Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 225.002 ca mắc COVID-19 và 5.449 ca tử vong. Nước Mỹ đã vượt qua ngưỡng 4 triệu ca bệnh, với gần 145.000 người tử vong.

 

 

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 15.071.024 ca, trong đó có 618.265 người thiệt mạng.

 

Các nước cũng ghi nhận 9.100.797 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 63.808 và 5.353.824 ca đang điều trị tích cực.

 

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (62.518 ca), Ấn Độ (39.168 ca), Brazil (38.009 ca), trong khi Brazil dẫn đầu về số ca tử vong (1.236 ca), tiếp theo là Mỹ (1.054 ca) và Ấn Độ (672 ca).

 

 

 

Người dân dùng bữa tại một nhà hàng ngoài trời ở New York, Mỹ, ngày 25/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Mỹ: Tổng thống Trump nói "đại dịch có thể tồi tệ đi trước khi tốt lên"

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 4.023.947 ca nhiễm và 144.888 ca tử vong. Trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh ngày 21/7, Tổng thống Donald Trump cho rằng, dịch bệnh “có thể sẽ tồi tệ đi trước khi tốt lên. Tôi không thích nói về điều này, nhưng đó chính là cách nó diễn ra”.

 

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thể hiện quan điểm mạnh mẽ nhất cho đến nay của ông về việc đeo khẩu trang khi nói rằng đó là cách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của virus. “Chúng tôi đề nghị mọi người, khi các bạn không thể giãn cách xã hội, hãy đeo khẩu trang. Dù bạn có thích khẩu trang hay không, chúng cũng có tác dụng”, ông Trump nói và cho biết thêm: “Tôi đang quen với khẩu trang”.

 

 

 

Dòng xe của người dân tới xét nghiệm COVID-19 tại sân vận động Dodgers ở Los Angeles ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/Getty Images

 

 

 

Trong khi đó, tình hình dịch ở tiểu bang California - tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, đang có chiều hướng ổn định trở lại. Số ca bệnh, nhập viện và điều trị tích cực ở bang này vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với những tuần gần đây.

 

Tiểu bang New York - từng là tâm dịch của Mỹ - cũng ghi nhận số ca nhập viện do COVID-19 ở mức thấp nhất trong 4 tháng qua, cho phép thành phố New York bước vào giai đoạn mở cửa tiếp theo. Ngày 21/7, tiểu bang New York đã bổ sung 10 tiểu bang khác vào danh sách cấm đi lại, đến nay gồm 31 tiểu bang.

 

Tại Nam Mỹ, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã quyết định tiếp tục hoãn triển khai giai đoạn hai trong kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, sau khi đánh giá các khuyến nghị của các chuyên gia và cơ quan y tế liên quan về đại dịch COVID-19.

 

Tại Bahamas, Thủ tướng Hubert Minnis thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Mỹ và các nước Mỹ Latinh nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

 

 

 

Vận chuyển bệnh nhân COVID tại Bệnh viện trường Đại học Pedro Ernesto ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/Getty Images

 

 

 

 

Trong khi đó, Brazil vẫn là điểm nóng của dịch COVID-19. Thống kê của worldometers cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 80.000 người, lên tới 81.487 ca - đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận thêm 1.236 ca tử vong. Hiện gần 2.159.654 triệu người dân Brazil đã mắc COVID-19 trong tổng dân số 212 triệu người.

 

Brazil cũng thông báo thêm hai thành viên trong nội các của Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiễm virus SARS-CoV-2, đó là Bộ trưởng Giáo dục Milton Ribeiro và Bộ trưởng phụ trách vấn đề công dân Onyx Lorenzoni.

 

 

Một người chạy bộ thể dục trên phố ở Buenos Aires, Argentina ngày 20/7/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Argentina , nước này đã bắt đầu mở lại các hoạt động kinh tế ở vùng thủ đô Buenos Aires, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Theo đó, người dân thủ đô được phép tập thể dục ở ngoài trời, đến những địa điểm cầu nguyện tôn giáo. Các hoạt động kinh doanh không thiết yếu được phép mở cửa như cửa hàng cắt tóc, văn phòng luật sư, phòng khám tâm lý học...

 

 

Châu Âu thông qua gói hồi phục kinh tế lịch sử 750 tỉ euro

Sau gần 5 ngày thảo luận, ngày 21/7 các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí xây dựng quỹ hồi phục trị giá 750 tỉ euro (858 tỉ USD) nhằm tái thiết các nền kinh tế EU bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.

 

Ủy ban châu Âu sẽ vay tiền từ các thị trường tài chính và phân phối gần một nửa trong số đó - 390 tỷ euro - dưới dạng các khoản tài trợ cho các quốc gia EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phần còn lại được cung cấp dưới dạng cho vay. Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý ngân sách mới của EU là gần 1,1 nghìn tỷ euro (1,3 nghìn tỷ USD) cho giai đoạn 2021-2027, tạo ra sức mạnh chi tiêu tổng cộng khoảng 1,8 nghìn tỷ euro (2 nghìn tỷ USD).

 

 

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ, ngày 18/7/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này cho biết tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ khi nới lỏng phong tỏa được 3 tuần nay. Nhà chức trách đang nỗ lực kiềm chế tốc độ lây lan ở các ổ dịch mới, chủ yếu tại vùng Catalonia và Aragon.

