Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trong Hội nghị Khí hậu Aspen Ideas hàng năm tại Trung tâm Thế giới Mới vào ngày 09/05/2022 tại Bãi biển Miami, Florida. (Ảnh: Joe Raedle / Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Trung Quốc cảnh báo Tòa Bạch Ốc bằng một giọng điệu hung hăng chưa từng có rằng nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Pelosi, đến thăm Đài Loan vào tháng 8 tới đây, Bắc Kinh sẽ dùng các biện pháp quân sự để đáp trả. Nhưng 3 xu hướng quốc tế quan trọng đã hình thành và điều này khiến Trung Quốc khó có thể thành công trong việc thâu tóm eo biển Đài Loan, hoặc to tiếng phản đối các nỗ lực quốc tế này...

 

ĐCSTQ đe dọa đáp trả quân sự nếu Pelosi thăm Đài Loan

Tờ Financial Times là trang truyền thông đầu tiên tiết lộ vào ngày 19/7 rằng Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có thể thăm Đài Loan vào tháng 8, đây sẽ là một phần quan trọng trong chuyến thăm châu Á của bà.

 

Tuy nhiên, vào ngày 23/7, Financial Times dẫn lời 6 người quen thuộc với vấn đề này cho biết Trung Quốc đã công khai cảnh báo Nhà Trắng rằng họ sẽ áp dụng "các biện pháp mạnh mẽ" đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Ngôn ngữ mà Bắc Kinh sử dụng hết sức khắc nghiệt, được cho là khắt khe chưa từng có. Bắc Kinh thậm chí còn nói họ không loại trừ khả năng sẽ phản ứng quân sự để đáp trả chuyến viếng thăm ngoại giao cấp quốc gia này.

 

Cho tới nay, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao từ chối bình luận thông tin trên truyền thông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời các câu hỏi của Reuters vào ngày 24/7 vừa qua.

 

Tờ Financial Times dẫn các nguồn tin nói rằng Trung Quốc thậm chí có thể cố gắng ngăn máy bay của Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan hoặc thực hiện các hành động quân sự khác để ngăn cuộc viếng thăm ngoại giao này. Bài báo cho biết Trung Quốc có thể sẽ sử dụng máy bay chiến đấu để đánh chặn máy bay quân sự của Pelosi. Nhà Trắng đang đánh giá thực trạng mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

 

Điều đáng nói là bà Pelosi, trong một câu trả lời dành cho một phóng viên vào ngày 21/7, cho biết bà "chưa bao giờ nói về kế hoạch chuyến thăm [Đài Loan] một cách công khai" vì nó liên quan đến "các vấn đề an ninh". Lần này hành trình của bà đã bị rò rỉ khiến không ai có thể tưởng tượng được hậu quả an ninh của nó.

 

Nói về chuyến thăm của Pelosi đến Đài Loan, ông Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) kiêm phát ngôn viên Nhà Trắng, từ chối cho biết liệu Nhà Trắng có can ngăn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay không. Ông Kirby chỉ nói rằng Nhà Trắng đã cung cấp "bối cảnh, sự kiện và thông tin địa chính trị" và rằng "quyết định cuối cùng là của bà Pelosi".

 

Hãng thông tấn trung ương đưa tin rằng chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, nếu thành công, sẽ là quan chức cấp cao nhất hiện tại của Hoa Kỳ thăm Đài Loan kể từ khi ông Newt Gingrich, Chủ tịch Hạ viện của Đảng Cộng hòa thăm eo biển vào năm 1997.

 

Trong khi bà Pelosi có kế hoạch viếng thăm Đài Loan thì Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gấp rút chuẩn bị cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn thảo về các vấn đề của Đài Loan.

 

Một số chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh tin rằng ông Joe Biden và bà Pelosi đều là thành viên của Đảng Dân chủ, Tòa Bạch Ốc nên là người lên kế hoạch cho các chuyến viếng thăm ngoại giao. Tuy nhiên, tại Mỹ, hệ thống lập pháp (Quốc hội) hoàn toàn độc lập với hệ thống hành pháp (Chính quyền), ông Biden không có quyền ngăn cản bà Pelosi tham gia các chuyến viếng thăm như vậy.

 

Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan có thông điệp gì?

Vậy chuyến thăm Đài Loan lần này của bà Pelosi có khả thi không? Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ có ý nghĩa như thế nào? Những xu hướng chính trong tương lai nào được báo trước?

 

Ông Tang Hao, một người làm truyền thông cấp cao và là người dẫn chương trình "Ngã tư thế giới" của We Media, chỉ ra rằng bà Pelosi không chỉ là một trong những nhà lãnh đạo lưỡng viện của Quốc hội Hoa Kỳ, mà còn là Chủ tịch Hạ Viện. Với vị trí này, bà trở thành người kế nhiệm Tổng thống thứ hai, theo quy định của Hiến Pháp Hoa kỳ. Nói cách khác, bà là người có ảnh hưởng ở vị trí thứ ba trong nền chính trị nước này.

 

Ông Tang Hao bình luận "Chủ tịch Hạ viện có nhiệm kỳ 2 năm. Bà Pelosi không chỉ là nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, mà còn đang trải qua nhiệm kỳ thứ 4 làm Chủ tịch Hạ viện. Không khó để tưởng tượng rằng chuyến thăm Đài Loan của một chính trị gia có quyền lực như vậy mang tính biểu tượng như thế nào trong quan hệ Mỹ - Đài Loan".

