Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới với dòng tiền ước tính đạt 16,7 tỷ USD vào cuối năm 2019. (Ảnh: ASIF HASSAN/AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Trong khi dịch viêm phổi Vũ Hán đã “quay trở lại” Việt Nam vào ngày 25/7, thì Việt Nam lại phải chịu thêm một “cú sốc” khác, đó là lượng kiều hối gửi về nước đến nay đã bị giảm gần 3 tỷ USD.

 

 

Lượng tiền kiều hối Việt Nam thường xuyên được gửi về từ người gửi ở Hong Kong, Singapore và Hoa Kỳ, theo Intellasia. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới với dòng tiền ước tính đạt 16,7 tỷ USD vào cuối năm 2019.

 

 

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ước tính rằng lượng kiều hối “đổ về” Việt Nam sẽ giảm khoảng 18,1% trong năm 2020 vì hệ quả của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. So với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam bị ảnh hưởng nặng thứ 2 (sau Philippines với mức giảm là 20,2%). 

 

 

 

 

 

Lượng kiều hối giảm ở các quốc gia trên thế giới

 

 

 

 

 

Theo thống kê của WB, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2018 là 16 tỷ USD và năm 2019 là 16,7 tỷ USD, tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm 2020, lượng kiều hối gửi về Việt Nam bị giảm gần 3 tỷ USD.

 

 

Đây là một "tổn thất" lớn cho cả người dân và chính quyền Việt Nam, vì theo báo cáo mới nhất của Uniteller, số tiền kiều hối gửi về trung bình cao gấp 10 lần thu nhập của các gia đình Việt Nam nhận tiền kiều hối.

 

 

Nguồn hỗ trợ kiều hối này đến từ hơn 5 triệu người Việt sinh sống, lao động và học tập tại 103 quốc gia và lãnh thổ trên khắp thế giới, trong khi tại Việt Nam có khoảng 4,6% gia đình trên tổng dân số toàn quốc nhận kiều hối từ nước ngoài.

 

 

 

 

 

Việt Nam có khoảng 4,6% gia đình trên tổng dân số toàn quốc nhận kiều hối từ nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

Một bộ phận người dân Việt Nam vẫn lệ thuộc vào lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về.

 

Một báo cáo mới có tiêu đề “Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối" (Both Sides of the Coin: The Receiver’s Story) của công ty tài chính UniTeller công bố vào tháng 12/2019, lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài mỗi tháng gửi về nước trung bình 735 USD, cao xấp xỉ 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các gia đình nhận tiền tại Việt Nam.

 

 

Alberto Guerra, Giám đốc điều hành UniTeller, cho biết: “Với sự di chuyển toàn cầu ngày càng tăng, kiều hối đang đóng một vai trò quan trọng hơn trong sinh kế của các gia đình và cộng đồng có thu nhập thấp”.

 

 

Theo báo cáo, lượng kiều hối mà các hộ gia đình Việt Nam nhận được được sử dụng vào các mục đích như: các nhu cầu hàng ngày của gia đình (24%), trả nợ hóa đơn và khoản vay (25%), giáo dục (11%), tiết kiệm (14%), các mặt hàng xa xỉ không thiết yếu (9%).

 

 

Tuy nhiên, gần 21% người nhận kiều hối ở Việt Nam cho biết họ thường xuyên hết tiền, 35% người nhận nói rằng họ sẽ liên hệ với người gửi khi hết số tiền nhận được. Dù vậy, có đến 59% người nhận kiều hối thường xuyên ở Việt Nam cho biết họ rất muốn học hỏi và trau dồi các thói quen quản lý tài chính tốt.

 

 

Theo ADB, tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán đối với nguồn kiều hối sẽ không dừng lại ở tình trạng tạm thời, mà có lẽ sẽ kéo dài vì sẽ có nhiều hạn chế hơn trong các chương trình "xuất khẩu lao động", chi phí đi lao động nước ngoài gia tăng, cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến thu nhập của những người gửi tiền về nước.

(Theo ntdvn.com)