ĐỨC - Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 14/12 đã lần đầu tiên kể từ tháng 10 vượt mốc 1,400 USD/1,000 m3.

 

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 14/12 do lo ngại căng thẳng Nga-Urkraine có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng vốn đã khan hiếm trong những tháng gần đây.

 

 

Giá khí đốt châu Âu lần đầu tiên vượt mức 1,400 USD/1,000 m3 kể từ đầu tháng 10.

 

 

 

Thị trường khí đốt tại châu Âu biến động trong phiên giao dịch này sau khi Đức cảnh báo Berlin có thể không “bật đèn xanh” cho việc vận hành tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga, với lý do căng thẳng gia tăng ở biên giới Ukraine.

 

 

Theo dữ liệu tại trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 trong phiên giao dịch ngày thứ Tư đã leo dốc 5,5%, lên mức 1,428 USD/1,000 m3.

 

 

Giá mặt hàng này tại châu Âu đã tăng khoảng 10% trong phiên ngày 13/12 sau khi tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 Nga không thể đi vào hoạt động vì nó không đáp ứng các yêu cầu của luật năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).

 

 

Ngoại trưởng  Baerbock hôm 13/12 tuyên bố dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được phép hoạt động trong trường hợp có bất kỳ “leo thang” mới nào ở Ukraine. Điều này là do thỏa thuận giữa Berlin và Washington yêu cầu Nga không được sử dụng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 như một vũ khí chính trị trong mối quan hệ với Ukraine.

 

 

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1,234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

 

 

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG - công ty vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đang được tiến hành. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 16/11, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) lại đưa ra kết luận rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chưa tuân thủ luật pháp Đức.

 

 

Tuyên bố của Ngoại trưởng Baerbock được đưa ra trong lúc Nga và Ukraine đều đang tăng cường các hoạt động quân sự giữa bối cảnh căng thẳng leo thang làm dấy lên nguy cơ bùng nổ xung đột.

 

 

Bên cạnh đó, việc Belarus đe dọa đình chỉ tuyến đường ống khí đốt từ Nga sang EU cũng có thể khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng trầm trọng hơn.

 

 

Hiện Nga đang cung cấp 1/3 nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua một số tuyến đường ống trung chuyển, gồm Yamal-Europe chạy qua Belarus và Ba Lan, hệ thống trung chuyển qua Ukraine và tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1.

 

 

Trong những tháng gần đây, châu Âu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng khiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh và liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục, vượt 1,000 USD/1,000 mét khối và tăng lên 2,000 USD/1,000m3 vào đầu tháng 10 vừa qua.

 

 

Sau khi hạ nhiệt, giá khí đốt tại châu Âu đã tiếp tục leo dốc gần 40% kể từ đầu tháng này và tiến sát mức đỉnh thiết lập vào tháng 10/2021.

 

 

Các chuyên gia cảnh báo rằng thời tiết lạnh giá kéo dài có thể khiến các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu, mới chỉ lấp đầy được hơn 62% công suất, hoàn toàn cạn kiệt vào tháng Ba hoặc tháng Tư năm sau.