Tính đến 6h ngày 25/5, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận 5.491.194 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 346.326 ca tử vong và 2.298.806 bệnh nhân bình phục.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, tiếp tục đà tăng số ca nhiễm Covid-19. (Ảnh minh họa. Nguồn: PTI)
Mỹ vẫn dẫn đầu số ca nhiễm bệnh và tử vong toàn cầu, với 1.684.816 người mắc Covid-19, trong đó, số ca tử vong đã tiệm cận mốc 100.000, ở mức 99.268 trường hợp. Hiện tại, Mỹ đã ghi nhận 451.582 trường hợp nhiễm Covid-19 bình phục.
Ngày 24/5, Nhà Trắng thông báo đã quyết định cấm nhập cảnh Mỹ đối với hầu hết công dân nước ngoài từng ở Brazil trong 2 tuần gần nhất, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trở thành điểm nóng mới của đại dịch Covid-19.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh MacEnany cho hay, biện pháp mới sẽ bảo đảm công dân nước ngoài không trở thành nguồn lây nhiễm mới tại Mỹ, song không ảnh hưởng tới dòng trao đổi thương mại giữa 2 nước. Chỉ những người có thẻ xanh, là thân nhân của công dân Mỹ và thành viên phi hành đoàn được miễn áp dụng biện pháp mới.
* Thống kê chính thức của Bộ Y tế Brazil cho biết, đến nay ghi nhận gần 350.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 22.000 người tử vong, trong khi đó, theo Worldometers, tính đến sáng 25/5, số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã vượt 350.000 lên 363.211 với 22.666 người tử vong, cao thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh sau Mỹ.
Brazil tiếp tục là tâm dịch Covid-19 của thế giới. (Ảnh: Reuters)
Trước đó cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết, Washington cũng sẽ cân nhắc áp đặt hạn chế với các nước khác ở khu vực Nam Bán cầu dựa trên cơ sở từng quốc gia.
* Tại Ấn Độ, số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày tiếp tục đà tăng. Ngày 24/5 ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này, với 7.113 trường hợp nhiễm, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 138.536, trong đó có 3.868 trường hợp tử vong. Hiện Ấn Độ đang xếp thứ 10 thế giới về số người nhiễm Covid-19. Ấn Độ cũng ghi nhận 54.385 trường hợp nhiễm Covid-19 bình phục.
* Ngày 24/5, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã ký sắc lệnh kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 7/6 sau khi ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 mới những ngày qua.
Tổng thống Fernandez cho hay, số ca mắc ở Argentina đã tăng mạnh trong hơn một tuần trở lại đây, đặc biệt ở những khu dân nghèo tại thủ đô khiến tình hình trở nên phức tạp và khó lường hơn trong thời gian tới. Chính vì vậy, chính phủ Argentina buộc phải kéo dài lệnh cách ly được áp dụng từ hôm 20/3.
Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận 11.340 ca mắc Covid-19, trong đó có 445 trường hợp tử vong.
Trong giai đoạn giãn cách mới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát tại nhiều điểm chốt và chỉ những người làm việc trong những lĩnh vực dịch vụ cơ bản được sử dụng phương tiện công cộng ở khu vực thủ đô Buenos Aires và các vùng đô thị lân cận. Trẻ em được phép ra đường giải trí ở các công viên gần nhà trong thời gian 1 giờ vào cuối tuần với sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, một số loại hình kinh doanh dịch vụ nhỏ tại các khu phố cũng đã được phép mở cửa trở lại.
* Ngày 24/5, trên kênh truyền hình Nga Russia-1, Giám đốc Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Nga – Rospotrebnadzor, bà Anna Popova cho biết, 44 trong số 85 chủ thể của Liên bang trong những ngày tới có thể bắt đầu giai đoạn đầu dỡ bỏ các hạn chế cách ly được áp đặt do đại dịch Covid-19.
Theo bà Popova, hệ thống của Nga đã đối phó được với gánh nặng đại dịch và không một “dự báo khủng khiếp” nào thành hiện thực.
Trước đó, hôm 20/5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, 17 chủ thể có thể bắt đầu giai đoạn đầu tiên nới lỏng các hạn chế do tình hình dịch Covid-19 ở Nga đã ổn định.
Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 ở Nga đã lên tới 335.882 trường hợp, trong đó có 3.388 người tử vong và 107.936 bệnh nhân bình phục. Nga hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Mỹ, Brazil.
* Ngày 24/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ghi nhận thêm 531 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 229.858.
Trong vòng 24h qua, Italy cũng ghi nhận số ca tử vong tăng lên 32.785 trường hợp (tăng 50 ca) và số người hồi phục là 140.479 (tăng 1.639 ca). Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết, tổng số ca nhập viện với các triệu chứng hiện còn 8.613 (giảm 40 ca), trong đó số bệnh nhân đang điều trị tích cực là 553 (giảm 19 trường hợp).
* Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các trường học tại vùng England sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới, trước mắt sẽ đón các học sinh thuộc nhóm đối tượng "vỡ lòng" lớp 1 và lớp 6. Một tuần sau đó, học sinh các lớp 10 và lớp 12 sẽ có một số giờ học trên lớp với giáo viên nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) trong năm 2021.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Johnson cho biết, quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào 28/5, ngày Chính phủ sẽ họp xem xét lại các biện pháp phong tỏa sau mỗi 3 tuần mà nước Anh thực hiện kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 3 vừa qua.
Anh hiện ghi nhận 257.154 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 36.675 người tử vong, cao thứ 5 thế giới về số người mắc bệnh và xếp thứ 2 toàn cầu về số người tử vong do SARS-CoV-2.
Nhiều giáo viên đã bày tỏ lo lắng việc mở cửa lại trường học trong bối cảnh Anh vẫn đang ở giáp ranh giữa cuối cấp độ 4 và đầu cấp độ 3 về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 (cấp độ 5 là nguy hiểm nhất và cấp độ 1 là nhẹ nhất). Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cho biết, ông hiểu nỗi băn khoăn này, việc đi học trở lại từ tháng 6 cho tất cả các khối là không thể, nhưng cho rằng, việc mở cửa lại trường học là một phần rất quan trọng của giai đoạn đối phó tiếp theo của chính phủ đối với đại dịch, bởi đi học có ý nghĩa quan trọng đối với an sinh, sức khỏe và tương lai của trẻ em và công bằng xã hội.
Thủ tướng Johnson cho biết, ngoài những biện pháp như số lượng học sinh ngồi trong mỗi lớp ít hơn trước, hạn chế dùng chung dụng cụ học tập, phân chia thời gian nghỉ giải lao, hay đưa đón học sinh, thì các giáo viên, nhân viên và học sinh của trường nếu cần sẽ được xét nghiệm để xử trí kịp thời nếu cho kết quả dương tính.
Phản ứng với quyết định trên, Tổng Thư ký Liên đoàn Giáo dục Quốc gia, ông Kevin Courtney cho biết, Liên đoàn không đồng ý với việc cho rằng mở cửa lại trường học một cách rộng rãi là đúng đắn. Ông kêu gọi chính phủ hãy cùng với Liên đoàn giải quyết những vấn đề đáng quan tâm như thiết bị bảo hộ cho các nhân viên nhà trường và các bước cần thiết để đối phó với một cơn bùng phát dịch mới.
Được biết, lịch mở cửa lại các trường học của vùng England khác với các vùng còn lại của nước Anh. Scotland có kế hoạch mở lại trường học vào ngày 11/8, Bắc Ireland hiện không có kế hoạch mở lại trường trước tháng 9, trong khi xứ Wales tuyên bố sẽ không mở cửa lại trường học vào ngày 1/6 và chỉ làm điều này khi "thấy an toàn".
Ở Đức, trong hai ngày cuối tuần qua, trên khắp nước này tiếp tục diễn ra hàng chục cuộc tuần hành, biểu tình nhằm phản đối các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19.
Cảnh sát cho biết gần 30 cuộc tuần hành đã diễn ra ở thủ đô Berlin và nhiều thành phố khác trên khắp nước Đức, trong đó có Nuremberg, Munich và Stuttgart. Tại Hamburg, 750 người đã tham gia tuần hành. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán một cuộc tuần hành có khoảng 120 người tham gia. Nhiều người biểu tình quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ.
Các cuộc tuần hành đã được tổ chức hằng tuần ở các thành phố lớn của Đức kể từ đầu tháng 4 vừa qua và đã leo thang trong những tuần gần đây với sự tham gia của hàng nghìn người. Mục đích của những người biểu tình là nhằm phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ, với lý do các biện pháp này xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch của Đức công bố cuối ngày 24/5, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 431 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 178.281 ca. Số ca tử vong tăng 31 ca lên thành 8.247 ca.
Theo thông báo của Trung tâm Y tế cộng đồng trực thuộc Bộ Y tế Ukraine, tính đến sáng 25/5, nước này ghi nhận thêm 406 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc ở nước này lên thành 20.986 ca.
Trong 1 ngày qua, Ukraine có 12 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 617 ca, trong khi có 179 bệnh nhân hồi phục, đưa tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 7.099 người.
Hiện 14.443 bệnh nhân được điều trị tại nhà theo chế độ tự cách ly, 6.543 người được chữa trị tại bệnh viện. Số bệnh nhân nặng phải sử dụng máy trợ thở là 256 người.
