Một thủy thủ Mỹ vận hành bộ điều khiển hệ thống radar trên tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh trong cuộc tập trận phòng không với Nhật Bản ở Biển Philippines vào năm 2020. (Ảnh: được Hải quân Hoa Kỳ cho phép)

 

 

 

Thứ Năm (ngày 6/1), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ và Nhật Bản sẽ tập hợp các nhà khoa học và kỹ sư để hợp tác phát triển các công nghệ quốc phòng mới nổi, bao gồm công nghệ chống lại tên lửa siêu thanh.

 

 

Nikkei Asia đưa tin, Hội nghị trực tuyến "2-cộng-2" được tổ chức ngày 6/1 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel.

 

Ngoại trưởng Mỹ Blinken phát biểu để khai mạc cuộc họp. Ông nói: “Khi các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Mỹ phát huy hết sức mạnh bổ sung của họ, chúng ta có thể cạnh tranh và đổi mới để chiến thắng bất kỳ ai”. Nghiên cứu chung cũng sẽ bao gồm năng lực trên lĩnh vực không gian, ông nhấn mạnh.

 

Ông Austin cho biết các cuộc thảo luận sẽ bao gồm việc phát triển vai trò và sứ mệnh của hai nước để phản ánh sự gia tăng năng lực của Nhật Bản trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực.

 

Ông cũng nói, hai bên sẽ "tối ưu hóa tư thế lực lượng liên minh để tăng cường khả năng răn đe".

 

 

 

Ảnh chụp màn hình cuộc họp hai cộng hai Mỹ-Nhật vào ngày 6/1.

 

 

 

Ngoại trưởng Hayashi của Nhật Bản nói: "Cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản về nhiều mặt, chẳng hạn như sự thay đổi cán cân chiến lược, các nỗ lực đơn phương và cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng, lạm dụng gây áp lực không công bằng và mở rộng các chế độ độc tài".

 

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, các đồng minh cam kết tăng cường sử dụng chung hoặc chia sẻ các cơ sở của Hoa Kỳ và Nhật Bản, "bao gồm các nỗ lực nhằm củng cố thế trận của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở các khu vực đảo phía Tây Nam của nước này".

 

Được gọi là quần đảo Nansei, chuỗi đảo trải dài từ cực Nam của Kyushu đến phía Bắc của Đài Loan. Đảo Yonaguni ở cực Tây nằm cách bờ biển phía Đông của Đài Loan 108 km.

 

Về vấn đề Đài Loan, tuyên bố chung "2-cộng-2" lặp lại lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Nhật Bản hồi tháng 4/2021. Theo đó, họ "nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bên bờ eo biển".

 

Bằng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn trước, Nhật Bản nhắc lại quyết tâm "củng cố cơ bản" khả năng quốc phòng của mình để đóng góp gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, tuyên bố cho biết.

 

Hội nghị "2-cộng-2" diễn ra vào thời điểm những tiến bộ quân sự của Trung Quốc đã khiến các đồng minh mất cảnh giác. Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân bay vòng quanh địa cầu trước khi tăng tốc tới mục tiêu. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng Mark Milley, sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Mỹ, gọi đây là một "sự kiện rất quan trọng" và "rất gần" với thời điểm Sputnik - Liên Xô cũ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. vào năm 1957, một kỳ tích gây chấn động thế giới phương Tây.

 

Nó cũng diễn ra khi Hoa Kỳ ngày càng quan ngại về một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc. Cách Mỹ hợp tác với Nhật Bản, đồng minh gần nhất về mặt địa lý với hòn đảo, là điều không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch quốc phòng nào. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không tham chiến kể từ Thế chiến thứ hai và bị kiềm chế bởi hiến pháp hòa bình của họ.

 

Ngoại trưởng Mỹ Blinken lưu ý rằng Nhật Bản là quốc gia nước ngoài đầu tiên mà ông và ông Austin đến thăm sau khi nhậm chức. “Vì vậy, tôi cảm thấy phù hợp khi bắt đầu năm nay, 2022, bằng cách gặp lại các đồng nghiệp Nhật Bản của chúng tôi”, ông nói.

 

Đồng thời, ông Blinken cũng cho biết hai bên sẽ ký một khuôn khổ hợp tác 5 năm mới về hỗ trợ nước chủ nhà - viện trợ tài chính của Nhật Bản cho việc đóng quân của Mỹ tại nước này.

 

Vào tháng 12, Nhật Bản cho biết họ sẽ tăng hỗ trợ của nước chủ nhà lên 1,05 nghìn tỷ yên (9 tỷ USD) trong vòng 5 năm - nhiều hơn khoảng 130 triệu USD mỗi năm so với mức chi trong 5 năm trước đó. Nhưng Tokyo đã yêu cầu Washington phân bổ nguồn kinh phí tăng thêm cho các cuộc tập trận chung và các nỗ lực trực tiếp củng cố liên minh, thay vì sử dụng tiền cho phí tiện ích và trả lương công nhân địa phương như trước đây.

 

Ông Blinken cho biết, khuôn khổ mới sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn để nâng cao khả năng sẵn sàng và khả năng tương tác của quân đội hai nước.

(Theo ntdvn.com)