Cảnh sát bước ra từ ngân hàng Silicon Valley Bank, Santa Clara, ảnh: AAP

 

QUỐC TẾ - Tổng trưởng ngân khố Liên bang Jim Chalmers trấn an người Úc nên yên tâm với sự ổn định của các tổ chức ngân hàng của Úc. Ông nói thêm rằng Úc "ở vị thế tốt hơn" để đối phó với những thách thức của nền kinh tế toàn cầu.

 

Đây được coi là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Ngân hàng Silicon Valley của Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào thứ Sáu, trong một sự sụp đổ đột ngột khiến hàng tỷ đô la từ các công ty và nhà đầu tư bị mắc kẹt.

 

Ngân hàng cho vay tập trung vào các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, được xếp hạng là ngân hàng cho vay lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ vào cuối năm ngoái, với tài sản khoảng 209 tỷ Mỹ kim.

 

Việc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất, vốn đã gây căng thẳng về tài chính trong lĩnh vực khởi nghiệp dẫn đến sự sụp đổ.

 

Ngân hàng đã mất 1,8 tỷ đô la Mỹ vào trái phiếu bị giảm giá trị sau khi lãi suất tăng.

 

Khách hàng, chủ yếu là các công ty công nghệ, đua nhau rút tiền gửi khi họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn, buộc ngân hàng phải bán lỗ trái phiếu để bù đắp cho việc rút tiền.

 

 Trưởng khoa Thương mại và Kinh tế tại Đại học Melbourne, Giáo sư Paul Kofman, giải thích tại sao ngân hàng dễ bị tổn thương hơn khi lãi suất tăng.

Giáo sư Paul Kofman nói “Thông thường, đặc trưng của các công ty công nghệ là tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng ít tiền mặt, điều đó khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương khi lãi suất tăng.”

“Đó tất nhiên là những gì chúng ta đang thấy trên khắp thế giới. Đây là điều khiến ngân hàng này trở nên độc đáo, không có ngân hàng nào Úc tập trung vào một lĩnh vực cụ thể."

 

Thất bại của Ngân hàng Silicon Valley là lớn nhất kể từ khi Washington Mutual sụp đổ vào năm 2008, một sự kiện gây ra cuộc khủng hoảng tài chính làm tổn hại nền kinh tế trong nhiều năm.

 

Vụ sụp đổ năm 2008 đã thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn ở Hoa Kỳ, cụ thể là các yêu cầu về vốn nghiêm ngặt hơn, xác định mức độ giàu có hoặc tài sản mà một ngân hàng phải có để tránh tổn hại tài chính rộng lớn.

 

Công ty bảo hiểm của chính phủ Hoa Kỳ chi trả khoản tiền gửi lên tới 250 nghìn đô la, nhưng có những lo ngại rằng các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ không thể trả lương cho nhân viên của họ vì nhiều khoản tiền gửi của họ vượt quá số tiền này.

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ không có gói cứu trợ liên bang nào dành cho Ngân hàng Silicon Valley, nhưng chính phủ đang nỗ lực giúp đỡ những người gửi tiền đang lo lắng về tiền của họ.

"Tôi đã yêu cầu Quốc hội tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Kể từ năm 1789, Hoa Kỳ luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn và họ phải tiếp tục làm như vậy.”

“Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế trên khắp thế giới, nếu chúng ta không trả được nợ sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính."

 

Tổng trưởng ngân khố Liên bang Jim Chalmers cho biết trong một tuyên bố với báo chí truyền thông rằng người Úc nên yên tâm với sự ổn định của các tổ chức ngân hàng của Úc.

 

Ông nói thêm rằng Úc "ở vị thế tốt hơn" để đối phó với những thách thức của nền kinh tế toàn cầu.

 

Giáo sư Kofman nói rằng các ngân hàng của Úc an toàn hơn do ít tập trung hơn so với Hoa Kỳ.

 

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn sẽ có những hậu quả đối với tài chính cá nhân, đặc biệt là khi nói đến quỹ hưu bổng, nơi đầu tư đáng kể vào các công ty công nghệ có rủi ro cao khi lãi suất thấp.

"Chắc chắn có một tác động lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, tất cả chúng ta đều đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và các ngân hàng như Ngân hàng Silicon Valley chỉ là một ống dẫn của điều này.”

