Người dân đi bộ ngang qua màn hình chiếu bản tin về vụ phóng vệ tinh trinh sát 'Malligyong-1' của Bắc Hàn, tại quận Akihabara, Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/11/2023. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP qua Getty Images)

 

ĐÔNG BẮC Á - Hoa Kỳ đang kêu gọi Bắc Hàn tham gia "các cuộc đàm phán nghiêm túc" sau khi Bình Nhưỡng phóng một vệ tinh do thám vào quỹ đạo vào ngày 21/11.

 

Ngày 21/11, hãng Thông tấn Trung ương Bắc Hàn (KCNA) tuyên bố rằng Bắc Hàn đã đưa một vệ tinh do thám có tên Malligyong-1 vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Chollima-1.

 

KCNA cho biết trong một bản tin sau đó rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, đã nhận được những ảnh chụp từ vũ trụ về các căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ ở Guam. Các bức ảnh được chụp vào khoảng 9h21 sáng giờ địa phương ngày 22/11 qua vệ tinh do thám.

 

Theo KCNA, ông Kim đang nghiên cứu các bức ảnh về Căn cứ Không quân Anderson, Cảng Apra và các căn cứ quân sự khác của Mỹ ở Guam (Thái Bình Dương). Trong quá trình đánh giá các bức ảnh, ông Kim yêu cầu các lực lượng vũ trang Bắc Hàn có “nhiều vệ tinh trinh sát hơn” để nâng cao hiệu quả của “các phương tiện tấn công quân sự” của đất nước.

 

Theo KCNA, vệ tinh do thám này dự kiến sẽ bắt đầu sứ mệnh trinh sát chính thức vào ngày 1/12 sau khi hoàn thành "một quy trình thử nghiệm chi tiết", quá trình này có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày.

 

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adrienne Watson cho biết Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia của ông đang đánh giá tình hình với sự phối hợp chặt chẽ từ các đồng minh của Hoa Kỳ.

 

Washington kêu gọi tất cả các nước lên án vụ phóng bất hợp pháp của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi chế độ Bắc Hàn quay trở lại “các cuộc đàm phán nghiêm túc”, bà Watson cho biết trong một tuyên bố.

 

Bà Watson nêu rõ: “Cánh cửa ngoại giao chưa đóng lại, nhưng Bình Nhưỡng phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích và thay vào đó chọn cách hợp tác”.

 

Bà nói thêm “Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, cũng như cho các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản”

 

Bắc Hàn nói rằng vụ phóng là “quyền hợp pháp” của Bắc Hàn trong việc cải thiện năng lực tự vệ và tăng cường tính sẵn sàng cho chiến tranh để đáp lại điều mà họ coi là “các động thái quân sự nguy hiểm của kẻ thù”.

 

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Bắc Hàn sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào. Mỹ nói rằng Bắc Hàn đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an, gia tăng căng thẳng, gây bất ổn cho an ninh ở khu vực và các nơi khác trên thế giới.

 

Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh do thám của Bắc Hàn, gọi đây là "một hành động cực kỳ có vấn đề".

 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói: "Đây là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Bắc Hàn và lên án hành động này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất".

 

Theo Bộ này, tên lửa của Bắc Hàn đã vỡ thành nhiều mảnh, một trong số đó đã rơi xuống Thái Bình Dương, cách đảo Okinotori của Nhật Bản khoảng 1.200 km về phía Tây Nam. Một phần khác của tên lửa rơi xuống biển Hoa Đông, cách Bán Đảo Triều Tiên khoảng 350 km.

 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết “Thông tin chi tiết hơn hiện đang được phân tích, nhưng tại thời điểm này, không có vệ tinh nào được xác nhận đã đi vào quỹ đạo”.

 

Trong khi đó, quân đội Nam Hàn đánh giá rằng vệ tinh của Bắc Hàn đã đi vào quỹ đạo nhưng cần nhiều thời gian hơn cũng như nhiều phân tích hơn để có thể xác định xem nó có hoạt động bình thường hay không.

 

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn: “Sau khi phân tích toàn diện đường bay và các dấu hiệu khác, vệ tinh được đánh giá là đã đi vào quỹ đạo”.

 

 

Nam Hàn vừa đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều năm 2018 với Bắc Hàn, qua đó cho phép Seoul khôi phục các hoạt động trinh sát và giám sát dọc theo khu phi quân sự ngăn cách hai nước.

 

Thủ tướng Nam Hàn, Han Duck-soo, nói: “Bắc Hàn đang thể hiện rõ ràng rằng họ không có ý định tuân thủ thỏa thuận quân sự ngày 19/9 nhằm giảm căng thẳng quân sự trên Bán Đảo Triều Tiên và xây dựng lòng tin lẫn nhau”.

 

Về phía Bắc Hàn, ông Kim nói rằng việc có một vệ tinh trinh sát quân sự đang hoạt động là điều quan trọng để Bắc Hàn đối phó với “những lời lẽ thù địch nhất và những hành động rõ ràng nhất” từ Hoa Kỳ và Nam Hàn.

 

Bắc Hàn đã phóng vệ tinh do thám lần đầu vào ngày 31/5 nhưng không thành công. Nước này sau đó đã thực hiện lần thử thứ hai vào ngày 24/8 nhưng vẫn thất bại do xảy ra lỗi trong hệ thống kích nổ khẩn cấp trong giai đoạn ba.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net ; Xuân Hoa biên dịch)