Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 6 tuần qua.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien của ông Trump nhiễm Covid-19. (Nguồn: New York Times)
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan kêu gọi chính phủ các nước cần phản ứng nhanh chóng và thông tin một cách minh bạch nhằm đảm bảo số lượng ca mắc Covid-19 thấp cũng như các ổ dịch "không liên tục tái bùng phát và lây nhiễm cao trong cộng đồng".
Theo ông Ryan, để kiểm soát một cách hiệu quả tình trạng gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19, các nước cần một sự can thiệp "kiên quyết, rõ ràng và liên tục" ở mức cộng đồng. Một điều quan trọng không kém là chính phủ các nước cần "trung thực và đáng tin cậy" cũng như "thông tin sự thật" cho công chúng.
Theo thống kê từ trang Worldometers, tính đến 6h ngày 28/7, toàn cầu ghi nhận 16.618.573 người nhiễm Covid-19, trong đó có 655.648 ca tử vong và 10.214.573 bệnh nhân bình phục.
* Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.429.863 ca bệnh và 150.394 ca tử vong.
Thống kê của Worldometers cho thấy, trong ngày 26/7, Mỹ ghi nhận thêm 58.024 ca mắc Covid-19 và 546 ca tử vong. Số ca mắc mới tại Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là các tiểu bang ở miền Nam và Tây nước này như California, Texas, Alabama và Florida.
Ngày 27/7, Tòa Bạch Ốc thông báo, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Robert O'Brien, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
* Sau Mỹ là Brazil với 2.442.375 ca mắc Covid-19 và 87.618 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 1.482.503 ca mắc và 33.448 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm gần 50.000 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nhà chức trách Ấn Độ đang đẩy nhanh việc tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người dân và đến nay hơn 16 triệu người đã được xét nghiệm.
* Tại châu Âu, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, buộc nhiều nước phải siết chặt các hạn chế. Tính tới nay, châu Âu đã ghi nhận 2.799.856 ca nhiễm bệnh với 201.662 ca tử vong.
Ngày 27/7, Anh để ngỏ khả năng đưa Đức và Pháp vào danh sách cách ly 14 ngày, sau khi áp dụng quy định tương tự với những người đến từ Tây Ban Nha.
Giới chức Đức dự kiến xem xét yêu cầu những người vừa đi nghỉ mát về phải tiến hành xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bayern có kế hoạch dựng các điểm xét nghiệm tại 2 nhà ga lớn nhất của tỉnh gồm thành phố Munich và Nuremberg, cũng như tại một số điểm trên các tuyến đường cao tốc.
Tại Pháp, giới chức nước này đã ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các bãi biển ở khu nghỉ dưỡng Quiberon. Còn tại Romania, Chính phủ nước này cũng đang cân nhắc phong tỏa hàng chục khu vực sau khi số ca mắc Covid-19 ở nước này tăng kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp.
Tại Bỉ, giới chức y tế cảnh báo nước này đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng ở mức "đáng lo ngại", với số ca nhiễm trong tuần vừa qua tăng hơn 70% so với tuần trước đó. Tính đến ngày 27/7, Bỉ xác nhận 66.026 ca mắc Covid-19, trong đó có 9.821 ca tử vong.
Trong khi đó, tình hình dịch ở Ba Lan cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu, đặc biệt tại vùng mỏ Silesia ở miền Nam. Dự kiến, các quan chức y tế Ba Lan sẽ tổ chức họp bàn về các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai và thảo luận việc áp đặt trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
* Cùng cảnh với "Lục địa già", nhiều nước châu Á cũng đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tính tới nay, châu Á ghi nhận 3.971.003 người nhiễm Covid-19, trong đó có 91.170 ca tử vong.
Ngày 27/7, giới chức y tế Trung Quốc cho biết, trong 24 giờ qua, phát hiện thêm 61 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca "nhập khẩu" và 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ ngày 14/4.
Trong khi đó, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong cũng thông báo ghi nhận thêm 145 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ trước tới nay, phần lớn là ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trưởng đặc khu Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cho biết đã cầu viện chính phủ Trung Quốc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 và được Trung ương cam kết chi viện, trong đó có việc cử các chuyên gia giúp đỡ xây dựng bệnh viện dã chiến.
Tại Nam Hàn, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh nước này (KCDC) ngày 27/7 xác nhận thêm 25 ca mắc Covid-19, trong đó có 16 ca "nhập khẩu", nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.175 ca. Cuối tuần qua, Nam Hàn đã phải đóng cửa một tòa nhà chính phủ tại trung tâm thủ đô Seoul, sau khi một viên chức có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Nhật Bản đang thúc các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu 70% làm việc từ xa và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 liên quan đến công sở tăng lên. Dù Nhật Bản đã tránh được xu hướng lây nhiễm trên quy mô lớn, song việc số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo và các khu vực đô thị khác đã tăng mạnh trong tuần qua khiến các chuyên gia lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trong ngày 27/7, số ca nhiễm mới ở Tokyo đã giảm lần đầu tiên trong 7 ngày qua xuống dưới mức 200 ca, cụ thể là 131 ca. Tuy nhiên, đây là ngày thứ 18 liên tiếp, số ca nhiễm mới tại thành phố này trên ngưỡng 100.
* Ở khu vực Trung Đông, giới chức y tế Iraq đã quyết định sẽ áp đặt giới nghiêm cả ngày trong dịp lễ Eid al-Adha sắp tới, cụ thể từ ngày 30/7 đến ngày 9/8. Trong ngày này, Iraq ghi nhận thêm 2.553 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 112.585. Số ca tử vong đã tăng thêm 78 ca lên 4.362 ca.
* Trong khi đó, tại châu Phi, số ca mắc Covid-19 tại đây tính đến sáng 28/7 đã lên tới 862.641 ca, trong đó có 18.206 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực là Nam Phi, với 452.529 ca bệnh, tiếp đến là Ai Cập, Nigeria và Morocco.
* Tại Úc, chỉ một ngày sau khi ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, ngày 27/7, nước này ghi nhận thêm 532 ca bệnh. Tính đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn Úc là 14.935 người, trong đó có 161 ca tử vong.