Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn loại 094A mới Trường Chinh của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia duyệt binh hải quân kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân PLA tại vùng biển gần Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ngày 23/4/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/Pool/AFP/Getty Images)
HOA KỲ - Theo một báo cáo gần đây của Quốc hội Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang huấn luyện và trang bị cho quân đội nước ngoài để củng cố vị thế của họ và làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn cầu.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) công bố vào ngày 14/11, Bắc Kinh cũng đang cung cấp vũ khí cho các quốc gia bị quốc tế trừng phạt trên toàn cầu, bao gồm cả quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố Iran.
Theo báo cáo, những nỗ lực của Trung Quốc là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm thay thế Hoa Kỳ và “dẫn đầu trật tự an ninh toàn cầu”.
Báo cáo cho biết: “Giới lãnh đạo Trung Quốc điều phối một loạt hoạt động quân sự với lực lượng an ninh nước ngoài, bao gồm các cuộc họp song phương và đa phương, trao đổi trách nhiệm, ghé thăm cảng, tập trận và bán vũ khí”.
Ngoài ra, chế độ này đang ngày càng sử dụng cánh quân sự của mình để “quảng bá hình ảnh tích cực về Trung Quốc” ở nước ngoài nhằm gây bất lợi cho Hoa Kỳ, đồng thời theo đuổi các lợi ích quân sự, đối ngoại và kinh tế cho chính mình.
Báo cáo viết: “Trung Quốc định hướng nhiều hoạt động tương tác với quân đội nước ngoài nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề an ninh quốc tế”.
“Họ cũng sử dụng các hoạt động trao đổi quân sự để theo đuổi các kỹ năng liên quan đến chiến đấu, rèn luyện khả năng triển khai sức mạnh và thu thập thông tin tình báo”.
“Thông điệp của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) gửi tới các đối tác nước ngoài trong các cam kết quân sự song phương và đa phương nhằm mục đích nâng cao danh tiếng của Trung Quốc gây bất lợi cho Hoa Kỳ”.
Báo cáo cho biết thêm: “Nga là đối tác quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, và mối quan hệ của họ phục vụ nhiều lợi ích của Trung Quốc, chẳng hạn như thể hiện sự thống nhất chiến lược chống lại Hoa Kỳ, làm suy yếu các quan hệ đối tác an ninh của Hoa Kỳ, rèn luyện các kỹ năng quân sự liên quan đến chiến đấu và tiếp thu công nghệ tiên tiến”.
“Trong suốt cuộc xung đột vô cớ của Nga ở Ukraine, Trung Quốc và Nga đã tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung song phương cũng như với các đối tác khác như Iran và các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khác”.
Theo báo cáo, các hành động của Trung Quốc với quân đội nước ngoài, bao gồm cả các cuộc tập trận, giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế, không giúp tăng cường năng lực quân sự của các đối tác nước ngoài. Hoa Kỳ duy trì lợi thế mạnh mẽ trong các lĩnh vực này nhờ vào chất lượng của các chương trình và chú trọng vào việc xây dựng năng lực đối tác. Đây là điều mà Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho các chế độ bị trừng phạt
Là một phần của nỗ lực này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc với tư cách là một quốc gia độc đảng, đang ngày càng ủng hộ các quốc gia độc tài thông qua việc bán vũ khí.
Chế độ này là nhân tố chủ chốt trong việc phổ biến vũ khí cho các quốc gia độc tài vi phạm nhân quyền, bao gồm cả Iran, quốc gia hiện đang hỗ trợ các nhóm khủng bố chịu trách nhiệm về vụ thảm sát người Israel vào ngày 7/10.
Báo cáo cho biết: “Trung Quốc được biết đến là nơi cung cấp vũ khí cho các chế độ độc tài và thủ phạm vi phạm nhân quyền”.
“Những bên nhận vũ khí của Trung Quốc bao gồm ít nhất 4 quốc gia đang bị Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận bắt buộc vào thời điểm chuyển giao vũ khí, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Iran, Somalia và Sudan”.
Trung Quốc hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ về tổng doanh số bán vũ khí và chế độ này cũng là bên xuất khẩu thiết bị quân sự lớn thứ tư trên thế giới.
Mặc dù chế độ này từ lâu đã trở thành đối thủ cạnh tranh trong các hợp đồng vũ khí quốc tế, nhưng báo cáo nhấn mạnh rằng nước này đã “cải thiện chất lượng xuất khẩu và mở rộng phạm vi thiết bị mà nước này cung cấp” trong hai thập kỷ qua.
Hiện tại, họ bán đầy đủ các loại thiết bị quân sự (bao gồm máy bay, tàu chiến và tên lửa), đồng thời họ còn tập trung vào việc hỗ trợ các cường quốc độc tài - những nước sẽ được hưởng lợi từ một nước Mỹ kém quyền lực hơn.
Theo báo cáo, ĐCSTQ cũng đang sử dụng các phái đoàn quân sự để đảm bảo lợi thế chính trị tại các diễn đàn quốc tế bao gồm Đối thoại Shangri-La và các sự kiện an ninh khác do Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), SCO và khối các nền kinh tế mới nổi BRICS đăng cai tổ chức.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong đó mô tả phái đoàn ĐCSTQ được cử đến đối thoại Shangri-La 2022 là “các chiến binh” có nhiệm vụ “bác bỏ” các khiếu nại chống lại chế độ và “đấu tranh” chống lại sự phản đối các hoạt động của Bắc Kinh.
Bất chấp việc Trung Quốc mở rộng chính sách ngoại giao quân sự, Mỹ vẫn giữ được những tài sản và lợi thế quan trọng trong việc tạo dựng năng lực cho đối tác để có thể giúp nước này tiếp tục trở thành đối tác được lựa chọn trong hợp tác an ninh.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net, Huyền Anh biên dịch)