“Khủng hoảng phơi bày cho chúng ta thấy quỹ hưu bổng sẽ bị ảnh hưởng nếu các công ty công nghệ hoạt động kém, như hiện tại. Vì vậy, đó là tác động ở mức độ cao đối với khách hàng trên toàn thế giới."

 

Các công ty công nghệ của Anh đã phải đối mặt với sự sụp đổ từ tình trạng mất khả năng thanh toán của ngân hàng.

 

Hơn 250 giám đốc điều hành công ty công nghệ của Vương quốc Anh đã ký một lá thư gửi cho bộ trưởng Jeremy Hunt vào thứ Bảy kêu gọi sự can thiệp của chính phủ.

 

Ông Hunt cho biết chính phủ đang ưu tiên xử lý vấn đề này ở mức ưu tiên cao nhất và Ngân hàng Trung ương Anh đang tìm kiếm lệnh của tòa án để đặt Ngân hàng Silicon Valley của Anh vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

 

Ông Hunt đang trấn an công chúng rằng không có thất bại tài chính mang tính hệ thống nào sau sự sụp đổ.

 

Ông Jeremy Hunt nói  "Nhưng có một rủi ro nghiêm trọng đối với lĩnh vực công nghệ và khoa học đời sống của chúng ta, nhiều người trong số này đã gửi tiền cho ngân hàng, họ giữ tiền của những doanh nghiệp tiềm năng và thú vị nhất của chúng ta. Chúng tôi đang làm việc với tốc độ nhanh chóng để tìm ra giải pháp.

“Chúng tôi sẽ sớm đưa ra các kế hoạch để đảm bảo mọi người có thể đáp ứng các yêu cầu về dòng tiền của họ, trả lương cho nhân viên, nhưng rõ ràng điều chúng tôi muốn làm là tìm ra một giải pháp dài hạn hơn, giảm thiểu hoặc thậm chí tránh hoàn toàn tổn thất đối với một số công ty tiềm năng.”

 

Israel cũng dễ bị tổn thương trước sự sụp đổ này, vì lĩnh vực công nghệ là lĩnh vực tăng trưởng chính của đất nước, nhiều công ty khởi nghiệp có tài khoản tại Ngân hàng Silicon Valley.

 

Sự thất bại có thể dẫn đến sụt giảm niềm tin vào các ngân hàng.

 

Giáo sư Kofman giải thích.

"Mỗi khi điều này xảy ra, sự mất niềm tin vào các ngân hàng và hệ thống ngân hàng nói chung xuất hiện, điều đó thường gây ra nỗ lực thay đổi quản lý. Và việc quản lý tốn kém cũng ảnh hưởng đến chúng ta.”

“Sẽ không tốt cho nền kinh tế nếu niềm tin mất đi với các ngân hàng. Nó giống như lực lượng cảnh sát, bạn muốn tin tưởng tất cả những người bạn gặp trên đường phố, nhưng nếu không thể thì có lẽ bạn cần đến lực lượng cảnh sát. Đó là điều tốn kém."

 

Giáo sư Kofman cho biết mặc dù đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng kể từ vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008, nhưng đây là trường hợp phá sản của từng ngân hàng chứ không phải quy mô ngân hàng toàn cầu như đã chứng kiến vào năm 2008.

 

Tuy nhiên, ông nói rằng nó làm nổi bật sự bất an của lĩnh vực công nghệ.

"Tôi nghĩ rằng đó là một hồi chuông cảnh tỉnh về lĩnh vực công nghệ. Mọi người hầu hết đều nhìn thấy sự giàu có, kỳ lân. Nhưng điều họ quên là thường có sự sụp đổ lớn, và sự sụp đổ này chỉ tăng lên cùng với việc tăng lãi suất."

 

Công ty bảo hiểm của chính phủ Hoa Kỳ cho biết những người gửi tiền sẽ có toàn quyền truy cập vào các khoản tiền gửi được bảo hiểm của họ chậm nhất là vào sáng thứ Hai.

 

Nhưng 89% tiền gửi của ngân hàng không được bảo hiểm vào cuối năm 2022.

 

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Hoa kỳ đang chạy đua để tìm người mua lại Ngân hàng Silicon Valley.

 

Công ty bảo hiểm Hoa Kỳ phải tìm một tổ chức khác sẵn sàng sáp nhập với nó, nếu không, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ chỉ còn lại một phần của bất kỳ khoản tiền nào có thể huy động được từ việc bán bớt tài sản của ngân hàng.