Tính đến 7h sáng 8-4, tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1,425,468 ca, trong đó có hơn 81,939 ca tử vong và 301,788 ca hồi phục. Tại Mỹ gần 2,000 người chết trong 24 giờ, trong khi Pháp vượt mốc 10,000 ca tử vong.

 

 

* Bản tin cập nhật lúc 8h55 ngày 8-4

 

Gần 2.000 ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ trong 24 giờ qua

Số liệu thống kê từ đại học John Hopkins tính đến đêm 7-4 cho thấy Mỹ có 1,939 người tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ. 

 

Con số tử vong kỷ lục đưa tổng số người chết ở Mỹ vì dịch bệnh lên tới 12,844 người, đang tiến gần bằng hai quốc gia thiệt hại nặng nề nhất vì virus corona cho tới nay là Ý (17,172 người chết) và Tây Ban Nha (14,045 người).

 

Tổng số ca bệnh COVID-19 ở Mỹ là 398,185 ca.

 

Trung Quốc ghi nhận 62 ca nhiễm mới

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 8-4 ghi nhận thêm 62 ca nhiễm mới, tăng so với 32 ca của ngày trước đó.

 

Tính đến ngày 7-4, số ca COVID-19 nhập khẩu của nước này vẫn là 1,042 can. Theo Reuters, như vậy tổng số ca COVID-19 tại Trung Quốc tính đến nay là 81,802 ca.

 

Mexico thêm 346 ca nhiễm mới, Panama thêm 149 ca

Bộ Y tế Mexico ngày 7-4 cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 346 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm coronavirus COVID-19 toàn quốc lên 2,785 ca và 141 người tử vong.

 

Trong khi đó, các quan chức y tế Panama ngày 7-4 cho biết nước này có thêm 149 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm coronavirus COVID-19 toàn quốc lên 2,249 ca và số ca tử vong vẫn là 59 ca.

 

Hai thai phụ Peru mắc COVID-19 sinh con khỏe mạnh

Bệnh viện Rebagliati tại Lima, Peru cho biết hai thai phụ được chẩn đoán mắc COVID-19 tại nước này đã sinh con hoàn toàn khỏe mạnh và âm tính với coronavirus.

 

Hãng tin Reuters cho biết đứa bé đầu tiên sinh vào 27-3 và đứa bé thứ hai sinh ngày 31-3, cả hai em bé đều được mổ lấy thai theo lời khuyên của bác sĩ để tránh các biến chứng. Cả hai bà mẹ đều trong tình trạng sức khỏe tốt và đang tiếp tục điều trị COVID-19.

 

Cho đến nay Peru đã ghi nhận tổng cộng 2,954 ca COVID-19, 107 ca tử vong và 1,301 người đã hồi phục.

 

Chính quyền Mỹ cam kết đảm bảo vật tư y tế thiết yếu trong nước

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7-4 cho biết nước này sẽ bổ sung 225 triệu USD vào các khoản viện trợ toàn cầu của Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19 trên thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chính quyền Mỹ cũng sẽ đảm bảo những vật tư y tế thiết yếu ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

 

Cùng ngày, Thống đốc bang Maryland Larry Hogan thông báo chính quyền liên bang đã coi hành lang thủ đô Washington D.C. và Baltimore, bang Maryland là điểm nóng mới của dịch COVID-19.

 

Theo đó, hành lang này sẽ trở thành một ưu tiên trong cuộc chiến chống dịch sau khi số ca COVID-19 tại Maryland tăng nhanh lên đến 4,371 ca trong sáng 7-4 và có 103 ca tử vong. Tại thủ đô Washington D.C., số ca nhiễm virus cũng đã lên tới 1,200 người, với 22 người tử vong.

 

Truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Trump ngày 7-4 đã cách chức ông Glenn Fine, Tổng thanh tra đặc trách giám sát việc thực thi gói cứu trợ kinh tế trị giá 2,300 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

 

 

Theo trang Politico, Tổng thanh tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Sean O'Donnell sẽ thay thế ông Fine. Ông Fine hiện là quyền Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, được chỉ định hồi tuần trước vào vị trí Chủ tịch ủy ban nói trên.

 

Cho đến sáng 8-4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với 394,587 ca nhiễm, 12,583 ca tử vong.

 

 

Trung Quốc chính thức dỡ bỏ phong thành Vũ Hán

Từ 0h đêm 8-4 theo giờ địa phương, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro.

 

Toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống, cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết.

 

Theo hãng tin AFP, ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán. Nhà chức trách trước đó ước tính sẽ có khoảng 55,000 người rời Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

 

Cuba cho người dân sử dụng thuốc PrevengHo-Vir để phòng bệnh

Bộ Y tế Cuba ngày 7-4 cho biết nước này sẽ sử dụng loại thuốc vi lượng PrevengHo-Vir cho những người khỏe mạnh trong thời gian tới như một biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, theo Miami Herald.

 

Giám đốc Dịch tễ học quốc gia thuộc Bộ Y tế Cuba, tiến sĩ Francisco Duran cho biết loại thuốc dự phòng này là thuốc uống dưới dạng nhỏ giọt. Quan chức y tế Cuba nêu rõ đây là một sản phẩm vi lượng đồng căn, giúp ngăn ngừa một số bệnh khác nhau như cúm, sốt xuất huyết và các bệnh viêm nhiễm lây lan do virus như COVID-19.

 

Ông Duran cũng cho biết Cuba đang áp dụng nhiều loại thuốc khác nhau trong điều trị các bệnh nhân COVID-19. Những người bị cách ly do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới đang dùng thuốc kháng virus Interferon alfa 2-B tái tổ hợp bằng đường mũi. Những ca nghi nhiễm được dùng các loại thuốc kháng virus như oseltamivir và Interferon alfa 2-B bằng đường tiêm. Bệnh nhân trở nặng có phác đồ điều trị khác.

 

Tính đến nay, Cuba đã ghi nhận 396 ca COVID-19 và 11 ca tử vong.

 

 

Số ca tử vong tại Pháp vượt 10,000

Tính đến tối 7-4 (theo giờ địa phương), Pháp đã ghi nhận 10,328 ca tử vong, bao gồm 7,091 người qua đời tại bệnh viện (tăng 607 ca trong 24h) và 3,237 ca tại các viện dưỡng lão (tăng 802 ca). Trong vòng 24h qua, Pháp đã ghi nhận thêm 1,417 ca tử vong vì COVID-19.

 

Như vậy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có số ca tử vong vượt mốc 10,000 người, sau Ý, Tây Ban Nha và Mỹ. Quan chức y tế Pháp cho biết 82% số ca tử vong là người trên 70 tuổi.

 

Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 141,942 ca nhiễm virus, bao gồm 14,045 ca tử vong. Ý là 135,586 ca nhiễm và 17,127 ca tử vong.