NEW YORK, 20 tháng 9: Các thành viên của Đại hội đồng lắng nghe Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, phát biểu tại phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) tại trụ sở Liên hợp quốc vào ngày 20 tháng 9 năm 2022 tại Thành phố New York. Sau hai năm tổ chức kỳ họp hầu trực tuyến, 157 nguyên thủ quốc gia và đại diện chính phủ dự kiến sẽ gặp mặt trực tiếp tham dự Đại hội đồng. (Ảnh của Michael M. Santiago / Getty Images) Nguồn: Getty / Michael M. Santiago / Getty Images

 

QUỐC TẾ - Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ở đó Úc thể hiện rõ ràng lập trường ủng hộ Ukraine. Chính phủ Úc cũng đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ trong nước, bắt đầu với cộng đồng người khuyết tật và Thổ dân.

 

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp ở New York, Thượng nghị sĩ Penny Wong thể hiện rõ lập trường ủng hộ Ukraine, giữa lúc nước này vẫn đang bị các lực lượng Nga vây toả.

 

Người đồng cấp Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, yêu cầu Úc hỗ trợ quân sự bổ sung, bao gồm thêm nhiều xe Bushmaster hơn nữa và cần thêm 12 xe Howitzer.

Ngoại trưởng Úc nói Úc sẽ làm tất cả những gì có thể.

Dĩ nhiên chúng tôi luôn có thể làm được nhiều hơn thế, và chính phủ Úc sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp mà chúng tôi có thể hỗ trợ người dân Ukraine.

 

Tuy nhiên sự hiện diện của bà Wong tại New York không chỉ đặt mục tiêu với Ukraine mà thôi mà còn là về sự thiết lập lại các mối quan hệ.

 

Trong đó Trung Quốc được ưu tiên số một.

 

Các kế hoạch đang được tiến hành để Ngoại trưởng Penny Wong hội kiến người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, đây là cuộc gặp thứ hai sau ba tháng.

Về vấn đề Trung Quốc, tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẵn sàng mở rộng mọi sự tham gia của cả hai bên. Tôi hiểu những thỏa thuận đang được hoàn thiện, và nếu chúng được hoàn tất, thì tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ có một cam kết rất hiệu quả. Điều tôi muốn nói ở đây là lập trường của chúng tôi, dù ở trong cuộc hội kiến hay ở bên ngoài, thì vẫn nhất quán và đó là một lập trường vì lợi ích quốc gia của nước Úc.

 

 

Chính phủ cũng đang cố gắng giải quyết ổn thỏa mọi chuyện với người Pháp.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles đã xem xét lại quyết định của cựu thủ tướng Scott Morrison, có thể loại bỏ gần 50 trực thăng Taipan do Airbus và thay thế bằng những chiếc Black Hawks do Mỹ sản xuất.

 

Tuy nhiên, chính phủ Pháp nắm cổ phần của Airbus, nhà sản xuất trực thăng Taipan, dẫn đến một số lo ngại rằng mối quan hệ có thể gặp nguy hiểm một lần nữa, sau vụ Úc bất ngờ hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm trị giá 90 tỷ đô-la khiến quan hệ song phương căng thẳng.

 

Ông Marles nói với ABC rằng ông tin mối quan hệ với Pháp đang tiến triển.

Chính sự thiếu trung thực trong quá khứ đã khiến mọi thứ đi chệch hướng. Chúng ta cần phải hoàn toàn thẳng thắn với Pháp về quá trình làm việc và những vấn đề đang được xem xét, và đó là những gì chúng tôi đang làm.

 

Chính phủ dường như cũng đang cố gắng hàn gắn với cộng đồng bản địa.

 

Ngoại trưởng đã công bố kế hoạch bổ nhiệm một Đại sứ các dân tộc thuộc Những người Úc Đầu tiên, như là một vị trí thuộc ban chính sách đối ngoại của Úc.

 

Thượng nghị sĩ Patrick Dodson nói ông ủng hộ kế hoạch này.

Tầm quan trọng của một tiếng nói bản địa trong các hội trường này và trong các cấu trúc này, song song với công việc mà chúng ta đang thực hiện về việc đưa tiếng nói của Thổ dân vào quốc hội, cũng như nhu cầu ngày càng phải có thêm nhiều tiếng nói của những người Úc đầu tiên, trong các biện pháp cải cách của chính phủ, nhằm thiết lập lại các mối quan hệ trong nước của chúng ta.

 

Một mối quan hệ khác đã chín muồi và đến lúc phải gắn kết đó là với cộng đồng người khuyết tật.

 

Tổng trưởng Chương trình Bảo hiểm Người khuyết tật Quốc gia NDIS nói một ủy ban giám sát sẽ được thành lập để xem xét một khối lượng lớn các trường hợp chưa giải quyết còn tồn đọng.

 

Có tới gần 4.000 vụ kiện chưa được đưa ra xét xử tại Tòa Kháng cáo Hành chính (AAT).

