Sự việc Nga tuyên bố bắn cảnh cáo vào tàu chiến của Anh tại Biển Đen, gần bán đảo Crimea, đang gây tranh cãi và gây ra những căng thẳng giữa Nga với phương Tây.

 

 

 

 

 

 

Tuyên bố của Nga rằng không chỉ bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh, mà còn thả bom trên hành trình di chuyển của con tàu này, đã gây bất ngờ lớn. (Nguồn: RT)

 

 

 

Theo thông báo của quân đội Nga ngày 23/6, Hạm đội Biển Đen của nước này cùng các lực lượng hỗ trợ đã nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh ở ngoài khơi Mũi Fiolent thuộc bán đảo Crimea.

 

 

 

Bất ngờ và 'không thể coi nhẹ'.

Lần gần đây nhất Nga bắn vào một tàu chiến của Anh là năm 1919, khi một tàu ngầm lớp Bolshevik của Nga phóng ngư lôi vào một tàu khu trục của Anh tại Vịnh Phần Lan. Còn tại Biển Đen, sự cố tương tự cũng từng diễn ra trong cuộc chiến tranh Crimea cách đây hơn 165 năm.

 

 

Vì vậy, tuyên bố của Nga rằng, không chỉ bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh, mà còn thả bom trên hành trình di chuyển của con tàu này, đã gây bất ngờ lớn.

 

 

Chi tiết chính xác của sự việc vẫn đang được hai bên tranh cãi. Phía Nga khẳng định, tàu chiến của Anh đã đi sâu 3km vào bên trong khu vực lãnh hải của Crimea, gần mũi Fiolent.

 

 

 

Khi Liên Xô tan rã, Crimea trở thành một phần của Ukraine và đã được Nga sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 2014. Do đó, nước này tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển nói trên, tuy nhiên một số quốc gia, bao gồm Anh, coi việc sáp nhập này là bất hợp pháp.

 

 

Nga cho biết, họ đã “ngăn chặn hành vi vi phạm” của tàu Defender bằng cách bắn cảnh cáo và sau đó 11 phút, máy bay ném bom Su-24 đã thả bom trên hành trình di chuyển của con tàu.

 

 

Phóng viên Jonathan Beale của hãng BBC có mặt trên tàu HMS Defender cho biết, con tàu thực sự đã "quá cảnh" vùng biển Crimea và cố tình làm như vậy, có lẽ để chứng tỏ, Anh vẫn coi khu vực này là một phần của Ukraine.

 

 

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, tàu khu trục Defender đã di chuyển trong tuyến đường “đi lại thường xuyên” từ Odessa đến Gruzia qua các vùng biển của Ukraine, đồng thời khẳng định "không có phát súng nào được bắn vào con tàu, cũng như không có quả bom nào được thả trên hành trình di chuyển của Defender", mà "đây chỉ đơn thuần là một cuộc tập trận của lực lượng pháo binh Nga đã được thông báo trước đó".

 

 

Trong khi đó, phóng viên Beale thuật lại rằng, có thể nghe thấy các tiếng súng, mặc dù được cho là “ngoài tầm bắn” con tàu và hơn 20 máy bay Nga bay phía trên tàu khu trục HMS Defender.

 

 

Truyền hình nhà nước Nga đã phát lại vụ việc này, miêu tả đây là một phần trong âm mưu của Mỹ nhằm bao vây và làm suy yếu nước Nga.

 

 

Tuy nhiên, dù bất cứ điều gì đã xảy ra thì đây cũng là một sự việc khác thường và không thể coi nhẹ.

 

 

Các nước phương Tây thường xuyên lên án việc Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea, và lời lên án gần đây nhất được họ đưa ra là tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14/6. Ngày 23/6, Liên minh châu Âu (EU) cũng gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga khi việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã bước sang năm thứ 8.

 

 

Tuy nhiên, trước khi sự cố này xảy ra, cả Mỹ và bất kỳ thành viên nào khác của NATO đều không "bạo" đến mức đưa tàu chiến cùng một nhà báo di chuyển vào vùng biển Crimea để bác bỏ tuyên bố của Nga (mặc dù Nga cáo buộc HMS Dragon, một tàu khu trục khác của Anh, đã làm như vậy vào tháng 10/2020, song sự kiện này ít được chú ý).

