(Ảnh: BBC Việt ngữ)
Sau tám năm nỗ lực, liên minh chống vi phạm bản quyền quốc tế gồm các nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến lớn thế giới tuyên bố đã đánh sập Fmovies, đường dây phim lậu lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hà Nội.
Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE), với các thành viên quản lý bao gồm Netflix, Apple TV+, Amazon và Walt Disney Studios, cho biết đã phối hợp với công an Việt Nam đóng cửa Fmovies và các trang web liên kết.
Hai người đàn ông Việt Nam đã bị công an Hà Nội bắt giữ nhưng vẫn chưa bị buộc tội, theo Hollywood Reporter.
Sự việc đã được nhiều trang báo lớn của Anh, Mỹ đưa tin.
Báo Guardian dẫn tuyên bố của ACE mô tả hệ thống phim lậu của Fmovies và các trang web liên kết như Bflixz, Flixtorz, Movies7 và Myflixer đã tạo nên "hoạt động phát trực tuyến vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới", với hơn 6,7 tỷ lượt truy cập chỉ tính riêng từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2024.
Charles Rivkin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) và Chủ tịch của ACE, cho biết trong một thông cáo rằng, “Đây là một chiến thắng vang dội cho dàn diễn viên, đoàn làm phim, biên kịch, đạo diễn, hãng phim và cộng đồng sáng tạo trên toàn cầu.”
Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc bảo vệ nội dung của MPA Larissa Knapp, cũng là cựu quan chức cấp cao của FBI, cho biết việc gỡ bỏ đường dây phim lậu đã gửi đi một “thông điệp răn đe mạnh mẽ”.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam, Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ và Chương trình Chống Tin tặc và Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (ICHIP) của Bộ Tư pháp Mỹ để đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý.”
Tờ LA Times cho biết họ không thể liên lạc được với đại diện của Fmovies để yêu cầu bình luận.
ACE là tổ chức đại diện cho hàng chục hãng sản xuất phim, tin tức, giải trí. Liên minh này thường làm việc với cơ quan thực thi pháp luật trong nước và quốc tế để chống vi phạm bản quyền giải trí trực tuyến.
BBC Studios cũng là một thành viên quốc tế của ACE.
Không phân biệt được thật giả
Fmovies, hoạt động từ năm 2016, từ lâu đã trở thành mục tiêu của ACE.
Chỉ vài tháng sau khi ra mắt, Fmovies đã bị công ty truyền thông Philippines ABS-CBN kiện với cáo buộc vi phạm bản quyền, dẫn đến việc đường dây này bị một tòa án California ra lệnh đóng cửa và bồi thường thiệt hại 218.000 USD, nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động.
Theo công ty phân tích dữ liệu SimilarWeb, vào thời kỳ đỉnh cao năm 2023, Fmovies là trang web phổ biến thứ 11 toàn cầu trong danh mục TV, phim ảnh và phát trực tuyến. Fmovies đã bị Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách theo dõi chặt chẽ về hàng giả và vi phạm bản quyền từ năm 2017.
Ông Rivkin cho biết trong nhiều trường hợp, người dùng truy cập các trang web do đường dây Fmovies điều hành “thậm chí còn không nhận ra đó là điều sai trái”.
“Một số trang web này được thiết kế đẹp mắt và chuyên nghiệp như Netflix. Chúng đẹp đến khó tin - và đúng là như vậy.”
Giữa năm 2024, ông Rivkin đã gặp ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, để trao đổi về “cách thức tăng cường mối quan hệ giữa các nền kinh tế sáng tạo của chúng ta và bảo vệ sinh kế cho lực lượng lao động sáng tạo đang thúc đẩy sự tăng trưởng chung này”.
Ông Charles Rivkin phát biểu tại Hội nghị CinemaCon ở Las Vegas, Nevada, Mỹ tháng 4/2024 (Ảnh: BBC Việt ngữ)
LA Times cho biết vào tháng 8, chính quyền Việt Nam đã gỡ bỏ trang web này.
BBC đã thử truy cập vào Fmovies và các trang liên kết trong sáng 30/8, trong đó trang web có lượng truy cập lớn nhất là fmovies24 không còn hoạt động. Tuy nhiên, một số trang nhỏ hơn chưa bị đánh sập hoàn toàn.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết trong một thông cáo: “Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam.”
Ông nói “Việc truy cứu này chứng minh cam kết của Việt Nam trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, góp phần vào hệ sinh thái kinh tế nơi những người sáng tạo và nhà phát minh có thể phát triển mạnh mẽ.”
LA Times dẫn lời bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, cho biết: "Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển then chốt, chuyển đổi từ mô hình sản xuất được nhà nước bao cấp sang giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng do sự tham gia của khu vực tư nhân dẫn dắt."
Bà nhấn mạnh "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành công nghiệp của chúng tôi".
Chiếu lậu khét tiếng thế giới
Không chỉ riêng mảng phim ảnh, hàng loạt những nội dung truyền hình, thể thao… cũng bị vi phạm bản quyền ở Việt Nam, điển hình như Giải bóng đá Ngoại hạng Anh.
“Hiện nay trên không gian mạng có khoảng hơn 200 website cung cấp nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền về phim số, nhạc số, truyện tranh, chương trình truyền hình… có giao diện tiếng Việt,” Thiếu tá Lê Anh Tuấn thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tháng 6/2024.
Trước đó, vào tháng 5/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án hình sự với một người điều hành dịch vụ truyền hình số trả phí BestBuy IPTV về hành vi vi phạm bản quyền.
Người này đã nhận tội và bị tuyên án 30 tháng tù treo, đồng thời phải nộp phạt 100 triệu đồng.
Giám đốc pháp lý Giải ngoại hạng Anh Kevin Plumb khi đó cho rằng: "Chiến thắng pháp lý này là thành quả của sự hợp tác mạnh mẽ giữa các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan thi hành pháp luật tại địa phương, ACE và Giải ngoại hạng Anh."
Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền thông qua nền tảng phát trực tuyến (streaming), qua mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và thứ 9 trên thế giới về tỷ lệ vi phạm bản quyền, trong đó 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số (số liệu năm 2022).
(Theo BBC Việt ngữ)