 

Tổng trưởng Bill Shorten nói những con số đòi hỏi phải có sự kiểm tra độc lập, liên quan đến các quyết định lập kế hoạch khiến cho toàn bộ quá trình bị tổn hại nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Tôi hiểu rằng đôi khi sẽ có những bất đồng trong kế hoạch vạch ra, nhưng theo ý kiến ​​của tôi - đặc biệt trong những năm gần đây – chương trình NDIS được quản lý không phải bằng các quyết định lập kế hoạch hợp lý hoặc bằng những sự đánh giá nội bộ, mà chủ yếu là bằng cách tham khảo kết luận của Toà Kháng cáo Hành chính AAT. Và điều này chỉ đơn giản là một cách làm ngu ngốc, một cách quản lý kế hoạch tồi tệ... Tôi nghĩ rằng đã có sự lạm dụng quá mức các luật sư bên ngoài và nó đã tạo ra một cuộc đấu tranh không công bằng giữa David và gã khổng lồ Goliath.

 

Nếu một vài thành viên của cộng đồng người khuyết tật phải cật lực đấu tranh để có được sự hỗ trợ, thì một thách thức cũng được chú ý không kém đó là cuộc chiến mà họ phải đối mặt để tìm kiếm cơ hội làm việc.

 

Một cuộc điều tra của Thượng viện đã lắng nghe bằng chứng về các chương trình hỗ trợ việc làm nhằm khuyến khích người sử dụng lao động nhận những người tìm việc là người khuyết tật.

 

Nhưng thành viên hội đồng Người khuyết tật Úc Clare Gibellini đã làm chứng trước phiên điều trần rằng các chương trình này được tài trợ không đầy đủ và không hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của tôi, trong số những người mà tôi đã hỗ trợ, tôi nhận thấy đó không phải là một chương trình đặc biệt hiệu quả. Tôi chưa thấy nhiều bằng chứng thực tế về việc tài trợ - bạn biết đấy, trợ cấp lương bổng và những khoản tương tự - thực sự được phát triển thành một kế hoạch hỗ trợ đúng đắn.

 

Bà nói lĩnh vực dịch vụ việc làm cho người khuyết tật phần lớn không hiệu quả.

 

Ước tính rằng khoảng một nửa số người lãnh trợ cấp jobseeker của Centrelink thực sự bị bịnh hoặc bị tàn tật, và trợ cấp này được xem là một cách để họ có thể bước chân vào và tiếp cận thị trường việc làm.

 

Nhưng bà Gibellini nói những nhân viên làm việc cho các nhà cung cấp dịch vụ thường không có thời gian, không được đào tạo hoặc không có khuynh hướng tìm kiếm công việc thích hợp cho khách hàng khuyết tật của họ - và cuối cùng chính những người đi tìm việc phải trả giá.

Tôi từng làm việc với một người đàn ông trẻ ở tây nam Western Australia, đó là một đầu bếp bánh ngọt vô cùng xuất sắc. Anh ấy đã tốt nghiệp trường TAFE, nhưng vẫn tiếp tục nhận những công việc thu gom xe đẩy tại siêu thị Woolworths thay vì được giúp đỡ tiếp cận với rất nhiều nhà máy sản xuất rượu vang, nhà hàng và quán cà phê, mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại miền sông nước Margeret River. Không hề có và dường như không ai màng đến việc thực sự đầu tư vào con người.

 

Hệ thống Centrelink có vẻ sẽ bị soi chiếu và thống trị tin tức trong những ngày và tuần sắp tới.

 

Một Ủy ban điều tra thượng viện về vụ bê bối Robodebt sẽ được tiến hành ở Brisbane vào tuần sau, với một phiên điều trần công khai đầu tiên sẽ được tổ chức vào thứ Ba.

 

Trong khi đó, đối với những người đi làm, chi phí giữ trẻ là một vấn đề lớn.

 

Giá dịch vụ giữ trẻ đã tăng 41% trong tám năm qua - và chính phủ liên bang nay thông báo gần 11 triệu đô-la sẽ được trích ra trong ngân sách, dành cho một cuộc điều tra kéo dài một năm của Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc về lĩnh vực giữ trẻ này.

 

Tổng trưởng Tài chính, Katy Gallagher, nói.

Tôi không nghĩ rằng mọi thứ đang rõ ràng - và minh bạch - về những gì đã tác động lên giá tiền giữ trẻ. Chi phí dịch vụ giữ trẻ tăng lên và các gia đình phải đáp ứng. Chúng tôi có chính sách về việc giảm chi phí giữ trẻ, nhưng quan trọng là trước hết chúng tôi cần phải hiểu được động lực đằng sau những sự gia tăng chi phí đó là gì.

 

Đảng Lao Động sẽ không chờ đợi kết quả của cuộc điều tra để có thể chuyển hướng lịch trình về các chính sách giữ trẻ.

 

Tổng trưởng Giáo dục, Jason Clare, nói ông sẽ tung ra một dự luật vào tuần tới nhằm nâng tỷ lệ trợ cấp giữ trẻ lên tối đa 90% cho đứa con đầu lòng trong gia đình.

 

Hành động này nếu thành công dự kiến sẽ cắt giảm chi phí trả tiền giữ trẻ cho hơn 96% các gia đình có con em đang gởi nhà trẻ.

 

Ông Jason Clare nói đây không chỉ là việc giúp đỡ cha mẹ mà còn là về tương lai kinh tế của nước Úc.

Đối với mỗi đô-la đầu tư vào giáo dục mầm non, sẽ tạo ra hai đô-la cho nền kinh tế của chúng ta. Đó là lý do tại sao nếu mọi người nói đầu tư vào dịch vụ chăm sóc trẻ em là phúc lợi hay trợ cấp thì họ đã nói sai. Đây là sự cải cách kinh tế.