 

Ông Tang cũng nói thêm rằng mặc dù bà Pelosi là đại diện cho cánh tả của Mỹ, bà ấy từ lâu đã kiên quyết phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chỉ trích các chức sắc trong ĐCSTQ cũng như các sự kiện đàn áp của chế độ này trong lịch sử. "Khi đến thăm Bắc Kinh vào năm 1991, bà Pelosi đã đến thẳng Quảng trường Thiên An Môn, treo các biểu ngữ tưởng niệm các sinh viên trẻ đã chết trong sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Đến ngày nay, ĐCSTQ vẫn cười nhạo bà ấy", ông Tang cho biết.

 

Do đó, Tang Hao tin rằng chuyến thăm Đài Loan lần này của bà Pelosi sẽ có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan là tốt nhất trong 40 năm qua. Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ sự kháng cự của Đài Loan đối với ĐCSTQ; Thứ hai, để bảo vệ Đài Loan và chống lại ĐCSTQ, Hoa Kỳ đã đạt được nhất trí lưỡng đảng và làm chủ được dư luận [về vấn đề này];

 

Ba xu hướng quan trọng đã hình thành nhằm chống Trung Quốc thâu tóm Đài Loan

Xu hướng thứ nhất, đấu tranh pháp lý để đảm bảo quốc tế hóa eo biển Đài Loan. Trung Quốc đang cố gắng coi eo biển Đài Loan là 'ao nhà', không phải là tuyến đường biển quốc tế.

 

Cuối tháng 5/2022, ĐCSTQ tuyên bố rằng không có cái gọi là "đường trung tâm eo biển" ở eo biển Đài Loan, cố gắng xóa bỏ ranh giới phòng thủ giữa hai bên eo biển. Sau đó, vào tháng 6/2022, chế độ Bắc kinh tuyên bố bằng eo biển Đài Loan không phải là biên giới quốc tế. Trung Quốc đang cố gắng nội địa hóa eo biển Đài Loan và sau đó sẽ là cả lãnh thổ Đài Loan.

Tuy nhiên, phía Đài Loan và đồng minh quốc tế cực lực phản đối tuyên bố này của Bắc Kinh. Chiến hạm của Mỹ đã đi vào vùng biển tuyên bố là 'nội địa' của Bắc Kinh này với khẳng định rằng Mỹ coi eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế. Hàng loạt các cuộc viếng thăm của cộng đồng quốc tế xung quanh sự kiện này đang cho thấy nỗ lực của Đài Loan và quốc tế trong việc "Quốc tế hóa eo biển Đài Loan", thực chất là tránh việc mất chủ quyền eo biển này vào tay Trung Quốc.

 

Xu hướng thứ hai là sự leo thang của cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục. Hoa Kỳ sẽ có bầu cử giữa kỳ vào cuối năm, và các chính trị gia của cả hai đảng đều thảo luận nhiều về ĐCSTQ, đối thủ số một của Hoa Kỳ. Ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị cho Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Dư luận dòng chính của Mỹ cũng hết sức phản đối Trung Quốc. Bởi vậy, chủ đề chính trong chính trị và ngoại giao Hoa Kỳ, trước và sau cuộc bầu cử giữa kỳ, vẫn sẽ là "phản đối ĐCSTQ" và "bảo vệ Đài Loan".

 

Các công ty công nghệ sản xuất chất bán dẫn công nghệ cao cũng là thế mạnh trong quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ. Thực tế, Mỹ đã thông qua 4 vụ mua bán vũ khí cho Đài Loan trong năm 2022. Vũ khí từ Mỹ có thể giúp Đài Loan cải thiện khả năng tác chiến của mình. Theo các hợp đồng này, vũ khí từ Mỹ sẽ được bàn giao cho Đài Loan trong vài năm tới.

 

Về phía Đài Loan, hệ thống nghĩa vụ quân sự thường bị chê là yếu kém đang được nền kinh tế này nỗ lực cải tổ; việc này sẽ tăng quy mô lực lượng tác chiến và lực lượng quốc phòng dự bị. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Henry Kissinger cũng cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, Trung Quốc coi như xung đột trực diện với Hoa Kỳ.

 

Xu hướng thứ ba, liên minh công nghệ, chuỗi cung ứng và ngoại giao chống lại chế độ Bắc Kinh.

 

Hiện tại, kinh tế Trung Quốc hiện đã chững lại, mà ĐCSTQ lại thiếu công nghệ sản xuất chất bán dẫn công nghệ cao nên rất khó dựa vào chuyển đổi công nghệ cao để thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang tổ chức lại chuỗi cung ứng quốc tế, không chỉ thiết lập "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" để xây dựng lại chuỗi cung ứng mà còn mời Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng thành lập "Liên minh Chip 4"; đó là "Liên minh bốn quốc gia Chip".

 

Hiện tại, Trung Quốc không chỉ thiếu chip công nghệ cao để phát triển nền kinh tế công nghệ cao, mà còn thiếu chip để phát triển vũ khí quốc phòng. Đây là điều tác động đến ngành công nghiệp quân sự của ĐCSTQ, tạo ra những hạn chế lớn trong lực lượng vũ trang của ĐCSTQ.

 

Ông Tang nhận định: "Sau khi Thủ tướng Abe qua đời, ngày càng có nhiều chức sắc quốc tế lần lượt đến thăm Đài Loan. Hiện tượng này thực sự bộc lộ những xu hướng quốc tế quan trọng trong vài năm tới. Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục. Ngay cả khi Tập Cận Bình thành công trong Đại hội Đảng lần thứ 20 sắp tới. Bối cảnh quốc tế [chống Trung Quốc] sẽ ngày càng bất lợi hơn với ĐCSTQ".

(ntdvn.net; Quang Nhật - Theo Vision Times)