Ảnh minh họa: Chiến đấu cơ Rafale của Pháp diễn tập tại căn cứ hải quân Landivisiau, Saint-Servais, miền tây nước Pháp, ngày 16/04/2025. AFP - FRED TANNEAU

 

 

Đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07/05/2025, Ấn Độ tiến hành chiến dịch quân sự Sindoor, không kích nhiều mục tiêu « khủng bố » trên lãnh thổ Pakistan nhằm trả đũa vụ tấn công khủng bố tại vùng Kashmir làm thiệt mạng 26 du khách Ấn Độ. Nhưng đợt giao tranh lần này, cuộc không chiến lớn nhất giữa hai cường quốc Nam Á có vũ khí nguyên tử, còn là một cuộc « đọ sức » giữa vũ khí phương Tây và Trung Quốc.

 

Không chiến quy mô lớn chưa từng có

Theo trang Armée.com, cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan huy động tổng cộng 125 chiến đấu cơ. Không quân Ấn Độ chủ yếu sử dụng các loại tiêm kích do Pháp và Nga sản xuất như Rafale, Mirage hay Su-30MKI và Mig-29. Còn phía Pakistan thì dùng đến các tiêm kích F-16 (Mỹ) và JF-17, J-10C của Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến các loại trang thiết bị quân sự khác như hệ thống phòng không S-400 (thời Xô Viết) cũng như các loại drone Harop (Israel) được phía Ấn Độ dùng đến, hay như hệ thống hỏa tiễn địa đối không HQ-9 của Trung Quốc bên phía Pakistan.

Ngay trong đêm đầu tiên giao chiến, không quân Ấn Độ khẳng định đã phá hủy nhiều mục tiêu, còn không quân Pakistan loan báo đã bắn hạ được 5 chiến đấu cơ của Ấn Độ, trong đó có ba chiếc Rafale do Pháp sản xuất. Trang mạng Armée nêu rõ, các đợt nã hỏa tiễn lẫn nhau được tiến hành từ xa, đôi khi lên đến 160 km và không một chiếc tiêm kích nào vượt qua biên giới giữa hai nước.

Theo như khẳng định từ bộ Ngoại Giao Pakistan với phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Islamabad, vào lúc 4 giờ sáng ngày 07/05, ba chiếc Rafale của Pháp đã trúng hỏa tiễn PL-15 trang bị cho tiêm kích J-10C do Trung Quốc chế tạo và cấp cho Pakistan.

Cho đến hiện tại Ấn Độ không xác nhận cũng không phủ nhận các thông tin trên. Hãng Dassault, nhà sản xuất chiến đấu Rafale cũng không trả lời yêu cầu bình luận của kênh truyền hình quốc tế France 24. Tuy nhiên, hãng tin Anh Reuters dẫn một phân tích từ Washington Post, do ba chuyên gia về vũ khí tiến hành, đã khẳng định rằng các hình ảnh được thẩm định từ điểm rơi phi cơ cho thấy những mảnh vỡ đó « tương thích với ít nhất hai chiến đấu cơ do Pháp sản xuất cho không quân Ấn Độ - một Rafale và một Mirage ».

 

« Đọ sức » giữa Rafale Pháp và J-10C Trung Quốc

Nếu như thông tin được khẳng định, đây có lẽ là lần đầu tiên một chiếc Rafale chính thức bị bắn hạ trong chiến đấu. Khả năng hỏa tiễn Trung Quốc bắn rơi Rafale làm dấy lên một câu hỏi lớn : Phải chăng Bắc Kinh đã vượt qua được công nghệ Pháp trên phương diện chiến đấu cơ ?

Theo trang GEO, về mặt kỹ thuật, chiến đấu cơ Rafale, do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, được coi là mẫu phi cơ chủ lực của ngành hàng không quân sự. Là loại tiêm kích đa năng, Rafale vượt trội về chiếm ưu thế trên không, tấn công trên bộ, trinh sát, tấn công nguyên tử và hỗ trợ tiềm thủy đỉnh. Ấn Độ được cho là khách hàng chính của hãng, hiện sở hữu đến 62 chiếc Rafale, trong đó, 36 chiếc cho không quân và 26 chiếc cho thủy quân lục chiến, tăng cường đáng kể năng lực không quân.

