(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Stephen M. Walt, “Biden’s Frailty Doesn’t Endanger America,” Foreign Policy, 11/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Tại sao tình trạng thể chất suy yếu của tổng thống không làm cho nước Mỹ dễ bị tổn thương hơn?
Những ngày này, câu hỏi nhức nhối trên chính trường Mỹ là liệu Joe Biden có rút khỏi cuộc đua tổng thống năm 2024 hay không. Cho đến nay, ông đã phớt lờ những lời kêu gọi rút lui, nhưng không ai có thể đoán được ông (và Đảng Dân chủ) cuối cùng sẽ làm gì – hoặc điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử vào tháng Mười một tới. Các chuyên gia chính trị là người hưởng lợi chính trong vụ ồn ào này, và các chuyên gia bình luận trên khắp phổ chính trị đã liên tục đưa ra ý kiến kể từ cuộc tranh luận tai tiếng ngày 27/06.
Một câu hỏi ít được chú ý hơn sau màn tranh luận của Biden là liệu những hạn chế về thể chất hay nhận thức của ông ấy – thực tế hay tưởng tượng – sẽ có tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Giả sử rằng Biden không từ chức để phó tổng thống Kamala Harris lên thay thế (một kịch bản mà tôi cho là rất khó xảy ra), thì ông sẽ giữ chức tổng thống ít nhất cho đến ngày 20/01/2025. Từ nay đến lúc đó vẫn còn khoảng sáu tháng, hoặc một phần tám nhiệm kỳ tổng thống. Phải chăng các đối thủ, hoặc thậm chí một số đồng minh của Mỹ, đang cố gắng lợi dụng vị tổng thống mà họ tin rằng không còn có thể thể hiện phong độ tốt nhất trên bàn đàm phán?
Lịch sử cho chúng ta thấy một bức tranh không đồng nhất. Tổng thống Woodrow Wilson từng bị đột quỵ do kiệt sức vào tháng 10/1919, nhưng vợ và bác sĩ riêng đã giấu kín tình trạng của ông, và các cường quốc nước ngoài chưa bao giờ cố gắng khai thác việc Wilson bị suy nhược.
Mặt khác, sức khỏe của Tổng thống Franklin Roosevelt đã suy sụp rõ rệt từ vài năm trước khi ông qua đời vì đột quỵ vào tháng 4/1945, và có lẽ chính quyền lực bị suy giảm đã khiến ông trở thành một chuyên gia đàm phán kém hiệu quả hơn nhiều tại hội nghị thượng đỉnh Yalta diễn ra hai tháng trước đó. Dwight Eisenhower từng bị một cơn đau tim nghiêm trọng vào tháng 9/1955, nhưng hoạt động của chính phủ không bị ảnh hưởng. Ông đã tái đắc cử vào năm 1956 và kết thúc nhiệm kỳ thứ hai trong thành công. John F. Kennedy mắc bệnh suy tuyến thượng thận và một số căn bệnh nghiêm trọng khác, nhưng tình trạng bí mật này dường như không ảnh hưởng đến các hoạt động công hay riêng tư của ông.
Tổng thống Richard M. Nixon được cho là đã quá say để nhận cuộc gọi từ Thủ tướng Anh Edward Heath trong Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973, để việc ra những quyết định quan trọng cho Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và một số quan chức khác. Còn Ronald Reagan có thể đã ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy tình trạng này có tác động nhiều đến chính sách của Mỹ hoặc hành động của các quốc gia khác.
Những ví dụ này nhắc nhở chúng ta rằng sức khỏe suy yếu của một tổng thống có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng như mọi người nghĩ. Dù các tổng thống Mỹ rõ ràng là rất quan trọng, nhưng họ không bao giờ là người duy nhất chịu trách nhiệm xây dựng hoặc thực thi chính sách. Tất cả các tổng thống đều có một đội ngũ hỗ trợ; các lựa chọn chính sách và khả năng ứng phó với các kịch bản khác nhau thường được thảo luận trước khi khai triển; và cấp dưới (chẳng hạn, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, Giám đốc Tình báo Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia) sẽ đứng lên tiếp quản nếu tổng thống bị suy yếu phần nào.
Cũng cần nhớ rằng ngay cả những tổng thống trẻ trung và năng động cũng không thể chế ngự được mọi khía cạnh của bộ máy chính sách đối ngoại. “Blob” – giới hoạch định chính sách đối ngoại quốc gia – có rất nhiều cách để làm loãng, chống lại, hoặc chuyển hướng những gì một tổng thống cố gắng làm. Kết quả là, ngay cả khi tổng thống hoạt động dưới mức 100% khả năng, thì các đối thủ cũng không thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ không phản ứng trước một thách thức trực tiếp. Thật vậy, khả năng chính quyền có phản ứng thái quá cũng cao như khả năng họ phản ứng không đủ, tất cả chỉ để chứng tỏ rằng người ta không thể lợi dụng tình trạng của tổng thống.
Tình trạng của Biden – bất kể nó là gì – cũng không quan trọng nhiều như chúng ta nghĩ, vì các quốc gia khác đều đã có chiến lược phòng bị riêng. Xét đến tình trạng phân cực hiện nay ở Mỹ và quan điểm khác biệt rõ ràng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về một số vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng, sẽ không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào đặt cược vào bất kỳ cam kết nào mà chính quyền Biden có thể đưa ra từ nay đến tháng Mười một, và đặc biệt là nếu chúng mâu thuẫn với mục tiêu mà cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa, dường như sẽ hướng tới.