 

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của ngành khách sạn và ăn uống, có khoảng 40.000 nhà hàng, khách sạn và quán rượu tại Tây Ban Nha phải đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch khiến người lao động mất việc làm hoặc phải làm việc tại nhà. Dự đoán đến cuối năm nay, con số nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa có thể lên tới 65.000, tương đương 20% toàn bộ hoạt động của ngành.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 9/7/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ngày 21/7 cho rằng đất nước ông đã vượt qua đại dịch COVID-19. Ông nói “Chúng ta đã ra khỏi cơn bão, cho dù vẫn chưa phải là một nơi trú ẩn an toàn”.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 15/7/2020. Ảnh: THX

 

 

 

 

Anh: Vắc-xin COVID-19 thử nghiệm tạo phản ứng miễn dịch trên người

Tại Anh, ngày 21/7, trường Đại học Oxford (Anh) cho biết việc đưa vào sử dụng vaccine phòng COVID-19 mà trường đại học này đang thử nghiệm vào cuối năm nay có thể sẽ trở thành hiện thực.

 

Theo giáo sư Sarah Gilbert, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 của Đại học Oxford, loại vaccine đang được thử nghiệm đã tạo ra phản ứng miễn dịch trên người trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu, làm tăng hy vọng về việc sử dụng vaccine này vào cuối năm nay, tuy nhiên đây mới chỉ là một khả năng và vẫn chưa thể được khẳng định một cách chắc chắn do những yếu tố như thể hiện hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, có khả năng sản xuất số lượng lớn và các nhà làm luật cấp phép nhanh chóng.

 

Bà Gilbert khẳng định tất cả những yếu tố này cần phải được đáp ứng đầy đủ trước khi đưa vaccine vào sử dụng đại trà.

 

Cùng ngày, số liệu thống kê cho thấy các khoản vay mượn của Chính phủ Anh đã nhảy vọt lên mức 127,9 tỷ bảng (162,3 tỷ USD) trong quý II, chủ yếu bắt nguồn từ các khoản cứu trợ khẩn cấp nhằm phục hồi nền kinh tế vốn bị đình trệ do dịch COVID-19. Trong khi đó, nợ công tăng lên mức 1.983 tỷ bảng vào cuối tháng 6, tương đương 99,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo ONS, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1961.

 

 

 

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

 

Tại châu Á, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 21/7 cho biết các hành khách dự định đáp chuyến bay đến Trung Quốc đại lục phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay.

 

Theo CAAC, các xét nghiệm axit nucleic phải được hoàn tất trong 5 ngày trước khi hành khách lên máy bay.

 

 

Nhân viên dọn dẹp một rạp chiếu phim ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/7/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Nam Hàn, số ca nhiễm đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Ngày 21/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) cho biết có thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 13.816 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng gần gấp đôi so với 26 ca ghi nhận của một ngày trước đó.

 

Đây là lần đầu tiên dịch bệnh tại Nam Hàn có dấu hiệu nóng trở lại sau 28 ngày số ca nhiễm được ghi nhận ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng lao động người nước ngoài nhập cảnh từ Iraq tăng nhanh và một loạt ổ dịch trên các tàu hàng của Nga đang neo đậu ở thành phố cảng Busan (Nam Hàn). Số ca tử vong tại Nam Hàn vẫn ở mức 296 ca.

 

 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thị trấn Hallim, đảo Jeju, Nam Hàn ngày 17/7/2020. Ảnh: YONHAP

 

 

 

Ấn Độ: 1/4 dân số thủ đô New Delhi mắc bệnh

Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 21/7, hơn 23% dân số ở thủ đô New Delhi đã mắc bệnh COVID-19. Tính trung bình, trên toàn thủ đô, tỷ lệ người dân có kháng thể chống COVID-19 IgG là 23,48%.

 

Ngoài ra còn có một số lớn người dân ở thành phố này bị mắc bệnh mà không có triệu chứng. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, những kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy một tỷ lệ lớn người dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Để phòng ngừa, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội vẫn cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

 

Tới 6h ngày 22/7, Ấn Độ ghi nhận 1.194.085 ca mắc COVID-19, tăng thêm 39.168 ca trong vòng 24 giờ, và 28.771 ca tử vong, tăng thêm 672 ca.

 

Tại Iran , nhà chức trách đã ghi nhận thêm 229 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 14.634 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất được ghi nhận sau nhiều tuần quốc gia Trung Đông này phải đối mặt với số ca mắc tăng vọt. Trong 24 giờ qua, Iran cũng ghi nhận 2.658 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 278.827 ca.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 3/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.655 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 89.869 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 81 ca lên 4.320 ca.

 

Tại Malaysia , nhà chức trách thông báo nước này sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại các trung tâm của chính phủ đối với những người trở về từ nước ngoài, kể từ ngày 24/7 tới. Những người thực hiện cách ly bắt buộc sẽ phải tự chi trả chi phí lưu trú, bất kể là ở khách sạn hay trung tâm cách ly. Theo Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 21/7, nước này đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 8.815 ca. Số ca tử vong vẫn ở nguyên mức 123 ca.