 

Liên quan đến chiếc J-10C, còn có biệt danh là Vigorous Dragon, là do tập đoàn hàng không Thành Đô thiết kế, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh như là một giải pháp thay thế đáng tin cậy đối với nhiều loại tiêm kích của phương Tây như F-16 của Mỹ. Trang Armée.com cho biết, J-10C được cho là có khả năng tàng hình, được trang bị ra-đa AESA, hệ thống tác chiến điện tử tích hợp, và hỏa tiễn tầm xa PL-15.

 

Tuy nhiên, không giống như F-16 của Mỹ hay Rafale của Pháp, được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế, các tính năng của J-10C chỉ được thể hiện trong các cuộc triển lãm hàng không hoặc tập trận chung được lên kịch bản, trong những điều kiện mà ở đó các mối đe dọa được mô phỏng một cách thuận lợi. Một điểm khác đáng chú ý là trong cuộc không chiến này, giới chuyên gia nghi ngờ Pakistan sử dụng loại hỏa tiễn PL-15 (loại hỏa tiễn không xuất cảng) có tầm bắn đến 300 km, thay vì là 140 (loại vũ khí xuất cảng).

 

Trung Quốc rút ngắn cách biệt công nghệ

Thông báo của Pakistan về việc bắn hạ được ba chiến đấu cơ Rafale của Pháp, « sẽ là một thắng lợi lớn cho Trung Quốc trên phương diện hình ảnh, nhất là đối với một nước, về mặt lý thuyết, chưa tiến hành một cuộc chiến nào kể từ sau chiến tranh Việt Nam 1979 và do vậy vũ khí chưa có cùng tiếng tăm như vũ khí Pháp hay Mỹ », theo như đánh giá từ Carlotta Rinaudo, chuyên gia về Trung Quốc tại International Team for the Study of Security Verona (ITSS) với France 24.

 

Thành công này dường như cho thấy Trung Quốc đang rút ngắn cách biệt kỹ thuật với phương Tây trong một số lĩnh vực, đặc biệt là « tích hợp các hệ thống » và chiến tranh điện tử. Theo bà Carlotta Rinaudo, cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan buộc phương Tây phải thay đổi cách nhìn về vũ khí Trung Quốc thường bị đánh giá thấp : « Ngày nay Trung Quốc bán nhiều vũ khí hiện đại và tinh vi hơn, được cho là rất hiệu quả. Bài học rút ra ở đây là chớ nên xem vũ khí Trung Quốc kém hơn vũ khí phương Tây ».

 

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể các năng lực của ngành công nghiệp vũ khí. Trung Quốc những năm gần đây đã bắt đầu gia tăng mức xuất cảng vũ khí sang các nước phương Nam Toàn Cầu, châu Phi, châu Mỹ Latinh và cả châu Á. Vũ khí Trung Quốc còn tạo sự khác biệt so với phương Tây là có giá cả phải chăng. Trong bối cảnh Donald Trump đe dọa toàn cầu với các biện pháp thuế quan, Trung Quốc có nhiều cơ may mở rộng thị phần bên cạnh những nước nào có mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.

 

Sự việc cũng khiến các cường quốc vũ khí phương Tây lo lắng. Theo quan điểm của ông Fabrice Wolf trên trang Meta Defense, thất bại này làm sứt mẻ độ tin cậy của các loại vũ khí phương Tây (Eurofighter, Gripen, Super Hornet…). Việc một chiếc Rafale bị bắn hạ trong chiến đấu là đòn đau cho Dassault nói riêng và Pháp nói chung, vốn đã ký kết được gần 20 hợp đồng xuất cảng trong 10 năm. Ngay khi có thông tin mất một chiếc Rafale, giá cổ phiếu của Dassault đã bị rớt đến 10%, bằng chứng cho thấy sự cố có tác động đến tâm lý các nhà đầu tư.

 

Tuy nhiên, trong vụ việc này, bên đáng lo nhất có lẽ là Đài Loan. Theo France 24, Đài Loan theo dõi sát sao cuộc xung đột, thể hiện rõ tính năng của vũ khí tiên tiến Trung Quốc so với những thiết bị quân sự mà các nước thành viên NATO đang sử dụng. Những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên điều chiến đấu cơ J-10C xâm nhập vào eo biển Đài Loan nhằm phô trương sức mạnh quân sự!

 

(Theo RFI)