Ngay cả khi Biden chống đẩy 50 cái và đọc thuộc lòng 50 số thập phân đầu tiên của số pi trước toàn thể báo chí Tòa Bạch Ốc vào ngày mai, thì các chính phủ khác vẫn sẽ đợi đến tháng Mười một trước khi đưa ra cam kết trên cơ sở sự bảo đảm của Mỹ. Và có lẽ bạn cũng không mong đợi chính quyền sẽ đưa ra bất kỳ sáng kiến chính sách đối ngoại lớn nào từ nay cho đến ngày bầu cử, ngay cả khi Biden trẻ hơn 30 tuổi.
Tôi có thể nghĩ ra hai kịch bản trong đó một tổng thống không hoàn toàn đủ năng lực có thể gây ra tác động đáng kể. Hãy thử tưởng tượng rằng Mỹ phải đối mặt với một thách thức rủi ro cao và kéo dài giống như Khủng hoảng hỏa tiễn Cuba Năm 1962, và tổng thống đương nhiệm không có khả năng lãnh đạo những buổi thảo luận kéo dài và căng thẳng như Kennedy đã tiến hành thông qua “Ủy ban Điều hành” (ExComm).
Một tổng thống không đủ năng lực cuối cùng có thể đưa ra những lựa chọn khác thường (ví dụ, quyết định áp đặt lệnh phong tỏa hải quân đối với Cuba của Kennedy ít leo thang căng thẳng hơn nhiều so với ý định ban đầu là tiến hành các cuộc không kích), nhưng chúng ta không thể dự đoán những lựa chọn đó sẽ là gì. Xin nhắc lại quan điểm trước đó của tôi: Những kẻ thách thức tiềm năng sẽ phải xem xét kịch bản phản ứng của Mỹ trở nên dữ dội hơn nếu tổng thống không tích cực chỉ đạo cuộc tranh luận nội bộ. Một tổng thống ốm yếu không nhất thiết có nghĩa là một phản ứng yếu hơn; tin vào điều ngược lại nghĩa là bạn đang cho rằng các tổng thống sẽ luôn diều hâu và kiên quyết hơn cấp dưới của họ. Không một kẻ thù khôn ngoan nào nên tin như vậy.
Thứ hai, việc giành được sự ủng hộ quốc tế trên diện rộng đôi khi đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và các tổng thống đôi khi có thể tập hợp sự ủng hộ thông qua chính sách ngoại giao cá nhân tốn nhiều thời gian. Chẳng hạn, Tổng thống George H. W. Bush đã thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả trước thềm Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, còn Biden và nhóm của ông cũng làm điều tương tự sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.
Một tổng thống kém năng động, kém tập trung, hoặc kém năng lực hơn sẽ phải trao nhiều nhiệm vụ hơn cho cấp dưới của mình, và ngay cả một chuyên gia đàm phán giàu kinh nghiệm và có năng lực – chẳng hạn như Giám đốc CIA đương nhiệm William Burns – cũng không thể phát biểu với thẩm quyền tương tự như một tổng thống. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây có thể chỉ là vấn đề mức độ. Dù tổng thống không thể dành nhiều thời gian để đàm phán qua điện thoại, thì hoạt động ngoại giao của Mỹ cũng sẽ không đi vào bế tắc.
Hơn nữa, nhận thức rằng người đứng đầu là người thất thường đôi khi có thể trở thành một lợi thế. Nếu một chuyên gia đàm phán Mỹ nào đó đang cố gắng thuyết phục đối thủ nhượng bộ, họ có thể nói với đối tác của mình rằng: “Các vị biết đấy, tổng thống của chúng tôi đã già và khá cứng nhắc, và quan điểm của ông ấy về vấn đề này sẽ không thay đổi. Trừ khi các vị cho tôi thêm thứ gì đó, nếu không thì tôi chẳng có cách nào để khiến ông ấy nhân nhượng cả.” Do đó, trong một số trường hợp, nhận thức rằng tổng thống đã qua thời kỳ đỉnh cao hoàn toàn là điều mà các viên chức ngoại giao Mỹ có thể khai thác.
Cuối cùng, những nghi ngờ về khả năng thực hiện công việc của Biden trong sáu tháng tới phải được cân bằng với những phẩm chất mà Trump thể hiện khi giám sát chính sách đối ngoại Mỹ. Các câu chuyện nội bộ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump mô tả ông là người thất thường, vội vã, không quan tâm đến chi tiết, và không có khả năng tập trung chú ý đến hầu hết các vấn đề chính sách đối ngoại. Dù đôi khi ông có trực giác tốt (chẳng hạn như việc phải đối đầu với Trung Quốc, rút khỏi Afghanistan, và kêu gọi châu Âu nỗ lực phòng thủ nhiều hơn, …) nhưng quan điểm của ông về các vấn đề khác (như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, thỏa thuận hạt nhân Iran, …) lại rất thiếu sót, và nhiều chính sách mà ông áp dụng đã không đạt được mục tiêu mà chúng hứa hẹn, thậm chí còn khiến nước Mỹ rơi vào thế yếu hơn.
Nói tóm lại, nếu “năng lực nhận thức” là phép thử để đánh giá khả năng phục vụ của một tổng thống, thì thật khó để chúng ta hào hứng với hai ứng viên hàng đầu hiện tại. Đây có lẽ là lý do tại sao rất nhiều người Mỹ (67%, tính đến tháng Một) ước gì họ có một sự lựa chọn khác – và sẽ là lý do tại sao Đảng Dân chủ nên đưa ra cho họ một lựa chọn khác. (Không, Robert F. Kennedy Jr. không được tính.) Tin tốt là tình trạng ốm yếu của tổng thống sẽ không tạo ra nhiều khác biệt từ nay đến tháng 1/2025. Nhưng sau đó, mọi chuyện sẽ khó lường, bất kể ai thắng vào tháng Mười một.
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
(Nghiencuuquocte.org)