Lãnh đạo Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman (bên trái), thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (ở gữa) và tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) dự phiên họp về dự án Hành lang kinh tế IMEC tại thượng đỉnh G20, New Delhi, ngày 09/09/2023. AFP - EVELYN HOCKSTEIN

 

 

Pháp và Ấn Độ tiếp tục khẳng định mối quan hệ chặt chẽ trong một tuần đầy sự kiện : đồng tổ chức thượng đỉnh về Trí tuệ Nhân tạo ở Paris, khánh thành lãnh sự quán Ấn Độ ở Marseille, thành phố cảng ở miền nam Pháp được coi là mắt xích trong Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông- Âu Châu (IMEC). Âu Châu coi dự án là cơ hội đa dạng hóa thương mại, củng cố an ninh năng lượng còn Ấn Độ muốn cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

 

Được chính thức phát động tháng 09/2023 bên lề thượng đỉnh G20 tại New Delhi, dự án IMEC (India-Middle East-Europe Economic Corridor) bao gồm tuyến vận tải thương mại dài 4.800 km, được chia làm ba chặng : Chặng thứ nhất trên biển nối Âu châu với cảng Haifa ở Israel, chặng thứ hai trên bộ từ Haifa đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Saudi, chặng thứ ba trên biển cho tới Ấn Độ. Hành lang IMEC giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ 2-3 ngày và kết nối hàng loạt cảng của các nước đối tác : Mundra và Kandla ở Ấn Độ, Abu Dhabi ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Piraeus của Hy Lạp, Messine ở Ý.

 

Không chỉ dừng ở vận tải hàng hóa, “IMEC cũng dự kiến vận chuyển dữ liệu kỹ thuật số nhờ lắp đặt những tuyến dây cáp dưới đáy biển hoặc dọc theo đường sắt”, theo Gérard Mestrallet, đặc sứ của tổng thống Pháp về dự án. Marseille có vị trí chiến lược cho kiểu vận chuyển dữ liệu này vì là điểm đến và xuất phát của rất nhiều tuyến cáp ngầm trên thế giới.

 

 

 

Trung Quốc : Mục tiêu sâu xa của dự án

 

Một cựu bộ trưởng Pháp, được Le Monde trích dẫn, cho rằng tổng thống Macron có “trực giác tốt” vì “ông Modi, đứng đầu một cường quốc đang trỗi dậy, đã tìm được ví trí cân bằng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga”. Giáo sư Bertrand Badi, từ trường Sciences Po, nhận định rằng, thông qua dự án IMEC, Pháp tiếp tục khẳng định “muốn làm cầu nối giữa phương Bắc và phương Nam”.

 

 

IMEC cũng giúp thỏa mãn mục đích của các bên tham gia. Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là nước đông dân nhất hành tinh, trông đợi vào IMEC để tiếp cận nguồn dầu lửa dồi dào ở Trung Đông, gia tăng xuất cảng. Ngoài ra, theo Alberto Rizzi, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu châu (ECFR), được Le Monde trích dẫn, “hành lang tạo sức bẩy cho chiến lược của Ấn Độ nhằm thoát khỏi vòng vây của Bắc Kinh và trở thành thủ lĩnh trong số các nước đang phát triển. Về phần Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Saudi, họ thông qua IMEC để cố gắng trở thành cầu nối kinh tế giữa Đông và Tây”. Đối với Âu châu, hành lang mở ra những khả năng đa dạng hóa thương mại và tăng cường an ninh năng lượng sau khi từ bỏ nguồn cung cấp Nga vì chiến tranh Ukraina.

 

Dự án dựa trên những công trình hạ tầng đã có để tránh “bẫy nợ” như trường hợp của một số nước tham gia ''Sáng kiến Vành đai Con đường BRI'' với Trung Quốc. Tổng đầu tư được thẩm định khoảng 500 tỉ đô-la. Phần đóng góp của Âu châu có thể tương thích với chương trình Global Gateway của Ủy Ban Âu Châu, huy động đầu tư công và tư lên tới 300 tỉ euro cho những công trình hạ tầng bền vững ở các nước đang phát triển.

 

 

Dự án trì trệ vì căng thẳng ở Trung Đông

 

Thực ra, Âu châu không nằm trong ý tưởng ban đầu được Mỹ đề nghị năm 2020 để thắt chặt quan hệ giữa Israel và các vương quốc Ả Rập trong vùng để đối phó với ảnh hưởng của Iran. Sau đó, việc Âu châu và Ấn Độ tham gia vào dự án đã mang lại tầm vóc lớn hơn cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó Ấn Độ là một mắt xích quan trọng. Một biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Mỹ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Saudi, Pháp, Đức, Ý, Liên Hiệp Âu Châu. Israel và Jordanie không chính thức ký cho dù cảng Haifa của Israel nằm trong dự án, nhưng lại nằm dưới quyền quản lý của tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani, bạn và là đồng minh của thủ tướng Modi.

 

Chiến tranh giữa Israel và Hamas, cũng như tình hình bất ổn ở Trung Đông khiến dự án “giậm chân tại chỗ” cho dù một số giải pháp thay thế với các cảng ở Ai Cập đã được nhắc đến. Tuy nhiên, Cairo dè chừng vì mục đích ban đầu của IMEC là tránh kênh đào Suez và Hồng Hải - nơi tàu thuyền thường xuyên lực lượng Houthis tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối dự án và đề nghị với Irak một tuyến đường khác - Iraq Development Road - nối Âu châu với châu Á bằng đường bộ và đường sắt từ cảng Fao của Irak.

 

Đặc sứ Gérard Mestrallet tỏ ra lạc quan vì “đó là một dự án thế kỷ và IMEC có thể hình thành ngay sau khi cuộc xung đột giữa Israel và Gaza chấm dứt”. Tuy nhiên, tình hình trở nên căng thẳng hơn sau khi tổng thống Donald Trump quả quyết về việc “mua” lại Gaza, đưa người Palestine sang Jordanie và Ai Cập để biến vùng đất này thành thiên đường duyên hải.

 

 

 

(Theo RFI)