Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trao đổi với các phóng viên về đàm phán trần nợ (AAP) Ảnh: CQ-Roll Call/Sip

 

HOA KỲ - Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính đang rình rập, khi thời hạn về mức trần nợ vào ngày 1 tháng 6 đang đến gần. Nếu không đạt được thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ không trả được nợ, điều này có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, đóng băng thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán sụt giảm và thất nghiệp lan rộng, nói chung tất cả kết quả có thể xảy ra. Và Úc sẽ cảm nhận được những tác động từ đó.

 

Đó là một chủ đề quan trọng thường xuất hiện trên các tin tức hàng đầu trên báo chí, nhưng có thể hơi khó hiểu, đó là mức trần nợ của Hoa Kỳ.

 

Vậy chính xác mức trần nợ đang gây chú ý khắp thế giới là gì?

 

Mức trần nợ là giới hạn pháp lý do Quốc hội quy định, về số nợ mà chính phủ Hoa Kỳ có thể vay, đó là giới hạn về số tiền mà chính phủ có thể nợ các chủ nợ.

 

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1917, nó đặt ra các giới hạn tài chính mà chính phủ phải làm việc.

 

Nó hiện ở mức 31,4 ngàn tỷ đô la Mỹ, tương đương với 47,2 ngàn tỷ Úc kim.

 

Mỗi năm, các chính trị gia Hoa Kỳ phải đồng ý tăng giới hạn, nếu không chính phủ sẽ vỡ nợ.

 

Được biết mức trần nợ đã được nâng lên hơn 90 lần kể từ khi được giới thiệu, thường không có nhiều sự công khai.

 

Thế nhưng đã có một số cuộc khủng hoảng trần nợ ở Hoa Kỳ trong những năm qua, đó là những năm 1995, 1996, 2011, 2013 và 2021, với các cuộc tranh cãi chính trị trước khi mức trần này được nâng lên.

 

Bây giờ đồng hồ đang chuyển động một lần nữa, khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo chính phủ Mỹ sẽ không thể trả các khoản nợ của mình, sau ngày đầu tiên của tháng Sáu mà không có thỏa thuận.

 

Vậy điều gì sẽ xảy ra, nếu Mỹ vỡ nợ?

 

Nhà kinh tế Mỹ ông Eric Ham nói với SBS News rằng, nếu Hoa Kỳ không trả được nợ, điều đó sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tín dụng toàn cầu sẽ đóng băng, thị trường chứng khoán sẽ suy giảm và thất nghiệp hàng loạt sẽ gia tăng trên toàn thế giới.

Ông Eric Ham nói “Hoa Kỳ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nếu vỡ nợ thì đó sẽ là một thảm họa, không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn đối với phần còn lại của thế giới".

"Chúng tôi cũng biết rằng, điều đó sẽ ngay lập tức khiến Hoa Kỳ rơi vào suy thoái, chúng ta sẽ thấy ít nhất một triệu việc làm ở Hoa Kỳ mất đi, cùng chi phí vay nợ tăng vọt”.

 

Và nước Úc cũng sẽ không tránh khỏi qua thỏa thuận mua tàu ngầm AUKUS, vốn tạo ra 4 ngàn việc làm ở Nam Úc, có thể bị đình trệ.

 

Ông Eric Ham nói “Trên thực tế có một câu nói rằng, ‘khi Hoa Kỳ hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh’ và phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến một quốc gia như Úc, vốn đã có một thỏa thuận được đưa ra để Hoa Kỳ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc".

"Thỏa thuận này sẽ bị đình trệ vì Hoa Kỳ không thể trả tiền cho các nhà sản xuất, để thực sự tiếp tục chế tạo tàu ngầm để cung cấp cho Úc".

"Ngoài ra, Hoa Kỳ hiện có thặng dư thương mại với Úc, nhưng điều đó có thể bị đình trệ”.

 

Như vậy làm thế nào để chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn thảm họa này?

 

Để ngăn ngừa vỡ nợ, chính phủ sử dụng các kế hoạch khác nhau, được gọi là các biện pháp đặc biệt.

 

Các biện pháp này cho phép, Bộ Tài chính xáo trộn các quỹ và ưu tiên các khoản thanh toán nhất định, chẳng hạn như lãi suất nợ và thanh toán An sinh xã hội, trong khi trì hoãn các khoản khác, như hợp đồng chính phủ hoặc hoàn thuế.

 

Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội cần thông qua luật tăng hoặc hoãn trần nợ, cho phép chính phủ vay thêm tiền và đáp ứng các nghĩa vụ của mình.

 

Tuy nhiên, tiến trình này có thể gây tranh cãi và thường liên quan đến các cuộc tranh luận và đàm phán chính trị, giữa các đảng phái và cơ quan chính phủ khác nhau, chính xác là những gì đang diễn ra ở Washington D-C, nơi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đang thảo luận.

