Dữ liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy giá than nhiệt lượng loại tốt xuất đi từ cảng Newcastle, Úc, trong ngày 3/10 đã thiết lập mức giá cao kỷ lục mới 203,2 USD/tấn. Dự báo giá than thế giới sẽ còn giữ ở mức cao trong suốt 3 tháng cuối năm nay.
Đây là mức giá cao nhất kể từ hồi tháng 7/2008. Giá than nhiệt xuất đi từ cảng Newcastle thường được xem là mức giá tiêu chuẩn đối với than nhiệt trên toàn thị trường Á Châu.
Giá than thế giới liên tục thiết lập đỉnh giá mới trong thời gian gần đây chủ yếu do Trung Quốc đang ồ ạt thu mua than trên toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng. Ít nhất 20 tỉnh thành, chiếm hơn 2/3 GDP, của Trung Quốc đã phải áp dụng một số hình thức cắt giảm điện luân phiên diện rộng.
Khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc bắt nguồn từ việc hoạt động sản xuất của nước này tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng lên. Điều này khiến nhu cầu sử dụng than để sản xuất điện tăng lên nhưng nguồn cung than nội địa lẫn nhập cảng của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đều có xu hướng suy giảm, dẫn tới giá than tăng mạnh.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt nhưng giá bán điện lại không tăng khiến nhiều nhà máy điện than tại Trung Quốc tuyên bố tạm ngưng hoạt động để “bảo trì” nhưng thực chất để hạn chế lỗ, khiến tình trạng thiếu điện bùng phát. Điện than chiếm tới hơn 60% tổng nguồn cung điện tại Trung Quốc.
Đà tăng của giá than thế giới còn được hỗ trợ bởi việc giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trên toàn cầu tăng mạnh và cuộc khủng hoảng sụt giảm điện gió tại Châu Âu. Trong đó, lượng gió tại khu vực Biển Bắc giảm mạnh đã khiến nguồn cung năng lượng điện gió tại Âu Châu sụt giảm khiến nhiều nước trong khu vực tăng cường huy động nguồn cung từ điện than, kéo theo đó là nhu cầu tăng đột ngột đối với than nhiệt lượng. Than nhiệt lượng, vốn bị Châu Âu hạn chế sử dụng từ lâu phát thải lượng lớn khí nhà kính, đang trỗi dậy mạnh sau thời kỳ giảm giá kéo dài.
Cảng Newcastle, Úc đại lợi, là một trong những cảng xuất than lớn nhất thế giới, giá than nhiệt lượng cao tại cảng này được xem là giá tiêu chuẩn cho các giao dịch than khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Newcastle Herald)
Việc giá khí LNG ở mức cao kỷ lục cũng khiến nhiều nhà máy điện tại Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh tăng cường sử dụng than thay vì khí tự nhiên để sản xuất điện. Tuy nhiên, nguồn cung than trên thị trường toàn cầu hiện không theo kịp nhu cầu tăng đột ngột. Hoạt động vận chuyển của những nước xuất cảng than lớn trên thế giới như Indonesia, Úc, Nam Phi và Colombia đang gặp nhiều khó khăn do mưa lũ, thiếu hụt lao động và thiếu tàu chuyên chở.
Ít nhất một nhà máy điện tại Đức đã buộc phải ngưng hoạt động trong tuần trước vì cạn kiệt nguồn nhiên liệu. Trung Quốc đang tăng cường thu mua nhiều loại than khác nhau từ nhiều nước, bao gồm cả than nâu vốn có khả năng sinh nhiệt thấp và gây ô nhiễm cao, nhằm đảm bảo có đủ than cho sản xuất điện. Trong đầu tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Hàn Chính, đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải đảm bảo đủ nguồn cung điện trong những tháng mùa đông tới đây bằng mọi giá.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo giá than nhiệt lượng tại cảng Newcastle có thể đạt trung bình 190 USD/tấn trong 3 tháng cuối năm nay. Trong ngắn hạn, nhu cầu sử dụng than để sản xuất điện tại nhiều nước được nhận định sẽ tiếp tục ở mức cao.
Tại Trung Quốc, công suất hoạt động của các nhà máy điện than trong tháng Tám vừa qua đã tăng 14 phần trăm so với cùng kỳ của hai năm gần nhất. Hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Vương Quốc Anh) dự báo nhu cầu sử dụng điện than của nước này trong năm 2022 sẽ tăng 1 phần trăm so với năm nay.