Chính phủ Úc đã chính thức ký kết thỏa thuận tham gia sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho những người dân thuộc nhóm cần thiết nhất trên toàn thế giới.

 

 

 

 

 

Nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Sanofi ở Val-de-Reuil, Pháp. Ảnh: AFP

 

 

Với việc tham gia thỏa thuận này, Úc sẽ cùng 155 quốc gia khác đăng ký vào cơ chế COVAX, một dự án đa phương do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vaccine (Gavi) và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) điều hành.

 

 

Cơ chế này có nhiệm vụ tiếp nhận các nguồn lực tài chính và khoa học từ khắp nơi trên thế giới, qua đó giúp phân phối nhanh nhất vaccine ngừa COVID-19 đã được cấp phép tới những khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi đại dịch, hướng tới chấm dứt giai đoạn phức tạp nhất của dịch COVID-19 vào cuối năm 2021.

 

 

Thông báo của Giám đốc liên minh Gavi, Tiến sỹ Seth Berkley, nêu rõ các chính phủ từ mọi châu lục đã nhất trí hợp tác không chỉ để đảm bảo vaccine cho người dân của mỗi nước, mà còn giúp đảm bảo vacccine sẵn có cho những người dễ bị tổn thương nhất ở mọi nơi trên toàn thế giới. Vaccine ngừa COVID-19, sau khi hoàn tất nghiên cứu, được cấp phép và phê duyệt, sẽ được phân phối dưới sự giám sát và hướng dẫn của WHO, qua đó đảm bảo cung ứng vaccine công bằng giữa các quốc gia theo thỏa thuận COVAX.

 

 

Úc chính thức tham gia cơ chế COVAX sau khi Bộ trưởng Y tế nước này, ông Greg Hunt mới đây tiết lộ Canberra sẽ tài trợ 6 triệu Úc kim vào việc phát triển 3 loại vaccine COVID-19 do Úc sản xuất. Trước đó, Úc cũng đã công bố kế hoạch hợp tác trị giá 1,7 tỷ Úc kim với công ty dược phẩm AstraZeneca để bào chế loại vaccine COVID-19 tiên tiến nhất thế giới, do Đại học Oxford của Anh phát triển và thử nghiệm.

 

 

Tháng trước, Giám đốc Y tế quốc gia Úc Đại Lợi, Paul Kelly, khẳng định Úc cam kết tài trợ 80 triệu Úc kim cho cơ chế COVAX, đồng thời sẽ tham gia với các quốc gia khác để góp phần đưa vaccine tới bất cứ nơi nào mà người dân đang cần.

 

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mễ Tây Cơ, Marcelo Ebrard, ngày 22/9 thông báo trong tuần này Mễ Tây Cơ sẽ hợp thức hóa thỏa thuận với dự án đa phương COVAX nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng trên thế giới đối với các loại vaccine ngừa COVID-19.

 

 

Mễ Tây Cơ hiện là một trong những quốc gia bị tác động mạnh bởi COVID-19. Tính tới thứ Tư ngày 23/9, Mễ Tây Cơ đã ghi nhận 705,263 ca mắc, trong đó có 74,384 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Mễ Tây Cơ cảnh báo số ca mắc COVID-19 có thể gia tăng vào tháng Mười tới khi mùa cúm đến.

 

 

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Ebrard cho biết đây là một trong 3 phương án của Mễ Tây Cơ để đảm bảo tiếp cận kịp thời các loại vaccine được nghiên cứu thành công. Bên cạnh đó, Mễ Tây Cơ đã ký các thỏa thuận để tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 của 7 dự án vaccine gồm Janssen và Novavax của Mỹ, Cansino của Trung Quốc, Sputnik V của Nga, Curevac của Đức, Reithera của Italia và Sanofi-Pasteur của Pháp. Ngoài ra, Mễ Tây Cơ cũng tham gia 6 dự án vaccine trong nỗ lực đa phương như CEPI và Gavi nhằm đảm bảo các nước nghèo trên thế giới được tiếp cận công bằng với vaccine.

 

 

Liên quan vaccine ngừa COVID-19, hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và công ty GSK của Anh đã cam kết cung ứng 72 triệu liều vaccine của hai hãng này cho Canada. Sanofi và GSK có kế hoạch xin cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 trong 6 tháng đầu năm 2021 và hai hãng này đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người vào đầu tháng 9 này với sự tham gia của 440 người.

 

 

Vaccine ứng cử viên ngừa COVID-19 của hai hãng trên dựa trên công nghệ mà Sanofi đã từng sử dụng để sản xuất vaccine phòng cúm mùa và các chất kích thích miễn dịch do GSK phát triển.

 

 

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Gia Nã Đại (Canada) đã ký thỏa thuận về nguyên tắc để đặt hàng các vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của các hãng dược phẩm Mỹ như Novavax, Johnson & Johnson, Pfizer và Moderna. Theo các nhà chức trách Gia Nã Đại, nước này đảm bảo việc tiếp cận tối thiểu 154 triệu liều vaccine và tối đa 262 triệu liều nhằm bảo vệ an toàn cho người dân Gia Nã Đại.

 

 

Một số quốc gia khác cũng đã đặt hàng vaccine ngừa COVID-19 của Sanofi và GSK, trong đó có thỏa thuận cấp 60 triệu liều cho Anh, 300 triệu liều cho Ủy ban châu Âu, và Mỹ 100 triệu liều cùng 500 triệu liều bổ sung trong dài hạn.

(Theo baotintuc)