Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong một ngày trong khi tổng thống Donald Trump quyết định tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tính đến 6h ngày 15-4, toàn cầu có gần 2 triệu ca COVID-19.

 

* Bản tin cập nhật lúc 10h20 (GMT +7)ngày 15-4

 

Theo trang worldometers.info, tính đến 6h ngày 15-4, toàn thế giới đã ghi nhận 1,992,189 ca COVID-19, bao gồm 126,066 ca tử vong và 467,207 ca hồi phục.

 

Thủ tướng và các bộ trưởng New Zealand giảm lương trong 6 tháng

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, và nội các của bà sẽ chịu giảm 20% lương trong nửa năm trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến kinh tế trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

 

"Đây là việc chúng tôi có thể làm. Chúng tôi biết rằng người dân New Zealand đang dựa vào trợ cấp lương, bị giảm thu nhập và mất việc làm do đại dịch toàn cầu" - bà Ardern nói, cho biết điều quan trọng lúc này là các chính trị gia có thu nhập cao phải thể hiện "sự lãnh đạo và đoàn kết" với người lao động. Lương hàng năm của bà Ardern vào khoảng 470,000 USD.

 

Singapore vượt mốc 3.000 ca nhiễm

Số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Singapore vượt mốc 3,000 với thêm 334 ca nhiễm mới trong ngày 14-4, phần lớn liên quan đến các khu nhà ở dành cho người lao động nhập cư. 

 

Singapore từ hôm qua cũng bắt buộc người dân mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, trừ các trường hợp như người chạy bộ hoặc trẻ em dưới 2 tuổi. Người dân có thể bị phạt 300 đôla Singapore nếu vi phạm lần đầu và đến 1,000 đôla nếu vi phạm lần thứ hai.

 

Tổng Thư ký LHQ: đây không phải lúc cắt giảm tài trợ cho WHO

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 14-4 cho rằng đây "không phải lúc" để cắt giảm các nguồn tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng tài trợ cho tổ chức này vì quản lý kém và che giấu thông tin dịch COVID-19.

 

Theo Reuters, Ông Guterres nói thêm rằng "bây giờ là lúc phải đoàn kết và cộng đồng thế giới phải chung tay làm việc để ngăn chặn virus corona cũng như các hậu quả của dịch bệnh".

 

Trung Quốc giảm ca nhiễm, Mexico và Panama thêm hàng trăm ca

Trung Quốc ngày 15-4 thông báo có thêm 46 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 14-4, giảm gần một nửa so với 89 ca của ngày trước đó. Trong số các ca mới, 36 ca có nguồn gốc từ nước ngoài, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.

 

Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận thêm 385 ca nhiễm mới trong ngày 14-4, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 5,399 ca và 406 ca tử vong.

 

Trong khi đó Panama xác nhận thêm 102 ca nhiễm mới và 1 ca tử trong ngày 14-4, nâng tổng số ca COVID-19 cả nước lên 3,574 ca và 95 ca tử vong.

 

Anh cam kết xét nghiệm ở các viện dưỡng lão

Chính phủ Anh ngày 14-4 cam kết sẽ cho xét nghiệm tất cả nhân viên y tế và cư dân lớn tuổi có triệu chứng COVID-19 ở các viện dưỡng lão trên cả nước sau khi dữ liệu chính thức cho thấy số ca tử vong vì virus corona cao hơn nhiều khi tính cả những người lớn tuổi tại các viện này.

 

Vào ngày 14-4, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết đã có 5.979 người qua đời vì COVID-19 ở riêng nước Anh, cao hơn con số do Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của nước này cung cấp khoảng 15%.

 

Theo Reuters, dữ liệu ca tử vong công bố hằng ngày của bộ y tế Anh chỉ tính số người chết vì COVID-19 tại các bệnh viện và không bao gồm các ca tử vong trong cộng đồng như tại các viện dưỡng lão.

 

Trong một diễn biến khác, 2/3 các công ty nhỏ ở Anh đã cho nhân viên nghỉ phép tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo khảo sát của Các phòng Thương mại Anh (BCC) ngày 14-4.

 

Trước đó, chính phủ Anh cam kết sẽ hỗ trợ các công ty 80% chi phí tiền lương nếu các công ty này cho nhân viên nghỉ phép thay vì sa thải họ.