Cùng ngày tại Belarus, Bộ Y tế Belarus công bố số liệu cập nhật tính đến hết ngày 24/5, cho biết nước này ghi nhận 941 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 35.244 ca. Trong 24 giờ qua có thêm 4 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 194 người.
Cũng đến thời điểm này, có 13.528 ca hồi phục và được xuất viện. Tổng cộng Belarus đã thực hiện 434.618 xét nghiệm COVID-19.
Đức bắt đầu nới lỏng các hạn chế được đưa ra để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 từ đầu tháng 5, sau khi ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.
* Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông trong ngày 24/5, với số ca mắc mới trong ngày và tử vong đều ở mức cao.
* Thông báo của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, trong 24 giờ qua, ghi nhận thêm 1.141 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên tới 156.827 người. Trong khi đó, tổng số ca tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ là 4.340 người với 32 ca mới được ghi nhận. Ngoài ra, trong 24 giờ qua cũng đã có 1.092 bệnh nhân khỏi bệnh.
* Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo có thêm 11 ca tử vong do Covid-19 và 2.399 ca mắc mới. Tính đến nay số trường hợp tử vong do Covid-19 ở Saudi Arabia là 390 người trong tổng số 72.560 ca nhiễm bệnh. Với nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 trong dịp lễ Eid Al-Fitr, Saudi Arabia đã áp dụng lệnh phong tỏa 24 giờ đến ngày 27/5.
* Tại Iran, nhà chức trách cho biết, phát hiện thêm 2.180 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên tới 135.701 người, trong đó có 7.417 ca tử vong, tăng 58 trường hợp trong 24 giờ qua.
* Bộ Y tế Qatar thông báo ghi nhận 1.501 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 43.714 người, trong đó có 21 ca tử vong.
* Bộ Y tế Ai Cập cho biết, đã phát hiện thêm 752 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 17.265, trong đó có 764 người tử vong, tăng 29 ca trong 24 giờ qua.
* Tại Nam Phi, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.218 ca nhiễm Covid-19 với 10 trường hợp tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên 21.343 ca, trong đó có 407 người tử vong.
Tối 24/5 theo giờ địa phương, Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 4 hiện tại xuống cấp độ 3, bắt đầu từ ngày 1/6, trong đó bao gồm việc cho phép đa số các lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại, cũng như dỡ bỏ một số hạn chế liên quan đến việc đi lại của người dân.
Trong thông điệp phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia tối cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh, quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa từ là một bước chuyển quan trọng trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh có điều chỉnh theo diễn biến mà chính phủ nước này áp dụng trong thời gian qua. Đây cũng là giai đoạn mà nước này sẽ tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 một cách mạnh mẽ hơn và đi vào chiều sâu.
Liên quan đến giáo dục, ông Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ 1/6, học sinh lớp 7 và lớp 12 sẽ bắt đầu quay lại trường học, song yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện những biện pháp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt và điều chỉnh giáo trình để học sinh có thể hoàn thành năm học theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, phụ huynh có quyền lựa chọn việc cho con em tiếp tục học trực tuyến tại nhà nếu thấy chưa yên tâm về diễn biến của dịch bệnh.
Nam Phi đang bước sang ngày thứ 59 áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên quy mô toàn quốc nhằm giảm đà lây lan của dịch Covid-19.
Israel nghiên cứu khẩu trang tự diệt khuẩn
Viện Công nghệ Israel (Technion) cho biết các nhà nghiên cứu nước này đang chế một loại khẩu trang đặc biệt có khả năng tự diệt khuẩn để sử dụng được nhiều lần.
Khẩu trang này có một lớp sợi carbon bên trong và được phân tán đồng nhất. Quá trình khử khuẩn sẽ dựa vào sức nóng được tạo ra trong lớp sợi carbon bằng cách dùng một dòng điện thấp 2 ampe từ một nguồn tiêu chuẩn, ví dụ như cổng sạc, kết nối USB... Nhờ đó, khẩu trang được làm nóng và tiêu diệt virus, sẵn sàng cho tái sử dụng.
Theo Technion, khẩu trang tự diệt khuẩn hiệu quả và mang tính sáng tạo cao này có thể giúp các quốc gia ứng phó với tình trạng thiếu hụt khẩu trang trong cuộc chiến chống Covid-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 25/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.393 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ còn hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới và tử vong tại những điểm nóng như Singapore hay Indonesia đều giảm.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.441 người dân ở khu vực này, tăng 26 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 33.078 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Singapore ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 548 ca và tới thời điểm này Singapore cũng là nước có tổng số ca dương tính nhất. Song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.372 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.