 

Được biết Tổng Thống đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ Viện Cộng hòa đã phải vất vả để đạt được thỏa thuận, khi Thượng nghị sĩ McCarthy gây áp lực buộc Tòa Bạch Ốc phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang mà Tổng thống Biden cho là cực đoan, và Tổng Thống đẩy các loại thuế mới mà đảng Cộng hòa bác bỏ.

 

Ông McCarthy, người phản đối việc tăng trần nợ, sử dụng phép loại suy về thẻ tín dụng cá nhân. Ông nói “Đây là thời điểm mà chúng ta nên trả hết nợ tín dụng thay vì khi kiếm được nhiều tiền hơn, quí vị nên trả hết thẻ tín dụng đó, còn đảng Dân chủ làm gì?".

"Họ chỉ bắt đầu tiêu nhiều tiền hơn mà thôi”.

 

Trong khi đó, các thành viên của ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện nói rằng, nếu quốc gia vỡ nợ, đó sẽ là lỗi của Tổng thống Joe Biden, trong số đó bao gồm Trưởng Ban Kỷ luật thuộc khối Đa số tại Hạ Viện, ông Tom Emmer.

 

Ông Tom Emmer nói “Trong hơn 100 ngày, Chủ tịch Hạ Viện McCarthy đã kêu gọi Joe Biden và Chuck Schumer đàm phán, về một kế hoạch giới hạn nợ có trách nhiệm".

"Thay vào đó, ông Biden đã làm gì? Ông ấy đã châm ngòi những khó khăn cho người dân Mỹ, rồi chạy trốn sang Nhật Bản”.

 

Tuy nhiên, Toà Bạch Ốc khẳng định các cuộc đàm phán với Quốc hội về việc tăng trần nợ là hiệu quả và vấn đề đang được giải quyết khẩn cấp, Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc, Karine Jean-Pierre, cho biết “Hãy nhìn xem, đây là việc hết sức khẩn cấp, nhưng đây không phải là chuyện chính trị, đây là về việc thực hiện công việc và kinh doanh của người dân Mỹ".

"Đây là điều mà chúng tôi đã nói đi nói lại một lần nữa trong 5 tháng qua rằng, điều này là để Quốc hội hành động, vì đây là nghĩa vụ theo hiến pháp của họ".

"Vì vậy, chúng tôi đã rất rõ ràng và chúng tôi đã thể hiện sự khẩn cấp từ đây".

"Hãy nhìn xem, chúng tôi nghĩ Đảng Cộng hòa nói rằng Tòa Bạch Ốc không thể hiện bất kỳ sự cấp bách nào là một câu nói ngớ ngẩn, một tuyên bố nực cười đối với họ, vì vậy chúng tôi đã nói điều này trong nhiều tháng".

"Quốc hội phải hành động, cần phải hành động và sẽ tiếp tục đặt ra giới hạn trên đó”.

 

Cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đều cho biết, họ đã có một cuộc thảo luận hiệu quả về mức trần nợ vào cuối ngày thứ Hai 22 tháng 5 vừa qua tại Tòa Bạch Ốc.

 

Karine Jean-Pierre nói “Những gì tôi có thể nói. là nhắc lại những gì Tổng thống và Chủ tịch Hạ Viện đã tuyên bố".

"Chủ tịch Hạ Viện đã nói hôm qua rằng, cuộc trò chuyện ngày hôm qua rất hiệu quả".

"Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng, khi bạn đang nghe chuyện đó trong những kiểu đàm phán này".

"Như chúng ta biết, việc đàm phán vô cùng khó khăn".

"Vì vậy, khi bạn nghe từ cả hai bên nói rằng họ đang làm việc hiệu quả, tôi nghĩ đó là một tuyên bố quan trọng và tôi sẽ không đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào nữa”.

 

Trong khi đó kinh tế gia Eric Ham không quá tự tin rằng, hai phía sẽ đạt được một thỏa thuận. Ông nói “Tôi nghĩ rằng chúng ta chắc chắn đang hướng tới bờ vực thẳm và trên thực tế, chúng ta biết là cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ Viện McCarthy, đã gặp nhau sớm hơn ngày hôm nay, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào được thực hiện".

"Có vẻ như họ vẫn giữ nguyên quan điểm, khi ông McCarthy luôn nhấn mạnh rằng mạng lưới an sinh xã hội cần có thêm các yêu cầu công việc".

"Ngoài ra, ông muốn thấy chi tiêu của chính phủ không thay đổi, cho đến năm 2030".

"Đó là điều mà Tổng thống Biden không muốn, không sẵn sàng đồng ý".

"Và ngay bây giờ, có vẻ như không có chỗ để họ có thể thực hiện thỏa thuận này”.

 

Được biết hiện chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót vào ngày 1 tháng 6, Tổng Thống của đảng Dân Chủ và Chủ tịch Hạ Viện của đảng Cộng Hòa, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.

 

Được biết thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận, sẽ là chuyện chưa từng có xảy ra trước đây.