấn về COVID-19 thuộc quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho biết, vắc xin cần có ngay do đang thiếu hụt.

 

 

Bà nói "Tôi muốn thấy họ cam kết và bắt đầu gởi vắc xin ngay từ tháng 6, để đến nơi trong tháng 6, 7 hay 8".

 

"Chúng tôi biết được số lượng của chúng tôi thiếu hụt, để họ ưu tiên gởi vắc xin ngay từ bây giờ và từ từ trong suốt năm".

 

"Những gì chúng tôi không muốn thấy, là có quá nhiều tuyên bố và hứa hẹn, mà chẳng có các kế hoạch cụ thể hỗ trợ, hay không đúng các thời hạn đã được đề ra”.

 

 

 

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi ông Boris Johson cho biết, ông hy vọng các nhà lãnh đạo thuộc nhóm G7, đồng ý cung cấp ít nhất một tỷ vắc xin cho các nước nghèo.

 

 

Trong khi hầu như phân nửa dân số của khối G7 đã nhận được ít nhất một mũi tiêm chủng, thì con số nầy trên thế giới chi chiếm ít hơn 13 phần trăm, còn tại Phi Châu chỉ có 2,2 phần trăm.

 

 

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 khiến trẻ em tham gia vào thị trường lao động tại Venezuela, do trường học đóng cửa và các gia đình phấn đấu để sinh sống, giữa lúc một đợt lây nhiễm thứ hai diễn ra.

 

 

Do các biện pháp phong tỏa, trường học ngưng việc dạy dỗ và các doanh nghiệp vất và trong việc tồn tại.

 

 

Với quá nhiều người lớn bị thất nghiệp, trẻ em hiện bị buộc lâm vào nền kinh tế không chính thức, nhằm giúp đỡ gia đình.

 

 

Nhà tranh đấu bảo vệ trẻ em, là Carlos Trapani, cho biết đại dịch đã gia tăng yếu tố rủi ro trong vấn đề lao động trẻ em.

 

Carlos Trapani nói “Chúng tôi quan ngại là các vụ bạo hành và căng thẳng trong gia đình gia tăng".

 

"Việc đóng cửa trường học đã gây nhiều khó khăn cho trẻ em, một trong những điều đó là các yếu tố rủi ro đó đã đẩy chúng làm việc để kiếm sống”.

 

 

 

Theo Liên Hiệp Quốc, đại dịch hiện thúc đẩy trẻ em phải lao động trên khắp châu Mỹ La Tinh và cả thế giới.

 

 

Trong khi đó, nhà cầm quyền Ấn Độ báo cáo hôm chủ nhật là có hơn 80 ngàn ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ trước, vốn là con số thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.

 

 

Tổng số các ca nhiễm tại Ấn là khoảng 29,4 triệu trường hợp, trong khi số tử vong vượt quá 370 ngàn người và đêm qua, Ấn có thêm 3300 người chết.

 

 

 

Tại Mã Lai Á, nước này hiện gia tăng chiến dịch chủng ngừa bằng cách mua thêm vắc xin và gia tăng các trung tâm tiêm chủng, khi quốc gia này đối diện một đợt bùng phát lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng.

 

 

Cho đến thứ sáu, tổng số ca nhiễm tại nước này vượt quá 640 ngàn vụ, với số trường hợp nhiễm bệnh mới hàng ngày tăng trên 6 ngàn trường hợp trong những ngày qua.

 

 

Thủ Tướng Muhyiddin Yassin loan báo hồi đầu tháng 6 rằng, nước nầy sẽ mua 16 triệu liều vắc xin trong 2 tháng tới và mở thêm hơn 300 địa điểm chủng ngừa.

 

 

Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur được dùng làm địa điểm tiêm chủng vào ngày 5 tháng 6, có thể chủng ngừa khoảng 8 ngàn người mỗi ngày.

 

 

Một bác sĩ trẻ ca ngợi nỗ lực của chính phủ Mã Lai Á: “Tôi nghĩ chính phủ đang làm việc thật tốt qua chương trình tiêm chủng qui mô và chúng tôi hài lòng trở thành một phần trong đó".

 

"Mỗi ngày chúng tôi có khoảng 120 nhân viên điều hành công việc, có các bác sĩ trong lãnh vực định bệnh và cũng như bác sĩ trong phòng chủng ngừa, rồi bác sĩ trong khoa cấp cứu nữa”.

 

 

Cho đến thứ sáu tuần trước, có hơn 422 triệu vắc xin được tiêm chủng trên khắp nước.

 

Chính phủ Mã Lai Á hy vọng đạt được mục tiêu là chủng ngừa ít nhất 80 phần trăm dân số trước năm 2021, ít nhất là 2 tháng trước kế hoạch ban đầu.

 

 

 

Tại Anh quốc, báo cáo có hơn 7 ngàn ca nhiễm mới trong 4 ngày liên tiếp, việc nầy có thể dẫn đến hoãn giảm bớt các biện pháp phong tỏa trên nước nầy, theo các dữ kiện của chính phủ.

 

 

Trong 24 giờ qua có thêm 7700 ca nhiễm, nâng tổng số các trường hợp coronavirus lên đến 4,55 triệu trường hợp.

 

 

Người ta mong đợi một quyết định chung cuộc về việc giảm bớt phong tỏa sẽ đạt được trong tuần này.

 

 

 

Tại Nga, bất chấp ngày nghỉ lễ và cuối tuần dài ngày, người dân không có cơ hội uống rượu thâu đêm suốt sáng, tại các quán rượu đông nghẹt ở Moscow.

 

 

Hôm chủ nhật, Nga báo cáo có 14,723 ca nhiễm mới, bao gồm 7,704 trường hợp tại Moscow, vốn là mức cao nhất trong một ngày trên toàn quốc, kể từ ngày 13 tháng 2.

 

 

Thị trưởng Moscow là ông Sergei Sobyannin ra lệnh các quán rượu, nhà hàng trong thành phố phải đóng cửa vào lúc 11 giờ đêm cho đến ngày 20 tháng 6, do các trường hợp lây nhiễm gia tăng.

 

 

Chủ quán là ông Valery Akhmarov cho biết, chuyện phong tỏa là chẳng có gì mới cả.

 

 

Ông nói “Dĩ nhiên chúng tôi sẽ mất một ít lợi tức, thế nhưng tôi không nghĩ chuyện đó có hậu quả lớn lao và sẽ có việc sụt giảm lợi tức lớn lao hơn nữa, khi mất từ 20 đến 25 phần trăm lợi tức".

 

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyện nầy chưa?. Đã có những hạn chế như vậy tại Moscow, rồi chúng tôi sẽ không hoạt động về đêm hay sao? Không, chúng tôi chẳng chuẩn bị chuyện nầy".

 

"Chúng tôi phải sẵn sàng làm việc như thế nầy hay sao? Vâng, sẵn sàng và nói chung chẳng có gì mới xảy ra cả”.

 

 

 

Tại Mỹ, con số của đại học Johns Hopkins cho biết, tổng số các ca nhiễm được xác nhận tại Mỹ vượt quá 33, 45 triệu trường hợp vào ngày thứ bảy vừa qua, với số tử vong gần 600 ngàn người.

 

Như vậy Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về con số các ca nhiễm và số người chết vì COVID-19.

 

Trong khi đó, có hơn 307 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng trên khắp nước Mỹ.