Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này kiên quyết phản đối mọi cuộc điều tra quốc tế "mang tính chính trị" về Covid-19.

 

"Chúng tôi thẳng thắn, cởi mở và ủng hộ trao đổi chuyên nghiệp giữa các nhà khoa học nhằm đánh giá và tóm tắt kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều chúng tôi phản đối là những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc", Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ NBC hôm 28/4. 

 

Ông Lạc cho rằng không nên cáo buộc Trung Quốc rồi mới tiến hành tìm hiểu để ngụy tạo bằng chứng, khẳng định những lời kêu gọi điều tra chỉ dựa trên giả định không có cơ sở.

 

Thứ trưởng Trung Quốc bác bỏ quan điểm cho rằng nước này ban đầu che giấu Covid-19 hay Bắc Kinh nên chịu trách nhiệm tài chính vì hậu quả của đại dịch. Ông gọi đây là "thảm họa tự nhiên", đồng thời kêu gọi hợp tác sâu rộng hơn và chấm dứt những cáo buộc. 

 

Thứ trưởng Lạc Ngọc Thành trong cuộc phỏng vấn hôm 28/4. Ảnh: NBC.

 

Bắc Kinh nhiều lần bị nghi ngờ che giấu dịch bằng cách kiểm soát chặt chẽ thông tin về Covid-19, khiển trách những người định cảnh báo về dịch bệnh như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng, cũng như giảm nhẹ mối đe dọa của nCoV khi ban đầu thông báo virus không lây từ người sang người và không công bố số liệu ca nhiễm, tử vong thực tế.

 

Bình luận của ông Lạc được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi mở các cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc, cũng như cách xử lý Covid-19. Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố theo đuổi mục tiêu này bất chấp đe dọa tẩy chay kinh tế của Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallegren cũng cho rằng tiến hành điều tra là việc "quan trọng và hợp lý".

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Trung Quốc "minh bạch" trong bài đăng trên Twitter hôm 27/4. "Thế giới đang tìm kiếm câu trả lời về Covid-19 và nguồn gốc của nó. Trung Quốc có trách nhiệm hợp tác", ông viết. Pompeo trước đó cũng tuyên bố Bắc Kinh sẽ phải "trả giá" vì hành động của họ.

 

Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tâm điểm đại dịch hiện nay là Mỹ và châu Âu. Toàn cầu ghi nhận gần 3,2 triệu ca nhiễm nCoV, gần 228.000 người chết và hơn 981.000 trường hợp bình phục.