Hình ảnh đồ họa được sử dụng để minh họa các loại vũ khí mới của Nga (AFP)

(Theo BBC Việt ngữ)

 

 

Ngày Hội nghị An ninh Munich khai mạc, báo cáo hàng năm của một viện nghiên cứu quốc tế về an ninh, quốc phòng nói chi tiêu quân sự toàn cầu tăng và các nước nay cạnh tranh với nhau 'qua các biện pháp chỉ dưới mức chiến tranh'.

 

Hội nghị An ninh Munich khai mạc hôm 14/02 ở thủ phủ bang Bavaria, Đức với các phát biểu phê phán Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đến từ nước chủ nhà.

 

Tổng thống Đức Frank Walter-Steinmeier trong diễn văn khai mạc Hội nghị an ninh quốc tế thường niên ở Munich đã nêu tên ba quốc gia, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Ông nói cuộc cạnh tranh 'tay ba' này đang "đe dọa trật tự toàn cầu và niềm tin", làm tăng lên sự bất an.

"Mỗi nước đó chỉ nhìn thấy vị trí của mình, và đặt quyền lợi lên trên tất cả các nước khác."

Nhà lãnh đạo Đức lên án "cách tiếp cận ba đại cường" với ngoại giao quốc tế.

"Ngay cả đồng minh gần gũi nhất của chúng ta là Hoa Kỳ, dưới thời của chính phủ hiện hành, đã bác bỏ ý tưởng về một cộng đồng quốc tế."

Theo ông Walter-Steinmeier, hậu quả là "chỉ có thêm sự bất tín, thêm vũ khí, ít đi an ninh, an toàn, thậm chí tới cả chỗ có cuộc chạy đua hạt nhân mới".

 

Người từng nắm ngành ngoại giao Đức trong sáu năm cũng nhắc lại "Đồng thuận Munich 2014" khi Đức tỏ ý sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm an ninh cho chính trị toàn cầu.

 

Tuy thế, có mặt tại hội nghị, quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đã bác bỏ ý kiến rằng nước ông "đi con đường riêng".

 

Ông Dương bỏ nói tiếng Trung, chuyển sang tiếng Anh để nhấn mạnh đoạn trong bài diễn văn rằng Trung Quốc vẫn muốn một trật tự đa phương:

"Lịch sử dạy chúng ta rằng chúng ta chỉ có thể đạt giấc mơ của nhân dân bằng việc duy trì đa phương, và cải thiện hợp tác toàn cầu."

Từ phía Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (Đảng Cộng hòa) lên tiếng bênh vực cho Tổng thống Donald Trump.

Ông Graham diễn giải ý ông Trump "Nước Mỹ trên hết (America First) chỉ có nghĩa là các đồng minh của Hoa Kỳ cần chia sẻ gánh nặng an ninh.

 

 

Chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng

Cùng ngày, văn bản của Viện International Institute for Strategic Studies (IISS), mang tên 'Cân bằng Quân sự' (Military Balance) vẽ ra bức tranh không sáng sủa về an ninh toàn cầu.

 

Không chỉ ở các nước ngoài châu Âu, mà tại châu lục luôn nói là trụ cột cho hòa bình sau Thế Chiến 2 và Chiến tranh Lạnh, chi tiêu cho quốc phòng năm 2019 cũng tăng thêm 4,2% so với 2018.

 

Trong khi đó, năm 2019 ghi nhận 6,6% trong chi tiêu quân sự của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

Châu Á là lục địa tăng chi tiêu quốc phòng mạnh nhất, một phần để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong cả một thập niên qua, chi tiêu quốc phòng châu Á tăng 50%, cũng nhờ GDP của nhiều nước tăng lên đáng kể.

'Military Balance' cũng chỉ ra các tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ quân sự, nhất là về phương tiện bay không người lái (UAV).

Về mặt chiến lược, cả Nga và Trung Quốc đều như đang trong quá trình phát triển phương tiện bay siêu thanh, và tên lửa siêu âm nhằm hóa giải hệ thống phòng không truyền thống.

Điều đáng lo ngại là nay các nước nay cạnh tranh với nhau qua "các biện pháp chỉ dưới ngưỡng chiến tranh", theo Military Balance.

Tài liệu này nói đến vụ Nga sáp nhập Crimea; can thiệp vào Đông Ukraine, việc Nga dùng vũ khí hóa học tấn công tại Anh dù Moscow luôn phủ nhận.

Ngoài ra, việc dùng các nhóm 'thân hữu" của Iran bên ngoài lãnh thổ nước này cũng bị nêu ra.

Cũng trong thời gian qua, giới quan sát đã nêu ra những mối đe dọa khác cho an ninh toàn cầu như cuộc chạy đua vũ trang bằng trí tuệ nhân tạo và chiến tranh mạng.

Mới đây nhất có thêm việc thử nghiệm các loại tên lửa có thể chuyên chở vũ khí nguyên tử và triển khai chúng vào không gian vũ trụ.