 

 

Chuyên gia Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) nhận định: “Theo những gì tôi biết, đây là lần đầu tiên một tàu chiến NATO đi vào vùng biển Crimea kể từ năm 2014”.

 

 

Theo vị chuyên gia này, hành động của Anh là rất táo bạo, nhưng đầy rủi ro. Nga đã bố trí sự hiện diện quân sự lớn ở Crimea, bao gồm các hệ thống tên lửa, phòng không và tác chiến điện tử tiên tiến.

 

 

Tàu khu trục HMS Defender nằm trong đội hình Nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, nhưng đã tách ra để đi vào Biển Đen. Khi sự việc xảy ra, tàu HMS Defender cách tàu HMS Queen Elizabeth ở bên kia eo biển Bosphorus ở Địa Trung Hải một khoảng cách đáng kể. Tàu HMS Defender phối hợp với một máy bay thu thập thông tin tình báo của Mỹ đang theo dõi từ trên cao.

 

 

 

Vấn đề Ukraine và sự đối kháng Anh-Nga.

 

Tuy nhiên, việc Anh sẵn sàng chấp nhận rủi ro phản ánh một phần mối quan hệ căng thẳng của nước này với Nga, vốn vẫn chưa hồi phục sau vụ đầu độc Sergei Skripal, một cựu sĩ quan tình báo Nga, ở Anh cách đây 3 năm.

 

 

Điều này cũng chỉ ra sự thay đổi lớn hơn trong thế trận quốc phòng của Anh. Trong một loạt tài liệu được công bố vừa qua, Anh đã đề ra một chiến lược mới liên quan việc tích cực sử dụng các lực lượng quân sự trên khắp thế giới.

 

 

Anh kêu gọi “hoạt động liên tục theo các điều khoản của chúng tôi và ở những nơi chúng tôi lựa chọn”, bao gồm các hành động “có thể kiểm tra các giới hạn truyền thống về sức mạnh của Anh”.

 

 

 

 

Sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine, quốc gia đang giao tranh ở phía Đông với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, có thể là một trong những nguyên nhân của sự việc. (Nguồn: The Economist)

 

 

 

 

 

Sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine, quốc gia đang giao tranh ở phía Đông với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, là một ví dụ điển hình về điều này. Các lực lượng vũ trang của Anh đang huấn luyện và hỗ trợ quân sự cho quân đội Ukraine.

 

 

Ngày 22/6, chỉ một ngày trước khi HMS Defender đi vào vùng biển Crimea, các quan chức chính phủ Anh và Ukraine đã gặp nhau trên boong tàu, đồng ý hợp tác đóng tàu tuần tra và xây dựng căn cứ hải quân cho Ukraine. Anh cũng có thể chuyển giao 2 tàu quét mìn cũ cho hải quân Ukraine.

 

 

Tuy nhiên, sự đối kháng Anh-Nga không phải nguyên nhân duy nhất gây căng thẳng ở Biển Đen. Đầu năm nay, Nga ồ ạt triển khai quân đến khu vực biên giới gần miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea, gây lo ngại về một cuộc xung đột. Mặc dù binh sỹ Nga đã rút bớt vào cuối tháng 4/2021, nhưng một số đơn vị vẫn được duy trì.

 

 

Trong khi đó, Ukraine cũng đang chuẩn bị tổ chức “Sea Breeze” - một cuộc tập trận hải quân thường niên do NATO dẫn đầu, sẽ diễn ra từ ngày 28/6-10/7 với sự tham gia của lực lượng hải quân của 32 nước, bao gồm cả Mỹ. Nga đã lên tiếng chỉ trích, cuộc tập trận này sẽ “làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn”.

 

 

Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva ngày 16/6, ông Biden đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm mối quan hệ “ổn định và có thể đoán định được” với Nga.

 

 

Tuy nhiên, ông Biden cũng vạch ra một số "lằn ranh đỏ", tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Nga tiến hành thêm các cuộc tấn công mạng vào Mỹ hoặc gây căng thẳng ở Ukraine. Động thái này của Anh có vẻ như nhằm tập trung vào vế sau của thông điệp này.

 

 

Trong khi đó, các nước châu Âu khác dường như đang nỗ lực làm êm dịu mối quan hệ với Nga. Ngày 23/6, ngay sau khi tàu khu trục HMS Defender đi qua Biển Đen, Pháp và Đức đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) mời Tổng thống Nga Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU.