Biểu tượng của Google bên ngoài tòa nhà ở Zurich, Thụy Sỹ (ảnh: Reuters).

 

 

 

Đây được xem như thách thức pháp lý khốc liệt nhất mà ngành công nghệ phải đối mặt trong hơn 20 năm.

 

 

Theo NBC News, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện Google vào hôm thứ Ba ngày 20/10  với cáo buộc gã khổng lồ công nghệ tham gia vào hành vi chống cạnh tranh để bảo vệ sự độc quyền của mình trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm. Tổng chưởng lý của 11 tiểu bang ở Mỹ cũng tham gia vụ kiện.

 

 

Chính phủ liên bang cáo buộc Google đã vi phạm luật chống độc quyền để hoạt động như một “người gác cổng” vào internet. Đơn kiện cho biết Google sử dụng hàng tỷ đô la từ doanh thu quảng cáo trên nền tảng của mình để trả cho các nhà sản xuất, nhà khai thác và trình duyệt điện thoại di động nhằm duy trì Google làm công cụ tìm kiếm mặc định của họ. Nhờ vậy, Google có lợi thế tuyệt đối trong lĩnh vực tìm kiếm trên hàng trăm triệu thiết bị của Mỹ và gần như không có cơ hội cho bất kỳ đối thủ nào chen chân vào.

 

 

Đây sẽ là thách thức pháp lý khốc liệt nhất mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra đối với sự thống trị của một công ty trong lĩnh vực công nghệ trong hơn hai thập kỷ, và nó có thể làm rung chuyển toàn bộ Thung lũng Silicon. Trong một thời gian dài, Google đã không thực sự đối đầu với chính phủ.

 

 

Doanh thu của Google trong năm 2019 là 162 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn doanh thu của Hungary.

 

 

Đơn kiện cáo buộc rằng Google sở hữu hoặc kiểm soát các kênh phân phối tìm kiếm chiếm khoảng 80% các truy vấn tìm kiếm ở Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh của Google không thể có được số lượng truy vấn tìm kiếm đủ để xây dựng quy mô cần thiết cho cạnh tranh, điều này làm giảm sự lựa chọn và đổi mới của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh về giá của nhà quảng cáo.

 

 

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley đã lên án Google rằng công ty duy trì sức mạnh của mình thông qua “các phương tiện bất hợp pháp” và gọi vụ kiện là “vụ kiện chống độc quyền quan trọng nhất thế kỷ”.

 

 

Vụ kiện này được tiến hành sau khi Bộ Tư pháp tiến hành điều tra hơn một năm. Ngoài việc trở thành mục tiêu rõ ràng của các hành động chống độc quyền, Google cũng trở thành mục tiêu cáo buộc của TT Trump và các đảng viên Đảng Cộng hòa khác, những người cho rằng Google và các công ty công nghệ khác phân biệt đối xử với phe bảo thủ. Google sử dụng các thuật toán xếp hạng kết quả tìm kiếm và các biện pháp khác để ngăn chặn hoặc thậm chí xóa các bình luận trực tuyến ủng hộ phe bảo thủ (conservative).

 

 

Ngoài ra, Google cũng là đối tượng điều tra của Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện cùng 3 gã khổng lồ công nghệ khác như Apple, Amazon và Facebook.

 

 

Những người ngoài cuộc cho rằng Google khó có thể rút lui trong cuộc chiến pháp lý này. Trường hợp này có thể mất vài năm để giải quyết. Nếu Google thua kiện, điều đó có nghĩa là tòa án sẽ ra lệnh thay đổi cách thức hoạt động của một số doanh nghiệp của họ, điều này có thể tạo ra cơ hội mới cho các công ty đối thủ. Vụ kiện của Bộ Tư pháp không nêu rõ các biện pháp khắc phục cụ thể.

 

 

Google cũng phải đối mặt với những thách thức pháp lý tương tự ở nước ngoài. Liên minh châu Âu đã phạt Google 1,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 vì Google ngăn chặn các trang web sử dụng đối thủ cạnh tranh của Google để tìm nhà quảng cáo. Liên minh châu Âu cũng phạt Google 2,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017 vì Google ưu tiên hoạt động kinh doanh mua sắm của mình trong lĩnh vực tìm kiếm. Năm 2018, Google đã bị phạt 4,9 tỷ đô la vì chặn các đối thủ cạnh tranh trên hệ điều hành Android của mình.

(Theo dkn.tv)