 

Ông Trump ra lệnh ngừng tài trợ WHO

Tổng thống Trump ngày 14-4 cho biết đã chỉ đạo chính phủ Mỹ tạm ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên quan đến việc xử lý đại dịch COVID-19 với lý do tổ chức này đã "thất bại khi thực hiện các nhiệm vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm".

 

Tổng Thống Trump nói "Nếu WHO làm đúng nhiệm vụ của mình, để các chuyên gia y tế đến Trung Quốc đánh giá khách quan tình hình thì dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn tại nguồn với rất ít cái chết. Điều này sẽ cứu sống hàng ngàn người và tránh thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới".

 

Mỹ ghi nhận số ca tử vong kỷ lục, hơn 600,000 ca nhiễm

Số ca tử vong của Mỹ đã tăng lên ít nhất là 2.228 ca trong ngày 14-4, nâng tổng số ca lên 28,300. Đây là số ca tử vong tăng kỷ lục được ghi nhận trong một ngày ở Mỹ trong bối cảnh các quan chức chính phủ đang tranh cãi về việc làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế mà vẫn ngăn dịch lây lan.

 

Kỷ lục về số ca tử trong ngày từng được ghi nhận trước đó của nước này là 2,069 ca vào hôm 10-4.

 

Tuy nhiên theo hãng tin Reuters, số ca kỷ lục 2,228 ở trên chưa tính đến con số điều chỉnh của Sở Y tế New York liên quan đến các ca nghi tử vong do virus corona nhưng chưa được xét nghiệm kể từ 11-3. Nếu tính cả các ca chưa xét nghiệm này, tổng số ca tử vong của thành phố đã vượt mốc 10.000 người, bao gồm 3,700 ca mới của ngày 14-4.

 

Ngoài ra, cả nước Mỹ hiện đã có hơn 600,000 ca nhiễm coronavirus (SARS-CoV-2).

 

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hơn nửa số nhân viên y tế Mỹ mắc COVID-19 là do tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đồng nghiệp tại nơi làm việc. Phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tốt hơn những y bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch.

 

Dữ liệu của CDC cho thấy có 315.531 ca nhiễm được ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 12-3 đến 9-4, bao gồm 49.370 ca (16%) liên quan đến các bệnh nhân đã làm việc ở các cơ sở y tế trên toàn quốc.

 

Canada xây nơi trú ẩn cho người vô gia cư

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đang thiết kế một nơi trú ẩn 400 giường dành cho người vô gia cư tại Toronto. Đây là dự án đầu tiên của MSF liên quan đến dịch COVID-19 tại Canada, diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

 

Hãng tin Reuters cho biết đến nay có 30 người vô gia cư tại Toronto cho kết quả dương tính với coronavirus ( SARS-CoV-2 ), bao gồm 11 người tại nơi ở dành riêng cho người tị nạn. Tổng số ca tử vong của Canada hiện nay là 823 ca.

 

Mỹ Latinh ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng khắp toàn thế giới, Paraguay đã nhanh chóng thực thi biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 3 trước các quốc gia láng giềng. Kết quả cho đến nay Paraguay có ít ca nhiễm nhất trong khu vực.

 

Với dân số khoảng 7 triệu người, Paraguay hiện chỉ ghi nhận 159 ca COVID-19 và 7 ca tử vong vì căn bệnh này, theo Reuters. Hiện nay chỉ còn 3 người nhiễm đang điều trị tại bệnh viện, bao gồm một người trong phòng chăm sóc đặc biệt.

 

Chính phủ Paraguay đã cho đóng cửa tất cả các trường học và ngừng các sự kiện lớn vào tuần thứ 2 của tháng 3. Không lâu sau đó, nước này đóng cửa biên giới, các sân bay và ra lệnh cách ly toàn xã hội.

 

Trong khi đó, Argentina đã ghi nhận hơn 2,000 ca nhiễm, Peru là 10,000 ca, Chile gần 8,000 ca và 25,000 ca tại Brazil. Các hàng xóm như Uruguay cũng ghi nhận gần 500 ca trong khi Bolivia có 354 người mắc COVID-19.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Trump: WHO quản lý kém và 'che giấu thông tin từ Trung Quốc'